Dự án nhiếp ảnh CIE A Level được nhắc đến trong bài viết này là sản phẩm của Freya Dumasia tại đại học Macleans, Auckland, New Zealand. Freya đã đạt được tổng điểm 92% cho khóa A Level (89% cho khóa AS), và đã được trao Học bổng Xuất sắc (Outstanding Scholarship) của chứng chỉ NCEA Level 3. Những tác phẩm của cô mô tả hình tượng người phụ nữ theo đạo Hồi khoác trên mình bộ burqa và đi sâu vào những vấn đề liên quan đến văn hóa và bản sắc con người.
Nhiếp ảnh thường được quan niệm là một môn nghệ thuật dễ dàng: rằng bất kỳ ai với một mắt bố cục tốt cũng có thể chụp được những kiểu ảnh đẹp, chỉnh sửa độ tương phản và thêm một hai cái filter trong Photoshop là có được sản phẩm. Dự án của Freya là minh chứng rằng những học sinh A Level làm nhiều hơn vậy. Những bức ảnh của cô là thành quả của những lựa chọn bố cục đầy chủ ý, kỹ thuật sử dụng máy ảnh SLR phức tạp và khả năng tận dụng những thành tố 3D trong tác phẩm. Thay vì dựa vào hậu kỳ để chỉnh sửa và hoàn thiện những bức ảnh của mình, Freya tập trung vào tận dụng khả năng kỳ diệu của chiếc máy ảnh. Những bức ảnh của cô cuốn hút người xem và có phần ám ảnh, một dự án vô cùng đáng nhớ.
Dưới đây là một bài phỏng vấn mà chúng tôi đã thực hiện cùng Freya về dự án của cô.
Sơ lược về chủ đề và ý tưởng đằng sau dự án Nhiếp ảnh A Level của bạn là gì?
Tôi sinh ra ở Dubai, một đất nước có nền tôn giáo dồi dào đã khiến tôi vô cùng hứng thú với văn hóa đạo Hồi. Tôi rất quan tâm đến việc sử dụng nhiếp ảnh làm công cụ để xoay chuyển góc nhìn và nhấn mạnh vào cách một hình mẫu văn hóa trong xã hội đã được xây dựng bởi truyền thông như thế nào. Tôi muốn nâng cao nhận thức cho người xem về cách thức mà báo chí và truyền thông mạng đã thao túng hình ảnh và quan niệm của mọi người về văn hóa đạo Hồi ra sao. Những bức ảnh của tôi có mục đích bộc lộ khả năng bóp méo, xóa mờ và tính một chiều của truyền thông đại chúng, cũng như tác hại làm mai một bản sắc cá nhân của những con người thuộc một nền văn hóa.
Ngay từ ban đầu, những bức ảnh thuộc dự án A Level của Freya đã có bố cục đầy chủ ý. Những bức ảnh đầu tiên này đều rất nổi bật, có bố cục đối xứng với tương phản mạnh giữa sáng và tối. Những đặc điểm quan trọng của chủ thể đều được thể hiện rõ ràng: lớp burqa đen, các đường nét phức tạp của màng che mặt, đôi mắt hút hồn và đôi kính mắt của cô gái theo đạo Hồi.
Cô gái trong bức ảnh là một người bạn của tôi với màu mắt rất đặc biệt. Tôi muốn người xem ngay lập tức bị hút vào tác phẩm thông qua đôi mắt hút hồn đó. Hình ảnh đoàn người đi lại giúp tôi truyền tải sự cô lập của cô gái qua góc nhìn. Tôi đã zoom vào đoàn người di chuyển để hiệu ứng làm mờ xung quanh giúp cô gái được nổi bật giữa đám đông hơn. Điều này giúp cho người xem có cơ hội cảm thấy kết nối với tác phẩm của tôi hơn và nhìn nhận bản thân họ là đám đông người xung quanh. Việc tập trung vào chiếc ống kính tượng trưng cho cách chúng ta đang nhìn cận cảnh hơn vào cuộc sống của cô gái, bên dưới lớp phủ đen. Người xem lúc này đang đứng từ góc nhìn của cô gái, giúp họ cuốn sâu hơn vào bức ảnh và nhấn mạnh vào nhận thức nhạt nhòa mà bạn có được từ một góc nhìn của một bên thứ ba (truyền thông đại chúng). Hình ảnh trái lệch và bị bóp méo này tạo sự khó hiểu và lật ngược thực tại (như được thấy trong hình dáng tròn trịa của chiếc lens macro ở cuối trang đầu tiên của nhật ký chuẩn bị, khiến cho hình ảnh bị đảo ngược). Đôi mắt kính tượng trưng cho cái nhìn hạn hẹp của truyền thông về thế giới của chúng ta. Cuối cùng, màn hình TV (in trên một lớp nhựa OHP) củng cố tầm ảnh hưởng và năng lực của truyền thông đại chúng lên văn hóa con người.
Không chỉ dừng lại ở “chĩa và chụp”, những bức ảnh đoàn người di chuyển này đều được làm mờ, bóp méo và đảo ngược qua ống kính tròn
Tính động của đoàn người phía sau có những đặc tính hội họa, giúp nhấn mạnh sự tĩnh lặng, bất động của chủ thể chính. Đây là bức ảnh một cô gái đứng trước một máy chiếu với màn hình máy chiếu đang hiện ảnh của đoàn người di chuyển. Những cách tiếp cận sáng tạo như vậy đã giúp dự án A Level của Freya được độc đáo hơn.
Thể hiện góc nhìn bóp méo, mờ nhạt thông qua lăng kính, bức ảnh với bố cục tuyệt đẹp này muốn nhắc đến các ý tưởng liên quan đến nhận thức: cách một cá nhân đóng khung quan niệm về thế giới của họ
Ở đây, Freya kết hợp nhiều chủ thể khác nhau trong dự án A Level của cô: hình ảnh đám đông lu mờ (những đường sáng trừu tượng), góc nhìn bóp méo qua mắt kính và sự bất động của cô gái mặc burqa, nhìn thế giới với đôi mắt trong và kiên quyết.
Cách phối màu giúp thu hút sự chú ý của người xem, màu đỏ từ từ lướt qua màu đen trong đám đông với những mảng chất liệu (ở giữa trang nhật ký chuẩn bị thứ hai). Màu sắc ấm áp thu hút người xem và tạo một cảm giác thoải mái, trước khi chuyển sang những vùng lam và đen ảm đạm, để phơi bày bản sắc bị mất đi của cô gái. Mảng trắng được sử dụng để tạo cảm giác cô đơn và cô lập.
Ngay cả khi áp dụng kỹ thuật chụp phơi sáng đầy biến số, Freya vẫn đảm bảo rằng các màu đỏ, lam và đen được hòa quyện vào dự án.
Freya in một bức ảnh A3 chụp đôi mắt của chủ thể, sau đó chụp lại bức ảnh này một lần nữa với thời gian phơi sáng dài. Theo Freya, bức ảnh này “trưng bày hai danh tính khác nhau của cô gái, vì văn hóa của cô đã nói thay cô về con người cô chứ không phải bản thân cô. Hiệu ứng nhiều đôi mắt chồng lên nhau tượng trưng nhiều góc nhìn được tạo ra bởi truyền thông, chúng thực chất chỉ là một hình ảnh được tái lặp nhiều lần.”
Bạn có nghiên cứu về nhiếp ảnh gia hoặc họa sĩ nào trước và họ đã ảnh hưởng đến dự án của chính bạn như thế nào?
