Lens tilt-shift có lẽ là một trong những ống kính đặc biệt nhất hiện nay. Nó cho phép người chụp xoay, chuyển và nghiêng ống kính theo nhiều cách khác nhau. Trong bài viết này, tôi giải thích khi nào cần dùng và cách sử dụng chức năng tilt.
Như tôi đã trình bày trong bài viết trước về ống kính tilt-shift, trông chúng có vẻ khá phức tạp: có rất nhiều nút xoay và nút vặn cho phép bạn di chuyển hoặc xoay ống kính. Bài viết trước đề cập đến chức năng shift, cho phép bạn ngăn chặn sự biến dạng phối cảnh.
Chức năng khác của ống kính tilt-shift là tilt (xoay/nghiêng). Nó cho phép đặt ống kính ở góc nhất định so với mặt phẳng cảm biến máy ảnh. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng nó cho phép chúng ta chụp ở góc đó, nhưng thực tế không phải vậy. Nghiêng ống kính sẽ chỉ thay đổi hướng của mặt phẳng lấy nét (plane of focus (PoF)).
Mặt phẳng tiêu cự
Trước khi đi sâu vào chức năng tilt, tôi cần giải thích một chút về việc lấy nét ống kính. Tôi sẽ nói đơn giản thôi để mọi người cảm thấy dễ hiểu. Vì vậy tôi sẽ bỏ qua cái gọi là độ cong trường của mặt phẳng lấy nét. Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu, tôi khuyên bạn nên tìm kiếm trên Google về độ cong trường Petzval.
Nếu bạn lấy nét vào một chủ thể, mọi thứ ở cùng khoảng cách đó sẽ được lấy nét. Nó không bao giờ là một điểm duy nhất, mà là tập hợp tất cả những điểm nằm ở cùng khoảng cách chính xác đó. Tất cả những điểm đó tạo thành mặt phẳng lấy nét và nó song song với cảm biến. Mọi thứ ở phía trước và phía sau mặt phẳng lấy nét đó sẽ bị mất nét.
Bằng cách khép khẩu lại, chúng ta có thể thu được một khu vực phía trước và phía sau mặt phẳng lấy nét, với độ nét ở mức chấp nhận được. Nhưng bất kể độ sâu trường ảnh nông hay sâu, nó luôn song song với cảm biến, giống như chính mặt phẳng lấy nét.
Từ giờ, tôi sẽ tạm bỏ qua độ sâu trường ảnh. Bạn chỉ cần tưởng tượng mặt phẳng lấy nét là một mặt phẳng song song hoàn toàn với cảm biến. Tôi đã sử dụng lens Canon TS-E 24mm f/3.5L II cho setup này với khẩu độ f/3.5 để giữ độ sâu trường ảnh ở mức nông nhất, tất nhiên nó cũng áp dụng cho mọi tiêu cự khác.
Điều gì sẽ xảy ra khi ta nghiêng ống kính Tilt-Shift?
Bằng cách nghiêng ống kính, điều kỳ lạ sẽ xảy ra. Mặt phẳng lấy nét sẽ không còn song song với mặt phẳng cảm biến nữa. Như bạn có thể thấy trong hình vẽ bên dưới, mặt phẳng lấy nét sẽ nghiêng cùng hướng với ống kính. Về lý thuyết, nếu bạn có thể nghiêng ống kính đủ nhiều, mặt phẳng lấy nét thậm chí sẽ trở thành nằm ngang.
Hiệu ứng này được gọi là Nguyên lý Scheimpflug. Nó cho chúng ta biết mặt phẳng lấy nét sẽ nghiêng bao nhiêu. Tôi sẽ cố gắng không nói nhiều về vật lý, nhưng bạn bắt buộc phải hiểu nguyên tắc này ảnh hưởng thế nào đến vùng lấy nét. Bạn càng nghiêng ống kính, mặt phẳng lấy nét càng nghiêng. Nhưng độ dài tiêu cự của ống kính tilt-shift cũng sẽ quyết định mức độ nghiêng.
Bằng cách nghiêng ống kính, bạn có thể đặt mặt phẳng lấy nét không song song với cảm biến mà song song với bề mặt đối tượng của bạn. Như ví dụ phía trên, vùng lấy nét là từ tờ giấy gần máy ảnh nhất đến tờ ở xa nhất. 2 ảnh này đều được chụp với khẩu độ f/3.5, là độ sâu trường ảnh hẹp nhất. Thật không may, ống kính này không thể nghiêng đủ xa để mặt phẳng lấy nét song song hoàn toàn với giấy in. Nhưng nếu tôi cũng nghiêng máy ảnh xuống dưới, thì mặt phẳng lấy nét có thể hoàn toàn nằm ngang, giống như trong ví dụ tiếp theo, cũng được chụp ở f/3.5.
