Khi máy ảnh kĩ thuật số ra đời, hầu hết các nhiếp ảnh gia đều bắt đầu với máy ảnh crop. Chỉ một vài năm sau, khi máy ảnh full-frame có giá cả hợp lý hơn, đó chính là thời điểm mà các cuộc tranh luận về ảnh hưởng của độ sâu trường ảnh trên máy ảnh crop và full frame bắt đầu bùng nổ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu điều này qua một số ví dụ thực tế.
Trước hết, tôi nghĩ rằng việc thảo luận về độ sâu trường ảnh trên máy ảnh crop khác gì so với máy ảnh full-frame không thực sự thú vị cho lắm. Tôi tin rằng điều quan trọng của một nhiếp ảnh gia là phải thực sự hiểu được độ sâu trường ảnh hoạt động như thế nào dựa trên sự kết hợp giữa máy ảnh và ống kính của họ, bất kể máy ảnh của họ được trang bị cảm biến như thế nào, chứ không phải so sánh xem sự kết hợp giữa máy ảnh/ống kính đó có độ sâu trường ảnh dày hơn hay mỏng hơn trên các loại cảm biến.
Khi tôi tổ chức các buổi workshop hay các lớp học, tôi nhận ra điều quan trọng rằng chính bản thân mình phải thấy được sự khác biệt và có thể giải thích một cách rõ ràng cho học viên của mình khi họ đặt câu hỏi. Vì vậy, tôi đã lấy một chiếc máy ảnh crop 1.6x và một máy ảnh full-frame của canon để chụp một vài bức ảnh và tìm điểm khác nhau giữa chúng như thế nào.
Nhưng trước khi làm như vậy, tôi thấy có một số điều quan trọng chúng ta cần phải biết:
Điều đầu tiên, cảm biến crop nhỏ hơn cảm biến full-frame (điều này là hiển nhiên). Do đó, cảm biến crop chỉ chụp được một phần so với những gì cảm biến full-frame có thể chụp được khi cả hai cùng sử dụng một độ dài tiêu cự. Có thể thấy hình ảnh chụp bởi cảm biến crop trông giống như được phóng to từ hình ảnh của cảm biến full-frame chụp ra. Hay nói cách khác, khi chụp với cảm biến crop, hình ảnh được chụp với độ dài tiêu cự bằng độ dài tiêu cự ống kính nhân với hệ số crop.
Ví dụ bên trên cho chúng ta thấy được sự khác biệt giữa những gì một cảm biến full-frame chụp được so với một cảm biến crop có thể chụp được. Và nếu in bức ảnh trên cùng một kích thước, cảm biến crop sẽ cho chúng ta cảm giác nó được chụp với một tiêu cự dài hơn.
Điều thứ hai, chúng ta cần để cập đến độ dài tiêu cự của một ống kính. Đây là độ dài kích thước vật lý thực sự của ống kính, không liên quan gì đến kích thước cảm biến. Điều này có nghĩa là, độ dài tiêu cự được đề cập của các ống kính được thế kế dành riêng cho cảm biến crop, chứ không phải hiệu chỉnh theo cảm biến crop. Vì vậy, một ống kính tiêu cự 17mm trên ống kính crop có tiêu cự tương tự như một ống kính có tiêu cự 17mm trên ống kính full-frame. Tuy nhiên trên thực tế, với tiêu cự 17mm, cảm biến crop sẽ hiển thị một tầm nhìn tương đương với 24mm khi so sánh với cảm biến full-frame (17mm nhân với hệ số crop).
Độ sâu trường ảnh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều khi chúng ta xem ảnh, phóng to bao nhiêu, khoảng cách xem là bao nhiêu và mật độ điểm ảnh là trên cảm biến. Nhưng để đơn giản hơn, chúng ta hãy bỏ qua những điều này. Tôi không muốn làm nó phức tạp hơn mức cần thiết.
Để kiểm tra độ sâu trường ảnh, tôi đặt máy ảnh lên chân máy, và chụp các bức ảnh với cảm biến crop và full-frame trên tiêu cự 120mm và có cùng khẩu độ f/2.8. Khoảng cách từ máy đến đối tượng được giữ nguyên hoàn toàn. Khi hai bức ảnh được đặt cạnh nhau, chúng ta có thể thấy được một vài điều. Tất nhiên, tiêu cự 120mm hoạt động giống ống kính với tiêu cự 192mm trên cảm biến crop. Nhưng độ sâu trường ảnh hoàn toàn giống nhau với cả hai kích thước cảm biến. Ta có thể nhìn rõ hơn khi phóng to bức ảnh chụp bằng cảm biến full-frame trùng khớp với bức ảnh chụp bằng cảm biến crop.
Nhưng có một vấn đề xảy ra, trong điều kiện này, chúng ta không có hai bức ảnh giống nhau để so sánh. Có vẻ như chúng ta đã sử dụng một tiêu cự dài hơn với cảm biến crop, hay do kích thước cảm biến nhỏ hơn. Nếu chúng ta muốn có cùng một bố cục, chúng ta cần thay đổi khoảng cách từ vật đến máy ảnh, hoặc thay đổi tiêu cự của ống kính. Hay chúng ta sẽ thử cả hai.
Để có cùng một bố cục, chúng ta có thể giảm độ dài tiêu cự. Điều này có nghĩa là chúng ta cần sử dụng độ dài tiêu cự 75mm trên máy ảnh crop (120mm chia cho 1.6x) để có cùng một góc ngắm. Khi chúng ta so sánh tiêu cự 120mm trên máy ảnh full-frame và 75mm trên máy ảnh crop, chúng ta có thể thấy được cùng một bức ảnh xuất hiện ít nhất ngay từ cái nhìn đầu tiên. Khi so sánh đến độ sâu trường ảnh, chúng ta thấy có sự khác biệt: ảnh chụp bằng cảm biến crop có độ sâu trường ảnh lớn hơn. Một lý do rõ ràng: độ dài tiêu cự ngắn hơn, ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh
Thay vì sử dụng một ống kính với tiêu cự ngắn hơn, chúng ta có thể thay đổi khoảng cách từ máy ra xa đối tượng 1.6 lần để có cùng góc ngắm với tiêu cự 120mm. Khi chúng ta so sánh ảnh này với ảnh trên cảm biến full-frame gốc, chúng ta thấy được độ sâu trường ảnh lớn hơn. Là do khoảng cách từ chủ thể đến máy lớn hơn.
Để trả lời câu hỏi, liệu độ sâu trường ảnh có bị ảnh hưởng bởi kích thước cảm biến hay không, chúng ta có thể nói có, nhưng nó bị thay đổi một cách gián tiếp, bởi vì chúng ta thay đổi các thông số khác để có thể tạo ra 2 bức ảnh giống nhau. Chúng ta thay đổi tiêu cự ống kính và khoảng cách giữa chủ thể và ống kính. Đó là lý do thực sự tại sao độ sâu trường ảnh trên máy ảnh crop và máy máy full-frame khác nhau.
Credit
—
Dịch từ bài viết gốc trên Fstoppers
Không trích dẫn khi chưa được phép.