Trong ngôn ngữ thông dụng, “hình” và “khối” nhiều khi được coi là hai từ đồng nghĩa. Tuy nhiên, những từ này thực chất có nghĩa riêng biệt được sử dụng để miêu tả hai đặc tính thị giác khác nhau của một vật. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá sự khác biệt giữa hai đặc tính trên cũng như là cách để áp dụng chúng trong nhiếp ảnh.
HÌNH LÀ GÌ?
Nói đơn giản, hình (shape) của một vật chỉ một khoảng không gian phẳng được giới hạn bởi phạm vi của vật đó từ một góc nhìn cụ thể. Hình có thể thay đổi màu sắc và đường nét, nhưng chúng đều giới hạn trong không gian hai chiều.
Những đường cong hay những hình dáng không có quy tắc được gọi là những hình tự nhiên (organic shapes), còn những hình có quy luật và góc cạnh như hình vuông hay hình tam giác được gọi là những hình hình học (geometric shapes).
Những bức vẽ trên hang đá của người tối cổ là một trong những tác phẩm nghệ thuật thị giác đầu tiên vận dụng những đặc tính của hình học. Ở thời kỳ Phục Hưng cũng như nhiều năm sau đó, nghệ thuật tạo khối trong tranh vẽ hai chiều lại được ưa chuộng hơn cả. Tuy nhiên, những nghệ sĩ ngày nay lại có xu hướng quay trở lại với hình dáng hai chiều để đi theo trường phái trừu tượng và tối giản đang lên ngôi.
Những nghệ sĩ danh tiếng như Piet Mondrian, Picasso, Wassily Kandinsky và Agnes Martin đều áp dụng ngôn ngữ hình học để tạo ra một trải nghiệm trực quan cho người xem.
Khối trong nghệ thuật thị giác khác hình ở tính ba chiều của nó, để được coi là có khối thì một vật phải có chiều dài, chiều rộng và cả chiều sâu. Khối có thể là khối hình học hoặc hoàn toàn tự do về kiểu dáng, khi mắt thường nhìn vào sẽ không thấy một sự phân biệt hay giới hạn rõ ràng. Với những loại hình nghệ thuật hai chiều như hội họa hoặc nhiếp ảnh, người nghệ sĩ tạo khối bằng những đường nét, sự chuyển động và sự chuyển vùng của màu sắc.
Những họa sĩ cổ điển như Leonardo da Vinci, Michelangelo hay cả những họa sĩ hiện đại như Mark Rothko và Georgia O’Keeffe đều nổi tiếng với kỹ thuật tạo khối của họ.
Những đặc tính của hình vẫn luôn hiện hữu trong nhiếp ảnh ngay từ thưở sơ khai, từ những bức ảnh film cyanotype của Anna Atkin đến những bức ảnh kiến trúc phẳng của Grant Mudford.
Bức Steamfitter của Lewis W.Hine cũng là một ví dụ điển hình của việc sử dụng những hình phẳng mạnh mẽ để làm nổi bật hơn hình khối của đối tượng chính, cụ thể ở đây là của một công nhân trong một nhà máy công nghiệp từ những năm 1870.
Trong nhiếp ảnh đường phố, Harry Gruyaert và Ed Peters là hai cái tên tiêu biểu trong việc sử dụng những hình dáng nổi bật trong những bức ảnh của họ.
KHỐI TRONG NHIẾP ẢNH
Cũng như hình, những khối 3 chiều đã tồn tại trong nhiếp ảnh từ những ngày đầu tiên.
Bức Sugar Loaf Islands của Carleton E.Watkin là một ví dụ điển hình của việc đánh bật được chất liệu của đối tượng từ việc tạo khối.
Hay là series Abandoned Theater của Hiroshi Sugimoto cũng đã vận dụng ánh sáng để tạo được khối và quan trọng hơn cả là lột tả được bề dày thời gian của rạp chiếu phim bị bỏ hoang.
Trong bức ảnh nổi tiếng “Dali Atomicus”, Phillipe Halsman đã kết hợp nhuần nhuyễn hình và khối để đem đến tính động và siêu thực cho bức chân dung chụp Salvadore Dali.
