Mặc dù được công chiếu từ 2016, nhưng bộ phim nhạc kịch kinh điển La La Land vẫn gây được tiếng vang lớn cho đến tận bây giờ. Nhắc đến thành công của La La Land, thì chắc chắn phải kể đến sự kết hợp màu sắc vô cùng tài tình trong từng cảnh quay để diễn tả cảm xúc của nhân vật. Và sau đây sẽ là những chia sẻ của tôi về khía cạnh này.
Tôi tự nhận mình không phải là một chuyên gia, tôi chỉ biết chút về quay phim và thậm chí còn không quá quan tâm đến tâm lý học màu sắc (khác với “màu đỏ tượng trưng cho tình yêu, màu đen thể hiện sự tiêu cực”). Tôi cũng thừa nhận rằng những chia sẻ dưới đây có thể sẽ là điều hiển nhiên với nhiều cá nhân, vì thế mà ít người đề cập đến chúng. Dù sao đây cũng chỉ là những suy nghĩ thoáng qua của tôi về bộ phim, nên hẳn là chúng không thể đầy đủ được. Ngay bây giờ, hãy cùng xem màu sắc của La La Land thú vị đến mức nào!
Màu xanh dương
Xanh dương chính là màu đầu tiên tôi chú ý. Đầu bộ phim, Mia – do Emma Stone thủ vai – mặc một chiếc váy xanh dương, rời khỏi căn hộ màu xanh và hoà vào nhóm bạn đầy màu sắc của cô, những người yêu tiệc tùng. Màu xanh ở đây thể hiện đúng như cảm xúc mà Mia phải trải qua: khó chịu và cô đơn khi làm việc trong một công ty lớn. Cô cảm thấy mọi thứ trên đời đều không theo ý muốn của mình.
Màu xanh dương bao quanh Mia xuyên suốt bộ phim, nhưng không có nghĩa nó đang diễn tả nỗi buồn nào đó. Đúng hơn thì nó đang thể hiện một trạng thái tâm lý của Mia – luôn cố gắng thoát khỏi nhưng vẫn thất bại. Vì vậy, khi rời khỏi bữa tiệc, xung quanh thành phố đều bao trùm một màu xanh, ngoại trừ,…
Màu đỏ
Khi đi ngang qua một CLB Jazz, Mia bị thu hút bởi tiếng nhạc phát ra từ bên trong. Bên cạnh bức tường lớn màu xanh là cánh cửa với ánh đèn đỏ. Màu đỏ đã xuất hiện từ lúc tại bữa tiệc, nhưng đến đây nó mới trở thành một phần của câu chuyện.
Tại đây, bộ phim đã áp dụng thủ pháp “đóng khung chủ thể”, về mặt lý thuyết là phải làm nổi bật chủ thể trong khung hình. Nhưng ở đây, cảnh quay không đóng khung bất kỳ hình ảnh hay vật thể nào, mà thay vào đó chính là giai điệu.
Trong bộ phim, thì đây là lần đầu tiên màu xanh và đỏ được đặt cạnh nhau. Mia bước vào quán và ánh đèn đỏ hắt lên khuôn mặt cô. Bạn có thể thấy cô ấy đang cảm nhận được sự ấm áp, đặc biệt là sau khi đi dạo trên con đường toàn màu xanh. Không giống như màu đỏ quá bão hoà trong cảnh tiệc tùng phía trước, màu đỏ trong cảnh quay này có vẻ dễ chịu và thoải mái hơn. Và đây là điều mà Mia luôn cố gắng đấu tranh trong phần tiếp theo của bộ phim.
Trong suốt bộ phim, màu đỏ và xanh dương được đặt cạnh nhau dưới nhiều hình thức. Cô ấy cố gắng để “đỏ” hơn (đôi khi theo nghĩa đen) nhưng lại không đạt được điều mong muốn. Chẳng hạn, Mia đã mặc chiếc áo khoác màu đỏ đến một trong những buổi thử giọng, nhưng sau khi thất bại cô đã cởi nó ra.