Đối với tôi, thị giác có thể đem lại nhiều quan niệm, góc nhìn và cách hiểu khác nhau. Để hiểu được những tầng lớp phức tạp của bất kỳ văn hóa nào cùng với những phong tục tập quán đang muốn được duy trì sẽ luôn là một thử thách lớn. Bạn cần phải bỏ ra công sức mới có thể tôn trọng và khám phá những tầng lớp ẩn dấu này, tôi đã thực hiện điều này thông qua những vật đóng khung và góc nhìn chọn lọc. Những bức ảnh của Sander áp dụng nhiều góc nhìn khác nhau để thu hút người xem. Một cách tương tự, tôi cũng đã dùng góc nhìn để bộc lộ sự tiêu cực trong cách truyền thông đã chi phối hình ảnh của một nền văn hóa với bề dày lịch sử và truyền thống riêng. Tôi làm điều này bằng cách giới hạn cách phối màu (đỏ, lam và đen), sắp xếp ánh sáng có chủ ý và cách kỹ thuật chồng ghép (ví dụ như hiệu ứng nhiễu trên màn hình TV và đặt khung qua mắt kính).
Lalla Essaydi tập trung các tác phẩm của mình vào hình ảnh người phụ nữ Ả Rập theo phong cách phương Đông thế kỷ 19. Những bức ảnh của bà chứa hình ảnh người phụ nữ trên những trang phục có họa tiết tái lặp, như hòa vào với bức tường phía sau. Những bức ảnh của tôi cũng nắm bắt chất liệu vải, như Essaydi, nhưng không che khuất cơ thể con người; thay vào đó tôi đặt trọng tâm vào khuôn mặt và đôi tay của cô gái hơn. Loại vải đen mà tôi sử dụng là loại vải hay được truyền thông nhắc đến, một loại hình ảnh mà chúng ta đã quen gặp trên TV.
Một trong những bức ảnh thú vị nhất của Freya là những bức chân dung chụp qua lớp màn burqa, những hình bóng với họa tiết phức tạp. Với ánh sáng xanh mềm mại, các hình bóng này “truyền tải cách văn hóa đã in hình lên da thịt của cô gái như thế nào.”
Một dự án A Level cần phải xây dựng hình ảnh chủ thể một cách mạch lạc. Bức ảnh trên giới thiệu lại hình ảnh cô gái với ánh mắt trong và hút hồn, tạo một mối liên hệ trực quan với bức ảnh ở mục trước.
“Nhiếp ảnh là một loại hình ngôn ngữ trực quan thường được dùng để chi phối một số nhóm người, văn hóa và có một số bản sắc nhất định.”
– Greg Semu
Tôi muốn tìm hiểu cách truyền thông đã thêu dệt một hình ảnh như thế nào. Vẻ đẹp của văn hóa Hồi Giáo từ trước đến nay đã luôn bị lấn chìm bởi những tranh cãi xoay quanh chiếc burqa. Truyền thông đại chúng tạo hình và cắt ghép mọi câu chuyện tùy theo mục đích của riêng nó, thường là do các vấn đề chính trị. Tôi đã sử dụng tính chuyển động để tạo cảm giác bối rối, và sử dụng độ sâu trường ảnh kèm với những hình cận cảnh nhòe để tượng trưng cho quan niệm sai lầm của mọi người về một nền văn hóa.
Davis Ayer phô chiếu hình ảnh lên cơ thể trần của người phụ nữ để tạo hiệu ứng của những “hình xăm hoàn hảo”. Tôi cũng đã đạt được hiệu ứng tương tự trong các bức ảnh của mình trên trang thứ 3 của nhật ký chuẩn bị, phơi bày cách mà truyền thông đã áp đặt những quan niệm lên văn hóa này, để rồi những tư tưởng đó mãi mãi in sâu trong tâm trí khán giả.
Những bức ảnh này đều là sản phẩm ngẫu hứng của các kỹ thuật nhiếp ảnh mang tính thử nghiệm. Được chụp trong lớp học sử dụng ánh sáng tự nhiên (vào một ngày nhiều mây), Freya đặt máy ảnh cố định trên tripod và chụp với tốc chậm, zoom lens ra và vào với tốc độ chậm, còn mẫu thì đứng yên.
