Quy tắc bố cục căn bản đầu tiên là phải đảm bảo được tính cân bằng. Sự cân bằng là một yếu tố quan trọng trong thiết kế, thiếu đi nó thì bố cục sẽ có cảm giác hơi lệch lạc. Với các loại hình thiết kế trong không gian 2 chiều, tính cân bằng được quyết định bởi “khối lượng” nhìn bằng mắt (visual weightiness) chứ không phải khối lượng vật lý của các đối tượng.
Khái niệm “cân bằng”
Trong nghệ thuật, sự cân bằng được định nghĩa là trạng thái đạt được khi “khối lượng” thị giác của các đối tượng được phân bố đều khắp bố cục. Khi không yếu tố nào lấn át hoặc có cảm giác “nặng” hơn các yếu tố khác trong cùng một thiết kế, chúng ta sẽ tạo được cảm giác cân bằng.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến tính cân bằng của bố cục trong hội họa có thể là:
- Độ sáng tối: Những màu sắc tươi sáng sẽ có cảm giác nhẹ nhàng hơn các màu tối
- Độ rực rỡ: Những màu sắc sáng rực có “khối lượng” lớn hơn các màu sắc trung tính
- Nhiệt độ màu: Những màu ấm như màu vàng thường có cảm giác mở rộng không gian hơn, còn những màu lạnh thường đem lại cảm giác thu hẹp về một khu vực
Cân bằng ngang, dọc và cân bằng tâm
Một cách trực quan để minh họa cho sự cân bằng là hình ảnh cân treo hoặc trò bập bênh. Như được thấy trong hình minh họa bên dưới, sự cân bằng về mặt thị giác không được tạo ra bởi bằng cách cân khối lượng vật lý của từng vật, mà thực chất là đánh giá cân nặng của vật qua mắt người xem. Nói một cách khác, cân bằng hình ảnh 2D đòi hỏi khả năng sắp xếp bố cục của từng yếu tố sao cho người xem không có cảm giác là bố cục sẽ bị lệch đổ về một phía.
Khi các yếu tố trong bố cục được sắp xếp giữa hai bên trái phải của một trục đối xứng, chúng được cân bằng theo chiều ngang (horizontal balance). Khi các yếu tố được sắp xếp giữa bên trên và bên dưới, chúng được cân bằng theo chiều dọc (vertical balance). Còn khi các yếu tố trong bố cục được phân bố xung quanh một điểm tâm, hoặc tản ra từ một đường thẳng tâm, thiết kế đó được cân bằng tâm (radial balance).
Các loại cân bằng
Có hai loại cân bằng chính: cân bằng đối xứng và bất xứng. Giữa hai loại, cân bằng bất xứng có tính ổn định về mặt thị giác cao hơn.
Cân bằng đối xứng
Với bố cục cân bằng đối xứng, khối lượng thị giác trong hình ảnh được phân bố đều giữa hai bên của trục đối xứng. Sự đối xứng này là loại cân bằng đơn giản và rõ ràng nhất. Nó tạo ra một cảm giác an toàn, ổn định và đồng nhất. Có hai cách để đạt được sự cân bằng đối xứng: “đối xứng thuần túy” hoặc “đối xứng tương đối”.
Trong đối xứng thuần túy, các yếu tố giống hệt nhau sẽ được sắp xếp đều sang hai bên của trục đối xứng giống như hai mặt gương. Một ví dụ điển hình của thiết kế bố cục đối xứng thuần túy là khuôn mặt con người: cả hai bên trái và phải của mũi đều giống nhau. Sự đối xứng thuần túy có chỗ đứng riêng trong nghệ thuật, tuy nhiên sự lặp đi lặp lại của kiểu bố cục này thường đem lại cảm giác đồng điệu và không thú vị.
Mặt khác, đối xứng tương đối sẽ tạo được cảm giác hút mắt và gây hứng thú với người xem hơn. Hai bên của kiểu bố cục này có sự đa dạng và vì thế khi xem sẽ có cảm giác thú vị hơn. Tuy nhiên, hai bên dù đa dạng vẫn phải giữ một sự tương đồng nhất định để vẫn có được sự cân bằng về mặt thị giác.
Cân bằng bất xứng
Cân bằng bất xứng là khi hai bên của trục đối xứng không giống nhau, nhưng vẫn đem lại cảm giác cân bằng. Cách để đạt được sự cân bằng bất xứng là sắp xếp các yếu tố trong bố cục với các kích cỡ, màu sắc hoặc khoảng cách tới tâm khác nhau một cách hợp lý. Nếu người nghệ sĩ có thể cảm nhận, đánh giá và ước lượng khối lượng thị giác của mỗi yếu tố khác nhau, người đó sẽ có khả năng cân bằng toàn bộ bố cục và từ đó có được một bố cục hút mắt hơn.
Lựa chọn cân bằng bất xứng sẽ giúp cho người nghệ sĩ có nhiều sự tự do sáng tạo hơn, bởi vì có vô số cách sắp xếp bố cục có thể đạt được sự cân bằng này.
Chúng ta có thể thấy được sự khác biệt khá rõ giữa 2 kiểu bố cục này ở 02 bức tranh của Cezane như ở dưới đây:
Credits:
Trích nguồn bài viết gốc tại: teresabernardart.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.