Nhằm tôn vinh huyền thoại bóng rổ Kobe Bryant, chúng tôi đã thực hiện loạt ảnh và video về những đôi giày Nike Kobe quý hiếm. Thay vì dựa vào đồ hoạ, chúng tôi lựa chọn quay chụp toàn bộ dự án một cách thực tế nhất, sử dụng hàng trăm miếng logo swoosh của Nike được làm bằng plexiglass, hay còn gọi là thuỷ tinh acrylic. Dự án này hình tượng hoá mỗi chiếc giày đang chinh phục sự hỗn loạn theo cách của chúng.
Chụp ảnh
Đại dịch COVID-19 đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Bi kịch, chán nản, tự ti chỉ là một vài trong số đó. Khi nó xảy đến, gần như tôi không muốn làm gì cả, không muốn chụp ảnh và cảm thấy mình bị tê liệt. Tuy nhiên, tôi nhanh chóng nhận ra rằng cơ chế đối phó của mình là tiếp tục sáng tạo, tiếp tục chụp ảnh, ngay cả khi dự án ấy có thể sẽ không thành công. Đó có lẽ là cách tôi giúp chính mình vượt qua đại dịch, dù rằng nó chỉ diễn ra trong vài giờ đồng hồ. May mắn là tôi đã có studio cho riêng mình, nơi để tôi đến và thoả sức trải nghiệm.
Tôi luôn tâm niệm rằng một người cần phải luôn thúc đẩy bản thân cả từ góc độ kỹ thuật và sáng tạo. Đưa ra những concept mới là thử thách với tôi, nhưng nó cũng vô cùng bổ ích. Cá nhân tôi đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu và mày mò các ý tưởng. Dự án Nike Kobe là một trong 10 concept khác mà tôi đang thực hiện vào thời điểm đó. Ngay từ đầu, tôi đã muốn đây vừa là chụp ảnh, vừa là sản xuất video, dù biết rõ rằng trong tình hình đại dịch thế này thì phần video sẽ phải làm sau. Trọng tâm là concept chụp ảnh và nếu được thực hiện tốt, nó sẽ mang lại định hướng tốt cho video.
Vì từng làm việc với Nike, tôi có một ý tưởng tốt về phong cách, ánh sáng, bố cục mà họ đã quen thuộc hoặc đang tìm kiếm. Tôi muốn dự án này có cảm giác rất khác so với những gì từng làm trước đó. Một trong những thử thách khó khăn nhất là tìm ra những đôi giày Nike Kobe. Tôi muốn có nhiều màu sắc và họa tiết khác nhau, điều này có nghĩa là tôi sẽ tốn kha khá thời gian để tìm được đầy đủ đôi ưng ý. May mắn là tôi có một người bạn thu mua và buôn bán giày, nên anh ấy đã có sẵn một vài đôi, tuy nhiên, ba đến bốn đôi khác thì rất khó để tìm được.
Khi đã có tất cả các đôi giày cần thiết, tiếp theo tôi cần nghĩ đến sự độc đáo cho những bức ảnh. Đây là những đôi giày Kobe hiếm, vì thế tôi phải có một concept xứng đáng với huyền thoại bóng rổ. Dự án này không thể chỉ là một bức ảnh chụp đôi giày trong studio. Nó cần một cái gì đó nổi bật hơn so với những bức ảnh ngoài kia.
Tôi đã có ý tưởng sử dụng các tấm plexiglass cắt theo hình dấu swoosh mang tính biểu tượng của Nike, với nhiều màu sắc khác nhau trong suốt dự án. Tôi muốn chúng có cảm giác như một phần của đôi giày và tương tác một cách tinh nghịch trong khung hình. Sau nhiều nỗ lực để tìm một công ty cắt được hình logo ấy, tôi phải quyết định về màu sắc và xem chúng có nên trong suốt hay không. Cuối cùng, tôi quyết định chọn 6 màu phù hợp với các màu giày khác nhau và sử dụng chất liệu không trong suốt, vì tôi nghĩ nó sẽ bắt sáng hơn. Cuối cùng, tôi nhận được 150 hình cắt dấu swoosh cho mỗi màu.
Bây giờ tôi đã có giày và dấu swoosh, sẵn sàng để chụp ảnh. Trong vòng 3 ngày, tôi và trợ lý đã tự nhốt mình trong studio và chụp nhiều hơn cần thiết. Tôi sử dụng máy ảnh Phase One 151 megapixel, mỗi chiếc giày được chụp ở nhiều góc độ, liên tục điều chỉnh ánh sáng cho từng phần khác nhau và stack chúng lại. Trong hầu hết các shot, tôi dùng 4 đèn, với 3 đèn Broncolor Sirros 800L và 1 đèn Pico, cùng với bộ Broncolor Scoro 3200S Wi-Fi/RFS2. Chụp qua giấy khuếch tán cũng như tấm kính mờ cho phép tôi linh hoạt sử dụng cả ánh sáng mềm và ánh sáng gắt bất cứ khi nào tôi cần. Để làm nổi bật các khía cạnh nhất định của mỗi đôi giày, tôi sử dụng Broncolor Pico vì nó cho phép kiểm soát các thông số ánh sáng chiếu lên từng phần đó.
