Có một điều mà tôi hay nói là: các nhà sản xuất máy ảnh luôn muốn làm ra những chiếc máy ảnh tốt nhất. Tuy nhiên, gần đây tôi có nói chuyện với một số người dùng của ba thương hiệu lớn nhất, hai trong số họ đã nói với tôi rằng máy ảnh của họ có vấn đề lớn về chất lượng, và một người nói rằng máy ảnh của họ lấy nét chậm, và một người còn phàn nàn rằng ống kính quá đắt. Tôi sẽ để cho bạn đoán xem thương hiệu nào gặp vấn đề gì. Mặc dù ban đầu không ai muốn thừa nhận, nhưng trong cuộc trò chuyện, mọi người đều cho biết họ có chút thất vọng về bộ máy ảnh của mình. Thế tại sao họ lại chọn nó?
Bạn phải hiểu điều gì đang ảnh hưởng đến lựa chọn của bạn?
Nếu bạn đang đọc bài viết này, tôi cho rằng bạn đã mua một bộ máy ảnh. Và bạn đang rất hài lòng vì đã chụp được những bức ảnh siêu đẹp với chiếc máy của mình. Nhưng bạn có tự hỏi: điều gì đã thuyết phục bạn mua “thương hiệu” đó ngay từ đầu không?
Không ai thừa nhận rằng: Mình sẽ bị quảng cáo chi phối. Tuy nhiên, quảng cáo có khả năng ảnh hưởng đến tâm trí bạn rất lớn, và đó là lý do hầu hết mọi người đều bị “thao túng” bởi những gì quảng cáo mang đến cho chúng ta. Và tôi biết rằng có thể bạn đang nghĩ: “tôi không nghe theo quảng cáo đâu”, bạn thấy tôi đã dùng cụm từ “hầu hết mọi người” để không làm bạn khó chịu. Có một sự thật là, mọi người đều nghĩ như thế về bản thân mình. Nhưng quảng cáo rất mạnh mẽ, đó là lý do các thương hiệu lớn đầu tư rất nhiều tiền vào nó.
Đây là một tin xấu, khi các thương hiệu lớn sẽ có ngân sách quảng cáo rất lớn, vì vậy các thương hiệu đó rất có sức thuyết phục với chúng ta. Kết quả là, họ dễ dàng duy trì vị trí các “cá lớn” vì có sức thuyết phục vô cùng mạnh mẽ.
Bạn có bị ảnh hưởng bởi “Hiệu ứng đám đông” không?
Các thương hiệu lớn còn ảnh hưởng đến các nhiếp ảnh gia một cách tinh tế hơn. Hầu hết mọi người đều muốn thuộc về một cộng đồng nào đó – vì bản chất của con người là muốn hòa nhập. Và khi họ thấy cứ vài nhiếp ảnh gia sử dụng những chiếc máy ảnh chung một thương hiệu cụ thể, họ cũng sẽ mong muốn sử dụng một chiếc máy ảnh giống vậy. Mặc dù chiếc máy ảnh đó có thể thiếu một vài chức năng (hay khía cạnh nào đó), nhưng quan trọng là họ trở thành một phần của cộng đồng đó. Vì vậy, khi lựa chọn máy ảnh, hầu hết mọi người thường ít quan tâm đến việc nó có phải là chiếc máy ảnh phù hợp và tốt nhất cho họ hay không. Mà là vì họ muốn kết nối với những con người khác sở hữu cùng một thiết bị và mang cùng một ”chiếc huy hiệu”.
Hành động này trong tâm lý học được gọi là: hiệu ứng đám đông. Nếu bạn chơi với chín người khác sở hữu cùng một thương hiệu máy ảnh, nhất định bạn sẽ là người thứ mười hoặc bạn sẽ rời nhóm. Hầu hết mọi người thường đồng ý mua các sản phẩm hoặc dịch vụ được số đông chấp nhận.
Và tất nhiên, điều này không chỉ xảy ra trong lĩnh vực nhiếp ảnh cụ thể như chụp sản phẩm, đồ ăn hay commercial nói chung mà đúng với hầu hết hành vi của con người trong các lĩnh vực khác. Hãy nghĩ đến sự nổi tiếng của một số nhà sản xuất giày sneaker hay quần áo ở Châu Á, hoặc các cửa hàng hamburger bán cho chúng ta những đồ ăn, đồ uống có sẵn và không có mấy giá trị dinh dưỡng. Và phần lớn thành công về tài chính của họ đến từ sự nổi tiếng của họ.
