Gabrielle van den Elshout là một nhiếp ảnh gia chụp kiến trúc. Những bức ảnh của cô chủ yếu là ảnh monochrome. Chúng trông vô cùng hấp dẫn, lột tả được những vẻ đẹp khó thấy trong thực tại. Cô ấy kiểm soát ánh sáng rất tốt, từ đó thể hiện được cảm xúc và tạo ra sự tĩnh lặng, tĩnh mịch trong các tác phẩm của mình. Hôm nay, Chimkudo sẽ đưa đến độc giả cuộc phỏng vấn giữa 1x Magazine và nữ nhiếp ảnh gia tài năng này.
Gabrielle thân mến, hãy giới thiệu một chút về bản thân, sở thích cũng như các công việc khác của cô.
Đầu tiên, phải cảm ơn 1x đã mời tôi đến cuộc phỏng vấn này, tôi cảm thấy rất vinh dự. Trong cuộc sống hàng ngày, tôi làm việc như một nhà trị liệu âm nhạc, và cảm xúc là một phần rất quan trọng trong đó. Có thể “chạm” vào ai đó bằng âm nhạc là một điều rất đặc biệt. Tôi chơi piano và cello, và tôi luôn hướng đến sự nhạy cảm của âm thanh nhạc cụ. Năm 2017, tôi mua được một chiếc máy ảnh từ nghệ sĩ cello trong cùng dàn nhạc. Tôi bắt đầu với nhiếp ảnh như thế đấy. Ghi lại cảm xúc bằng những bức ảnh lại trở thành một thử thách mới.
Vậy thì những kinh nghiệm sống đã ảnh hưởng như thế nào đến cách cô chụp ảnh?
Tôi đã từng chụp ảnh hơn một năm từ khi còn học tiểu học, tự mình sáng tạo những bức ảnh trong một căn phòng tối. Tôi đã có một chút kiến thức về nhiếp ảnh, nhưng nó cũng mất dần đi khi lớn lên. Khi tôi mua được chiếc máy ảnh từ đồng nghiệp của mình, tôi cảm thấy lại tràn đầy nhiệt huyết, tìm kiếm trên internet và thử setting chiếc máy. Tôi sớm nhận ra rằng ảnh phơi sáng lâu (long exposure) là nguồn cảm hứng của mình.
Những bức ảnh của tôi dần trở nên tối giản hơn, và chủ yếu tôi chuyển chúng thành ảnh đen trắng. Tôi bắt đầu kết hợp long exposure với ảnh kiến trúc và phát hiện ra rằng còn quá nhiều điều phải học hỏi. Tôi tìm kiếm cảm xúc trong nhiếp ảnh giống như cách mình đã làm với âm nhạc. Ánh sáng chính là yếu tố quan trọng nhất giúp tôi thể hiện cảm xúc của bức ảnh. Tôi cố gắng tạo ra cái “tĩnh” trong ảnh bằng cách dùng những mảng sáng và tối, chủ đích của tôi là sử dụng low light.
Trải nghiệm nào đã ảnh hưởng sâu sắc đến chất nghệ thuật của cô?
Âm nhạc, art và sự sáng tạo như một dòng chảy xuyên suốt cuộc đời tôi. Khi còn nhỏ, tôi đã vẽ rất nhiều, làm nhạc cũng không ít. Vậy nên tôi rằng cái “nhạc tính” cũng có thể tìm thấy trong nhiếp ảnh và nghệ thuật. Ngoài ra khi đi tìm bản chất của một bức ảnh, tôi bắt đầu bỏ lỡ vài thứ. Một số khoảnh khắc “bỏ lỡ” trong cuộc đời đã ảnh hưởng sâu sắc đến những bức ảnh tôi chụp. Tôi đan sự cô đơn vào những bức ảnh và tô điểm cho chúng phong phú hơn.
Điều gì khiến cô hứng thú với nhiếp ảnh đến vậy?
Như đã nói phía trên, tôi bắt đầu đam mê nhiếp ảnh từ khi còn học tiểu học. Trong những năm sau đó, tôi chủ yếu ghi lại những khoảnh khắc vui vẻ bên bạn bè, một số bức thì được chụp trong những kỳ nghỉ. Nhiều năm sau đó, tôi có ý định mua một chiếc máy ảnh SLR. Tôi thích vô cùng khi được ra ngoài và tạo ra những bức ảnh tuyệt đẹp. Sau đó, tôi mua được một chiếc DSLR. Tôi dần làm quen với độ sâu trường ảnh và các “thử thách” khác.
Tôi bắt đầu xem những bức ảnh truyền cảm hứng cho mình, cố gắng để hoà nhập và dần phát triển phong cách của riêng mình.
