Ảnh là thứ đầu tiên đập vào mắt khách hàng khi họ đang tìm kiếm thông tin trên mạng. Hình ảnh của thương hiệu trong mắt khách hàng được xây dựng từ những bức hình trước, và độ tin cậy cũng như giá trị sản phẩm của thương hiệu thường được quyết định bởi phong cách hình ảnh của nó. Vì vậy, styling ảnh sản phẩm luôn là bộ môn được rất nhiều foto và stylist quan tâm vì nó thực sự giúp sản phẩm kể được câu chuyện của mình.
Dưới đây sẽ là 10 lời khuyên để giúp bạn chụp được những bức ảnh sản phẩm xuất sắc hơn!
HIỂU RÕ THƯƠNG HIỆU
Trước khi lên kế hoạch chụp ảnh cho một sản phẩm, bạn sẽ cần phải hiểu rõ về thương hiệu của nó trước. Những bức ảnh của bạn sẽ cần lột tả những đặc điểm gì của nhãn hàng?
Bước đầu để thực hiện điều này sẽ là nói chuyện với khách hàng, hoặc có thể là xây dựng một bản sơ lược ý tưởng (creative brief). Bản sơ lược ý tưởng này sẽ được điền bởi bên khách hàng, nó sẽ trả lời những câu hỏi giúp cho nhiếp ảnh gia hoặc designer hiểu rõ được tầm nhìn của khách cho sản phẩm cuối cùng.
Nhiều lúc khách hàng sẽ khó miêu tả được là họ thực sự muốn sản phẩm như thế nào. Họ có thể đưa ra những tính từ rất chung chung như “vui vẻ” hay “nổi bật”, khiến cho người chụp ảnh khó có thể xác định được nhu cầu thực sự của họ.
Nếu bạn thu được nhiều thông tin chi tiết hơn, bạn sẽ càng dễ dàng trả cho khách những bức ảnh khiến họ hài lòng hơn.
Một số câu hỏi mà bạn nên đưa vào bản sơ lược ý tưởng có thể là:
- Thương hiệu muốn được nhìn nhận như thế nào?
- Ai sẽ là người xem những bức ảnh của thương hiệu?
- Đối thủ cạnh tranh chính của thương hiệu là gì?
- Một số từ để miêu tả thương hiệu?
- Những bức ảnh sẽ được sử dụng như thế nào?
Một phương pháp hiệu quả để giao tiếp với khách hàng tốt hơn là sử dụng mood board. Mood board có thể được tạo trên Pinterest hoặc Behance để bạn và khách hàng có thể cùng nhau lưu lại những bức ảnh mẫu phù hợp với thương hiệu trên đó. Mood board không chỉ đảm bảo được hai bên hiểu nhau, mà nó còn là một công cụ giao tiếp các ý tưởng về mặt hình ảnh rất hiệu quả.
NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG MỤC TIÊU
Nghe thoạt nhiên có vẻ không liên quan gì tới styling ảnh sản phẩm nhưng trước khi bắt đầu chụp ảnh, bạn cần xác định trước đối tượng mà thương hiệu đang nhắm đến. Nhãn hàng này thu hút những người phụ nữ thuộc thế hệ millennial hay là một nhóm đối tượng cao tuổi hơn? Sản phẩm của thương hiệu thuộc phân khúc cao cấp hay tầm trung? Việc thông hiểu khách hàng mục tiêu sẽ giúp bạn xây dựng hình ảnh với thông điệp chính xác hơn.
Các công ty không thể có đủ tài nguyên để tiến tới mọi đối tượng chỉ với một thông điệp truyền thông. Việc xác định đối tượng mục tiêu sẽ giúp họ tập trung vào những khách hàng có tiềm năng cao hơn, từ đó giúp họ có khả năng đem về nhiều lợi nhuận nhất.
Hãy lưu ý rằng người mua hàng chưa chắc đã là người sử dụng sản phẩm. Ví dụ như có rất nhiều sản phẩm mà đàn ông mua để dành tặng cho các chị em phụ nữ. Chính vì thế, đối tượng mục tiêu trong trường hợp trên là phụ nữ chứ không phải đàn ông, cách thức thể hiện sản phẩm từ đó sẽ phải thay đổi để phù hợp hơn.
LÊN KẾ HOẠCH CHO BUỔI CHỤP
Việc mày mò xây dựng concept trong buổi chụp có thể rất vui và đem lại những kết quả thú vị. Nhưng khi làm việc với khách hàng, bạn nên chuẩn bị trước kế hoạch thật kỹ lưỡng.
Bạn sẽ cần phải hình dung trước là sẽ cần những prop gì, mood của bức ảnh ra sao và toàn bộ những công đoạn chuẩn bị hậu cần trước buổi chụp.
Chính vì vậy, bạn cần xác định trước một câu chuyện hay thông điệp về nhãn hàng hoặc sản phẩm.
Ghi chép lại toàn bộ mọi thứ cần thiết cho buổi chụp, từ danh sách prop đến mọi thứ khác mà chúng ta đã nói đến ở những phần trên. Đúng là một người nhiếp ảnh gia phải làm công việc sáng tạo, nhưng trách nhiệm của chúng ta còn là đem lại cho khách hàng những bức ảnh có khả năng truyền đạt chính xác những thông điệp về thương hiệu của họ. Ngay cả khi thông điệp đó không khớp với tầm nhìn sáng tạo của người chụp.
Trước buổi chụp, bạn cũng nên thử lại ánh sáng. Đây là lúc bạn xác định sẽ cần những loại ánh sáng gì, vị trí nguồn sáng ra sao và những thông số máy ảnh phù hợp. Công đoạn này gần như bắt buộc khi sử dụng ánh sáng nhân tạo, nhất là khi bên khách cũng tham gia buổi chụp cùng với bạn.
Bạn sẽ không muốn khách hàng hoặc creative director của họ phải sốt ruột chờ đợi khi bạn đang mày mò về ánh sáng, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh chuyên nghiệp của bạn trong mắt họ.
Tôi luôn test lighting trước mỗi buổi chụp của tôi và đảm bảo rằng mọi thiết bị đều hoạt động đúng cách. Việc chuẩn bị trước sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian cho bạn, và giúp bạn cảm thấy tự tin hơn trong buổi chụp.
PHỐI MÀU CHO BỨC ẢNH NHƯ THẾ NÀO?
Trong styling ảnh sản phẩm, một yếu tố không thể thiếu trong xây dựng hình ảnh và thông điệp qua nhiếp ảnh là cách phối màu.
Hãy bắt đầu từ cảm xúc chung trong bức ảnh. Bạn cần bức ảnh nhẹ nhàng và mơ màng? Có thể cân nhắc sử dụng các màu pastel và màu trắng. Hay là bạn muốn bức ảnh thật nổi bật? Vậy thì bạn có thể sử dụng những prop có màu sắc sặc sỡ trước màu nền trung tính như xám hoặc xanh dương.
Khách hàng có thể đã có sẵn một nhóm màu tượng trưng cho thương hiệu của họ. Ở tình huống này, bạn sẽ cần tuân theo quy tắc màu đó hoặc sử dụng những màu sắc hợp với màu chủ đạo của thương hiệu.
HÌNH ẢNH PHẢI CÓ TÍNH LOGIC
Mọi yếu tố trong bức ảnh của bạn cần phải có ý nghĩa phù hợp với thông điệp chung của bức ảnh, và chúng phải kết hợp với nhau một cách mạch lạc.
Mọi đối tượng trong ảnh vừa phải hợp lý, vừa phải hợp mắt về màu sắc, kích cỡ, hình dáng,…
Giả dụ như bạn đang chụp một thương hiệu xà phòng tắm có mùi gỗ trầm, bạn có thể chụp sản phẩm này trên nền gỗ với prop là những cành cây, lá cây và trái tùng. Những yếu tố này đều hỗ trợ cho nhau và giúp cho khách hàng cảm nhận được qua hình ảnh mùi hương của sản phẩm, giúp họ đưa ra quyết định mua sắm dễ dàng hơn. Styling ảnh sản phẩm hợp lý sẽ giúp sản phẩm nói lên được công năng và style của chính nó một cách trực quan và hiệu quả.
TÌM MUA PROP
Prop rất quan trọng vì chúng xây dựng bối cảnh cho sản phẩm. Prop có thể thể hiện chức năng của sản phẩm, làm nổi bật hơn các yếu tố đặc trưng của sản phẩm hoặc truyền tải những thông điệp quan trọng khác về sản phẩm.
Ví dụ như bên dưới là hình ảnh chụp một bát hạt dền – một nguyên liệu chính cho một loại thực phẩm trẻ em mà tôi được thuê chụp. Ngoài những bức ảnh chụp sản phẩm chính, khách hàng còn muốn tôi chụp những bức ảnh nhấn mạnh vào nguyên liệu chính của sản phẩm.
Chụp một bát hạt dền không sẽ không được hợp lý cho lắm, vì vậy tôi đưa vào khung hình thêm một vài món đồ chơi trẻ con. Những đồ vật này xây dựng câu chuyện cho chủ thể của bức ảnh, nhất là khi bức ảnh sẽ được đặt cạnh những ảnh chụp sản phẩm chính trên website của khách hàng.