Sở hữu một tâm lý dễ bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông thật sự không tốt cho việc sáng tạo trong nhiếp ảnh. Nếu bạn có tìm hiểu tất cả các nhiếp ảnh gia trong quá khứ, họ đều đã “phá vỡ” những điều bình thường. David Bailey đã sử dụng film 35mm thay vì các định dạng film lớn hơn, đạt định dạng tiêu chuẩn. Còn Dorothea Lange đã phá vỡ khuôn mẫu và chụp những bức ảnh thể hiện sự khó khăn của một thời kì suy thoái. Ở Vương Quốc Anh, Tish Murtha đã đưa những vấn đề xã hội ra ánh sáng khi chụp những cộng đồng bị gạt bỏ ở Newcastle. Tất cả bọn họ đều phá vỡ những quy ước ở thời đại của họ. Hầu hết những nhiếp ảnh gia vĩ đại đều suy nghĩ “thoát khỏi” sự hạn chế, những điều bình thường.
Nếu một nhiếp ảnh gia lựa chọn một chiếc máy ảnh vì sự ảnh hưởng, sự mong đợi của một nhóm người, thì khả năng sáng tạo của họ cũng có thể bị hạn chế tương tự. Vấn đề lớn ở đây là không ai nhận ra rằng họ đang bị ảnh hưởng để đưa ra quyết định, hoặc họ không thừa nhận điều đó.
Áp lực đến từ những gã khổng lồ trên Internet
Các nền tảng lớn trên Internnet luôn tạo ra những luật chơi riêng của mình, để nhằm tăng sự gắn kết là tương tác của người dùng, thứ sẽ mang lại nhiều doanh thu cho họ. Do đó, các công cụ tìm kiếm và mạng xã hội sẽ đưa các bài đăng phù hợp với sở thích của bạn vào bảng tin. Doanh thu của họ phụ thuộc vào việc bạn bấm vào các liên kết, và bạn sẽ bấm nhiều hơn vào các tin mà bạn quan tâm và hứng thú. Sau đó, bạn sẽ thấy những quảng cáo có liên quan đến sở thích của bạn, và các ông lớn trên Internet sẽ nhận được nhiều tiền hơn.
Bạn có thể tự mình thử nghiệm điều này. Chọn một thương hiệu máy ảnh khác với thương hiệu mà bạn đang sử dụng cùng với một quốc gia khác với quốc gia bạn đang sinh sống. Ví dụ, nếu bạn là một nhiếp ảnh gia chụp ảnh chân dung bằng Canon, Nikon hay Sony ở Hoa Kỳ, thì feeds của bạn sẽ toàn những nhiếp ảnh gia tương tự như bạn. Vì vậy, bạn hãy chọn thương hiệu khác thương hiệu của bạn.
Ví dụ nếu bạn muốn dùng thử thương hiệu mà tôi đang sử dụng (Olympus), hãy tương tác với những bài đăng khác từ các nhiếp ảnh gia sử dụng thiết bị đó ở một quốc gia khác với bạn. Ví dụ: nếu bạn chọn Olympus và Vương Quốc Anh, bạn có thể tương tác với các nhiếp ảnh gia chụp macro như: Geraint Radford và Jamie Rosencrans, nhiếp ảnh gia chụp động vật hoang dã như: Tesni Ward, Rob Cottle, Espend Helland, Nick Wilcox Brown và David Tipling, các nhiếp ảnh gia phong cảnh như: Tom Ormerod, Derek Forss và Andrew Fusek Peters (anh cũng chụp động vật hoang dã) và nhiếp ảnh gia kiến trúc Martina Govindraj.
Tìm kiếm họ bằng Google hoặc theo dõi và tương tác đủ với các bài đăng của họ. Chắc chắn, bạn sẽ sớm bắt đầu thấy nhiều nhiếp ảnh gia với Olympus ở Vương Quốc Anh chụp thể loại đó xuất hiện trên newfeeds của bạn, những nhiếp ảnh gia này trước đây bị lọc ra. Tất nhiên bạn có thể chọn thương hiệu và quốc gia khác nếu muốn, nhưng nguyên tắc là như nhau.
— hết phần 01 —
—
Credit
Dịch từ bài viết gốc trên fstopeers.
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo