Có rất nhiều sai lầm trong PR mà các nhiếp ảnh gia thường mắc phải khi muốn quảng bá dịch vụ nhiếp ảnh của họ đến với công chúng.
Nếu bạn chưa từng có kinh nghiệm với marketing bản thân thông qua các phương tiện truyền thông hoặc liên hệ với các nhà báo, bạn có thể thấy mình đang mắc một vài sai lầm dưới đây. Vì vậy, trước khi bạn bắt đầu liên hệ với nhà báo, tôi nghĩ rằng bạn nên cân nhắc một vài điều bên dưới và có kế hoạch rõ ràng, để tránh gặp lại chúng trong tương lai.
08 Sai lầm trong PR các nhiếp ảnh gia thường gặp
1. Không dành thời gian cho PR
Đây là một sai lầm thực sự phổ biến. Với tư cách là chủ một doanh nghiệp nhiếp ảnh, bạn tự nói rằng “không có thời gian” để làm những điều không phải là ưu tiên trước mắt. Sự thật là, chúng ta đều có cùng lượng thời gian mỗi ngày. Bạn đơn giản chỉ cần dành thời gian cho việc PR nếu như việc đó chưa có trong thời gian biểu của bạn.
Ngay bây giờ, tôi đang viết blog này lúc 5h15 sáng. Gia đình tôi vẫn đang ngủ, còn tôi thì tận hưởng sự yên tĩnh này, thời gian không dừng lại cho đến khi tôi viết xong blog này. Tôi không nói rằng bạn nên dậy sớm như vậy để làm PR. Nhưng điểm mấu chốt là bạn cần sắp xếp thời gian hàng ngày/hàng tuần, tùy theo hoàn cảnh của bạn. Có thể là dành ra 1-2 giờ vào buổi sáng, buổi tối, hoặc một vài ngày cố định trong tuần để tập trung vào hoạt động quảng bá và marketing.
Nếu bạn vẫn không có thời gian, hãy tự hỏi khi nào bạn có thể sắp xếp lại thời gian biểu của mình để đặt ra một khoảng thời gian cố định cho PR hoặc các hoạt động marketing khác. Nếu bạn coi PR (và marketing) như một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, đột nhiên bạn sẽ tìm thấy khoảng thời gian mà tưởng rằng mình không có!
2. Thiếu tự tin, không dám vươn mình về phía trước
Thiếu tự tin có thể khiến nhiều nhiếp ảnh gia khó tiếp cận với các phương tiện truyền thông. Quan điểm của tôi là chẳng có gì để mất cả. Bằng mọi cách phải thu hút được sự chú ý của giới truyền thông, đưa được tin tức và hình ảnh của bạn cho họ.
Giống như hầu hết mọi điều trong cuộc sống, tiềm năng của bạn chỉ bị giới hạn bởi suy nghĩ của chính bạn. Vì vậy, đừng nghe theo “mindset monkeys” rằng bạn không xứng đáng được xuất hiện “nổi bật” trên phương tiện truyền thông, hoặc những bức hình bạn chụp không đủ đẹp. Bạn sẽ không biết nếu bạn không thử!
Điều tệ nhất có thể xảy ra là bạn nỗ lực tiếp cận với giới nhà báo nhưng không nhận được phản hồi. Thực tế, điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Nó không hoàn toàn là lỗi của bạn hay những bức ảnh của bạn. Rất có thể các nhà báo bị quá tải với lượng email nhận được mỗi ngày, và họ bỏ sót email của bạn. Vậy nên, hãy tự tin tiếp cận nhiều hơn với giới truyền thông và gửi đi những bức hình của bạn!
3. Không suy nghĩ giống như một nhà báo
Sai lầm phổ biến tiếp theo chính là gửi cho giới truyền thông một bài bán hàng thay vì một câu chuyện đáng đưa lên mặt báo.
