Từ thời Phục Hưng cho đến thời kỳ nghệ thuật đương đại, màu hồng vẫn luôn giữ vị trí là một màu sắc với sắc thái biểu cảm đa dạng. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau nhìn lại lịch sử của màu hồng cũng như vai trò của nó trong quá trình tiến hóa của ngành nghệ thuật trực quan.
SỨC MẠNH TÂM LÝ CỦA MÀU HỒNG
Trong tiếng Anh, từ “pink” xuất phát từ tên những loài hoa thuộc chi Cẩm chướng. Là sự hỗn hợp giữa màu đỏ và màu trắng, màu hồng vừa có thể tạo cảm giác kích thích và hứng khởi, nhưng nó cũng có thể đem đến cảm giác nhẹ nhàng và mong manh. Những ánh hồng nổi bật tạo ra không khí vui đùa, trẻ trung, thân thiện và nồng ấm. Những màu hồng đậm tối hơn thì lại gợi đến niềm đam mê, tình yêu rực cháy, sự tự tin và sự khiêu gợi của nhục dục. Tuy nhiên, tập trung quá nhiều màu hồng cũng có thể ảnh hưởng đến cảm giác lo âu và chật chội.
Những món ăn ngọt ngào như kẹo bông, kẹo cao su, kem hay kẹo mút thường đều khoác lên những vẻ hồng tươi sáng. Màu hồng cũng thường tạo liên tưởng đến mùi hương thoang thoảng của hoa hồng và sự mềm mại của những cánh hoa, từ đó mà nó cũng gắn với sự nhẹ nhàng và nhạy cảm. Còn được gắn cả với hoa anh đào, màu hồng rấy lên những cảm nhận êm ả về mùa xuân, sự thay áo lột xác của thiên nhiên và sự sống. Là một màu ấm, hồng hút mắt người xem, kéo gần khung hình lại với khán giả hơn và đem đến cảm giác thân mật.
Trái với quan niệm của nhiều người, màu hồng được coi là màu sắc phù hợp cho những bé trai ở phương Tây vào đầu thế kỷ 20. Tư tưởng con người thời đó cho rằng hồng là một màu mạnh mẽ của phái nam. Màu xanh da trời lại được coi là một màu sắc nhẹ nhàng hơn phù hợp cho các bé gái. Nhưng đến những năm 1940, màu hồng lại chuyển vai sang thành màu dành cho phụ nữ. Những sản phẩm hướng đến nữ giới nhanh chóng chuyển màu hường, và cứ như vậy hồng dần dần trở thành màu của phái nữ.
Ở Trung Quốc, màu hồng được coi là một khung bậc của màu đỏ nên cũng có những ý niệm gắn với màu đỏ. Văn hóa Ấn Độ lại đặt màu hồng tượng trưng cho vẻ đẹp tươi trẻ, sự ăn mừng và sự sinh dưỡng. Người Hàn Quốc lại gắn cho màu hồng sự tin tưởng và an toàn. Còn với người Đức, màu hồng lại là một màu sắc nhẹ nhàng tươi sáng gửi gắm thông điệp về hòa bình và tính vô hại. Lịch mặt trời của người Thái lại quan niệm màu hồng gắn với thứ Ba.
QUÁ TRÌNH TIẾN HÓA CỦA MÀU HỒNG
Từ những thời cổ đại
Trong tự nhiên, chúng ta hiếm bắt gặp màu hồng, nhưng nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng nó có thể là màu sắc có tuổi thọ lâu đời nhất trong các sinh vật sống. Tuy nhiên trong nghệ thuật, màu hồng lại có khởi điểm dè dặt hơn so với màu đỏ. Không có nhiều bằng chứng được tìm thấy về những loại thuốc màu hồng trong các bức vẽ thời tiền sử. Thường được tạo ra bằng cách trộn màu trắng của thạch cao và đỏ của thổ hoàng (ochre) hoặc đá hùng hoàng (realgar), màu hồng chỉ được người Ai Cập cổ đại coi là một màu thứ yếu ngang hàng với màu nâu, màu xám và màu cam.
