Các nhiếp ảnh gia am hiểu về thuật ngữ nhiếp ảnh chắc chắn đã quá quen với thuật ngữ cân bằng trắng (White Balance). Tuy nhiên, cân bằng trắng không phải là yếu tố duy nhất cần quan tâm khi nói về ánh sáng. Một yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng lớn tới chất lượng của nguồn sáng, hay nói đơn giản, ảnh hưởng tới chất lượng hình ảnh, video, đó chính là CRI – Color Render Index, chỉ số hoàn màu hay khả năng tái tạo màu sắc của nguồn sáng.
CRI là gì?
CRI viết tắt của Color Rendering Index (Chỉ số hoàn màu). Nó có giá trị từ 0 đến 100. Chỉ số càng cao, khả năng hiển thị màu sắc càng trung thực.
Hiểu một cách đơn giản thì nó cho biết có thể tái hiện được bao nhiêu % màu sắc của chủ thể khi sử dụng để chiếu sáng.
Trong thang này, 100% là mức cao nhất, là ánh sáng mặt trời, nghĩa là VD đối tượng của chúng ta có 100 màu thì khi chiếu sáng bằng mặt trời, chúng ta thu được hình ảnh của đối tượng với 100 màu.
Hiện nay, hầu hết các nguồn sáng đều có xếp hạng CRI. Và các đèn được trang bị trong nhà có chỉ số CRI trong khoảng 80, cho biết khả năng hiển thị màu sắc ở mức độ chấp nhận được.
Ánh sáng được đánh giá như thế nào?
CRI cũng có những hạn chế nhất định, vì vậy việc biết ánh sáng được đánh giá như thế nào là rất quan trọng.
CRI sử dụng một bộ gồm 15 mẫu màu. Và chúng ta đều biết được màu này trông như thế nào dưới ánh sáng tự nhiên. Người ta sử dụng các mẫu chuẩn này để so với kết quả khi sử dụng các nguồn sáng nhân tạo, xem nó đạt được bao nhiêu phần trăm so với ánh sáng tự nhiên.
Kết quả cho từng mẫu được đánh dấu từ R1 đến R15. Nhưng đối với các xếp hạng thông thường, chỉ sử dụng tám số đầu tiên. Sau đó, chúng được tính trung bình cộng để tạo ra giá trị Ra (a = average (trung bình)). Tuy nhiên, điều này thường được gọi là CRI. Thực tế, Ra và CRI đều có nghĩa như nhau.
Red R9
Vấn đề của CRI là nó sử dụng giá trị tung bình, vì vậu một lỗi lớn về một màu có thể được bù đắp bởi kết quả tốt hơn của các màu khác. Màu sắc có vấn đề nhất là màu đỏ đậm (deep red), kết quả của màu này ẩn sau kí hiệu R9 và không được sử dụng cho Ra (hoặc CRI). Nhớ rằng CRI sử dụng tám màu đầu tiên
Màu đỏ (R9) có trong màu da, do đó các nhiếp ảnh gia mong muốn màu này được tái tạo chính xác nhất.
Đó là lý do tại sao một số đèn cung cấp màu sắc chính xác hơn và liệt kê cả xếp hạng CRI và giá trị R9. Thật không may, điều này hiện không còn phổ biến.
Như bạn sẽ sớm thấy, màu đỏ được hiển thị tốt là tiêu chí quan trọng hơn nhiều so với chỉ số CRI cao, và có giá trị trên 50 thì được xem là tốt.
Ngoài CRI còn có các hệ thống đánh giá ánh sáng mới hơn như TLCI, TLFM, TM-30, v.v. Tuy nhiên, hiện tại các xếp hạng này không được tìm thấy trên các đèn thông thường, nên tôi sẽ không đề cập đến chúng.
Ánh sáng mặt trời và nến: Những ánh sáng lý tưởng
Chỉ số CRI được thiết kế dựa trên ánh sáng mặt trời, vậy không có gì ngạc nhiên khi CRI của ánh sáng mặt trời xấp xỉ 100.