Ngay cả trong căn hộ nơi họ sống cùng Sebastian (Ryan Gosling thù vai), màu đỏ và màu xanh dương luôn xuất hiện cùng nhau nhưng khác tỷ lệ, không lúc nào đạt được sự cân bằng giữa chúng.
Tôi cho rằng màu xanh dương và đỏ đại diện cho 2 nhân vật chính. Màu đỏ miêu tả tính cách của Sebastian, và Mia – người đang cố gắng chấp nhận màu đỏ của riêng mình, đã có cảm tình với Sebastian. Thế nhưng đã xảy ra một chuyện…
Màu vàng
Trong một số đoạn, căn hộ của họ lại có màu xanh lá cây. Tôi tự hỏi, tại sao màu xanh lá cây lại xuất hiện?
Tôi mong đợi rằng khi Mia cuối cùng cũng chấp nhận với bản thân, sẽ xuất hiện thêm các màu cấp 2 được phối hợp từ nhóm màu cấp 1 (Primary color). Nhưng tôi nhận ra xanh lá cây không phải màu cấp 2 được pha từ xanh lam và đỏ, vì vậy tôi bắt đầu tìm kiếm màu vàng trong bộ phim.
Đúng như dự đoán, màu vàng xuất hiện khi Sebastian mặc bộ đồ màu be và nâu, CLB Jazz nơi Mia gặp anh ấy lần đầu tiên cũng có màu vàng hơi nâu. Mặc dù màu vàng xuất hiện không nhiều trong bộ phim, nhưng tôi cho rằng điều này nghĩa là Sebastian có phần ổn định và thoải mái với bản thân hơn so với Mia – người đang tìm kiếm chính mình giữa những thái cực khác nhau.
Giữa phim, Mia mặc một chiếc váy màu xanh lá đi ăn tối cùng bạn trai. Nhưng sau đó, cô đã quyết định để lại người yêu tại nhà hàng và chạy đi gặp Sebastian. Khoảnh khắc hai người bên nhau, không gian được phủ một màu xanh lá, là sự kết hợp của màu xanh lam bao trùm Mia và màu vàng “của” Sebastian. Mặc dù màu xanh dương – đỏ chiếm phần lớn các cảnh quay và tâm trạng của Mia đang bao trùm cả bộ phim, thì Sebastian dường như là một điểm sáng trong câu chuyện ấy.
Trong phần cuối bộ phim, sau 5 năm, Mia đã trở thành một diễn viên nổi tiếng. Khán giả sẽ nhớ mãi dáng vẻ tự tin của cô khi bước vào quán cafe cũ nhưng bất chợt sững lại khi thấy biển hiệu CLB Jazz của Sebastian: Seb’s (với dấu ’ được cách điệu thành một nốt nhạc) – cái tên mà Mia đã đặt. Không những thế, toàn bộ CLB được bao phủ bởi màu xanh dương, như thể nơi nào đó trong Sebastian vẫn còn một chút Mia, và anh đang cố gắng lưu giữ ký ức về cô bằng màu xanh dương.
Tạm kết
Mặc dù thông thường màu xanh dương tượng trưng cho cảm xúc tiêu cực và màu đỏ cho tích cực, nhưng tôi nghĩ điều này không đúng lắm với La La Land. Có lẽ nên gọi chúng là những trạng thái tâm trí – tâm lý khác nhau của nhân vật. Trong lần đầu tiên Mia tham dự buổi hoà nhạc của Sebastian với ban nhạc, khi cô mong chờ được nghe Sebastian chơi nhạc, bối cảnh có màu đỏ, nhưng khi nhận về sự thất vọng, bối cảnh lại chuyển sang màu xanh dương.
Bộ phim đoạt hàng loạt giải thưởng phim ảnh này còn vô số những điểm sáng: các mùa trong phim, sự pha trộn giữa nhạc kịch thời trước và bối cảnh hiện đại, những khoảnh khắc đáng yêu, cảnh quay Mia thay giày trước khi nhảy… Nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất chính là màu sắc của La La Land – một thứ tưởng chừng rất đơn giản lại được đoàn làm phim thể hiện vô cùng tinh tế.
Đọc thêm về Màu sắc trong nhiếp ảnh
Credit
—
Translated from website: medium.com
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.