Đọc được ánh sáng của một bức ảnh có thể không phải là một điều bắt buộc để chụp ảnh đẹp. Nhưng nhìn vào một bức ảnh yêu thích và phát hiện ra những điểm nổi bật chắc chắn sẽ giúp bạn học hỏi nhanh hơn để trở thành một nhiếp ảnh gia giỏi. Trong bài viết này, hãy cùng trả lời cho câu hỏi “Bắt chước có phải là xấu?”, đồng thời phân tích về ánh sáng của một bức ảnh và thực hành chụp chân dung với ánh sáng gắt.
Khi sao chép là chưa đủ
Khi nhìn thấy một bức ảnh yêu thích trên mạng, không có gì sai khi chúng ta muốn sao chép phong cách hoặc setup đó. Nhưng vấn đề là có thể chúng ta chưa hoàn toàn hiểu tại sao mình lại thích nó. Bắt chước một bức ảnh chỉ có thể giúp bạn tiến bộ hơn nếu như bạn biết tại sao mình lại muốn bắt chước ảnh đó.
Các vấn đề khi bắt chước ảnh mẫu
Hãy để tôi ví dụ về một số vấn đề khi sao chép hình ảnh. Một trong những vấn đề lớn nhất là bạn không bao giờ có đủ props, thành phần giống như ảnh mẫu.
Model có thể có tông màu da khác, thương hiệu đèn có thể khác nhau và do đó setting sẽ hơi khác một chút. Ngoài ra, các yếu tố không xuất hiện trực tiếp trong bức ảnh cũng có thể đóng một vai trò quan trọng.
Ánh sáng môi trường chúng ta chụp ánh cũng sẽ khác nhau. Trên thực tế, ngay cả khi tôi cố gắng bắt chước lại tác phẩm của mình, tôi không bao giờ có thể chụp được bức thứ 2 giống hệt, bởi có quá nhiều yếu tố khác nhau trong mỗi lần chụp. Nhưng quan trọng hơn, khi cố gắng bắt chước lại bức ảnh đã chụp trước đó, tôi đang phải linh hoạt với những gì mình có.
Chúng ta có thể nấu cùng một món ăn nhiều lần, nhưng nó không bao giờ có vị giống hệt nhau. Sao chép một bức ảnh cũng vậy, mỗi khi cầm máy lên, chúng ta phải cố gắng tạo ra những bức ảnh đẹp nhất, sử dụng những gì mình đang có.
Vì vậy, sao chép chính xác những gì chúng ta hoặc người khác từng làm trước đó là một việc bất khả thi. Nếu không nhận thức được điều này, thì chúng ta sẽ ngày càng thụt lùi.
Dưới đây, chúng ta sẽ thử bắt chước lighting setup của nhiếp ảnh gia Chris Nicholls để tạo ra ánh sáng gắt, dựa trên ảnh BTS.
Giải thích về setup
Setup này khá là đơn giản. Chúng ta có 1 đèn và 1 choá hướng thẳng vào đối tượng. Tôi không chắc chắn strobe có được sử dụng không, nhưng có thể đó là một chiếc Profoto gắn Magnum reflector hoặc zoom reflector.
Một điểm quan trọng khác là đèn flash luôn được bố trí ngay phía trên ống kính. Vì nhiếp ảnh gia luôn di chuyển nên phải có người cầm flash để luôn giữ ánh sáng ở phía trên ống kính, thay vì dùng 1 giá đỡ đèn.
Cách setup này được sử dụng ở khắp nơi, kể cả các nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Rankin hay Ellen von Unwerth cũng đều sử dụng setup này vì nó đơn giản nhưng rất hiệu quả.
Tại U.K., setup này đồng hành cùng nhiếp ảnh gia Rankin trong rất nhiều dự án, đặc biệt là các bức chân dung trong suốt sự nghiệp của anh.
Hãy bắt chước
Sau tất cả, chúng ta chỉ cần một đèn duy nhất kèm theo một choá. Tôi không có đèn Profoto cũng như choá Magnum, nên tôi sử dụng choá Bowens Maxilite 65 độ. Choá này cho kết quả tương đương vì đèn Profoto + choá Magnum cho ra ánh sáng trong khoảng 40 – 80 độ.
Tôi đang sử dụng một đèn Godox AD600/Pixpro CITI600 cũ và tiếp theo tôi sẽ sử dụng kèm một đầu nối xa. Điều này nghĩa là tôi không cần phải cầm toàn bộ đèn, mà chỉ cần cầm phần đầu đèn kèm choá, như vậy sẽ nhẹ hơn.
Có thể nhiều người sẽ thắc mắc không biết mảnh giấy dán phía trước đèn là gì. Những bức ảnh BTS dưới đây sẽ mô tả lại những gì tôi chụp khi chỉ sử dụng choá, không có gì chắn phía trước.
