Storyboard có thể được coi là một dàn bài trực quan cho những buổi chụp ảnh hoặc quay video. Nó giúp đảm bảo những người tham gia dự án có thể hình dung rõ ràng sản phẩm cuối cùng mong muốn. Ngay cả khi bạn chỉ đang chụp một mình, một storyboard có thể là một công cụ hữu hiệu để bạn đình hình rõ nét được tầm nhìn của mình hơn.
Dưới đây sẽ là một vài lời khuyên để dựng storyboard hiệu quả trong nhiếp ảnh.
Một storyboard cần có những gì?
Một storyboard bao gồm thông tin về khung cảnh, địa điểm và mô tả những hành động xảy ra trong khung hình. Nó sẽ còn chứa thêm những thông tin về thiết bị và kỹ thuật cần dùng.
Storyboard được cấu thành bởi những ô vuông khác nhau với hình minh họa hoặc ảnh chụp đại diện cho mỗi khung hình. Ngoài ra, nó còn có thêm cả những ghi chú về những hành động trong từng shot ảnh.
Có thể tưởng tượng storyboard như một cuốn truyện tranh về buổi chụp của bạn. Trong nhiếp ảnh, storyboard là một công cụ được dùng khi bạn muốn chụp nhiều ảnh khác nhau mà có sự tiếp diễn về mặt nội dung và có một sự mạch lạc giữa các bức ảnh.
Một ví dụ điển hình có thể là một buổi chụp ảnh thời trang có hơi hướng vintage, hoặc một buổi chụp lifestyle về một buổi picnic để đăng lên số đặc biệt mùa hè của một cuốn tạp chí đời sống.
Lên ý tưởng
Bước đầu tiên khi dựng storyboard trong nhiếp ảnh là phải hình thành ý tưởng về câu chuyện mà bạn muốn truyền tải qua những bức ảnh của mình, sau đó bạn sẽ cần xây dựng thêm từ ý tưởng đó.
Ý tưởng có thể khơi nguồn từ bất kỳ đâu. Có thể là bạn sẽ bắt gặp những bức ảnh truyền cảm hứng trên một cuốn tạp chí, hay là bạn nhìn thấy những khung cảnh đáng nhớ khi đi dạo xung quanh, hoặc cũng có thể là bạn tìm được cảm hứng trên Pinterest.
Việc thiết lập một moodboard để thu nhập nhiều ý tưởng khác nhau cũng là một cách hay để bắt đầu xây dựng ý tưởng. Khi thu thập ảnh, bạn cần phải để tâm đến mọi yếu tố từ mood, màu sắc, chủ đề đến câu chuyện, phong cách, tone và props. Tất cả những điều trên cần phải được cụ thể hóa và viết lại bằng câu chữ. Hãy nghĩ thử xem những loại props nào sẽ cần thiết, loại ánh sáng nào sẽ phù hợp, bạn sẽ cần phông nền như thế nào, có cần mẫu chụp hay không, hoặc liệu có cần quần áo đặc biệt cho mẫu không.
Một bức ảnh có thể đem đến nhiều thông tin chỉ từ một cái liếc mắt. Việc sưu tầm hình ảnh có những yếu tố tương đồng với tầm nhìn của bạn là một bước khởi đầu tốt. Cũng nên nhớ rằng những yếu tố trên đều không nhất thiết phải xuất hiện trong ảnh của bạn, nhưng chúng sẽ giúp định hướng bạn một cách tổng thể hơn.
Một cách hay khác để lên ý tưởng là thực hiện liên kết các từ ngữ liên quan. Bạn sẽ cần chọn một từ để miêu tả dự án của bạn, sau đó tìm thêm các từ đồng nghĩa với từ trên. Bài tập này có thể sẽ giúp bạn nảy ra những ý tưởng mới chưa được nghĩ đến. Việc liên kết từ như trên còn có thể khiến việc tìm kiếm ảnh tham khảo hoặc ảnh stock sau này dễ dàng hơn.
Bạn cũng có thể tìm kiếm tranh vẽ minh họa trên các trang như Envato hoặc Graphic River. Hình minh họa thường nắm bắt được những ý tưởng trừu tượng tốt hơn so với nhiếp ảnh.
Các công cụ dựng storyboard
Milanote là một công cụ dựng storyboard rất hiệu quả.
Khi làm việc với một nhóm người, sự đóng góp của từng thành viên nhiều khi sẽ bị cuốn trôi theo các dòng ghi chú hỗn loạn và hàng tá email. Bạn có thể vô tình bỏ lỡ những ý tưởng độc đáo vì điều này.
