Wabi-Sabi là một thuật ngữ đại diện cho thế giới quan của người Nhật Bản, một triết lý sống chấp nhận rằng trên đời này không có gì là hoàn hảo, tôn vinh tính tích cực của các khiếm khuyết. Khi hiểu về Wabi-sabi và chấp nhận nó, chúng ta sẽ luôn tìm thấy vẻ đẹp từ những điều nhỏ bé nhất trong cuộc sống, từ đó hạnh phúc hơn, ít đòi hỏi và dễ thỏa mãn hơn.
Khi muốn mô tả cái gì đó, con người thường thích những từ như trẻ trung, tươi sáng, cân xứng, hùng vĩ, hoàn mỹ. Quan điểm thẩm mỹ này đã xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ đại, vậy nên hầu hết các công trình kiến trúc hiện đại cũng như nghệ thuật nhiếp ảnh cũng phải ảnh lý tưởng này.
Tuy nhiên, mỗi thời kỳ lại có thêm những triết lý phản văn hoá (counter-culture) giúp chúng ta có một cái nhìn khác về thế giới, chẳng hạn như phong cách grunge, punk, hygge, minimalism… Wabi-sabi là một trong số đó, bắt nguồn từ Nhật Bản vào thế kỷ 14 và dần trở thành xu thế.
Ý nghĩa thực sự của Wabi-sabi
Mặc dù ngày nay các giá trị hiện đại đang chiếm ưu thế, nhưng wabi-sabi vẫn rất phổ biến trong văn hoá trà và nghệ thuật của người Nhật Bản, len lỏi trong cuộc sống của người Nhật cũng như nhiều người khác.
Tuy nhiên, không dễ để định nghĩa chính xác Wabi-sabi là gì. Trong tác phẩm “Wabi-sabi dành cho nghệ sĩ, nhà thiết kế, thi sĩ và triết gia”, Leonard Koren cho rằng nếu ngày nay bạn hỏi một người Nhật wabi-sabi là gì, hầu hết họ sẽ lắc đầu xin lỗi vì rất khó để giải thích về mặt ngôn từ.
Quay ngược lại lịch sử, ban đầu “wabi” có nghĩa là sự đơn sơ bình dị, hài hòa với thiên nhiên, thể hiện một cách sống đi tìm sự giàu có cho tâm hồn, tách khỏi những xa hoa vật chất; ám chỉ cảm giác yên bình tĩnh lặng với những gì giản dị nhất. Còn “sabi” nghĩa là quy luật của thời gian rằng không có gì vĩnh hằng, là đại diện cho sự phai tàn, rỉ sét, nứt vỡ; ám chỉ cho vẻ đẹp khuất lấp từ sức nặng của thời gian, vẻ đẹp thanh nhã sau lớp bụi mờ. Kết hợp lại, Wabi-sabi là vẻ đẹp thuần khiết đúc rút từ ba sự thật hiển nhiên của tự nhiên:
- Không gì vĩnh hằng, bất biến.
- Không gì trọn vẹn.
- Không có gì hoàn hảo.
Đến thế ký 15 và 16, các bậc thầy về trà của Nhật Bản như Shuko, Joo và Rikyo đã định hình lại trà đạo, đưa văn hoá thưởng trà ra khỏi khuôn khổ sự xa hoa của tầng lớp thượng lưu. Thay vào đó, trà đạo hướng đến những lý tưởng khiêm tốn hơn của Wabi-sabi. Họ dần chuyển sang dùng những chiếc ấm bình dân với vài sai sót nhỏ có chủ ý trong lớp men, lột tả bản chất tinh tế của cái đẹp.
Mặt trăng mà không bao giờ bị mây che phủ là đi ngược lại với tạo hoá, tức là trăng ẩn hiện trong mây sẽ đẹp hơn là trăng sáng tròn vành vạnh
– Đại trà sư Master Shuko.
Thế giới quan này có ý nghĩa sâu sắc đối với tất cả mọi người, khi mà chúng ta luôn kiếm tìm đáp án cho câu hỏi “Hoàn hảo là gì?”. Chúng ta cảm thấy thất vọng hoặc chán nản khi thế giới không diễn ra như những gì ta mong đợi. Sẽ thế nào khi ta nhận ra rằng mình không hoàn toàn kiểm soát được cuộc sống. Rốt cuộc thì con người vẫn có những khiếm khuyết trên cơ thể và cũng già đi vì tuổi tác. Wabi-sabi dạy chúng ta biết chấp nhận những điều không hoàn hảo này để cuộc sống trở nên an yên và nhẹ nhàng hơn.