Mặc dù rất hiếm hoi được chế tạo thành thuốc màu, màu hồng vẫn xuất hiện dưới dạng những phương tiện khác. Những tảng sa thạch hồng từng là lựa chọn lí tưởng để xây đắp thành lũy. Được dựng lên từ thế kỷ đầu tiên trước công nguyên, AL-Khazneh là một trong những ngôi đền hoàn thiện tốt nhất của thành phố Petra thuộc kinh đô Ả Rập Nabatean cổ. Ở Trung Hoa, bức tượng Phật Leshan khổng lồ thời nhà Đường cũng được tạc vào mặt một dãy sa thạch màu ngả hồng, và là bức tượng Phật bằng đá lớn nhất thế giới.
Theo cuốn “Precious Colours” in Ancient Greek Polychromy and Painting, màu hồng có một vai trò quan trọng trong nghệ thuật của Hi Lạp cổ đại. Những nét màu hồng được tìm thấy trong những mảnh vỡ từ cung điện Mycenaean tại Pylos và được dùng để đổ màu da cho đàn ông trong những bảng vẽ ở Pitsa. Màu hồng còn được phát hiện ở “những hình người nhỏ bé trong những bức vẽ cảnh hội họp tại lăng mộ Aghios Athanassios, đá chu sa được trộn với màu trắng của canxi cacbonat và cao lanh để tạo ra một sắc hồng nhẹ.”
Sau này, màu hồng từ mangan được người La Mã dùng để tô màu đồ kính, đồ chạm khảm và những bức họa trên tường hoặc nội thất.
Thời trung cổ và thời phục hưng
Các nhà nghiên cứu cho rằng: vào thời trung cổ, thuốc màu hồng bao gồm hỗn hợp giữa chì trắng hoặc canxit với hoa Thiến thảo và rệp son. Đá chu sa (cinnabar) cũng đã được nghiền ra và trộn với những loại màu trắng.
Dưới thời phục hưng, họa sĩ và nhà văn người Ý Cennino Cennini miêu tả một thứ ánh sáng hồng nhẹ bằng từ “cinabrese”. Nó được làm ra bằng cách trộn sinopia (lấy từ hematit) với vôi trắng (chứa canxi hidroxit và canxi cacbonat). Theo lời Cennini, cinabrese được dùng để đổ màu những vùng da thịt.
Tuy nhiên, trong cuốn The Book of the Art of Cennino Cennini, Christina J. Herringham lại khẳng định rằng “chất liệu được dùng để tạo ra màu hồng và đỏ thẫm bởi những họa sĩ Ý đời đầu thực chất đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nó có thể là Thiến thảo,… nhựa tiết ra từ bọ Coccus… hoặc cây Brazil-wood.” Bột chu sa hoặc rệp son cũng có thể đã được trộn với màu trắng để tạo màu hồng.
Fuchsine, magenta và quinacridone
Vào năm 1856, khi đang thử chế tạo quinin, William Henry Perkin vô tình phát hiện ra mauvine -thuốc nhuộm nhân tạo đầu tiên. Phát hiện của ông ngay lập tức đẩy mạnh ngành công nghiệp này và sau đó 2 năm, một người Đức tên German August Wilhelm von Hofmann đã chế tạo ra một loại thuốc nhuộm màu tím đỏ bằng cách kết hợp anilin và cacbon tetraclorua. Cùng lúc đó, Francois-Emmanuel Verguin, người Pháp, lại phát hiện ra hợp chất tương tự và đăng ký bản quyền cho nó. Được đặt tên là “fuchsine” theo nhà sản xuất ban đầu Renard frères et Franc, sản phẩm của Verguin đi vào sản xuất vào năm 1859.
Trong khi đó, hai nhà hóa học người Anh: Chambers Nicolson và George Maule, cũng lại sản xuất ra một thuốc nhuộm anilin với sắc đỏ tím tương tự. Họ bắt đầu sản xuất nó vào năm 1860 với cái tên “roseine”, sau này đổi thành “magenta” để vinh danh Trận chiến Magenta.
Năm 1935, những loại thuốc nhuộm quinacridone được phát triển. Dòng thuốc màu nhân tạo này có màu sắc trải từ đỏ đậm đến tím violet. Nhờ đặc tính bắt mắt và bền bỉ, quinacridone thường được dùng để tạo màu magenta và hồng trong nhiều hình thức hội họa.
