Bạn chỉ có một cơ hội để tạo nên ấn tượng đầu tiên.
Những bức ảnh có thể quyết định sự thành bại trong chiến dịch Marketing của bạn. Dù bạn kinh doanh sản phẩm hay dịch vụ nào đi chăng nữa, hãy nghĩ làm sao để bạn tiếp cận tới khách hàng của mình. Nếu hình ảnh bạn tạo ra trông khá bình dân, và khách hàng bắt đầu hỏi về giá của sản phẩm thì bạn đã có bước đầu thành công. Nếu hình ảnh truyền đến người xem sự chất lượng, bạn sẽ thu hút khách hàng bởi giá trị thực của nó và chắc chắn rằng họ sẽ sẵn sàng để chi trả.
Marketing thực chất là cách bạn truyền tải những giá trị. Thiết lập hình ảnh thương mại là cơ hội tuyệt vời để tạo ra thông điệp cho doanh nghiệp và khiến bạn khác biệt với những đối thủ khác.
Ngày nay, khi người tiêu dùng đã quen với việc tìm kiếm và mua sắm online, họ sẽ khắt khe hơn trong việc ra quyết định. Khách hàng đã không còn hứng thú với những bức ảnh có sẵn trên mạng được các shop sử dụng lại nhiều lần. Một doanh nghiệp thông minh sẽ đầu tư vào mặt hình ảnh giúp họ phát triển thương hiệu, còn khách hàng sẽ có hình dung cụ thể nhất về doanh nghiệp.
Sau khi đã biết được tầm quan trọng của hình ảnh đẹp trong Marketing, vậy các yếu tố để có một bức ảnh hiệu quả là gì?
Ai sẽ là người thực hiện những bức ảnh ?
- Hình ảnh trong Marketing có thể do các nhiếp ảnh gia chụp. Với tay nghề cao của họ, những bức ảnh sẽ trông chuyên nghiệp, táo bạo và độc đáo hơn. Mọi người dựa vào những giá trị cảm xúc để đưa ra quyết định mua, vậy nên hãy tìm kiếm một nhiếp ảnh gia có thể truyền tải những xúc cảm bạn mong muốn vào sản phẩm.
- Với những doanh nghiệp không chi trả mạnh tay cho hình ảnh Marketing thì sao? Chính các marketer có thể chụp những bức ảnh đó. Những bức ảnh họ chụp ra sẽ mang tính chất đời thường, gần gũi và hợp thời hơn.
Dù là ảnh do Marketer hay nhiếp ảnh gia chụp đều có thể đem lại những phong cách thương hiệu khác nhau cho doanh nghiệp. Miễn sao đó là một bức ảnh đẹp, phù hợp với sản phẩm.
Ánh sáng, bố cục là tất cả
Có nhiều người cho rằng, nhiếp ảnh là bức tranh vẽ bằng ánh sáng. Ánh sáng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong bức ảnh. Một bức ảnh được đánh giá là đẹp không thể thiếu yếu tố đủ sáng. Bạn nên nhớ lấy sáng sao cho vừa đủ, nếu quá sáng sẽ bị cháy sáng, mất hết chi tiết trên ảnh và quá tối cũng sẽ làm bức ảnh không đẹp. Vì vậy, một bức ảnh đủ sáng, lấy được màu sắc chân thực của chủ thể sẽ đẹp hơn rất nhiều. Hãy đảm bảo rằng ánh sáng đó thực sự đúng với ý đồ truyền tải của bạn và làm nổi bật chủ thể trong ảnh. Ánh sáng cũng là yếu tố khơi gợi cảm xúc trong nhiếp ảnh.
Bố cục là cách bạn sắp xếp các chủ thể, điều này cũng quan trọng không kém để có một bức ảnh đẹp. Một bố cục tốt có thể khiến người xem thích thú khi ngắm nhìn bức ảnh của bạn, nhưng một bố cục không tốt sẽ khiến khả năng truyền tải của bức ảnh kém đi rất nhiều. Để bắt đầu, bạn nên hiểu về các quy tắc cơ bản về bố cục, ví dụ như quy tắc 1/3. Một khi bạn đã thực sự hiểu, thì bố cục chỉ như một cuộc dạo chơi và đừng ngần ngại phá vỡ các quy tắc. Đó là một cách để thiết lập phong cách riêng của bạn, và ai lại muốn bị giới hạn bởi các quy luật chứ?
Màu sắc
Màu sắc làm nên tính thương hiệu cho doanh nghiệp. Sự lặp lại về màu sắc trong các ấn phẩm truyền thông sẽ khiến người xem ghi nhớ hình ảnh đặc trưng mỗi khi nhắc đến doanh nghiệp. Cần định hình thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng. Quản trị thương hiệu cần phải đảm bảo rằng từng thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải phải hoàn toàn đồng nhất mỗi khi thương hiệu tương tác với người tiêu dùng.