Khi quảng bá dịch vụ nhiếp ảnh của bạn, bạn cần cân nhắc vai trò của nhà báo là gì và “họ đang cần gì ở bạn”. Với tư cách là chủ một doanh nghiệp, bạn phải biết rằng các nhà báo không ở đây để quảng bá cho dịch vụ nhiếp ảnh của bạn. Ưu tiên hàng đầu của một nhà báo hoặc biên tập viên là khán giả của họ – độc giả, người nghe, người xem. Do đó, bạn sẽ chỉ được xuất hiện miễn phí trên các bài viết của họ nếu bạn có tin tức chính thống, những kiến thức có giá trị hoặc điều gì có liên quan đến khán giả của họ.
Để thành công trong PR, bạn cần nhận ra rằng giới báo chí không quan tâm đến việc kinh doanh hoặc dự án mới nhất của bạn. Nhưng họ có thể cho bạn xuất hiện trên một bài viết hoặc broadcast nếu bạn cung cấp thông tin khiến khán giả của họ hứng thú.
Khi đọc thông cáo báo chí hoặc email của bạn, chắc chắn rằng họ sẽ tự hỏi “Khán giả của tôi có quan tâm đến vấn đề này? Họ có muốn đọc/nghe/xem cái này?”. Nếu câu trả lời là không, câu chuyện của bạn sẽ không đạt yêu cầu. Nếu bạn chỉ đơn thuần gửi cho họ một bài bán hàng, chắc chắn nó sẽ không được xuất hiện.
4. Luôn cho rằng ảnh của mình phải là trọng tâm
Là một người kiếm sống bằng việc chụp ảnh, có thể bạn sẽ nghĩ rằng: nếu định quảng bá bản thân trên các phương tiện truyền thông thì các bức ảnh của mình phải là tâm điểm. Điều này không hoàn toàn đúng.
Trong công việc và cuộc sống thường ngày, nhiều câu chuyện và trải nghiệm mà bạn kể lại có thể khiến giới báo chí hứng thú. Những bức ảnh của bạn có thể liên quan đến chúng hoặc không.
Mục đích cuối cùng đúng là để quảng bá các dịch vụ nhiếp ảnh, sản phẩm, sách, triển lãm, workshop của bạn, để khiến thương hiệu của bạn được biết đến nhiều hơn. Nhưng đừng ngại theo đuổi cơ hội PR khác, dù chúng không liên quan trực tiếp đến công việc kinh doanh nhiếp ảnh của bạn. Những điều này sẽ giúp cải thiện profile của bạn, và mục đích lớn hơn chính là xây dựng thương hiệu.
Được lên top nổi bật trên các trang báo là một cơ hội tuyệt vời, ngay cả khi chúng không đề cập trực tiếp đến việc kinh doanh hoặc công việc nhiếp ảnh của bạn. Một khi bạn bắt đầu xây dựng mối quan hệ với cánh nhà báo và chia sẻ những câu chuyện của mình, bạn sẽ không biết hết được điều gì đang đợi mình phía trước.
5. Không tìm hiểu kỹ phương tiện truyền thông
Tìm hiểu về media trước khi gửi thông cáo báo chí là vô cùng quan trọng. Sai lầm ở đây là nhiều người không làm điều này một cách cẩn thận, hoặc thậm chí bỏ qua bước này.
Bạn có thể muốn nhanh chóng hoàn thành bài viết để gửi cho hàng trăm người với hy vọng rằng có ai đó quan tâm đến chúng. Nhưng tôi không nghĩ đây là một ý hay. Hãy dành thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng các ký giả và các ấn phẩm xuất bản mà bạn đang nhắm đến, xác định liệu họ có thực sự quan tâm đến những gì bạn sẽ chia sẻ hay không.
Một vài câu hỏi có thể giúp ích cho bạn:
- Tạp chí/ký giả đó có liên quan đến câu chuyện của bạn?
- Làm thế nào để bạn liên hệ trực tiếp với họ? Một địa chỉ email chung chung của tòa soạn hoặc nhà đài cũng tốt. Nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu bạn có email cụ thể của người bạn muốn liên hệ.
- Khi bạn đã có được thông tin của nhà báo đó, có chắc đó là người phù hợp nhất để bạn liên hệ? Họ có còn làm việc ở đó? Các nhà báo thường di chuyển rất nhiều, và hẳn là chẳng ích gì khi gửi đến một địa chỉ email không còn tồn tại.