Ứng dụng Milanote không chỉ tốt khi làm việc nhóm, bạn có thể dùng dịch vụ này một cách cá nhân để lưu trữ mọi tài nguyên sáng tạo của bạn ở một nơi. Milanote có một kho template làm sẵn từ những chuyên gia trong ngành. Bạn có thể áp dụng chúng để bắt đầu công việc với team một cách nhanh chóng hơn. Ngoài ra, bạn còn có thể tạo bản mẫu của riêng mình và chia sẻ với các đồng nghiệp để dòng công việc trôi chảy hơn. Việc chia sẻ và hợp tác trên Milanote cũng rất dễ dàng. Bạn chỉ cần tạo storyboard và gửi link trực tiếp đến với nhóm làm việc của bạn.
Một công cụ hữu ích khác là Storyboarder. Ứng dụng này hoàn toàn miễn phí dành cho những người có nguồn vốn hạn hẹp. Storyboarder còn có thể đồng bộ hóa với Photoshop, bạn có thể chỉnh sửa từng khung hình kỹ lưỡng hơn trên Photoshop và nó sẽ được cập nhật thẳng lên Storyboarder. Ngoài ra, bạn cũng có thể xuất file Premiere, Final Cut, Avid, PDF hoặc GIF từ Storyboarder.
Xác định chi tiết cụ thể
Công đoạn thu thập ảnh và dựng moodboard là một bước quan trọng của toàn bộ quá trình này. Trước khi tạo được storyboard, bạn cần mài giũa và xác định từng chi tiết nhỏ của dự án.
Đây là lúc bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng mọi thông tin đã thu về và đưa ra những quyết định về phong cách. Những chi tiết này có thể là định dạng hình ảnh sẽ chọn hoặc kiểu ánh sáng sẽ được sử dụng. Hay là mood mong muốn trong bức ảnh: liệu bức ảnh sẽ có không gian trắng sáng mơ màng hay đen tối ma mị?
Khi đang hoàn thiện ý tưởng ở mức độ chi tiết, bạn cần nhớ rõ thông điệp muốn gửi gắm đến người xem. Hãy vận dụng trí sáng tạo của bạn để trả lời những câu hỏi trên.
Đừng quên rằng mỗi màu sắc lại đem đến một tâm trạng khác nhau, và ánh sáng cũng nắm quyền quyết định trong việc gây dựng cảm xúc không gian cho bức ảnh. Một bức ảnh thành công yêu cầu phải có sự xác định rõ ràng đến từng chi tiết như vậy.
Sàng lọc ý tưởng
Trước khi bắt tay vào vẽ storyboard, bạn cần nắm chắc những yếu tố nào là thực sự thiết yếu trong bức ảnh. Sau đó, bạn cần sàng lọc để loại bỏ những ý tưởng không cần thiết.
Hãy suy nghĩ về từng yếu tố mà bạn đã thu thập được. Cân nhắc xem chúng có thực sự hỗ trợ trong việc xây dựng tầm nhìn của bạn hay không, và chỉ để lại những yếu tố quan trọng nhất.
Đừng ngần ngại thẳng tay loại bỏ một ý tưởng, kể cả khi bạn cảm thấy rất thích ý tưởng này. Nếu nó không phục vụ nhu cầu cuối cùng, nó sẽ cần phải bị gạt đi.
Công đoạn sàng lọc này có thể sẽ tốn nhiều thời gian hơn cả việc xây dựng ý tưởng. Bản storyboard cứng cuối cùng sẽ là kim chỉ nam hướng dẫn công việc cho bạn, và thậm chí có thể là toàn bộ mọi người trong team.
Tạo layout
Chìa khóa để tạo layout tốt là phải cân nhắc mọi yếu tố trong bố cục và cách chúng sẽ được sắp xếp xuất hiện trong sản phẩm cuối cùng của bạn.
Khi dựng một cảnh có nhiều chi tiết, hãy nhớ đến tính hút mắt của từng chi tiết trong khung hình. Khả năng hút mắt của một vật có thể dựa vào kích cỡ, màu sắc và độ chi tiết của vật đó.
Thêm nữa, bạn không được quên phong cách và tone khi dựng storyboard. Mỗi khung hình cần phải có một sự hài hòa và thống nhất về kiểu cách và chủ đề, có thể là từ việc sử dụng màu sắc, cách vẽ,.. tương đồng.
Khi xếp layout, chú ý đến cả những kiến thức về bố cục như negative hoặc positive space, cũng như dòng chảy thị giác giữa những yếu tố khác nhau.
Kết luận
Dù thế nào đi chăng nữa, storyboard cũng chỉ là một công cụ.
Bạn sẽ cần lên kế hoạch trước cho mọi thứ của một buổi chụp để có được kết quả tốt, nhưng cũng đừng quá cứng nhắc và máy móc trong một quá trình sáng tạo. Đôi khi, trí tưởng tượng của bạn sẽ cần được bay xa và đưa ra những sáng kiến bộc phát.
Credits:
Bài viết gốc bởi Darina Kopcok tại expertphotography.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.