Dự án của bạn trưng bày rất nhiều các kỹ thuật nhiếp ảnh và ý tưởng sáng tạo khác nhau, ví dụ như sử dụng làm mờ và bóp méo hình ảnh có chủ ý thông qua ống kính và màn hình. Hãy giải thích công dụng của những kỹ thuật này trong việc hỗ trợ truyền tải thông điệp được phân tích trong tác phẩm của bạn.
Tôi đã cố tình làm mờ chủ thể để mô tả sự chôn vùi văn hóa và đánh mất bản sắc. Trang thứ ba trong nhật ký chuẩn bị của tôi tập trung vào lớp khăn che, với cô gái mờ nhạt trong background, sau đó lại xoay sang lấy nét vào cô gái và làm mờ chiếc khăn. Kỹ thuật này giúp làm nổi bật các lớp đan xếp tỉ mỉ và vẻ đẹp của chiếc burqa. Sự dịch chuyển từ chiếc khăn sang làn da cô gái ám chỉ những quan niệm hằn sâu của truyền thông cũng như cách nhìn nhận của xã hội về danh tính của cô. Chiếc burqa không còn chỉ là một món đồ thời trang, nó đã trở thành một phần không thể thiếu đại diện cho con người của cô gái.
Một kỹ thuật sáng tạo khác lại được áp dụng trong dự án A Level này: bức ảnh mô tả một cô gái đang cầm hình ảnh một chiếc tv nhiễu nét được in lên một miếng nhựa trong OHP. Kỹ thuật này mở rộng hơn ý tưởng trước đó về những bức hình bên trong những bức hình: một sự đào sâu về cách thế giới quan của chúng ta đã bị hình thành, bóp méo và đóng khung qua các lăng kính.
Khi dự án của Freya ngày càng phát triển thêm, các bố cục ngày càng trở nên súc tích hơn, truyền tải những thông điệp mà cô mong muốn một cách nhẹ nhàng và rõ ràng.
Ở mặt thứ 4 của cuốn nhật ký chuẩn bị, tôi đặt vấn đề về cách mà mỗi cá nhân trong một nền văn hóa có thể mất đi danh tính của họ. Lựa chọn trang phục của cô gái không chỉ nói thay cho cô về con người mình, mà ngay cả truyền thông cũng hình thành những định kiến về cách suy nghĩ của cô. Nhiều tầng lớp lu mờ khác nhau đã lấn át sự tồn tại thật của cô. Khi cô gái khoác lên bộ burqa, người ta sẽ bắt đầu bàn tán và có nhiều quan niệm tiêu cực được sinh ra. Tôi làm mờ cô gái để chứng tỏ cách con người đánh giá cô gái ngay cả khi họ không biết cô ấy là ai ngoài chiếc burqa, hay chiếc burqa tượng trưng cho điều gì. Tôi thêm vào màn hình TV để tạo sự liên kết với truyền thông đại chúng. Hình ảnh chiếc TV có sức mạnh lớn là nhờ đường nét của chủ thể chính được đặt ở chính giữa. Hình ảnh đó sẽ ngay lập tức đập vào mắt người xem, họ có thể sẽ không biết cái gì đứng đằng sau chiếc TV nhưng họ sẽ cho rằng đó là cô gái trong bộ burqa.
Ảnh của tôi không có nhiều chỉnh sửa hậu kỳ, vì tôi chỉ thích sử dụng Photoshop để điều chỉnh độ tương phản, độ sáng hay các mức sáng levels.
Sử dụng những kỹ thuật làm mờ ảnh được nhắc đến ở trên – tốc chậm, đèn chiếu và zoom máy ảnh – Freya đã mở rộng hiệu ứng layer và chiều sâu, củng cố ý tưởng về các góc nhìn khác nhau và sự thật bị đắm chìm trong mớ truyền thông hỗn loạn.
