Đã bao giờ bạn tự hỏi cụm từ “ambient light”, hay còn gọi là ánh sáng môi trường, thực sự nghĩa là gì? Đã bao giờ bạn nghe những cụm từ như “tạo không gian bằng ánh sáng môi trường” hay “cho phép ánh sáng môi trường lọt vào khung hình” và tự hỏi là bạn có thể đạt được điều đó như thế nào? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chính điều này.
Định nghĩa đơn giản nhất của “ánh sáng môi trường” là bất kỳ nguồn sáng nào có sẵn trong không gian chụp trước khi bạn thêm vào những nguồn sáng của riêng mình. Nguồn sáng trong môi trường có thể rất đa dạng về kiểu cách và đặc tính, và chúng đều có thể xuất hiện trong khung hình của bạn!
NHỮNG LOẠI ÁNH SÁNG MÔI TRƯỜNG TRONG NHIẾP ẢNH
1. Ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài
Loại ánh sáng môi trường đầu tiên đáng kể đến chính là nguồn sáng tự nhiên từ ngoài trời. Nó có thể là ánh sáng từ cửa sổ, từ giếng trời hay những khung cửa đang được mở.
Hãy so sánh hai bức ảnh phía trên. Bức ảnh đầu tiên được chụp sử dụng ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài, còn bức ảnh bên dưới được kết hợp thêm đèn neon, đèn bàn và một số đèn spotlight.
2. Ánh sáng tự nhiên bên trong
Ánh sáng từ nến hay lò sưởi đều là những loại ánh sáng tự nhiên được coi là những ánh sáng tự nhiên ở trong nhà, khác với ánh sáng mặt trời từ phía bên ngoài.
3. Ánh sáng nhân tạo trong nhà
Có rất nhiều nguồn sáng nhân tạo thường gặp trong không gian nhà cửa. Ví dụ như đèn trần, đèn spotlight, đèn bách đăng, đèn bàn, đèn sàn, đèn neon, đèn tuýp, đèn vách,…
BẠN SẼ CẦN NHỮNG LOẠI ÁNH SÁNG NÀO?
Trong nhiếp ảnh, câu hỏi cần đặt ra là bạn sẽ cần những nguồn sáng gì để đạt được bức ảnh mong muốn? Tôi có thể dám chắc rằng không thực sự có quy luật nào áp dụng cho mọi trường hợp cả, mà sự thành công của bạn sẽ dựa vào việc kết hợp nhuần nhuyễn nhiều nguồn sáng khác nhau bất kể loại ánh sáng đó thuộc loại nào.
Chúng ta sẽ cùng nhau quan sát một vài điều kiện ánh sáng trong những không gian khác nhau:
ẢNH CHÂN DUNG
Cũng như với bất kỳ loại ánh sáng nào khác, cho dù là tự nhiên hay nhân tạo, ánh sáng môi trường chỉ là một trong nhiều lựa chọn lighting cho nhiếp ảnh gia.
Ảnh trái: f/2.8, ISO 1000, 1/100s (Lens 24-70mm). Ảnh phải: f/4, ISO 400, 1/125s, sử dụng đèn flash
Trong ảnh chân dung, ánh sáng môi trường có thể chỉ là ánh nắng từ một bên cửa sổ. Để chụp được ảnh, bạn thực sự sẽ chỉ cần một chiếc máy ảnh. Để đạt được bức ảnh theo ý muốn nhất, bạn có thể sử dụng thêm một tấm hắt sáng, tản sáng hoặc một bức tường nền.
Ảnh trái: f/2.8, ISO 1000, 1/100s (Lens 24-70mm). Ảnh phải: f/4, ISO 400, 1/125s, sử dụng đèn flash.
Trái lại, bạn cũng có thể không sử dụng nguồn sáng môi trường mà chỉ dùng những chiếc đèn flash hoặc ngược lại như những ví dụ phía trên.
Ánh nắng từ cửa sổ có thể sẽ không đủ sáng, tùy thuộc vào kích cỡ khung cửa và vị trí của Mặt Trời. Đèn flash chạy bằng điện chắc chắn sẽ mạnh hơn, vậy nên bạn cũng có thể cân nhắc dùng thêm cả nguồn sáng này. Đèn điện có thể xóa bỏ hiệu ứng của ánh sáng từ môi trường, hoặc tô điểm thêm hiệu ứng ánh sáng ở những nơi bạn muốn. Kết quả thu lại được còn phụ thuộc vào những thông số mà nhiếp ảnh gia đã đặt cho các thiết bị.