Hồng ngất ngưởng (shocking pink)
Nhờ có sự phát minh ra những loại thuốc màu nhạy bén, màu hồng nhanh chóng trở nên phổ biến và có tính ảnh hưởng mạnh mẽ hơn vào thế kỷ 20. Vào năm 1931. một sắc hồng vô cùng nổi bật được tạo ra bởi nhà thiết kế thời trang người Ý Elsa Schiaparelli. Màu sắc này được đặt tên là “shocking pink” và được làm ra bằng cách thêm màu trắng vào hỗn hợp magenta. Những thiết kế của Schiaparelli cùng với những bức tranh siêu thực của những họa sĩ như Jean Cocteau đều phô trương thành công được màu sắc mới này.
PINK
Vào tháng hai năm 2016, Anish Kapoor thành công đăng ký độc quyền sử dụng chất liệu Vantablack trong những tác phẩm của ông. Cũng không chịu thua kém, Stuart Semple tạo ra một chất liệu hồng phát sáng đặt tên là PINK. Semple khẳng định rằng đây là màu hồng nhất có thể và mở bán nó cho công chúng, nhưng với một điều kiện đó là: “người mua không phải là Anish Kapoor, không có quan hệ gì với Anish Kapoor, không mua thay cho Anish Kapoor hoặc là đối tác của Anish Kapoor. Bằng mọi hình thức, người mua phải khẳng định sản phẩm sẽ không về tay Anish Kapoor.”
Nhưng dù có bị cấm, Kapoor vẫn thành công kiếm được PINK. Ông đăng một bức ảnh chụp ngón tay mình đang thọc vào giữa loại bột màu lên trang Instagram cá nhân vào tháng 12 năm 2016. Dẫu vậy, Semple vẫn tiếp tục bán PINK với mọi thông điệp chống lại Anish Kapoor giữ nguyên vẹn.
MÀU HỒNG TRONG NGHỆ THUẬT TRỰC QUAN
Từ thời phục hưng đến tiền raphaelite
Màu hồng chỉ thực sự trỗi dậy vào thế kỷ 14. Vào nhưng năm tháng đầu của thời kỳ Phục Hưng, hình ảnh hiện thân trẻ tuổi của Jesus và các thiên thần đôi khi được miêu tả với những bộ đồ màu hồng, điển hình như là trong bức the Virgin and Child Enthroned with Two Angels của Cimabue. Bức Virgin and Child, with Saints Anthony Abbott, Mark, Severino, and Sebastian bởi Lorenzo da Sanseverino cũng miêu tả hình ảnh chúa Jesus khi còn là trẻ con trong một bộ y phục hồng tươi đồng bộ với áo choàng của một trong những vị thánh đứng xung quanh. Sau này, Raphael lại vẽ hình ảnh Jesus sơ sinh cùng với Đức Mẹ Mary đang cầm những bông hoa cẩm chướng hồng trong bức Madonna of the Pinks, tuy có hơi sai thời điểm vì loài hoa này được cho là xuất hiện lần đầu tiên vào ngày Chúa bị đóng lên thánh giá.
(Madonna of the Pinks – Raphael)
Nghệ sĩ thời Baroque dùng sắc hồng để truyền tải nhiều ý nghĩa khác nhau. Thiên đường và những thần dân tại đó đều được tô điểm bởi những lớp màu hồng mềm mại trong bức Triumph of the Immaculate của Paolo de Matteis. Cả Willem van Aelst và Rachel Ruysch đều đưa vào những bức tĩnh vật của họ những bông hoa hồng tươi. Nhưng phải đến phong trào rococo, màu hồng mới thực sự trở nên thịnh hành trong nghệ thuật phương Tây. Với sự xuất hiện đặc trưng trong những bộ trang phục, những bức vẽ khỏa thân và những chi tiết tinh xảo, sắc hồng đã dần dần từ một thứ màu thứ yếu trở thành một màu sắc chủ đạo trong nghệ thuât.
(Flower Still life with a watch – Willem van Aelst)
Hai bức Nha Chica và Batismo de Jesus của Jose Ferraz de Almeida Junior là những ví dụ điển hình của màu hồng trong nghệ thuật chủ nghĩa học viên. Họa sĩ siêu thực Jean-Francois Millet vẽ bức Gleaners với hình ảnh ba người phụ nữ thường dân, một trong ba người đó có ống tay áo hồng nổi bật tương đồng với sắc trời u ám. Những nghệ sĩ tiền raphaelite như Dante Gabriel Rossetti dùng những sắc hồng phức tạp để làm nổi bật tính biểu tượng của những vật dụng cá nhân.