Có một điều bạn cần lưu ý khi nghiêng mặt phẳng lấy nét, kết hợp với DoF mỏng. Những thứ được nâng lên trên mặt phẳng lấy nét sẽ bị mất nét. Điều này gây ra hiệu ứng như ví dụ dưới đây: cuốn sách được lấy nét ở dưới cùng, trong khi phần trên thì bị mất nét.
Độ sâu trường ảnh và ống kính Tilt-Shift
Trước đó, tôi đã tạm bỏ qua độ sâu trường ảnh và coi mặt phẳng lấy nét là thứ duy nhất sắc nét trong ảnh. Như bạn đã thấy, các mẩu giấy được lấy nét, nhưng phần đầu của cuốn sách lại bị mất nét. Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn mở khẩu và có độ sâu trường ảnh lớn hơn?
Độ sâu trường ảnh là khu vực phía trước và phía sau mặt phẳng lấy nét cũng được lấy nét. Mặc dù nó phức tạp hơn một chút, nhưng tôi sẽ không đi sâu chi tiết về cách hoạt động của độ sâu trường ảnh. Tôi sẽ giữ cho mọi thứ đơn giản và dễ hiểu nhất.
Đặt mặt phẳng lấy nét chính xác song song với cảm biến, bạn biết rằng độ sâu trường ảnh cũng song song với cảm biến. Tất cả chúng ta đều đã thấy những bản vẽ như vậy về độ sâu trường ảnh. Khi mặt phẳng lấy nét bị nghiêng, độ sâu trường ảnh cũng sẽ bị nghiêng theo. Nhưng nó không nghiêng cùng phương với mặt phẳng lấy nét.
Như hình minh hoạ phía trên, độ sâu trường ảnh sẽ trở thành một hình nêm. Với khẩu độ không thay đổi, độ sâu trường ảnh ở gần sẽ rất nhỏ, và rộng hơn khi ra xa. Cái nêm sẽ trở nên rộng hơn khi khẩu độ được đóng lại nhiều hơn nữa. Ảnh dưới đây minh hoạ độ sâu trường ảnh với f/3.5 và f/8.
Hãy để ý những vật thể lớn nhô ra khỏi khu vực nằm trong độ sâu trường ảnh, đặc biệt nếu những vật thể này ở gần vùng có độ sâu trường ảnh nhỏ của hình nêm. Nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy độ sắc nét từ phần đầu cuốn sách đã tăng lên. Nhưng dường như khẩu độ f/8 vẫn chưa đủ để cuốn sách nằm trong vùng nét chấp nhận được.
Đặt mặt phẳng lấy nét theo ý muốn của bạn
Bằng cách nghiêng và xoay ống kính tilt-shift, bạn có thể đặt mặt phẳng lấy nét ở hầu hết mọi hướng. Tất nhiên, điều này có thể thực hiện được là nhờ nhờ vào Nguyên lý Scheimpflug. Trong ví dụ dưới đây, tôi đã đặt mặt phẳng lấy nét theo bốn hướng khác nhau, chỉ bằng cách xoay và nghiêng ống kính.
Mặt phẳng lấy nét khi nghiêng ống kính không nhất thiết phải song song với đối tượng. Bằng cách nghiêng nó theo hướng ngược lại, ta có thể có được DoF cực mỏng. Tôi đã sử dụng hiệu ứng này trong hình ảnh bên dưới. Bằng cách nghiêng ống kính lên trên, mặt phẳng lấy nét nghiêng về phía trên trong khi chạm vào đầu của bông hoa chuông xanh. Nếu không có ống kính tilt-shift, ta không thể có được độ sâu trường ảnh nhỏ như vậy với tiêu cự 17mm ở khẩu độ f/4.
Chức năng nghiêng cho chúng ta chụp ảnh một cách rất độc đáo. Nó giúp kiểm soát gần như hoàn toàn mặt phẳng lấy nét. Nhưng nó rất khó sử dụng và cần phải luyện tập rất nhiều. Việc lấy nét khi áp dụng chức năng tilt rất khó và đòi hỏi một kỹ thuật đặc biệt. Đây cũng là lý do chúng ta chưa từng thấy lấy nét tự động trên lens tilt-shift, mặc dù có tin đồn về tính năng này trên lens tilt-shift RF sắp tới của Canon.
Việc ứng dụng độ sâu trường ảnh cũng cần được chú ý đặc biệt vì hình dạng nêm của nó. Tuy nhiên trong thực tế, tôi nghĩ rằng ứng dụng của chức năng tilt rất hạn chế. Nó sẽ rất hữu dụng trong chụp ảnh sản phẩm hoặc chụp thế giới thực theo kiểu hiệu ứng tí hon (miniature).
Vậy bạn nghĩ sao về chức năng tilt của ống kính tilt-shift? Bạn có ý tưởng nào khác về việc ứng dụng chức năng độc đáo này không? Hãy chia sẻ dưới phần bình luận cho Chimkudo biết với nhé!
Credit
—
Translated from website: fstoppers.com
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.