Trong bảy năm giảng dạy của tôi, tôi đã đánh giá bài tập của hơn một nghìn sinh viên theo học Nghệ thuật. Chúng thường mắc những lỗi sai giống nhau, lặp đi lặp lại. Tôi viết bài viết này để những người theo sau sẽ không mắc lại những sai lầm này nữa.
Các sai lầm sau đây được liệt kê không theo một trình tự nhất định nào:
Lầm tưởng rằng Nghệ thuật sẽ là một môn học giải trí
Nhiều học sinh chọn môn liên quan đến Nghệ thuật vì nghĩ rằng đây sẽ là một môn học thú vị, chỉ cần vẽ vời chút sơn ra xung quanh và viết nguệch ngoạc vài đường. Những sinh viên lựa chọn môn học theo quan niệm sai lầm này sẽ sớm gặp phải một hồi chuông cảnh tỉnh. Nghệ thuật thực sự có thể là niềm vui, nhưng đôi khi nó cũng là một khối lượng công việc không thể tưởng tượng được. Nó đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng và liên tục. Nhiều sinh viên dành nhiều thời gian cho bài tập môn Nghệ thuật hơn tất cả các môn học khác. Nghệ thuật chỉ nên được thực hiện vì một lý do duy nhất: nghiên cứu về những đường nét và tone màu, hình dạng, kết cấu và màu sắc là niềm đam mê của bạn. Nếu bạn không thích làm nghệ thuật, việc lựa chọn chủ đề của bạn sẽ khiến bạn gặp khó khăn. Nghệ thuật sẽ trở thành chướng ngại vật khiến bạn bực bội nhiều hơn là tận hưởng nó.
Mất quá nhiều thời gian để bắt đầu
Một số sinh viên mắc kẹt trong nỗi sợ rằng chúng không có một phong cách riêng hay chúng chưa hiểu rõ về chủ đề. Chúng dành hàng tuần băn khoăn lựa chọn chủ đề của mình và lo lắng liệu nó có đủ tốt hay không. Sự thật là: Ý tưởng không phải vấn đề – Sáng tạo nằm trong cách bạn khai triển chủ đề đó. Ngay cả những khởi đầu tồi tệ nhất cũng có thể trở nên đáng kinh ngạc nếu chúng được phát triển theo đúng cách, bằng việc tham khảo hình ảnh mẫu từ các nghệ sĩ phù hợp. Việc trì hoãn dự án của bạn với hy vọng tình cờ sẽ tìm ra một chủ đề “hoàn hảo” hiếm khi có hiệu quả: điều đó sẽ dẫn đến sự khủng hoảng khi nộp bài vào phút chót, tạo ra một cái bóng mờ nhạt của những gì chúng có thể đã trở nên, vì hết thời gian. Hãy bắt đầu ngay đi.
Sử dụng những concept, bố cục nhàm chán
Tổng hợp lỗi chọn chủ đề có thể được chia thành bốn loại sau:
Quá trẻ con: Đáng ngạc nhiên là vẫn có những sinh viên cố gắng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chứa những hình trái tim long lanh; ngựa chồm hổm; cá heo nhảy hoặc hình một bó hoa hồng. Các chủ đề quá ‘đẹp’, sáo rỗng và/hoặc không có sức sáng tạo và hiếm khi thành công.
Nhàm chán: Những người chọn chủ đề quá an toàn và phổ biến (ví dụ như ảnh chân dung) mà không nỗ lực để sáng tạo những chủ đề này theo một cách mới mẻ thì sẽ chẳng đạt được kết quả cao. Ngay cả những sinh viên có năng lực tốt đôi khi cũng nộp các dự án khiến người đánh giá muốn ngáp. (Mặt khác, một học sinh kém khả năng hơn, với những ý tưởng thú vị và những sáng tác thông minh, có thể khiến giám khảo phải ngồi dậy và chú ý).
Đơn giản: Một lỗi phổ biến khác – thường thấy rõ ở những sinh viên năng lực yếu hơn – là tránh những chủ đề phức tạp / khó khăn và / hoặc chọn cảnh hoàn toàn “phẳng” hoặc vô cùng “dễ” (tức là phần lớn bức ảnh là bầu trời hoặc nền gạch).
Không cân đối: Mọi hình ảnh, page và các yếu tố chuẩn bị của dự án nghệ thuật ở trường của bạn nên được sắp xếp một cách cân đối, có tính thẩm mỹ. Điều này có thể là một thách thức đối với một số người, nhưng các nguyên tắc nhất định sẽ khiến việc này trở nên dễ dàng hơn.
Thể hiện kỹ năng kém
Vật lộn với một khía cạnh thực tế của Nghệ thuật không phải là một sai lầm (không ai là hoàn hảo; mọi người đều đang trong quá trình cải thiện kỹ năng của mình và trở nên tốt hơn) nhưng phô trương điểm yếu của bạn với giám khảo thì lại là một lỗi sai cơ bản. Hãy loại bỏ những phần yếu và đảm bảo rằng bạn thể hiện kỹ năng của mình một cách tốt nhất. Thể hiện điểm mạnh của bạn và sử dụng chúng như một cách để đánh lạc hướng, đồng thời tiếp tục cải thiện những điểm yếu của bạn.