Cảm xúc
Một bức ảnh giống như một người kể chuyện, qua đó ta thấy được niềm vui, nỗi buồn, niềm hạnh phúc,… Cảm xúc sẽ quyết định người xem có muốn ngắm nhìn lâu hơn hay mua sản phẩm của bạn hay không. Bức ảnh mang đến cho người xem nhiều cảm xúc tức là bạn đã chinh phục được khách hàng một nửa trong việc ra quyết định mua.
Chất lượng hình ảnh
Hình ảnh của doanh nghiệp là điều khách hàng chú ý đến đầu tiên. Một số doanh nghiệp cho rằng nội dung chỉ có thể thể hiện dưới dạng văn bản. Nhưng hệ thống hình ảnh là rất quan trọng trong chiến dịch Marketing hỗn hợp ( Marketing mix ) của doanh nghiệp. Ví dụ như chia sẻ quá trình hình thành công ty từ những thành tích đạt được bằng những bức ảnh trên Facebook. Đó là cách tốt nhất để kể một câu chuyện đến người đọc. Vậy nên một hình ảnh đẹp chưa đủ, đó còn phải là một hình ảnh có kích thước, độ phân giải phù hợp làm cho bài post của bạn trông chỉnh chu và chuyên nghiệp nhất.
Sắp xếp các thành tố trong một bức ảnh
Nếu bạn là chủ của một quán cà phê và đang chạy một chiến dịch quảng cáo cho menu đồ uống mới của quán, làm sao để tối ưu hoá hình ảnh trong Marketing? Chắc chắn đầu tiên là phải có những bức ảnh đẹp, thế nhưng bố cục của bức ảnh ra sao để khách hàng nắm được nhiều thông tin nhất về sản phẩm?
- Bức ảnh đại diện của album nên là ảnh ngang. Sản phẩm có thể được đặt ở chính giữa hoặc bố cục theo quy tắc 1/3, khoảng trống còn lại sử dụng để chèn thông tin như tên của album, thông báo giảm giá,…
- Các bức ảnh khác của album có thể là ảnh ngang hoặc dọc. Nhưng 3 bức ảnh xuất hiện phía dưới ảnh bìa trong bài post sẽ có khung hiển thị là hình vuông. Vậy sản phẩm nên được đặt ở chính giữa hoặc được chụp với khung hình vuông để không bị cắt mất hình hay sản phẩm. Như vậy bài post của bạn sẽ thu hút được nhiều người kích chuột vào hơn.
Với ảnh đại diện hay ảnh cover của fanpage cũng vậy. Hãy tìm hiểu kĩ tỉ lệ và kích thước của ảnh để các phần thông tin quan trọng trong ảnh không bị che mất.
Độc đáo và khác biệt
Với cùng một lĩnh vực kinh doanh, bạn hãy tạo ra sự khác biệt trong hình ảnh thương hiệu để tránh bị trộn lẫn với các nhãn hàng khác. Đặt dấu ấn của doanh nghiệp vào những bức ảnh để từ đó người xem có thể dễ dàng nhận ra sản phẩm của bạn. Nếu hình ảnh của đối thủ mang lại cảm giác sang trọng với sản phẩm nổi bật trên nền trắng, thì doanh nghiệp của bạn sẽ tạo dựng một hình ảnh khác cho sản phẩm của mình. Có thể là một chút lifestyle ( hand in frame, flatlay ), vintage hay active,… tuỳ vào đối tượng khách hàng bạn đang hướng đến. Những bức ảnh với phong cách khác nhau sẽ giúp bạn phân loại được thị trường và khách hàng, phân tích được xu hướng và khách hàng tiềm nay. Đây là một bước vô cùng quan trọng để làm Marketing.
Chỉnh sửa sau khi chụp
Rất đơn giản và tiện lợi, bạn không cần phải là nhiếp ảnh gia mà vẫn có thể tạo ra những bức ảnh đẹp nhờ các phần mềm chỉnh sửa ảnh ngày nay. Những ứng dụng chỉnh ảnh trên điện thoai như VSCOcam, Afterlight và Snapseed là tất cả những gì bạn cần. Hãy chắc chắn rằng ảnh của bạn đã được chỉnh sửa trước khi đăng tải vì bạn luôn muốn cho mọi người thấy hình ảnh đẹp nhất có thể của doanh nghiệp phải không?
Đầu tư vào những bức ảnh chất lượng do nhiếp ảnh gia chụp – những người thực sự hiểu giá trị thương hiệu của bạn sẽ đem đến tiềm năng cho doanh nghiệp và giúp bạn trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực đó. Hay chính các Marketer trở thành người chịu trách nhiệm cho hình ảnh của doanh nghiệp và lan toả hình ảnh thương hiệu đến người tiêu dùng… Dù là bằng cách nào đi chăng nữa, câu trả lời của chúng tôi luôn là “ Bạn cần một bức ảnh đẹp trong Marketing ”. Chỉ cần nắm vững những yếu tố trên, bạn và doanh nghiệp của bạn có thể làm người khác phải trầm trồ.
Credit
_____________________
Bản quyền bài viết thuộc về @Chimkudo – Lighten your value
Mọi trích dẫn phải kèm theo link tới bài viết gốc
1 Comment
cám ơn ad về kiến thức