Bokeh, hay còn gọi là “Boke”, là một trong những thuật ngữ phổ biến trong nhiếp ảnh. Lí do Bokeh phổ biến, là bởi nó khiến những bức ảnh thu hút hơn bằng cách làm nổi bật chủ thể cần chụp trên một vùng ảnh được xóa mờ(xóa phông). Từ này được bắt nguồn từ tiếng Nhật, dịch ra có nghĩa là “vùng mờ”.
Bokeh là gì?
Về cơ bản, bokeh là tình trạng một vùng nào đó của ảnh out nét hay “mờ ảo” được tạo ra bởi ống kính máy ảnh. Vùng mờ mà bạn thường nhìn thấy trong nhiếp ảnh tách một chủ thể khỏi phần hậu cảnh là kết quả “độ sâu trường ảnh” ở mức nông và đơn giản là “xoá phông”. Ở vùng mờ này, các vùng highlight sẽ có hiệu ứng ánh sáng nổi lên, đó chính là bokeh. Ví dụ về Bokeh:
Hình ảnh hai chiếc mũ là chủ thể chính, nằm trong vùng nét của ảnh. Vùng mờ là vùng hậu cảnh phía sau, với các đốm sáng được biểu hiện bởi các vòng tròn sáng.
Nhìn những đường tròn với nhiều màu sắc khác nhau ở bên trên tấm ảnh? Những điểm sáng tròn này được tạo ra do cấu trúc lá khẩu độ nằm ở trong ống kính. Bokeh không chỉ là vấn đề chất lượng của những điểm phản sáng hình tròn, bokeh còn là chất lượng của vùng ảnh được làm mờ, ngoài những vùng sáng hay vùng phản sáng…
Bokeh đẹp và Bokeh xấu
Bokeh được tạo ra bởi ống kính, không phải do máy ảnh. Mỗi loại ống kính khác nhau lại cho ra kiểu bokeh khác nhau tuỳ vào thiết kế quang học. Nhìn chung, những loại ống kính chân dung và chụp siêu xa ở khẩu độ tối đa phần cho ra bokeh đẹp hơn những loại ống kính giá rẻ.
Vì vậy, bokeh đẹp là như thế nào? Cảm giác những đường tròn này đan vào nhau trông mềm mại hay cứng đanh chính là quy chuẩn để gọi là bokeh đẹp hay xấu. Nếu các vùng tròn này chuyển mượt mà chứ ko đan vào nhau nét đanh thì được coi là đẹp. Một ví dụ về bokeh đẹp với lens Nikon 85mm f1.8
Vùng hậu cảnh phía sau mờ đi trông rất mịn và cảm giác êm ái, dễ chịu.
Vậy bokeh xấu thì trông như thế nào?
Ở bức ảnh dưới đây, bạn sẽ thấy chất lượng của những vùng mờ không tốt, các hình tròn của bokeh góc trên bên phải có cảm giác phần viền bị sắc và bị nhân đôi phần đường viền ở các hình tròn.
Hình dạng của Bokeh
Hình dạng của bokeh ở vùng được làm mờ phụ thuộc vào hình dạng của các lá khẩu khi co lại. Một số ống kính cũ có những lá khẩu thẳng, trong khi đó những ống kính đời mới hơn có phần lá khẩu tròn. Lá khẩu tròn, và có nhiều lá kết hợp, sẽ tạo ra gần như những đường tròn hoàn hảo ở mọi khẩu độ.
Ví dụ ở đây là lens MF của Nga ngày trước với 6 lá khẩu thẳng, chúng ta có thể nhìn thấy hình dạng lục lăng khá rõ ở bokeh:
Sự mềm mại và những đường tròn của vùng sáng được làm mờ trực tiếp ảnh hưởng đến bokeh, bởi bokeh là vùng được tạo bởi nhiều hình tròn có dạng như vậy. Ngoài ra không chỉ hình dạng của đường tròn, nếu một chiếc ống kính không có sự chính xác về quang sai màu thì vùng bokeh trông sẽ càng tệ hơn.
