Trong Chụp ảnh sản phẩm nói riêng hay Chụp ảnh thương mại nói chung thì đầu tư tiền bao nhiêu vào trang thiết bị studio luôn là câu hỏi lớn vì chi phí rất tốn kém khi so sánh với chụp ảnh cưới xóa phông ngoài trời. Thời gian vừa rồi Chimkudo cũng được hỏi nhiều về mua sắm thiết bị cho studio thế nào để tiết kiệm chi phí với các túi tiền khác nhau nhưng đều theo tiêu chí NGON – BỔ – RẺ để ai cũng có thể nghịch được. Trong bài này, Chim sẽ đề xuất vài phương án mua sắm để mọi người có thể tham khảo. Tùy vào túi tiền và mục đích chụp thì có thể mua sắm thêm, nói chung thì càng nhiều thứ thì càng chụp được nhiều hoàn cảnh, thể loại và mục đích khác nhau. Trước hết Chim phân tích 1 vài điểm qua qua, cái gì nên và không nên theo kinh nghiệm của mình, kết thúc là 1 list các đề xuất cho các túi tiền khác nhau:
– Một studio để chụp sản phẩm sẽ cần ít nhất là 03 nguồn sáng là tối thiểu cho các mục đích phổ thông: 1 dùng để đánh nền background, 1 tạo edge light và 1 dùng làm main light. Với số lượng tối thiểu này thì cũng sẽ khá hạn chế nhưng không phải là không làm được. Tuy nhiên nhiều người nghĩ là tiền dành cho nguồn sáng (đèn) là lớn nhất nhưng thực ra tiền dành cho đèn 1 thì dành cho light modifier là 10, 100, 1000…..lần.
– Dù phản, dù xuyên nếu dành cho Chụp sản phẩm thì Chimkudo cũng ít dùng vì khó kiểm soát – đặc biệt là với dù xuyên. Dù xuyên thì có xu hướng tán ánh sáng rộng khắp ra toàn bộ bề mặt dù và nó đánh lung tung khắp phòng. Vì vậy với các phòng nhỏ thì sẽ bị hiện tượng dội sáng gây ra các hiệu ứng không mong muốn.Dù phản thì ánh sáng chưa đủ soft lắm cho Chụp sản phẩm và cũng khó kiểm soát. Tuy nhiên nó khá rẻ, mua cũng chả sao, mua rồi về thử để lấy kinh nghiệm cũng được(Dù phản có thể dùng được trong trường hợp là chụp 1 vật với nền trắng toát để đưa lên website bán hàng).
– Softbox: Trong các hạng mục trang thiết bị studio, softbox là một light modifier hiển nhiên phải mua. Cái này cần cũng nhiều kích cỡ khác nhau nhưng hữu dụng thì là stripbox(softbox dạng dài tầm 20x110cm). Stripbox có thể được dùng làm nhiều mục đích nhưng hay dùng nhất là tạo edge light. Với các vật nhỏ thì có thể dùng nó làm main light. Các softbox hình chữ nhật và vuông thì nên mua mỗi loại 2 cái. Loại octa cũng được, đắt hơn chút nhưng có thể tận dụng được khi chụp mẫu(portrait) sẽ cho hình dạng của catch light tròn trong mắt đẹp.
– Phòng ốc: Nếu chỉ dùng để chụp sản phẩm không thôi thì ko cần quá rộng, 12m vuông là được rồi. Hẹp hơn thì đồ đạc để nó vướng víu vì càng chụp sẽ càng có nhiều đồ. Tất nhiên là càng rộng thì càng tốt. Với các studio có chụp người thì cần khoảng 20m vuông trở lên. Hơn nữa với các studio chụp ô tô xe máy thì sẽ cần khoảng 50m-100m vuông. Phòng thì nên sơn 1 màu đen hoặc trắng (trắng mà bé thì sẽ bị phản sáng).
– Phông, giấy, tờ lót….: Mấy thứ này sau mỗi 1 project sẽ thừa ra cả đống, nên cuộn lại thành cuộn chứ ko gập vì gập nó thành nếp, sau ko dùng được. Cắt 1 mảnh dùng để làm mẫu vì sau sẽ có rất nhiều loại và kiểu khác nhau, khi cần chọn texture chỉ cần nhìn vào mớ sample này, ko phải lôi cả đống ra mày mò. Còn ác khổ giấy nhỏ thì có thể ra cửa ĐH Mỹ Thuật CN Hà Nội hoặc lên 65 Hàng Mã mua vì rất rẻ và có cả nghìn loại, tha hồ lựa.
– Đồ trang trí: Trùm là phố Hàng Bồ, Hàng Mã. Cần sắt thép thì lên Lò Rèn, Thuốc Bắc. Đồ nhựa, thủy tinh thì Hàng Khoai.
– Bàn chụp sản phẩm: Trong danh mục trang thiết bị studio chụp ảnh sản phẩm thì bàn chụp là thứ đầu tiên cần đầu tư. Có đồ chuyên dụng thì tốt, dễ dàng và tiện lợi hơn, ko thì dùng cái gì phẳng làm bàn cũng được. ko cần cầu kì quá. CÓ thể lấy tripod cũ ra, chế cái miếng gỗ gắn ở trên là được thôi.
– Máy tính, laptop: Nên có, cài Lightroom(hoặc Capture One) vào để chụp tether(chụp cái ra màn hình luôn) để nhìn thấy ngay kết quả, cân chỉnh nó dễ hơn là nhìn vào cái LCD bé tí của máy ảnh.