Ngoài ra sản phẩm còn sử dụng cả dầu ô-liu. Để đẩy mạnh sự bóng loáng của dầu và chất liệu của hạt dền, tôi đã đặt nguồn sáng nghiêng từ phía sau thay vì chỉ ánh sáng đánh từ một bên. Kiểu lighting này còn khiến bức ảnh có cảm giác nhẹ nhàng mơ màng hơn đúng theo yêu cầu của khách hàng.
Khi chọn prop, đừng quên cân nhắc màu sắc, hình dáng và kích cỡ của nó. Prop không nên quá nổi bật hoặc cùng màu với màu sắc của thương hiệu. Màu sắc chủ đạo của thương hiệu trên là màu lục và trắng, vậy nên tôi đã vận dụng những màu sắc này trong các bức ảnh. Ví dụ như hình vẽ trong bức ảnh trên có hình một cái cây với các tán lá xanh. Mức độ chi tiết này hoàn toàn cần thiết khi làm nhiếp ảnh sản phẩm.
Tuyệt đối không được sử dụng prop có logo của thương hiệu khác, hoặc ít nhất bạn phải dùng photoshop loại bỏ logo ra khỏi ảnh. Bạn đang chụp ảnh quảng cáo cho sản phẩm chính, prop không được phép gây nhầm lẫn về sản phẩm đang được bày bán qua các bức ảnh của bạn. Đây là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong styling ảnh sản phẩm mà rất nhiều các stylist mới vào nghề hay mắc phải.
CHÚ Ý VỀ KÍCH CỠ
Kích cỡ là một yếu tố vô cùng quan trọng trong mọi thể loại nhiếp ảnh tĩnh vật. Nhiều đồ vật có xu hướng hiện lên trên ảnh to hơn. Bạn phải sắp xếp kích cỡ các đối tượng trong ảnh sao cho chúng hòa hợp với nhau trong bức ảnh cuối cùng.
Nếu prop có kích cỡ quá to, nó sẽ đè lên chủ thể chính và hướng mắt người xem khỏi sản phẩm chính. Hầu như mọi prop bạn sử dụng nên có kích thước nhỏ để tránh được điều này.
CHỌN BACKGROUND THẬT CHUẨN
Khung nền của bức ảnh có tầm quan trọng ngang bằng với prop. Background cần phải phối hợp tốt với sản phẩm về mặt mỹ học cũng như về mặt ý nghĩa. Nếu bạn chụp một vật có cảm giác rustic hoặc handmade, sử dụng nền gỗ có thể sẽ rất hợp lý.
Hoặc nếu bạn chụp ảnh lifestyle, bạn có thể sử dụng những phông nền giấy có màu, những khung tường gỗ, các tấm đá hoa hoặc thậm chí là giấy dán tường.
Thường thì khung nền càng đơn giản càng tốt, có thêm một chút màu sắc và chất liệu thì càng tuyệt. Những khung nền tường xi măng rất hợp với những sản phẩm hiện đại và được sản xuất công nghiệp. Những bức ảnh nền trắng lại phù hợp cho những sản phẩm thương mại điện tử, nhưng với kiểu ảnh lifestyle thì khung nền trắng nên có một chút texture thú vị hơn.
Bức ảnh bên dưới chụp bát đĩa làm từ đá sa thạch với các màu lam, lục và màu trung tính khác nhau. Tôi đặt vào bức ảnh một cành lá xanh để thêm một chút texture và cảm giác thiên nhiên, mà không đánh lạc hướng khỏi sản phẩm chính. Khung nền mà tôi dùng được phủ những màu sơn giống với màu của sản phẩm. Chất liệu trên background và trên khăn trải bàn khiến bức ảnh hấp dẫn hơn mà không gây mất tập trung khỏi những chồng bát đĩa. Nhìn tổng thể, bức ảnh có một cảm giác moody rất phù hợp với đặc tính nặng nề của đồ gốm sứ.
SẢN PHẨM LÀ TRỌNG TÂM
Đừng quên rằng nhiệm vụ chính của bức ảnh phải là trưng bày sản phẩm chính. Rất nhiều người thường bị say mê với việc bày biện prop và những yếu tố khiến bức ảnh trông thật đẹp. Nhưng mọi thứ đều nên được thực hiện để tôn sản phẩm chính lên, chứ không phải trở thành điểm trọng tâm cho bức ảnh.
Bạn có thể trưng bày sản phẩm theo nhiều cách khác nhau. Để tạo ra một điểm nhìn thú vị hơn, bạn có thể treo sản phẩm lên nếu phong cách này phù hợp, hoặc bạn cũng có thể đặt sản phẩm vào những không gian ngoài trời. Một cách khác nữa là bạn chụp sản phẩm khi đang được sử dụng bởi người.