Trước tiên, hãy xem ảnh được chụp với chỉ đèn gắn choá.
Trong ảnh trên, bạn sẽ thấy rằng cổ của người mẫu có shadow kép. Để giải thích cho vấn đề này, đầu tiên đèn flash phát sáng và truyền ánh sáng đi xung quanh. Một số tia sáng chỉ đơn giản là đi thẳng và chiếu vào đối tượng, một số tia sáng khác chiếu vào reflector xung quanh trước rồi mới chiếu đến đối tượng. Shadow 1 gắt hơn và xuất phát từ đèn, shadow 2 là ánh sáng bị dội lại nên bóng sẽ nhẹ hơn.
Vì vậy, chúng ta cần làm một số cách để giảm shadow kép này. Một trong số đó là chỉ cần lấy lớp diffusion trên softbox hoặc beauty dish và đặt vào trước choá.
Với lớp diffusion này, chúng ta đã loại bỏ được bóng kép. Nhưng với tôi, shadow này trông hơi soft và mờ ở các cạnh. Đây là một ánh sáng đẹp nhưng tôi muốn bóng đổ mạnh hơn, đem lại các đường nét.
Một phương pháp thay thế cho lớp diffusion trên là diffusion gel. Gel này được thiết kế có màu trung tính, đặt trước nguồn sáng để làm dịu hoặc khuếch tán ánh sáng. Tôi thường sử dụng Gel Pack tiện ích như hình dưới đây.
Bạn dùng loại diffusion gel nào là phụ thuộc vào bạn. Nhưng hãy chắc rằng chúng được sản xuất bởi thương hiệu uy tín, để đảm bảo gel có màu trung tính và không bắt lửa khi đặt cạnh đèn nóng.
Với diffusion gel này, hãy thử chụp một bức ảnh khác và cùng so sánh.
Trông khá hoàn hảo phải không? Như vậy chúng ta đã bắt chước lighting setup của Chris Nicholls.
Bắt chước setup nhưng vẫn không giống?
Phía trên là cách mà nhiều nhiếp ảnh gia tự học dựa vào ảnh BTS. Chúng ta đã bắt chước setup, nhưng tôi vẫn không hài lòng với kết quả nhận được. Hãy cùng xem xét kỹ hơn khi đặt các bức ảnh cạnh nhau.
Khi nhìn lại, hãy dành thời gian để thực sự phân tích ánh sáng, thay vì chỉ đơn giản là sao chép nó. Rõ ràng là ta cần bỏ qua những khác biệt về màu da, cách makeup, môi trường, tông màu và khả năng hậu kỳ. Hãy chỉ nhìn vào ánh sáng.
Chắc chắn chúng ta đã sao chép setup từ ảnh BTS, nhưng tại sao kết quả lại khác? Làm thế nào để phân tích những yếu tố trong bức ảnh mình thích và áp dụng cho ảnh của mình?
Giờ thì cùng phân tích dựa trên các yếu tố dưới đây:
- Mật độ shadow: Bóng trong ảnh của Nicholls rất rất tối (nhìn vào vùng số 3 và 4). Điều này có nghĩa là không có đèn fill.
- Kích thước highlight: Nhìn vào vùng số 1, có thể thấy vùng catchlight ở ảnh của Nicholls rất nhỏ. Có nghĩa là chúng ta phải dùng nguồn sáng nhỏ hoặc ở xa để tạo ra ánh sáng gắt.
- Vùng chuyển tối: Bóng chuyển từ rất tối sang rất sáng vô cùng nhanh (xem vùng 3 và 4). Điều này nghĩa là chúng ta phải có một nguồn ánh sáng gắt và có hướng cụ thể.
- Độ sáng vùng highlight: Độ sáng vùng highlight thường khá khó đo vì nó thay đổi dựa trên bề mặt vật thể. Ví dụ: một vùng highlight trên bề mặt gỗ và bề mặt crôm sẽ có kích thước khác nhau. Chúng ta thường không biết được da của ai đó bóng/dầu như thế nào. Nhưng dựa trên những gì ta thấy ở đây, dường như mẫu ảnh của tôi có một làn da lấp lánh hơn (xem vùng số 2).
- Góc của shadow: Bóng trong ảnh của Nicholls rất nhỏ (vùng số 3 và 4), tức là nguồn sáng gần như thẳng hàng với ống kính máy ảnh.
- Khoảng cách từ chủ thể: Đây là một yếu tố khó nói, nhưng dựa trên các yếu tố khác như độ sáng tổng thể của ảnh và độ gắt của shadow, tôi có thể nói rằng khoảng cách từ máy ảnh đến người mẫu không quá xa, nhưng đủ xa để chiếu sáng một khu vực tương đối lớn cho bức ảnh nửa thân.