Bắt đầu tới đoạn danh sách trang thiết bị studio từ ít tiền tới….vô biên.
– Phương Án 1: NGON BỔ RẺ RẺ: Phương án này chỉ chụp các vật tĩnh, kích thước nhỏ, độ tiện dụng ko cao nhưng bù lại chi phí ai cũng có thể theo được.
+ Đèn: Compact 45W Điện Quang hoặc Rạng Đông: 04 x 150k = 600k
+ Softbox: Tự chế được thì giá gần bằng 0. Tự chế softbox đọc ở đây. Nếu mua được thì tốt nhất, dùng với đèn Compact thì nhớ chọn loại có ring dùng cho đèn đuôi xoáy. Stripbox: 02 + Softbox 02 x 350k = 1tr400k.
+ Tấm mica dùng làm nền chụp, sẽ có đổ bóng rất đẹp. Mica Đen và trắng: 40cm x 60cm: 02 x 100k = 200k.
+ Xốp tấm dùng làm hắt sáng: 2m vuông x 25k = 50k.
+ Giấy nền, vải trang trí…. cái này thì vô vàn: Chịu khó đi xin vải vụn của mấy nhà may thì chả tốn xu nào.
Tổng chi phí là 2tr250k nếu mua softbox, còn không thì chỉ tầm chưa tới 1tr. Ok ?
Vài ảnh mẫu chụp với set đồ như trên (softbox tự chế):
– Phương Án 2: NGON BỔ RẺ: Phương án này bắt đầu cho phép tiếp cận các thể loại cao cấp hơn như chụp tốc độ cao, chụp nước nôi, chất lỏng, khói….. Tiện dụng ở mức TB vì đèn flash ko cho nhìn thấy trước kết quả.
+ Đèn: Flash Yongnuo 460 II: 03 x 900k = 2tr700k
+ Flash Trigger Yongnuo RF 603: 600k
+ Pin sạc đèn flash:Eneloop hoặc Sony: 03 x 4 viên/flash: 1tr200k
+ Chân đèn flash: 03 x 250k = 750k
+ Softbox mua như trên: 1tr400k
+ Tấm mica mua thêm mấy màu nữa cho da dạng: 500k
+ Mua bể cá cỡ vừa(dài 40x rộng 20x cao 60) để chụp nước nôi: 300k
+ Xốp, giấy trang trí.…..như trên: Càng nhiều càng tốt.
+ Các thứ còn lại của phương án 1
Tổng chi phí hết khoảng 8.5tr.
Một số hình ảnh ví dụ với kit này:
– Phương Án 3,4,5,6,7,8,9….NGON BỔ : Ở phương án này, chúng ta sẽ có khả năng tiếp cận được với hầu hết các lĩnh vực của Chụp ảnh sản phẩm, tất nhiên còn tùy vào khả năng của từng người nhưng với thiết bị được suggest ở đây thì cũng là khá đủ, tất nhiên là vẫn trên phương châm giá rẻ.
+ Đèn: Đèn monolight Jinbei, Electra, Solo…. Công suất 300W là quá đủ: 03 x 2.5tr = 7.5tr. Thêm 2 flash 460II nữa = 9.5tr
+ Chân đèn: 03 x 350k = 1tr
+ Chóa đèn: 03 cái = 500k
+ Boom set(chân đèn tóc tạ đỏ): Dùng để treo đèn, có thể đánh từ trên xuống, ngang sang, dưới lên….rất tiện dụng: 1tr500k
+ Tay treo hắt sáng + hắt sáng: 01 bộ = 350k
+ Phông trắng: 1 cuộn 11m x 2.7m = 900k. Mua nhiều màu thì càng tốt.
+ Giá treo phông: Di động thì 1tr, cố định(motor cuốn phông) thì 3tr.
+ Softbox: 2 stripbox, 2 softbox, 1 octa 90cm: 2tr.
+ Snoot+ filter màu: 01 x 350k = 250k. Snoot được dùng để tạo ra 1 chùm sáng nhỏ, chiếu vào 1 vùng cụ thể(vd như highlight cái nhãn chai rượu).
+ Barn door + filter màu: 01 x 350k = 350k. Gom và điều tiết ánh sáng đi ra tập trung hơn, thường dùng để tạo quầng sáng tròn sau background cho đối tượng.
+ Các thứ còn lại của phương án 2.
Chi phí thiết bị tầm 25tr như trên là khá đủ rồi tuy còn 1 số lĩnh vực có thể chưa làm được tốt như high sync, multiple flash, remote control flash và đèn….. nhưng có thể khắc phục được, chịu khó tí.
Một vài ví dụ với KIT đồ trên:
Kết thúc ở đây là tạm ok rồi, mọi người cũng đã có mường tượng ra cho mình cái thiết yếu cần phải mua là gì rồi. Tất nhiên mua càng nhiều thì sẽ tiện hơn trong quá trình làm việc, tuy nhiên phải hiểu cái mình mua để làm gì.
– Ai chưa biết cách dùng ánh sáng, đọc thêm ở đây.
– Ai chưa hiểu khác biệt giữa các loại đèn, đọc thêm ở đây.
– Chọn máy ảnh và ống kính ở đây.
Chúc mọi người chụp ảnh vui vẻ, có nhiều ảnh đẹp !!!
– Bản quyền bài viết thuộc về Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo Academy
@Mọi trích dẫn đều phải kèm link gốc tới bài viết