Cũng không thể không nhắc đến những bức ảnh chụp đường phố của Robert Frank đã kích thích được những cảm quan từ cả hình và khối để đem đến cho người xem những góc nhìn thú vị và mới lạ.
VẬN DỤNG HÌNH VÀ KHỐI TRONG NHIẾP ẢNH
Một nhiếp ảnh gia có vô vàn cách để tạo hình và tạo khối khi chụp ảnh. Đặc biệt, việc chú tâm vào những yếu tố như ánh sáng, độ sâu trường ảnh, góc nhìn hay màu sắc sáng tối sẽ giúp người chụp lột tả rõ nét hơn những hình thái khác nhau trong những bức ảnh của mình.
1. Tập trung vào ánh sáng:
Tùy thuộc vào góc chiếu sáng, ánh sáng có thể đánh phẳng hoặc tạo khối cho đối tượng. Nếu bạn muốn ảnh có chiều sâu và mang sắc thái kịch tính, hãy chọn những góc chiếu sáng cạnh để tạo ra hiện tượng đổ bóng mạnh hơn.
Mặt khác, chụp ảnh Silhouettes sẽ khiến những đối tượng của bạn chỉ còn là những hình dạng hai chiều. Để tạo hình bóng, chụp ngược sáng và đảm bảo rằng không có nguồn sáng chiếu trực diện vào đối tượng.
2. Chọn góc chụp phù hợp:
Đôi khi việc thay đổi góc chụp sẽ giúp khối nổi lên rõ ràng hơn. Với những góc chụp chính diện, đối tượng sẽ bay mất khối và hiện lên dưới dạng những hình dạng phẳng. Chụp từ những góc khác sẽ khiến hiện tượng chuyển vùng rõ ràng hơn và tạo khối cho đối tượng.
3. Độ sâu trường ảnh:
Độ sâu trường ảnh cũng ảnh hưởng đến khả năng miêu tả hình và khối trong ảnh.
Độ sâu trường ảnh mỏng tách đối tượng chính khỏi hậu cảnh (hoặc có thể là tiền cảnh), tạo ra một bức ảnh có chiều sâu hơn. Những hình khối khi bị làm mờ còn tạo ra một cảm giác sống động hơn cho bức ảnh, khiến cho khối trong ảnh cũng được rõ ràng hơn.
4. Sáng tạo hơn về màu sắc:
Nhiều nhiếp ảnh gia chụp ảnh trắng đen để nhấn mạnh hơn vào hình khối của đối tượng chụp. Chiều sâu thường được thể hiện rõ ràng hơn do tính tương phản cao về tone trên dải màu trắng đen.
Mặt khác, những vật có màu trơn nhấn mạnh vào tính hai chiều của vật. Sử dụng những khối màu nổi bật cũng là một cách để tăng tính phẳng trong ảnh.
5. Tạo chuyển động:
Khối thường được hình dung qua sự tự do về giới hạn không gian. Nhiếp ảnh gia có thể tái tạo hiệu ứng này bằng cách di chuyển máy ảnh một cách có chủ ý với tốc độ chụp cao, thường là lớn hơn hoặc bằng 1/125s. Bức ảnh thu lại sẽ có những khối hình trừu tượng hết sức độc đáo, chưa kể là những bức ảnh như thế này kích thích trí sáng tạo của người chụp nhiều hơn.
KẾT LUẬN:
Hình và khối có những vai trò khác nhau trong nhiếp ảnh, và chúng cũng có những khả năng gợi cảm và gợi hình khác nhau.
Bằng cách kết hợp ánh sáng, góc nhìn, độ sâu trường ảnh, màu sắc và chuyển động, chúng ta có thể vận dụng tốt hơn đặc tính của hình và khối trong nhiếp ảnh để cải thiện cấu trúc của mỗi bức ảnh.
Credits:
Bài viết gốc bởi Megan Kennedy tại: digital-photography-school.com
Phiên dịch bởi Chimkudo Academy. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.