Những bức ảnh bên trái ở trên được chụp chỉ với ánh sáng tự nhiên được tán sáng qua khung cửa sổ, kèm thêm một tấm hắt sáng để tăng sáng cho bóng đổ. Những bức ảnh bên phải lại được chụp sử dụng đèn flash gắn softbox, bạn đọc có thể tham khảo setup lighting tại đây. Những thông số thường dùng khi chụp chân dung của tôi là f/2.8 – f/4, ISO 200 – 400, tốc 1/100s – 1/160s.
ẢNH SỰ KIỆN
Trong ảnh sự kiện, ánh sáng môi trường là quyết định tới việc tạo ra không khí, cảm xúc cũng như chiều sâu cho ảnh. Những sự kiện như tiệc cưới hay tiệc đêm thường rất đông đúc và tấp nập, bạn có thể sẽ không có lựa chọn đem quá nhiều dụng cụ dưới điều kiện như vậy. Rất nhiều nhiếp ảnh gia chụp sự kiện chỉ có trên tay một chiếc máy ảnh và một chiếc đèn speedlight khi đi job.
f/2.8, ISO 3200, 1/100s. Công suất flash: 1/32. Lens 24 – 70mm.
Cho phép ánh sáng môi trường lọt vào khung hình là một trong những chìa khóa để bắt được không khí của căn phòng và của bữa tiệc trong những bức ảnh của bạn. Những nguồn sáng này có thể là đèn trang trí, đèn chăng dây, đèn vách, đèn sân khấu…..
Bức ảnh bánh cupcake trên nếu chỉ chụp với thông số khi dùng đèn flash tốc độ 1/160s, ISO 100 thì hậu cảnh sẽ là một màu đen . Khi chụp sự kiện, tôi thường dùng các chỉ số f/4 – f/5.6, ISO có thể rất cao đặc biệt là trong những môi trường trong nhà tối khoảng 3200 – 6400 , tốc chậm ở khoảng 1/60s – 1/100s để bắt được nhiều ánh sáng môi trường.
f/5.6, ISO 3200, 1/100s. Lens 70-200mm.
f/8, ISO 2000, 1/30s, Lens 24/70mm. Sử dụng thêm đèn flash.
Cân bằng giữa công suất đèn flash và tốc độ màn trập là chìa khóa để đạt được những bức ảnh vừa sáng mà vẫn giữ được không gian có sẵn.
f/5.6, ISO 3200, 1/125s, Lens 24-70mm. Sử dụng thêm đèn flash.
f/5.6, ISO 2500, 1/60s, lens 70-200mm. Sử dụng đèn flash máy ảnh và flash rời.
Bạn cũng có thể sử dụng ánh sáng môi trường ở phía background để tạo các hình bóng.
Ở bức ảnh bên dưới, phía bên ngoài ban công hoàn toàn không có ánh sáng. Tôi đã sử dụng ánh sáng phía trong tòa nhà để tạo hình bóng của một trong những vị khách. Bức ảnh này không được chuẩn bị sắp xếp trước nên vẫn còn được chụp một cách hơi gấp gáp.
f/11, ISO 2000, 1/200s, lens 24-70mm
ẢNH NỘI THẤT
Rất nhiều nhiếp ảnh gia và tạp chí chỉ sử dụng ánh sáng môi trường khi chụp ảnh nội thất vì nó tạo nên sức sống và cảm giác tự nhiên của không gian. Trong ảnh nội thất, flash chỉ được sử dụng để đánh điểm vào một số vùng quá tối hoặc muốn nhấn nhá theo ý đồ của nhiếp ảnh gia.
Dưới hầu hết mọi trường hợp, người chụp sẽ cần đến một chân máy để có thể sử dụng tốc độ màn trập thấp hơn nhằm tránh việc cháy tối những vùng thiếu sáng trong khung hình. Nếu trong không gian căn phòng có những nguồn sáng đáng chú ý như đèn neon hoặc đèn ngủ, bạn cũng nên bật chúng lên để đưa vào bức ảnh.
f/5.6, ISO 2000, 1/100s, lens 24-70mm.
Theo tôi, bạn nên có tính chọn lọc với lượng ánh sáng môi trường trong khung hình để đảm bảo được tính hài hòa và tự nhiên cho bức ảnh.
Quan trọng hơn cả, bạn cần phải loại bỏ những nguồn sáng thừa thãi trong không gian đang được chụp để bức ảnh được kiểm soát tốt nhất. Những thông số mà tôi thường hay dùng để chup ảnh nội thất tùy thuộc vào thời gian trong ngày và lượng ánh sáng tự nhiên mà căn phòng đó nhận được. Nhưng thông số thường rơi vào khoảng f/5.6 – f/8, ISO 2000 – 4000, tốc khoảng 1/30s – 1/100s.