Bức ảnh bên dưới chụp hai người đang sử dụng một loại thực phẩm dinh dưỡng. Bức ảnh giúp người xem hiểu được cách sử dụng sản phẩm. Trong set ảnh có rất nhiều hoa quả và rau xanh để tạo thông điệp về sức khỏe, cũng như là thêm những màu sắc vui tươi cho bức ảnh.
Điều này khiến cho bức ảnh sinh động hơn là chỉ một bức ảnh sản phẩm trên nền trắng.
Hãy nghĩ về bối cảnh sử dụng thường xuyên nhất của sản phẩm để chọn địa điểm chụp, hoặc hình dung trước về không gian mà bạn muốn tạo ra cho bức ảnh. Lấy ví dụ như những sản phẩm tắm rửa và spa thường hay được dùng trong nhà tắm, vậy nên một tấm nền marble hoặc gạch lát sẽ tạo được kết nối giữa sản phẩm và môi trường sử dụng của nó.
Thêm nữa là khách hàng sẽ tập trung nhìn kỹ hơn những điểm thú vị trong ảnh khi lướt mạng. Vậy trong styling ảnh sản phẩm, đừng quên nhấn mạnh vào những đặc điểm nổi bật của sản phẩm trong ảnh một cách không bị quá khiên cưỡng.
BỐ CỤC HÀI HÒA
Mặt khó nhất trong việc styling ảnh sản phẩm là tạo ra được sự cân bằng mà vẫn trưng bày được sản phẩm. Bạn cần tính toán prop và các yếu tố khác để hỗ trợ cho bức ảnh mà không hút mắt khỏi đối tượng chính.
Ngoài việc đảm bảo prop không lấn át sản phẩm, bạn còn cần phải thể hiện chính xác kích cỡ của sản phẩm. Một trong những thứ gây khó chịu nhất cho những người mua hàng online là sản phẩm nhận về không giống với trong ảnh, hoặc là lượng sản phẩm không nhiều như họ đã mong đợi.
Có một số công cụ có thể giúp bạn dựng bố cục cho bức ảnh hiệu quả hơn. Ví dụ như quy tắc 1/3 chỉ ra rằng mắt người sẽ tự nhiên bị hút vào vùng nằm ở khoảng 2/3 bức ảnh theo chiều từ dưới lên.
Hãy tưởng tượng khung hình của bạn được chia bởi 3 đường dọc và 3 đường ngang song song thành 9 phần. Giữa các đường thẳng sẽ có 4 điểm giao nhau, 4 điểm này sẽ thu hút mắt người xem một cách tự nhiên. Con người thường có xu hướng nhìn vào những điểm này trước thay vì nhìn vào chính giữa khung hình.
Trên lý thuyết, bức ảnh của bạn sẽ hút mắt và cân bằng hơn nếu bạn áp dụng quy tắc 1/3. Để tận dụng quy tắc này, bạn nên đặt chủ thể ở vị trí của một trong những điểm giao trên.
Tuy nhiên, quy luật vốn được tạo ra để bị phá vỡ. Quy tắc 1/3 không phải là một luật lệ cứng nhắc mà bạn bắt buộc phải làm theo, đúng hơn nó là một tiền đề giúp bạn tìm cách dựng bố cục cho bức ảnh hấp dẫn hơn.
Một mẹo lấy bố cục đơn giản khác là đặt sản phẩm chính hoặc đối tượng quan trọng trên những đường chéo trong khung hình. Các đường chéo là một cách dễ dàng mà sinh động để giúp bố cục ảnh của bạn có hồn và năng lượng hơn.
Những đường chéo sẽ dẫn mắt người xem cuốn sâu vào bức ảnh. Chúng tạo ra một hướng nhìn cụ thể cho bức ảnh, đưa thị giác người xem hướng về phía chủ thể chính. Ngoài ra, đường chéo còn có thể tạo ra cảm nhận về góc nhìn và chiều sâu cho bức ảnh.
Mắt người có hướng nhìn tự nhiên từ trái sang phải. Một đường chéo đi từ góc dưới bên trái và đi về phía góc trên bên phải sẽ đưa mắt người xem theo nhịp của bố cục một cách tự nhiên. Bạn có thể thử sắp xếp prop và sản phẩm theo bố cục này.
Nếu bạn dùng những phần mềm xử lý ảnh như Lightroom, bạn có thể tìm trong đó những công cụ overlay như những thước đo đặt lên ảnh để dẫn dắt bố cục khi chụp.
KẾT LUẬN
Nói tóm lại, styling ảnh sản phẩm là kể một câu chuyện về lối sống cho khách hàng. Những bức ảnh của bạn cần phải truyền cảm hứng và tạo nhu cầu mua sản phẩm cho người xem. Nếu bạn thành công trong việc này, thì có nghĩa là bạn đã hoàn thành xuất sắc job chụp của mình.
Credits:
Bài viết gốc bởi Darina Kopcok tại expertphotography.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.