Đây là hình ảnh bokeh khá tròn của lens Nikon 55-200VR khi ở tiêu cự 200 và f5.6, hình dạng lá khẩu lúc này gần như đạt hình tròn.
Làm thế nào để có Bokeh đẹp?
Vậy làm thế nào để có bokeh đẹp cho bức ảnh? Chất lượng của bokeh được tạo ra do loại ống kính chúng ta sử dụng. Nếu dùng những ống kính chất lượng thấp thì bokeh tạo ra sẽ không đẹp, những loại ống kính fixed và ống kính zoom chuyên nghiệp với khẩu độ rộng sẽ tạo ra bokeh đẹp mắt hơn.
Nhưng điều đó không có nghĩa bạn không thể tạo ra bokeh đẹp nếu ống kính của bạn có một số điểm chưa hoàn thiện (khuyết điểm/yếu điểm). Nếu bạn không có những lá khẩu tròn, bạn có thể mở rộng khẩu ở mức tối đa để chụp, lúc này bokeh cũng đã khá tròn.
Hoặc nếu những đường tròn trong vùng bokeh của bạn nhìn hơi kì lạ, bạn có thể tránh những điểm ánh sáng gắt và chọn hậu cảnh có ánh sáng đều thì sẽ tạo ra hiệu quả tốt hơn. Giữ background của bạn xa với máy ảnh cũng có thể cho ra vùng làm mờ ít chi tiết hơn, như thế sẽ dễ dàng tạo ra bokeh đẹp hơn.
Những loại ống kính nào sẽ cho ra bokeh đẹp?
Làm sao để biết ống kính của bạn có thể cho ra bokeh đẹp? Hãy thử làm theo cách này: đưa máy ảnh lại gần chủ thể ở khoảng cách gần (ở mức ống kính có thể cho phép, và lấy nét vào chủ thể). Đừng dùng một bức tường trơn cho phần nền – hãy thử chọn một phần nền có nhiều màu sắc, tốt hơn hết là có ánh sáng lấp lánh từ đó vào. Môt cây thông Giáng Sinh sẽ là phần hậu cảnh tốt để thử bokeh. Những cái cây bị làm mờ phía ngoài trông cũng khá thú vị vì chúng có những vùng ánh sáng đi xuyên qua lá và các nhành cây.
Khi đã tìm được chủ thể có phần hậu cảnh thích hợp, để chế độ máy ảnh sang “Ưu tiên khẩu độ” và để khẩu độ ở số bé nhất (mở khẩu hết mức). Ở các ống kính zoom, khẩu độ thấp nhất là f/3.5, còn ở các loại ống kính chuyên nghiệp và chuyên dụng hơn, khẩu độ có thể ở mức f/1.2 và f/2.8. Khi đã để khẩu độ ở mức thấp nhất, bokeh trông sẽ mềm mại và bức ảnh sẽ khá hút mắt.
Thông thường, những ống kính chuyên dụng cho chụp ảnh chân dung sẽ có khả năng tạo ra bokeh đẹp nhất.
Loại ống kính chụp siêu xa như Nikon 400 mm f/4.5 và Nikon 400 f/2.8 cũng có thể tạo ra bokeh khá đẹp, bởi những loại ống kính này thường được dùng trong những trường hợp cần tập trung vào việc tạo ra bokeh. Mặt khác, Ống kính PF của Nikon như 500 mm f/5.6 PF đôi khi sẽ cho ra bokeh với những vùng sáng khá đặc biệt.
Tới đây, chúng ta đã hiểu được bokeh là gì và làm sao để có được bokeh đẹp nhất trong chụp ảnh. Tuy nhiên đừng để những thứ khô cứng này ảnh hưởng tới bức ảnh của bạn. Nhiều khi bokeh không đẹp vẫn rất ổn, đặc biệt một số ống kính còn có tạo ra hiệu ứng bokeh xoáy khá thú vị. Trong chụp ảnh, miễn là bạn hài lòng với tấm ảnh của mình, đó là điều quan trọng nhất !
—
Bản quyền bài viết thuộc về Học viện nhiếp ảnh quảng cáo Chimkudo Academy
Không trích dẫn một phần hoặc toàn bộ khi chưa được sự đồng ý