Những ví dụ bên dưới sử dụng những setup lighting rất khác nhau và đều thu lại những kết quả khác nhau. Bức ảnh đầu tiên sử dụng thuần ánh sáng tự nhiên. Bức ảnh ở giữa có rất nhiều loại nguồn sáng khác nhau: đèn chăng dây, đèn bàn, đèn trang trí, nến, đèn neon,… ngoại trừ ánh sáng từ hai chiếc đèn tường vì chúng quá sáng. Bức ảnh cuối cùng được chụp với các nguồn sáng đèn được gia giảm cho vừa vặn để tránh chúng bị quá sáng làm mất hiệu ứng của các nguồn sáng môi trường khác.
f/5.6, ISO 3200, 1/80s f/5.6, ISO 4000, 1/80sf/5.6, ISO 3200, 1/60s. Đã giảm highlight khi hậu kỳ.
Một số khung cảnh rất khó chụp. Ví dụ như những căn phòng có một bên rất tối và không có ánh sáng môi trường chiếu vào, nhưng bên còn lại vừa sáng nên người chụp không thể phơi sáng lâu hơn vì làm như vậy sẽ gây cháy sáng vùng có đủ ánh sáng.
Tất nhiên, vấn đề này có thể được giải quyết bằng cách chụp nhiều mức phơi sáng khác nhau và ghép lại bằng phần mềm chỉnh sửa, nhưng đôi khi điều này gây nhiều bất tiện. Bạn có thể chọn đưa vào một vài nguồn sáng môi trường để tạo không khí hơn cho bức ảnh, như được minh họa ở hình dưới đây.
NHIỆT ĐỘ MÀU
Một trong những vấn đề phổ biến nhất khi sử dụng nhiều nguồn sáng môi trường khác nhau trong cùng một khung hình, đặc biệt là khi sử dụng thêm cả đèn flash, là sự không đồng đều về nhiệt độ màu trong bức ảnh. Ánh nắng tự nhiên có nhiệt độ rơi vào khoảng 5600K, trong khi ánh đèn vonfram chỉ rơi vào khoảng 3200K.
Khi chụp ngoài trời, bạn sẽ cần đặt nhiệt độ màu vào khoảng 5000 – 7500 Kelvin để bức ảnh của bạn trông tự nhiên nhất. Ví dụ như bạn đặt nhiệt độ màu ở 3000K, mọi thứ trong bức ảnh sẽ bị ám xanh (càng tồi tệ hơn với những vật có màu trắng như váy cưới!).
Khi bạn chụp ảnh trong nhà dưới bóng đèn cũng vậy, nhiệt độ màu phải được điều chỉnh về mức 3200K, nếu đặt lên khoảng 5650K thì ảnh của bạn sẽ bị ám cam.
Việc đặt nhiệt độ màu chính xác vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, khi làm việc với nhiều loại ánh sáng bạn vẫn sẽ gặp vấn đề chênh màu. Sau đây là một số cách để khắc phục tình trạng này:
- Bạn có thể điều chỉnh nhiệt độ màu khi hậu kỳ. Tuy nhiên khi điều chỉnh nhiệt độ màu lúc hậu kì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các nguồn sáng trong ảnh.
- Dùng các tấm gel màu để thay đổi màu ánh sáng từ các nguồn sáng khác để phù hợp hơn với nhiệt độ màu của ánh sáng môi trường.
- Thay bóng đèn trong nhà để có nhiệt độ màu giống như ánh sáng tự nhiên, sau đó điều chỉnh lại khi hậu kỳ nếu cần.
Cá nhân tôi thích bức ảnh của mình trông giống ngoài đời nhất. Trong khâu hậu kỳ, tôi sẽ làm cho màu ảnh ấm hơn và chỉnh màu giống với ảnh film để phù hợp với những gì mắt tôi thấy nhất.
Mong rằng sau khi đọc bài viết trên, bạn đọc đã rút ra được thêm kiến thức về ánh sáng môi trường, cũng như là cách để cân bằng màu sắc cho ảnh dưới điều kiện ánh sáng lẫn lộn. Nếu bạn còn thêm kiến thức gì về ánh sáng môi trường trong nhiếp ảnh, đừng ngần ngại chia sẻ ở phần bình luận nhé!
Credits:
Bài viết gốc bởi Lily Sawyer tại digital-photography-school.com
Dịch bởi Chimkudo Academy. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.
1 Comment
Pingback: Cân bằng giữa ánh sáng đèn flash và ánh sáng môi trường