Đèn flash là một công cụ mạnh mẽ, nhưng sử dụng đèn flash cũng có thể rất phức tạp. Có thể bạn đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc với ánh sáng tự nhiên, các quy tắc về tam giác phơi sáng bạn cũng đã học thuộc lòng. Việc sử dụng đèn flash sẽ phá vỡ tam giác hoàn hảo đó, khiến cho nó giống một hình vuông phơi sáng hơn.
Bạn có thể biết cách xử lý từng thông số ra sao để đối phó với mọi điều kiện ánh sáng tự nhiên gặp phải, tuy nhiên chiếc đèn flash xuất hiện có thể thay đổi mọi thứ và khiến bạn bối rối ngay từ những bước đầu tiên. Tự dưng bạn sẽ phải cân nhắc thêm một loạt các yếu tố khác như công suất đèn, cường độ ánh sáng, hướng chiếu sáng, các light modifier, cân bằng ánh sáng môi trường và ánh sáng flash, độ phủ của đèn và kích cỡ đèn. Lúc này việc sử dụng flash giống như cân bằng một thập giác phơi sáng hơn là một hình vuông.
Nhưng cũng đừng nản chí vội! Những thông tin trên có thể sẽ khiến bạn e ngại, nhưng sau đây tôi sẽ cho bạn một vài lý do tại sao việc sử dụng đèn flash vẫn đáng để bỏ ra nhiều công sức học hỏi hơn.
1. Thực chất sử dụng đèn không khó đến thế
Cũng không phủ nhận việc học cách sử dụng một công cụ phức tạp như đèn flash sẽ tốn của bạn thời gian và sức lực. Nhưng nếu bạn đã đầu tư nhiều để học nhiếp ảnh sẵn rồi thì đây sẽ chỉ là bước tiếp theo để đưa sự nghiệp của bạn lên cao hơn. Chỉ bằng việc thử và mắc lỗi nhiều, bạn sẽ nhận ra được ngay tính đa dụng của chiếc đèn flash.
Đã bao giờ bạn phải dành nhiều thời gian Photoshop cho khuôn mặt trong ảnh sáng hơn vì khi chụp không đủ ánh sáng? Đèn flash sẽ có thể giúp bạn với việc đó. Đã bao giờ bạn chụp một bức ảnh bị nhòe do phải giảm tốc vì thiếu sáng? Đèn flash cũng sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này. Chỉ bằng cách mua một chiếc đèn flash rời máy, một chân trời nhiếp ảnh mới với vô vàn khả năng sẽ mở đến với bạn, và chỉ bằng cách học sử dụng chúng thì bạn mới có thể tiếp cận những tiềm năng này.
Chỉ sử dụng ánh sáng môi trường, mọi vật trong khung hình phủ một lớp màu cam
Chỉ thêm một đèn flash ở góc bên phải máy ảnh, các chủ thể nổi bật lên giữa khung nền ấm áp
2. Chi phí không đắt đỏ như bạn tưởng
Đúng là có những bộ flash rất tốt như Profoto B1 với mức giá khoảng 50 triệu đồng, nhưng bên cạnh đó bạn cũng có thể lựa chọn những đầu flash Yongnuo YN-560 với mức giá chỉ khoảng 1 triệu 500.
Trừ khi nhu cầu của bạn là phơi sáng cho những không gian rộng ngoài trời, bạn sẽ không cần đến những bộ đèn to đắt tiền. Bản thân tôi đã sử dụng những chiếc đèn flash của Yongnuo cho những job thương mại trong 4 năm qua và chúng chưa bao giờ khiến tôi thất vọng. Bạn có thể mua một vài chiếc đèn như vậy kèm trigger và bắt đầu thử tập tành đánh sáng, đây sẽ là khởi điểm cho kiểu ánh sáng chuyên nghiệp nhất trong nhiếp ảnh.
Việc có nhiều chiếc đèn khác nhau để chiếu sáng cho từng vùng khác nhau trong khung hình sẽ tốt hơn là chỉ có một chiếc đèn to chiếu sáng toàn bộ khung cảnh.
3. Có cách để dùng flash mà như không
Kỹ thuật này khá khó giải thích, nhưng lại rất dễ minh họa bằng hình ảnh. Ngoài trường hợp căn phòng mà bạn đang chụp thực sự tối om, khả năng cao là trong khung hình của bạn sẽ có một vài nguồn sáng môi trường.
Bước đầu tiên cần làm là sắp đặt thông số máy ảnh để thu được ánh sáng từ môi trường, kể cả khi chúng rất yếu (áp dụng những kiến thức về tam giác phơi sáng). Tiếp theo, hãy sắp xếp vị trí đèn flash và đặt đèn ở công suất thấp nhất rồi chụp thử một kiểu. Sau đó, bạn có thể tăng dần công suất đèn (mà không thay đổi thông số máy ảnh) cho đến khi ánh sáng đèn flash hòa lẫn với ánh sáng môi trường.