6. PR một cách rải rác
Thật sai lầm khi cho rằng sử dụng càng nhiều phương tiện truyền thông càng tốt. Tôi khuyên bạn nên xem xét đâu là phương tiện truyền thông cần ưu tiên và tập trung vào nó, thay vì sử dụng rải rác các phương tiện. Bạn nên xuất hiện tại nơi có nhiều khán giả mục tiêu của bạn thay vì cố gắng xuất hiện rải rác ở càng nhiều nơi càng tốt.
Đây là cách thức mang tính chiến lược hơn. Mặc dù có thể mất nhiều thời gian và gặp nhiều thách thức hơn, nhưng sẽ mang lại hiệu quả lâu dài.
Thời gian của bạn có hạn, vì thế sẽ tốt hơn rất nhiều nếu bạn biết dành nó cho đúng nơi mà có thể giúp bạn tiếp cận được với khách hàng tiềm năng của mình. Vì thế, phí thời gian cho các ấn phẩm, chương trình truyền hình hoặc podcast mà bạn chắc chắn rằng khách hàng tiềm năng của bạn sẽ không đọc, xem hoặc nghe.
7. Không sẵn sàng cho các cơ hội PR
Giả sử, bạn quyết định làm PR và gửi câu chuyện của mình cho tờ báo địa phương, bạn không cần chuẩn bị quá nhiều nhưng vẫn có thể ngay lập tức gửi email cho một nhà báo, như vậy là bạn đã “sẵn sàng PR”.
Tuy nhiên, nếu họ quan tâm đến những gì bạn đã gửi và yêu cầu có thêm thông tin, bạn sẽ muốn có sẵn thông tin đó và gửi ngay cho họ. Nếu không có những gì họ muốn và cần thời gian để chuẩn bị, có thể bạn sẽ bỏ lỡ một cơ hội PR giá trị.
Thông thường các nhà báo làm việc với deadline rất căng và khả năng họ không thể đợi bạn bổ sung thông tin hoặc chụp hình ảnh mà họ cần. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng bạn có sẵn một vài thông tin chính trước khi bắt đầu làm việc với giới truyền thông, chẳng hạn:
- Một vài bức ảnh headshots, chân dung và phong cảnh chất lượng cao.
- Một số thông tin về doanh nghiệp của bạn – quá trình kinh doanh và những khách hàng bạn từng hợp tác.
- Đường links và thông tin cơ bản về những cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến câu chuyện của bạn.
- Lý tưởng nhất là một số đoạn trích thể hiện quan điểm cá nhân của bạn về các chủ đề liên quan.
Chimkudo luôn chuẩn bị trước và lưu trữ các tài liệu có khả năng sẽ cần đến, để có thể gửi cho đối tác hoặc giới truyền thông khi cần thiết. Khi bạn đã có sự chuẩn bị, bạn có thể gửi chúng ngay lập tức, hoặc chỉ cần dành vài phút để điều chỉnh lại cho phù hợp. Dù sao thì điều này cũng dễ dàng hơn so với việc phải gấp rút làm những cái mới dưới áp lực của thời gian, điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả đem lại.
Đọc thêm: PR giúp gì cho công việc nhiếp ảnh của bạn?
8. Bỏ cuộc quá dễ dàng
Sai lầm phổ biến cuối cùng mà các nhiếp ảnh gia có thể mắc phải chính là bỏ cuộc quá dễ dàng.
PR có thể tốn nhiều thời gian và không có gì đảm bảo cho hiệu quả nó mang lại. Nhưng tôi khuyên bạn nên tiếp tục cố gắng ngay cả khi bạn bị từ chối hoặc chưa được giới truyền thông quan tâm. Bạn sẽ không bao giờ biết rằng, email kế tiếp hoặc bên xuất bản tiếp theo mà bạn tiếp cận có thể dẫn đến một cơ hội PR tuyệt vời!
Hy vọng bài viết này có thể tiếp thêm động lực cho các nhiếp ảnh gia trên con đường marketing nói chung và làm PR nói riêng!
Credit
—
Translated from website: zoehiljemark.com
Original author: Zoe Hiljemark.
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.