Phổ thông thường của các tần số ánh sáng ngoài trời trông như thế này:
Biểu đồ thể hiện các tần số và mức độ tương đối của chúng trong ánh sáng. Bản thân cường độ ánh sáng(tương đương với công suất W) không đóng vai trò gì. Cả CRI và R9 đều cao đối với ánh sáng mặt trời bất chấp phương pháp đo lường đơn giản của tôi.
Nến cũng phát ra ánh sáng tốt tương tự, nhưng có nhiệt độ màu thấp hơn nhiều. Nghĩa là nó khiến mọi thứ trông có màu cam. Phổ của nó trông rất khác biệt, nhưng đó là khi so sánh với phổ lý thuyết, lý tưởng cùng nhiệt độ. Ngay cả bằng mắt thường, bạn cũng có thể nói biểu đồ trông tốt và màu sắc chuyển sang tông ấm hơn một cách đồng đều và có thể dự đoán được so với ánh sáng ban ngày.
Ánh sáng tệ nhất: Đèn đường
Tôi đã đo màu sắc ban đêm bằng đèn Natri (đèn đường thông thường), kết quả đo cực kỳ tệ. Chỉ số CRI của nó chỉ là 6. Thật thú vị, giá trị R9 thậm chí còn là -267, điều này có thể xảy ra với từng màu riêng lẻ.
Đèn Natri phát ra một dải tần số rất hạn chế, tạo ra ánh sáng vàng mà chúng ta nhìn thấy. Dựa trên nguyên tắc hoạt động của ánh sáng, để nhìn thấy một vật màu tím, các tần số thích hợp với bước sóng ánh sáng tím phải được phản lại từ vật đó. Tuy nhiên với đèn Natri, hầu như không có tần số nào khác ngoài màu vàng. Do đó, các vật thể màu tím dưới ánh sáng đèn Natri sẽ trở thành màu đen đối với chúng ta.
Lần tới khi đi dạo phố và ban đêm, hãy chú ý đến việc bạn trông thấy rất ít xe hơi màu xanh lá cây. Chúng vân có màu xanh lá cây, nhưng đối với bạn thì chúng trông giống màu đen hoặc xám do ánh sáng đèn đường không thể truyền tải màu tím. Tương tự với màu xanh dương. Tuy nhiên, đèn Natri vẫn phát ra một chút ánh sáng xanh nên đôi khi bạn có thể nhìn thấy màu xanh. Nhưng cần lưu ý rằng hiệu ứng này chỉ hoạt động ở những nơi chỉ có đèn đường Natri và không có nguồn sáng nào khác ở gần như cửa sổ nhà, đèn pha ô tô, ánh sáng từ bầu trời đêm, v.v.
Hình ảnh trên cho thấy sự so sánh giữa đèn đường Natri với cùng một cảnh được chụp vào ngày hôm sau dưới ánh sáng mặt trời. Phơi sáng 15 giây với đèn Natri cho thấy một chút màu xanh lam, nhưng màu xanh lá cây thì không có và màu đỏ của nó rất xấu.
Đó là lý do tại sao bạn chụp ảnh thành phố vào ban đêm, bạn có thể cố gắng hết sức nhưng không có lựa chọn cân bằng trắng nào mang lại cho bạn màu sắc hoàn toàn chính xác.
Như vậy, chúng ta thấy được rằng chỉ số CRI quan trọng tới mức nào. Thông thường chỉ số CRI này hay bị chúng ta bỏ qua khi đi mua đèn, bất kể là đèn bàn học, nhà tắm, đèn chiếu sáng trong nhà, ngoài trời…..mà thường chỉ quan tâm tới công suất.
Bạn có thể mua 1 cây đèn công suất 1000W(CRI 80) chỉ với giá 5tr, nhưng 1 cây đèn 500W có CRI 95-98 thì có thể lên tới 10-15tr là điều rất bình thường.
Credit
—
Dịch từ bài viết gốc trên Zoner
Chú giải thêm bởi Chimkudo