Từ thời ấn tượng đến trường phái lập thể
Với sự chú trọng đặc biệt lên miêu tả ánh sáng, nghệ sĩ thuộc phái ấn tượng đưa màu hồng vào nhiều ngữ cảnh khác nhau. Claude Monet dùng hỗn hợp những màu hồng khác nhau trong những bức họa vẽ hoa súng của ông. Manet lại vẽ bức the Plum với những màu hồng nhẹ cận tím còn bức the Pink Dancers nổi tiếng của Edgar Degas lại sử dụng hình ảnh những thân hình người trong những bộ váy ba lê hồng tươi. Paul Gauguin tạo chiều sâu cho những khung cảnh của ông với những mảng hồng đậm màu. Còn Vincent van Gogh dùng những sắc hồng theo hơi hướng hậu ấn tượng trong những bức vẽ hoa, hay là để tạo chi tiết cho những bông hoa đang nở trong bức Almond Blossom.
(Oleanders – Vincent van Gogh)
Trường phái Dã thú lại quan sát những khung cảnh thường ngày qua những màu sắc hoang dại. Bức Les toits de Collioure của Henri Matisse tràn ngập khung cảnh trong những sắc hồng sáng. Trong khi Andre Derain lại tạo tương phản mạnh giữa khung cảnh thành phố xanh lá và xanh dương với một bầu trời hồng đầy đặn trong bức Charing Cross Bridge. Ở một trong bốn bức vẽ cùng một cảnh vật, Georges Braque lèn chặt chân trời với những sắc hồng linh động trong The Olive Tree Near l’Estaque. Không may thay, bức tranh đã thu hút sự chú ý của một tên trộm và bị đánh cắp khỏi bảo tàng Musée d’Art Moderne de la Ville de Paris vào tháng năm 2010.
Bức Street, Dresden bởi nghệ sĩ biểu hiện Ernst Ludwig Kirchner đặt khung cảnh phố xá công cộng trên một lớp hồng nổi bật đến ám ảnh. Được coi là một trong những ví dụ ban đầu của trường phái lập thể, bức The Young Ladies of Avignon của Pablo Picasso phơi bày hình ảnh năm cô gái làm nghề mại dâm với những lớp da thịt được phủ nhiều cấp độ màu hồng khác nhau. Rồi đến lượt những nghệ sĩ trừu tượng như Robert Delaunay với Circular Forms hay Agnes Martin dùng màu hồng chưa đựng những tầng lớp ý nghĩa mới, loại bỏ những ý nghĩa truyền thống của màu sắc này.
Màu hồng trong nghệ thuật đương đại
Nhờ tính chất giàu ý nghĩa, màu hồng trở thành một chủ đề phổ biến của nghệ thuật đương đại. Để phô trương vẻ đẹp nhất thời và sự tràn ngập về hình ảnh, Tanya Schultz hoạt động với nghệ danh Pip & Pop tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chi tiết từ những chất liệu như đường, màu nhũ và những đồ vật ngẫu nhiên, tạo ra một hiệu ứng chắp vá bằng tay thủ công. Two Pink Tons của Roni Horn dù được làm bằng thủy tinh chứ không phải nước hồng phai nhưng vẫn tạo một cảm giác như nó sẽ tan chảy lúc nào không hay. Còn tác phẩm Lunar Garden của Daniel Arsham phản chiếu lại niềm đam mê của ông với vẻ đẹp trong cái dung dị và cái siêu thực qua khung cảnh vườn cây tĩnh dưỡng truyền thống được phủ bởi một lớp hồng nổi bật.
Nổi tiếng nhờ những hình ảnh cơ thể con người đáng sợ, Mithu Sen một lần nữa muốn đẩy xa giới hạn của ngôn ngữ nghệ thuật thông qua bức tượng răng giả và lợi giả bằng nhựa hồng. Những bức tự họa của Yue Minjun miêu tả bản thân với những nhân vật da hồng sáng đang nổ những nụ cười điên dại. Tác phẩm Drawn Pink của Anne Lindberg là sự hội tụ nhịp nhàng giữa chuyển động và màu sắc, những bức điêu khắc vô trọng của Karla Black thì dường như đang lơ lửng giữa không trung trong những sắc hồng, sắc xanh dương và xanh lá như muốn biểu lộ sự tính tự nhiên trong trải nghiệm vật lý.
