Đây là một trong các chủ đề được bàn tán khá nhiều và cũng gây khó khăn cũng như tranh cãi về hiệu quả và tác dụng không mong muốn của chữ ký trên ảnh. Chữ ký ảnh thường được sử dụng để ghi lại tên tác giả, có khi cả thời gian chụp bức ảnh đó, bên cạnh đó cũng là một công cụ marketing hiệu quả. Tuy nhiên việc sử dụng chữ ký ảnh không khéo léo và tinh tế sẽ vô tình làm hỏng chính bức ảnh.Trong bài viết này, chúng ta thử bàn qua một vài khía cạnh của chữ ký ảnh và xem nên làm thế nào để đạt được hiệu quả mà vẫn giữ được giá trị của tấm hình.
Ở tấm hình của Piltnik, nhiếp ảnh gia đã khéo léo sử dụng text cùng màu với tone màu của ảnh, đặt chính giữa và chữ đủ to để có thể nhận ra tác giả là ai. Đây là một cách dùng chữ ký ảnh được nhiều người ưa chuộng.
Trong thời buổi mạng xã hội bùng nổ như ngày nay, việc xuất hiện trên các mạng xã hội là điều cần thiết với hầu hết các nhiếp ảnh gia. Tuy nhiên việc upload các ảnh lên các mạng xã hội thường làm suy giảm rất nhiều chất lượng (điển hình là facebook), đây là điều chúng ta khó khắc phục. Tuy nhiên việc đặt chữ ký ảnh lại là cái trong tầm tay và có thể kiếm soát được.
Chữ ký ảnh là một công cụ để ghi lại tác giả của bức ảnh và đồng thời cũng là công cụ marketing hiệu quả. Watermark có thể là tên tác giả, website hay thậm chí là nick name, hoặc cả 2. Mỗi lần bức ảnh được nhìn thấy với watermark, mục tiêu marketing đã đạt được. Tuy nhiên việc sử dụng watermark khéo léo nó lại tùy thuộc vào từng người. Một số trường hợp thì chữ ký sau khi làm được 2 nhiệm vụ trên đã làm thêm nhiệm vụ thứ 3 đó là….phá nát bức ảnh :))
Hiển nhiên một công dụng của chữ ký ảnh là để tránh trường hợp ăn trộm và sử dụng ảnh một cách bất hợp pháp. Điều này dẫn tới việc nhiều nhiếp ảnh gia sử dụng chữ ký chèn lên các thành phần của ảnh để hạn chế việc photoshop. Rõ nhất về vấn đề này là với các site ảnh stock, tuy nhiên khi bạn trả tiền, chữ ký sẽ biến mất.
Tuy nhiên, một khi ai đó đã có tâm ăn cắp ảnh của bạn thì dù chữ ký có phức tạp, cuối cùng họ cũng sẽ photoshop được mà không làm ảnh hưởng lắm tới ảnh. Một cách khác để bảo vệ các bức hình của mình là giảm độ phân giải về 72ppi và chất lượng file jpg về mức basic. Tuy nhiên khi giảm chất lượng file ảnh jpg sẽ có thể gây ra vỡ, bệt màu ở các file ảnh có nhiều màu sắc, thông qua đó uy tín của photographer cũng bị ảnh hưởng.
Với nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp (và trong một số lĩnh vực ảnh như editorial..), họ hoàn toàn không sử dụng watermark vì theo họ, họ muốn dành thời gian nhiều hơn vào việc làm ra những khung hình đẹp và sáng tạo hơn là đi tìm xem ảnh của mình bị vi phạm ở những đâu. Có một luật dường như bất thành văn là việc người khác sử dụng bất hợp pháp ảnh của bạn thường tỉ lệ nghịch với trình độ của nhiếp ảnh gia. Khi bạn càng nổi tiếng, càng ít người dám ăn cắp ảnh của bạn vì đơn giản hành động của họ sẽ dễ bị phát hiện.
Ở Việt Nam chúng ta, khi mà vấn nạn bản quyền còn nhiều bất cập thì một chữ ký trong ảnh hầu hết là cần thiết, tuy nhiên nếu có thể biến chữ ký ảnh thành một phần của bức hình thay vì là một dòng nhỏ bé, lạc lõng thì sẽ tốt hơn nhiều. Việc này đòi hỏi người nhiếp ảnh gia cần có hoặc cần hợp tác với các designer để hoàn thiện tác phẩm của mình mà vẫn bảo vệ được công sức lao động đã bỏ ra.
– Bản quyền bài viết © by Chimkudo Pro – Expose yourself through the lens
Mọi trích dẫn phải đính kèm link gốc tới bài viết