Bức cuối cùng của bạn thực sự rất đẹp, nghệ thuật sắp đặt đương đại: một bức ảnh đóng trong một hộp đen. Hãy cho chúng tôi biết thêm thông tin về tác phẩm này.
Bức ảnh cuối cùng là một tấm khung đen bao trùm bởi đám đông người. Nếu bạn đi qua chiếc hộp, bạn sẽ chỉ thấy một đám đông. Nhưng nếu bạn nhìn vào bên trong chiếc hộp, qua một lỗ nhìn, bạn sẽ ngay lập tức bắt gặp ánh mắt của cô gái. Tôi đã cố tình làm vậy để người xem bị bất ngờ trước một đôi mắt nhìn thẳng vào họ. Lỗ nhìn là một đường rạch ngang chiếc khăn. Điều này sẽ đặt người xem trong vị thế của cô gái vì cô chỉ nhìn thế giới qua chính đôi mắt của mình, có bề dày và cao hệt như vết rạch. Khi đưa mắt vào lỗ nhìn, toàn bộ khuôn mặt người xem sẽ bị che khuất ngoại trừ đôi mắt, hệt như khi đeo một chiếc burqa.
Tác phẩm cuối cùng của dự án A Level của Freya bao gồm một chiếc hộp đen đặt trên những tấm rèm, bên trong là một chiếc iPod đang bật tiếng những lời tán gẫu được thu âm tại một phố ẩm thực kèm với những câu cầu nguyện tiếng Ả Rập. Một bên chiếc hộp có thể kéo mở (hình trên cùng bên trái) để lộ hai chiếc đèn đặt bên trong. Hai bóng đèn đều được bọc cellophane để bức ảnh (được in lên giấy can) bên trong tỏa màu xanh lam. Phía trên cùng chiếc hộp cũng có thể kéo ra để tiếp cận với bức ảnh này. Khi đã sắp xếp xong, một tấm khăn phủ đen được đặt xung quanh chiếc hộp và người xem sẽ đặt mắt qua lỗ nhìn để chiêm ngưỡng tác phẩm.
Một cái kết xuất sắc cho dự án, bức ảnh cuối cùng này (được nhìn qua vết rạch trên hộp) kết hợp nhiều kỹ thuật nhiếp ảnh mang tính thử nghiệm khác nhau trong một bố cục hút mắt. Được bao quanh bởi hình ảnh đoàn người chuyển động mờ ảo trừu tượng, người xem ngay lập tức bị hút hồn – không thể nhìn đi đâu khác khi ánh mắt của cô gái đang chĩa thẳng vào họ.
Bạn có lời khuyên gì muốn gửi đến những học sinh ngành Nhiếp ảnh khác đang muốn có kết quả xuất sắc như bạn không?
Hãy chọn một chủ thể mà bạn thực sự tâm huyết, bởi vì sự tâm huyết đó sẽ đem đến chuẩn mực cao hơn. Mặc dù đam mê rất quan trọng, bạn cũng cần phải làm việc có tổ chức, với sự quản lý thời gian tốt ngay từ đầu! Điều này sẽ giúp bạn có nhiều chỗ trống để thử nghiệm hơn và chọn cách hiệu quả và rõ ràng nhất để truyền tải các ý tưởng của mình. Những bức ảnh tốt nhất sau đó sẽ đem đến cho bạn kết quả tốt.
Bức ảnh cuối cùng này là bảng báo cáo cho chương trình học bổng NCEA của Freya. Đây là một chứng chỉ New Zealand dành cho những thí sinh xuất sắc nhất ở Level 3 (Năm 13). Freya được trao tặng Học bổng Xuất sắc nhờ dự án này, mức điểm cao nhất có thể.
Freya đã sử dụng máy Canon 550D SLR cho dự án này cùng các ống kính 55-250mm và 18-55mm, cùng với một lens macro 58mm, và các đèn studio và chân máy.
Credits:
Trích nguồn bài viết gốc của Amiria Gale tại studentartguide.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.