Hãy nói một chút về phong cách nhiếp ảnh của cô nhỉ?
Tôi vô cùng chú trọng tính thẩm mỹ trong những bức ảnh của mình. Tôi luôn cố gắng để tạo ra một vẻ đẹp nhất định cho mỗi bức ảnh. Đó cũng là điều tôi thấy thu hút ở những tác phẩm của các nhiếp ảnh gia khác. Những bức ảnh của tôi không phản ánh thực tế, tôi cố gắng thể hiện những gì khó nhìn thấy trong thực tại này.
Nhiếp ảnh kiến trúc có điều gì thu hút cô đến vậy?
Việc đi tìm những công trình kiến trúc đặc biệt đã truyền nhiều cảm hứng cho tôi. Ánh sáng trong một ngày thay đổi liên tục và nó ảnh hưởng đến bố cục của công trình, vì thế tôi thấy để xây dựng được chúng là một thách thức lớn. Một toà nhà hùng vĩ có thể khiến tôi bị choáng ngợp. Đó là khởi đầu cho những bức ảnh. Thông thường, tôi sẽ tìm hiểu chi tiết về lịch sử của công trình đó, tra cứu thông tin từ kiến trúc sư. Sau đó, mỗi bức ảnh sẽ trở thành một dự án nhỏ của tôi. Tôi thấy những khả năng vô tận của chụp ảnh kiến trúc, và chính điều đó làm tôi mê mẩn thể loại này.
Với cô thì điều gì là quan trọng nhất trong một bức ảnh, mood (tâm trạng), câu chuyện đằng sau đó, hay là kỹ thuật chụp?
Với tôi, tâm trạng, cảm xúc của ảnh là quan trọng nhất. Tất nhiên không thể bỏ qua yếu tố kỹ thuật, nhưng tôi thường “phá vỡ” một số quy tắc nhất định. Chẳng hạn, tôi thấy độ blur quan trọng tương đương độ sắc nét của một bức ảnh. Xuất phát cứ phải là một bức ảnh đẹp được chụp với setting phù hợp đã. Sau đó trong khi hậu kỳ, tôi sẽ điều chỉnh để đạt được kết quả tốt nhất.
Nhìn chung, mối quan hệ của cô với thể loại này là như thế nào, ngoài việc quan sát thấy chúng? Cô có chuẩn bị kỹ càng về địa điểm có ý định chụp không?
Khi đi chụp ảnh kiến trúc, khoảnh khắc toà nhà xuất hiện trong tầm mắt là một món quà đối với tôi. Tôi thường phải đi một quãng đường khá xa và khi nhìn thấy một công trình trước mắt, tôi cảm thấy bị choáng ngợp.
Thường thì tôi sẽ chuẩn bị kỹ càng từ trước. Thời điểm nào thì tốt nhất để chụp, tôi có thể đỗ xe gần đó không, dự báo thời tiết như thế nào? Nhưng nhiều khi tôi cũng chụp ngẫu hứng. Gần đây tôi đã khám phá được một toà nhà chọc trời, và sau lưng tôi chính là bức ảnh của toà nhà mà tôi nghĩ chúng có thiết kế rất đặc biệt.
Cô có thể chia sẻ về thiết bị của mình không (máy ảnh, ống kính, túi đựng)?
Tôi chụp bằng Nikon Z6 với ống kính 24-70mm, và Nikon D7100 với lens 50mm hoặc 18-105mm. Tôi chủ yếu sử dụng D7100 cho ảnh still-life.
Tôi cũng sử dụng filter Nisi: 10 stops và 6 stops. Tôi thường kết hợp chúng thành 16 stops để đặt được tốc độ màn trập chậm. Tôi cũng thường sử dụng polarizing filter (Nisi).
Ngoài ra, không thể thiếu được chiếc tripod Benro TMA47AL với geared head GD3WH. Chiếc tripod này rất quan trọng trong nhiếp ảnh kiến trúc để có thể căn chính xác bố cục. Cuối cùng, tôi sử dụng balo lowerpro (flipside 300). Chiếc balo luôn chứa sẵn các filter thích hợp, cable release và máy ảnh để tôi có thể lên đường ngay lập tức.
Cô sử dụng phần mềm nào để chỉnh sửa những bức ảnh đó?
Tôi dùng Lightroom Classic và Photoshop, cùng 2 plugin là Artisan pro và Silver Efex Pro. Đây là 2 plugin không thể thiếu giúp tôi chuyển sang ảnh monochrome.
Cô có thể chia sẻ một chút về workflow của mình không?
Đầu tiên là import ảnh vào Lightroom. Sau đó, tôi sẽ xem mình muốn hiển thị những gì trong bức ảnh. Tôi sẽ tạo một radial filter trên bức ảnh, đảo ngược vùng chọn và giảm bớt ánh sáng. Điều này giúp tôi biết được đâu là nơi mà tôi muốn giữ lại ánh sáng. Khi đã có cái nhìn tổng thể về bức ảnh, tôi export sang Photoshop. Sau đó tôi chuyển sang ảnh đen trắng, khoanh vùng các phần trong ảnh và chỉnh sửa bằng Artisan-panel. Sau đó tôi tinh chỉnh lại trong Lightroom. Và điều quan trọng là hãy ngủ một giấc, hôm sau xem lại ảnh. Cách này giúp tôi ngay lập tức nhận ra những phần cần điều chỉnh lại.
Cô có lời khuyên nào dành cho những người mới bắt đầu với nhiếp ảnh kiến trúc không?
Lời khuyên của tôi là hãy tự mình trải nghiệm. Hãy xem những bức ảnh của người khác có điều gì thu hút bạn, cố gắng tìm ra những điều đặc biệt cho bản thân. Ngoài ra hãy xin tư vấn của các nhiếp ảnh gia khác, hoặc đi chụp cùng người khác. Đó là cách hay để học hỏi và cùng nhau chia sẻ kiến thức.
Hẳn là cô cũng có nhiếp ảnh gia yêu thích của mình, đó là ai vậy? Và quan trọng hơn là họ đã ảnh hưởng thế nào đến cách cô tiếp cận với nhiếp ảnh?
Có rất nhiều nhiếp ảnh gia đã truyền cảm hứng cho tôi, nhưng tôi muốn nhắc tới một số người dưới đây:
- Graeme, một nhiếp ảnh gia kiến trúc kết hợp tông màu sáng và gray rất tuyệt vời trong các tác phẩm của ông ấy.
- Olavo Azevedo, một nhiếp ảnh gia kiểm soát ánh sáng rất hay.
- Joël Tjintelaar thì là một người chụp ảnh monochrome xuất sắc.
- Greetje van Son, một nữ nhiếp ảnh gia chụp ảnh rất đẹp. Hơn nữa nhờ một buổi diễn thuyết của cô ấy cách đây vài năm mà tôi phát hiện ra 1x Magazine.
Có bức ảnh nào của nhiếp ảnh gia khác đã truyền cảm hứng cho cô không?
Những tác phẩm của Graeme truyền rất nhiều cảm hứng cho tôi. Việc sử dụng ánh sáng và bóng tối cũng như chọn lựa các toà nhà đều rất tuyệt. Anh ấy sử dụng ánh sáng rất tài tình, chủ thể được nổi bật hẳn và ánh sáng làm cho nó vô cùng đặc biệt.
Cô có định hướng cụ thể hay mục tiêu nào trong tương lai không?
Tôi muốn nghiên cứu sâu hơn nữa về kiến trúc và các thể loại nhiếp ảnh khác. Gần đây tôi cũng đã thử edit với màu kiểu fine art, một cách chỉnh sửa chuyên sâu nhưng cũng rất hấp dẫn. Có thể sẽ là một sự thay đổi của tôi trong tương lai chăng?
Hãy chia sẻ về bức ảnh từng chụp mà cô yêu thích nhất?
Tôi từng có lần chụp nhà thờ ở Oudenbosch dù nghe dự báo thời tiết xấu. Nhà thờ trên nền trời mây đen dường như vô cùng lý tưởng với tôi. Nhưng cơn bão lại đến sớm hơn dự kiến và mưa như trút nước. Mưa ngày càng lớn, và sau hơn một giờ chờ đợi, tôi quyết định kéo cửa sổ xe xuống và bấm nút chụp. Chỉ được một tấm thôi nhưng tôi vẫn rất hạnh phúc.
Cô có cảm nghĩ gì về 1x Magazine?
Khi khám phá ra 1x, tôi thán phục trình độ chụp ảnh của mọi người. Tôi được truyền cảm hứng và nghiêm khắc hơn với những bức ảnh của mình. Một vài tháng trước, tôi đã đăng bức ảnh đầu tiên của mình lên. Những nhiếp ảnh gia mà tôi ngưỡng mộ đã bình luận vào đó, tôi vô cùng ngạc nhiên! 1x đã giúp tôi tiếp cận với nhiều nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới. Đây là cơ hội tốt để tôi học hỏi từ các tác phẩm của họ.
Cảm ơn nhiếp ảnh gia Gabrielle van den Elshout đã tham dự buổi phỏng vấn này!
Credit
—
Translated from website: 1x.com
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.