- Tương quan chiều cao nguồn sáng với chủ thể: Độ cao của ánh sáng gần bằng độ cao của máy ảnh (vùng số 3 và 4). Trong ảnh của Nicholls, nếu nhìn vào bóng bên phải và bên dưới của người mẫu, bạn sẽ thấy rằng chúng có cùng kích cỡ. Điều này nghĩa là nguồn sáng phải ở rất gần ống kính.
Những điểm tôi yêu thích
Chúng ta đã chia bức ảnh ra thành các phần, vậy bạn có hứng thú với điều gì? Với tôi, đó là ánh sáng gắt, rất rõ ràng, rất sáng, có hướng cụ thể và vùng bóng rất sắc. Đó là những điểm làm tôi thấy hứng thú với ánh sáng này. Qua những điều về vị trí ánh sáng và bóng tối, tôi cảm thấy có thể vận dụng được rất nhiều điều. Và tất nhiên lần này tôi sẽ không bắt chước hoàn toàn nhiếp ảnh gia Nicholls.
Một cách tiếp cận mới
Lần này, tôi sẽ đặt nguồn sáng ngay phía trên ống kính giống lần trước. Nhưng tôi sẽ tìm cách tăng độ tương phản và độ sắc nét của bóng đổ, bằng cách đổi modifier.
Nhiều người nghĩ rằng chỉ dùng choá là đạt được ánh sáng gắt. Nhưng do vấn đề shadow kép phía trên, tôi phải sử dụng một công cụ phù hợp hơn, đó là Universal Spot Attachment. Như bạn có thể thấy bên dưới, nó có một thấu kính phía trước giúp tập trung ánh sáng và định hướng cho shadow.
Giờ thì cùng xem kết quả mà nó đem lại.
Khi nhìn vào những bức ảnh này, tôi thấy hài lòng hơn. Toàn bộ hình ảnh có cảm giác sáng hơn và rõ nét hơn, phần bóng cũng sắc hơn trước.
Hậu kỳ
Tất nhiên, nếu muốn bức ảnh hoàn thiện hơn, chúng ta có thể dành một chút thời gian để hậu kỳ, điều chỉnh tông màu cho chính xác nhất.
Tôi nghĩ rằng nhiều người sẽ nói trông màu có vẻ hơi lạ. Nhưng nếu tôi chưa cho bạn xem ảnh gốc, khả năng cao là bạn sẽ không thắc mắc về vấn đề này.
Chúng ta đã học được gì?
Như tôi đã đề cập, bắt chước hay sao chép không hẳn là xấu. Trên thực tế, tôi tin rằng đó là một phần cơ bản trong quá trình học hỏi của nhiều nhiếp ảnh gia, đặc biệt là khi tự học. Bắt chước sẽ dạy cho bạn rất nhiều điều. Đầu tiên, bạn được học khả năng đọc ảnh, hiểu tại sao bạn lại thích bức ảnh đó, từ đó cải thiện và phát triển phong cách cá nhân của bạn. Tuy nhiên, hãy tập trung vào việc thể hiện lại các yếu tố mà bạn yêu thích trong bức ảnh mẫu, chứ đừng sao chép một cách máy móc.
Thực ra, việc sao chép thực sự là bất khả thi. Đơn giản là có quá nhiều yếu tố bên ngoài tác động đến set chụp. Ngay cả những nhiếp ảnh gia kinh nghiệm nhất cũng không thể sao chép hoàn toàn được.
Bạn có đang sở hữu một cuốn sách nấu ăn nào không? Trong các cuốn sách nấu ăn, người đầu bếp đã chỉ chính xác những việc cần làm, thậm chí đến từng nhúm muối nhỏ nhất. Nhưng trên thực tế, không có món ăn nào của bạn có vị giống hệt họ, bởi có quá nhiều yếu tố hoặc thành phần khác nhau. Nhưng khi có kinh nghiệm nấu ăn hơn một chút, bạn sẽ không bao giờ làm theo công thức nữa. Bạn ứng biến điều chỉnh để tạo ra công thức riêng theo sở thích của mình. Thêm một chút rượu vang, một ít bơ… Bạn đang thích ứng với sở thích của mình và lặp lại dựa trên phiên bản gốc.
Hãy làm điều tương tự trong nhiếp ảnh, tìm cách lặp lại theo các tác phẩm truyền cảm hứng cho bạn, thay vì chỉ sao chép nó!
Credit
—
Translated from website: diyphotography.net
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.
1 Comment
Pingback: 25 mẹo chụp food cơ bản ai cũng phải biết - Thư viện Chimkudo Academy