Hai loại ánh sáng rồi sẽ hòa lẫn với nhau, còn nếu bạn vẫn muốn ánh sáng môi trường yếu hơn hãy đọc phần tiếp theo.
Có ánh sáng tự nhiên chiếu vào từ cửa sổ, nhưng vùng shadow quá tối và cần được sáng hơn
Bằng cách thêm một đèn flash ở công suất mạnh nhất vào bên trái góc chụp, hai loại ánh sáng tự nhiên và flash đã hòa quyện với nhau, chiếu sáng các chủ thể và tạo hiệu ứng đổ bóng kịch tính
4. Bạn có thể điều chỉnh ánh sáng môi trường chỉ với một thông số
Kỹ thuật này có thể áp dụng với mọi loại máy ảnh có thể dùng đèn flash. Giả dụ như bạn đã tìm được các thông số hoàn hảo để kết hợp đèn flash và ánh sáng môi trường, và bạn đã thử chụp một số bức ảnh thử. Đột nhiên, Mặt Trời lại hé lộ từ đằng sau những tán mây khiến cho ánh sáng môi trường mạnh lên rõ rệt và phá hỏng mức sáng trong ảnh của bạn. Đừng lo, vì chỉ với một thông số bạn có thể giải quyết được vấn đề này, đó là tốc độ màn trập.
Việc thay đổi tốc độ sẽ không ảnh hưởng đến công suất đèn flash hay lượng ánh sáng đến sensor từ đèn, nó sẽ chỉ giới hạn (hoặc tăng thêm) lượng ánh sáng môi trường đến máy ảnh.
Tôi đã thực sự hạnh phúc khi mới biết được điều này: tôi có thể thay đổi một trong hai loại ánh sáng trong bức ảnh của tôi chỉ với một nút xoay. Bây giờ tôi có thể tùy chỉnh độ sáng trên những bức tường hay từ một ngọn nến trong ảnh. Có thể bạn sẽ lo lắng rằng việc tăng thời gian phơi sáng sẽ làm nhòe các đối tượng di chuyển trong khung hình. Nhưng với đèn flash thì không, tại vì đèn có thể “đóng băng” chuyển động của đối tượng mà nó đang hướng vào, vậy nên bạn sẽ không thiệt gì hết.
Hãy tận dụng tốc độ màn trập để điều chỉnh lượng ánh sáng môi trường trong ảnh của bạn, nhưng hãy nhớ đừng vượt quá sync speed của đèn.
Tốc độ màn trập của máy ảnh là 1/60s, đèn flash được đặt trên gác và trong bếp. Ánh sáng tự nhiên chiếu vào từ khung cửa bên phải.
Giảm tốc xuống 1/30s, lượng ánh sáng tự nhiên trong ảnh tăng gấp đôi, làm sáng vùng shadow mà không cần chỉnh sửa hậu kỳ
5. Đèn flash có thể tạo cảm xúc cho bức ảnh
Như bạn đọc đã thấy, tôi rất thích dùng đèn flash, thích cách tìm tòi những hiệu ứng có thể tạo được với những màu sắc, kích cỡ và góc đèn khác nhau.
Chỉ bằng cách đặt một đèn flash nhỏ ở một căn phòng khác, bạn có thể tạo thêm chiều sâu cho bức ảnh. Bạn có thể chiếu sáng để tăng phần cảm xúc cho bức ảnh, để phơi sáng cho một vật nào đó. Kỹ thuật này sẽ đưa bạn xa hơn chỉ là chụp những thứ có ở trước mắt, bạn có thể dùng đèn để dẫn mắt người xem vào những vùng khác nhau của bức ảnh.
Tôi đang thử trigger với một chiếc đèn Yongnuo 560, trước khi đặt đèn ở căn phòng đằng sau
chiếu flash vào bức tường xanh đằng sau khiến cả căn phòng có tone màu lạnh hơn, tương phản với màu sắc ấm áp của căn phòng phía trước
Hãy thử dùng đèn flash, biết đâu bạn sẽ thích nó. Và hãy bỏ qua những video trên mạng chỉ bảo bạn cách phải chiếu sáng như thế nào cho chuẩn, hãy thử nghiệm nhiều lần, xem phương pháp nào phù hợp với mình và thêm đèn flash vào túi đồ nghề của bạn. Không có cách nào là đúng, cũng không có cách nào là sai. Chỉ có gu thẩm mỹ của bạn mới là thước đo cuối cùng cho một bức ảnh.
Credits:
Trích nguồn bài viết của Jon Sparkman tại: petapixel.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.