Lori B. Goodman nghiên cứu đặc tính dai dẳng của màu hồng với tác phẩm Pink, bà chú thích rằng: “màu hồng ban đầu có thể tạo cảm giác an yên, nhưng nếu tiếp xúc quá lâu nó có thể đem đến trạng thái bất an.” Gossamer của Anish Kapoor thì là một tấm mã não được chạm khắc tinh xảo, điềm nhiên nằm yên tĩnh giữa bốn bức tường của phòng triển lãm.
MÀU HỒNG TRONG NHIẾP ẢNH
Ngay cả trước sự ra đời của nhiếp ảnh màu, màu hồng đã xuất hiện trong ngành nhiếp ảnh. Phong trào này phổ biến nhất vào giữa đến cuối thế kỷ 19 với những bức ảnh được tô màu trên những vùng má hoặc trang phuc để ảnh trông thật hơn.
Màu hồng ngày nay phổ biến và dễ tiếp cận hơn, vậy nên nhiều nhiếp ảnh gia dành sự quan tâm đặc biệt cho màu sắc này. Một ví dụ nổi bật của màu hồng trong nhiếp ảnh là series Infra của Richard Mosse được chụp bằng film Aerochrome. Với mục đích ban đầu để phục vụ nhu cầu chụp ảnh cho những cuộc trinh sát vào thế chiến thứ hai, loại film Aerochrome ghi nhận ánh sáng hồng ngoại mà mắt người không nhìn thấy, khiến những sắc xanh lá trong ảnh chuyển thanh những màu hồng rực rỡ. Những bức ảnh tư liệu thời chiến của Mosse tại Congo từ đó mà tràn ngập vẻ đẹp khác thường của màu hồng, đối nghịch với hiện thực chiến tranh tàn khốc.
Kate Ballis và Zoe Sim cũng dùng những phương pháp biến đổi máy ảnh hồng ngoại và filter chuyên biệt để bắt được vẻ đẹp huyền bí của màu hồng. Dự án Pink&Blue Project của JeongMee Yoon phản chiếu lại sở thích về màu sắc của trẻ con, từ đó nghiên cứu rõ hơn về sự phân hóa mang tính xã hội về giới tính và danh tính của con người. Bằng cách phủ kín những người tham gia trong những chất liệu màu hồng bắt mắt, series Pretty in Pink của Loreal Prystaj kết hợp chân dung người với vật chất. Andria Darius Pancrazi chụp ảnh kiến trúc với phong cách mà anh tự đặt tên là “softserve pinkcore mulhollandwave”, còn series Sel Rose của Martine Perret ghi lại hình ảnh trên cao của những hồ nước màu hồng ở Tây Úc.
Manit Sriwanichpoom đặt nhân vật Pink Man của anh vào những khung cảnh thường nhật khác nhau như để bộc lộ thái độ của mình với xã hội Thái Lan. Màu hồng trong những bức ảnh chụp tại Singapore của Nguan thì lại có phần khiên cưỡng, trong khi Xavier Portela lại thả lỏng cho ánh hồng và tím tràn ngập những bức ảnh chụp thành phố về đêm.
(Những bức ảnh hồng ngoại khiến cây cối xanh đổi màu hồng và tím)
KẾT LUẬN
Màu hồng có thể đến với nghệ thuật muộn hơn, nhưng những đặc tính đa dạng của nó vẫn giúp cho màu sắc này được giới nghệ sĩ tận dụng rộng rãi. Đôi khi người ta có thể đánh giá thấp màu sắc này, nhưng màu hồng cũng có thể vừa nhẹ nhàng tinh tế, vừa nổi bật cá tính. Được gắn với tình yêu, sự nhẹ nhàng, yêu thương, sự căng thẳng, sự vui tươi và sự nhạy cảm, màu hồng quả thực có khả năng gợi cảm phong phú. Một màu sắc có chiều sâu và khối lượng, màu hồng kích thích thị giác người xem, truyền tải cho họ thông điệp mong muốn bằng cảm xúc và cảm nhận.
Credits:
Bài viết gốc bởi Megan Kennedy tại digital-photography-school.com
Dịch bởi Chimkudo Academy. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.