Để có một bố cục thiết kế tốt, người nghệ sĩ còn cần phải tạo điểm nhấn. Điểm nhấn được tạo bằng cách khiến cho một yếu tố hoặc một vùng nào đó trong bố cục nổi bật hơn các chi tiết khác, từ đó khiến cho chi tiết này hút mắt người xem hơn.
ĐỊNH NGHĨA TẠO ĐIỂM NHẤN
Trong nghệ thuật, việc tạo điểm nhấn là khi tác giả khiến cho một chi tiết hoặc một vùng trong tác phẩm chiếm ưu thế mạnh hơn hoặc được nhấn mạnh nhiều hơn. Không có điểm nhấn, bố cục sẽ chỉ là một tổ hợp các chi tiết với tầm quan trọng ngang nhau, như được minh họa ở hình bên dưới. Tuy nhiên, việc tạo điểm nhấn hiệu quả yêu cầu tác giả phải chú trọng đưa chú ý đến vùng được nhấn, tạo ra những yếu tố khiến cho mắt người xem phải hút qua hút lại vào mảng này liên tục.
TẠO ĐIỂM NHẤN
Để tạo điểm nhấn, bạn cần tạo một tâm điểm chú ý cho bố cục, hay còn gọi là trọng tâm của bố cục. Trọng tâm (focal point) là nơi thu hút mắt người xem và là tâm điểm chú ý của toàn bố cục. Nó được tạo ra bằng cách khiến cho một chi tiết hoặc một vùng nổi bật hơn hoặc quan trọng nhất về mặt thị giác, còn những yếu tố phụ còn lại chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Những yếu tố phụ là những chi tiết trong bố cục đã được giảm bớt hoặc làm cho mờ nhạt đi để nhường sự chú ý cho tâm điểm. Trọng tâm có thể là vùng sáng nhất, tối nhất, lớn nhất hoặc phức tạp nhất trong bố cục, hoặc nó cũng có thể nổi bật hơn vì lý do nào đó khác. Tuy nhiên, chỉ nên có một thành tố trong bố cục được phép chiếm lấy vị trí trọng tâm, nếu có nhiều hơn thì tính nhấn mạnh sẽ bị mất đi.
Một số cách tạo điểm nhấn trong bố cục là:
- Tạo tương phản: các chi tiết càng tương phản mạnh với xung quanh thì sẽ càng nổi bật hơn.
- Cô lập: việc tách biệt một đối tượng khỏi những nhóm đối tượng khác sẽ khiến cho đối tượng đó nổi bật hơn
- Đường dẫn: một đường mũi tên, hoặc đường kẻ hoặc các vật tương tự cũng có chức năng tạo ra sự chuyển động và phương hướng để dẫn mắt người xem tới một đối tượng nào đó. Các đường dẫn giao nhau cũng sẽ tạo ra một điểm trọng tâm trong bố cục.
- Sắp xếp vị trí: những chi tiết nằm chính giữa khung hình sẽ thu hút sự tập trung của người xem đầu tiên. Tuy nhiên, bạn nên tránh đặt trọng tâm ở chính giữa, nên đặt lệch tâm một chút sẽ vừa mắt người nhìn hơn.
- Kích cỡ: Kích cỡ ở đây là chỉ kích cỡ của một vật tương quan với kích cỡ các vật xung quanh. Vật có kích thước càng lớn so với các vật khác thì nó sẽ càng nổi bật hơn, còn những vật nhỏ sẽ có xu hướng lùi về phía đằng sau.
Cho dù yếu tố nào được chọn làm trọng tâm, bố cục cũng không nên dồn toàn bộ sự chú ý vào yếu tố đó. Việc nhấn mạnh là quan trọng và cần thiết, nhưng một bố cục tốt cần mọi yếu tố trong khung hình kết hợp với nhau để tạo ra một sự đồng nhất.
MỘT SỐ VÍ DỤ VỀ TẠO ĐIỂM NHẤN TRONG HỘI HỌA
Trong bức tranh này, người xem có thể dễ dàng nhận thấy người họa sĩ đã sử dụng ánh sáng để đặt điểm nhấn lên người đầu bếp. Đầu bếp nổi bật hơn cả, làm trọng tâm cho cả bức tranh.
Ở bức tranh trên, họa sĩ đã tạo điểm nhấn thông qua màu sắc. Bằng cách tô áo của cao bồi màu đỏ, đối lập với màu sắc trung tính xung quanh, tác giả đã thu hút được sự chú ý vào người cao bồi.
Credits:
Trích nguồn bài viết gốc tại: teresabernardart.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.
1 Comment
Pingback: 03 bố cục thiết kế: Sơ đồ Gutenberg, Z-Pattern và F-Pattern