Làm chủ ánh sáng là một vấn đề khó không chỉ trong nhiếp ảnh nói chung mà còn trong nhiếp ảnh sản phẩm nói riêng. Cùng với vô vàn các loại vật liệu của sản phẩm khác nhau, ánh sáng từ các nguồn khác nhau sẽ gây ra các hiệu ứng khác nhau. Việc tìm hiểu cặn kẽ về tính chất của các loại ánh sáng và tương tác của chúng với vật liệu là điều kiện tiên quyết cho các bức ảnh sản phẩm đẹp mắt. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu các loại phản xạ trong nhiếp ảnh, từ đó có cách điều khiển phù hợp để cho ra những hiệu ứng mà chúng ta mong muốn.
Trong nhiếp ảnh nói chung và nhiếp ảnh sản phẩm nói riêng, việc am hiểu về các loại phản xạ ánh sáng là vô cùng cần thiết vì trong chụp ảnh sản phẩm, chúng ta phải làm việc với nhiều loại vật liệu khác nhau. Các loại vật liệu thì đều có tính chất phản xạ khác nhau. Để làm chủ được hình ảnh chúng ta mong muốn, việc đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu về các loại ánh sáng, làm sao để tạo ra được nó và cách các loại ánh sáng này tương tác với vật liệu ra sao. Từ đó chúng ta sẽ tìm ra cách để có được hiệu ứng ánh sáng như mong muốn.
Phản xạ thì chắc không cần phải ví dụ nhiều vì hầu hết các vật đều ko phát ra ánh sáng, chúng ta nhìn thấy chúng là do ánh sáng phản xạ từ chúng vào mắt người, tạo ra hình ảnh. Trong thực tế, có 3 loại ánh sáng phản xạ:
– Phản xạ trực tiếp (Direct reflection)
– Phản xạ khuếch tán (Diffused reflection)
– Flare
Hầu hết các bề mặt của các vật đều ít nhiều sinh ra một hoặc cả 3 loại phản xạ này. Trong khi các bề mặt kim loại, gương, nhựa bóng chủ yếu phản xạ trực tiếp ánh sáng chiếu tới thì các bề mặt nhựa, giấy, gỗ….thì cho phản xạ khuếch tán là chủ yếu.
– Phản xạ trực tiếp (Direct reflection): Ví dụ điển hình cho loại phản xạ này là gương. Gương là một bề mặt mà khi ánh sáng tới sẽ gây ra hiện tượng phản xạ trực tiếp theo góc bằng với góc tới của ánh sáng.
Ở hình trên, ánh sáng từ nguồn sáng (VD mặt trời) bên trái chiếu vào gương, gây ra phản xạ trực tiếp tới camera 3, và điều hiển nhiên chỉ duy nhất camera 3 là nhìn thấy hình ảnh của mặt trời. Camera 1 và 2 không nhận được ánh sáng từ mặt trời —> Ko nhìn thấy mặt trời.
– Phản xạ khuếch tán (Diffused reflection): Hầu hết các vật liệu khác như giấy trắng đều gây ra phản xạ khuếch tán, nghĩa là khi ánh sáng đập vào các bề mặt này thì ánh sáng bị phản xạ phân tách ra và phản xạ theo các hướng khác nhau.
Như ảnh trên thì ánh sáng từ nguồn sáng gặp bề mặt phản xạ là giấy trắng sẽ gây ra phản xạ khuếch tán theo các hướng khác nhau, kết quả là cả 3 camera đều sẽ nhìn thấy ánh sáng từ tờ giấy trắng —> Cả 3 camera sẽ đều nhìn thấy tờ giấy trắng, ánh sáng này gọi là ánh sáng khuếch tán. Điều này lý giải cho toàn bộ tác dụng của các thiết bị studio mà đơn giản nhất chính là diffuser, softbox và reflector card được sử dụng để tán đều ánh sáng, kết quả là bức ảnh sẽ sáng dịu và đều hơn.
– Flare: Flare là một hiện tượng quang học do ánh sáng phản xạ trong các thấu kính của lens gây ra.
Có 2 hiện tượng chính của Flare gây ra mà chúng ta gặp khi hướng máy vào vùng có nguồn sáng mạnh. Một là chúng ta thấy hẳn nguồn sáng và nhiều tia sáng lóe ra từ nguồn sáng nếu nguồn sáng nằm trong vùng nhìn thấy của máy ảnh (Angle of view). Nếu nguồn sáng nằm ngoài vùng này nhưng ánh sáng phát ra mạnh thì sẽ có nhiều tia sáng không mong muốn đi vào ảnh, phản xạ trong các thấu kính của lens gây ra hiện tượng haze (lóa). Khi hiện tượng lóa xảy ra, ảnh sẽ bị giảm Contrast và Hue.
Như vậy, để giảm thiểu haze, chúng ta phải cắt được phần ánh sáng không mong muốn có thể đi vào lens. Đây cũng là công dụng của các hood gắn trên lens, chúng sẽ giúp cắt đi các ánh sáng này, kết quả là bức ảnh ko có haze, ảnh trong trẻo hơn. Đó là lý do tại sao khi chụp ảnh ngoài trời nắng, chúng ta nên sử dụng lens hood (tất nhiên là ngày mây mù thì có hay ko có hood cũng không khác gì).
Tuy nhiên, nếu biết sử dụng thì haze hay flare cũng sẽ tạo được các vẻ đẹp của riêng nó, tất cả là tùy thuộc vào chúng ta, khi chúng ta hiểu, chúng ta có thể sử dụng flare theo ý chúng ta muốn.
—
Bản quyền thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo Academy
Không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý từ Chimkudo Academy
2 Comments
Pingback: Chụp ảnh sản phẩm – Hiểu về phản xạ trực tiếp và khuếch tán | Chimkudo.com - Nhiếp Ảnh Sản Phẩm
Pingback: Học chụp ảnh - Chụp ảnh sản phẩm - ChimkudoPro | Chụp nhẫn đôi – Couple rings shot