Không thể hiện sự tiếp thu, tiến bộ
Nhiều bằng cấp về Nghệ thuật (như là IGCSE, GCSE, NCEA và A Level Art) yêu cầu sinh viên phát triển ý tưởng từ ý tưởng ban đầu đến tác phẩm cuối cùng. Khó khăn với sự sáng tạo ý tưởng thường thể hiện dưới hai hình thức: nộp một số dự án không liên quan HOẶC nộp một dự án hoàn toàn không có chút sáng tạo nào.
Liên tục bắt đầu lại từ đầu
Những người chọn học về Nghệ thuật thường thuộc tuýp người cầu toàn, muốn mọi khía cạnh trong portfolio của họ phải hoàn hảo. Tham vọng này là rất lớn – trên thực tế, hầu hết các giáo viên mong muốn đây là một thái độ làm việc phổ biến hơn – tuy nhiên các cách để đạt được điều này thường rất thiếu sót. Liên tục làm đi làm lại không phải là một ý hay. Rất hiếm khi một bản vẽ, bức tranh hoặc tác phẩm đa phương tiện không thể được hoàn thiện và cải tiến. Trong hầu hết các trường hợp, các layer ‘xấu’ ban đầu tạo ra chất cho tác phẩm nghệ thuật, khiến tác phẩm cuối cùng phong phú hơn. Những người thường xuyên bắt đầu lại công việc có ít thời gian hơn để hoàn thành phần thứ hai và thường kết thúc với một dự án với các phần chưa hoàn chỉnh, không có phần nào thực sự thể hiện kỹ năng của họ một cách tốt nhất.
Lấy ý tưởng từ các nguồn cũ
Vẽ lại tranh từ những hình ảnh do người khác chụp là một trong những chiến lược nhiều rủi ro nhất mà sinh viên Mỹ thuật có thể sử dụng. Nó gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho giảng viên, vì điều này chỉ ra sự thiếu liên kết cá nhân với một chủ đề, thiếu tính độc đáo, các vấn đề đạo văn và kết quả là tác phẩm hời hợt / không sâu sắc. Sử dụng hình ảnh lấy từ các tạp chí, sách và internet có thể nói lên một điều: sinh không thể thoát khỏi tư duy lối mòn đủ lâu để tìm thứ gì đó cho riêng mình để vẽ. LƯU Ý: Đây chỉ là hướng dẫn. Có một số dự án nghệ thuật nhất định trong đó việc vẽ từ các nguồn tài nguyên cũ được chấp nhận. Tuy nhiên, nói chung, đây là điều cần được tiếp cận một cách hết sức thận trọng.
Dành quá nhiều thời gian viết chú thích
Đối với một số sinh viên, việc viết lách là điều hoàn toàn tự hiên – họ thích thêm những câu chữ vào dự án của mình. Những người khác sử dụng chú thích như một hình thức lấp đầy, để bớt đi diện tích dành cho những hình ảnh nghệ thuật. Chú thích không hề sai chút nào. Đây là một cách tuyệt vời để định hướng ý tưởng, đánh giá tác phẩm và truyền đạt các khái niệm. Nhưng sinh viên nên nhớ điều này: bạn sẽ dễ đạt điểm cao khi dự án của bản có ít “chữ” hơn (tất nhiên, ngoại trừ trong các trường hợp nghiên cứu yêu cầu phân tích bằng văn bản); bạn sẽ chẳng bao giờ đạt điểm tuyệt đối nếu sử dụng quá nhiều chú thích. Hãy dành thời gian nhiều hơn vào việc sáng tạo nghệ thuật, chỉ nên chú thích khi cần thiết. Nghệ thuật đầu tiên và chú thích thứ hai.
Trình bày dự án sơ sài
Cho dù bạn thừa nhận hay không, cách trình bày dự án Nghệ thuật là quan trọng. Nghệ thuật và Thiết kế là một môn học trực quan. Những người đánh giá nó rất nhạy cảm với các dấu hiệu về thị giác. Cách các tác phẩm nghệ thuật được gắn kết, sắp xếp và ghép lại với nhau nói lên rất nhiều điều cho giám khảo về thái độ của bạn với tư cách là một sinh viên: sự nhiệt tình, sự tận tâm và đạo đức làm việc của bạn. Các tác phẩm bị nhăn, nham nhở, nhòe nhoẹt có thể (nếu bạn may mắn) truyền đạt ý tưởng rằng bạn là một thiên tài nghệ thuật, điên rồ, nhưng chúng đa phần có khả năng truyền đạt ý tưởng rằng bạn là một học sinh vô tổ chức, lười biếng và không hề quan tâm tới về môn học. Khi ai đó chỉ có vài phút để đánh giá hoặc xem xét công việc cả năm của bạn, ấn tượng đầu sẽ cực kì quan trọng. Hãy làm dự án của bạn tỏa sáng.
Sự trì hoãn
Điểm đánh gục một sinh viên Nghệ thuật chính là sự trì hoãn. Đây là rào cản số một để sinh viên có thể thành công. Để mọi thứ cho đến phút cuối cùng có thể tốt trong một số môn học nếu bạn có một trí nhớ tuyệt vời, nắm bắt chủ đề tốt – nhưng đối với Nghệ thuật điều đó hiểm khi hiệu quả. Ngay cả những sinh viên năng lực tốt, có khả năng sáng tạo cao cũng cần thời gian để tạo ra một dự án Nghệ thuật tuyệt vời.
Credits:
Trích nguồn bài viết gốc tại: Student Art Guide
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.