Sau khi chụp xong tất cả các đôi giày, tôi tập trung vào các dấu swoosh. Chúng tôi setup một lighting khác để chụp chúng. Tôi sử dụng chế độ High Sync để máy ảnh bắt được các chuyển động chính xác hơn. Sau một vài lần chụp thử để kiểm tra độ sắc nét và ánh sáng, chúng tôi phải lặp đi lặp lại việc ném những miếng swoosh lên không trung và bấm trigger từ xa. Cứ thế, chúng tôi chụp từng set cho đến khi hài lòng.
Sau đó, tôi đã dành 2 tuần tiếp theo để thảo luận với team retouching về hướng sáng tạo và hậu kỳ trên đôi giày. Nhiều bản phác thảo đã được trao đổi và chỉnh sửa để có được kết quả cuối cùng.
Cá nhân tôi rất thích chúng. Tôi cảm thấy chúng độc đáo hơn chút so với rất nhiều bức ảnh ngoài kia và có nét sáng tạo về concept. Những hình ảnh này là tiền đề để lập kế hoạch cho định hướng video.
Xem đầy đủ dự án tại website của nhiếp ảnh gia Andrei Duman
Quay phim
Mamba Mentality nói về sự tìm kiếm không ngừng để chúng ta của hôm nay tốt hơn so với ngày hôm qua. Điều đó có nghĩa là bạn phải vượt qua các rào cản và liên tục vươn lên cao hơn, bất chấp những bộn bề và khó khăn trong cuộc sống. Ý tưởng của tôi đằng sau tác phẩm này xuất phát từ mong muốn không chỉ hình tượng hoá tác phẩm Mamba Mentality của Kobe Bryant, mà còn tôn vinh thông điệp của anh ấy cùng những đôi giày đáng kinh ngạc mà Nike đã thiết kế trong những năm qua.
Tương tự như các bức ảnh của Andrei, chúng tôi đã chọn quay video bằng cách sử dụng giày Nike Kobe Bryant cực kỳ hiếm (và đắt tiền) và hàng trăm dấu Nike swoosh bằng plexiglass. Mỗi bộ dấu swoosh được kết hợp với một trong mười đôi giày độc đáo.
Chúng tôi đã hợp tác với Bubbas.LA và Sisu Cinema Robot của họ để tạo ra chuyển động máy ảnh năng động nhất có thể. Motion Control là một trong những công cụ yêu thích của tôi vì nó mở ra cánh cửa cho rất nhiều sự sáng tạo độc đáo. Rất nhiều mảnh swoosh chuyển động phải kết hợp lại với nhau trong một khoảnh khắc ngắn ngủi để ghi được từng cảnh quay. Thông qua kỹ thuật hình ảnh, timeline trong phần mềm Sisu Lab cho phép chúng tôi đồng bộ cảnh lộ ra chiếc giày Kobe Bryant và hai khay đựng các mảnh swoosh từ hai bên tung lên, trong khi camera Phantom Veo 4k gắn với Tokina Cinema Vista Primes quay ở 1.000 khung hình mỗi giây.
Quá trình thực hiện mất khá nhiều thời gian và thậm chí chúng tôi phải điều chỉnh những điểm khác nhau giữa các cảnh quay. Nhưng tôi tin rằng nỗ lực để quay mọi thứ một cách thực tế là xứng đáng. Tôi nghĩ rằng những khiếm khuyết nhỏ và cảm giác chân thực của những miếng swoosh mang lại cho tác phẩm một linh hồn đích thực.
Quay phim “siêu slow motion” cần lượng ánh sáng đáng kinh ngạc và chú ý nhiều hơn đến chi tiết. Chúng tôi không chỉ cần ánh sáng cho những đôi giày mà còn phải setup ánh sáng cho những miếng swoosh. Nhà quay phim Alex Jacobs thật đáng kinh ngạc, anh ấy giải quyết những thách thức này bằng việc sử dụng đèn Arri Sky và đèn LED làm mát bằng nước của Bubba. Đèn LED làm mát bằng nước có đầu ra 1.500w ánh sáng, anh ấy sử dụng thêm những tấm lụa lớn để khuếch tán và chiếu đủ ánh sáng xung quanh đôi giày.
Credit
—
Translated from website: petapixel.com
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.