Cảm nhận wabi-sabi thông qua nhiếp ảnh
Muốn cảm nhận wabi-sabi trong cuộc sống thường ngày, hãy sống chậm lại để nhận ra những vẻ đẹp tiềm ẩn của thực tại – trần tục và bất toàn.
Trong chụp ảnh sản phẩm nói riêng và nhiếp ảnh nói chung, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách cảm nhận các hình dạng, màu sắc, texture và hoa văn xung quanh mình. Vết bẩn trên nồi bếp cũ, gỉ sét trên một cánh cổng, dấu chân ướt trên vỉa hè, những nếp nhăn trên một khuôn mặt quen thuộc, hay cành cây khô dưới bầu trời mùa đông. Liệu chúng ta có cảm thấy yêu những vẻ đẹp bình dị này giống như cách ta yêu một buổi hoàng hôn không?
Wabi-sabi là một động lực thúc đẩy chúng ta xem xét lại những gì ta thường dễ dàng bỏ qua. Thị hiếu con người không bị bó buộc. Một đám rêu, một tách trà bị nghiêng, hay nếp nhăn trên mặt người thân đều chứa đựng vẻ đẹp và sự quyến rũ
– The School of Life, trong History of Wabi-Sabi.
Đưa lý tưởng Wabi-sabi vào tâm trí
Nếu có một trạng thái tâm trí, suy nghĩ và cảm xúc nhất định, chúng ta có thể cảm nhận được wabi-sabi ở xung quanh mình. Dưới đây là một số gợi ý để bạn có thể tự phát triển trạng thái đó. Hãy áp dụng vào tâm trí và sự sáng tạo của riêng bạn.
1. Khiêm tốn
Tại các nhà trà đạo ở Nhật, lối vào được thiết kế rất nhỏ để mọi người khi bước vào đều phải cúi thấp người, với mục đích gạt hết sự kiêu ngạo của con người. Tương tự, khi muốn chụp một đối tượng, nếu chúng ta có sự khiêm tốn, ta sẽ thấy được vật thể dưới một góc nhìn khác. Chúng ta đã chờ cả cuộc đời để được nhìn những gì diễn ra trước mắt, vậy tại sao lại không thể hiện sự tôn trọng của mình với những điều đó.
2. Chấp nhận là bản chất của Wabi-Sabi
Khi quan sát kỹ lưỡng, ta nhận ra rằng tất cả mọi vật đều có chung phẩm chất là vô thường, không hoàn hảo và không trọn vẹn. Tất cả vật thể đều không ngừng biến đổi và phát triển, chúng ta chỉ đơn giản đang tự phán đoán về trạng thái hiện tại của vật trong cả vòng đời của nó. Điều gì xảy ra nếu ta nhìn nhận mọi thứ một cách khách quan hơn? Có lẽ ban đầu rất khó để cảm được cái đẹp trong những vật mà bình thường ta thấy chúng trần tục, thậm chí hơi xấu. Nhưng bằng cách nhìn nhận đa chiều và chụp thêm nhiều ảnh, khiếu thẩm mỹ của chúng ta cũng sẽ bớt “cứng nhắc” hơn.
3. Hiếu kỳ
Con người luôn có sự hiếu kỳ nhất định, và điều này thôi thúc chúng ta tìm hiểu thế giới bên ngoài: đi du lịch, đọc sách, kết bạn… Vì vậy hãy thử tò mò về những điều không hoàn hảo. Mỗi vết rạn nứt hoặc sự thiếu sót đều tiết lộ một điều gì đó: một manh mối, một gợi ý hay một câu chuyện. Chiếc bánh quy đã bị ăn một nửa cho ta biết điều gì? Tại sao khu vườn mọc đầy những loại cỏ dại? Những nét bút chì màu nguệch ngoạc có gì đặc biệt không?
4. Sự đơn giản, mộc mạc từ Wabi-sabi
Wabi-sabi hướng đến việc chú ý vào các chi tiết nhưng không cần quá cầu kỳ, kiểu cách. Khi tạo ra một bức ảnh, ta có thể bỏ bớt điều gì mà không làm mất chất “thơ” của ảnh? Chúng ta thấy được gì ở những đường viền nhàm chán? Có lẽ bạn nên xem điều cốt lõi của bức ảnh là gì?
5. Đừng quá cứng nhắc về tính thẩm mỹ
Ngày nay, với điện thoại và máy ảnh kỹ thuật số, khi không thích một bức ảnh, chúng ta thường sẽ xoá nó ngay lập tức. Có lẽ trước khi xoá, chúng ta nên dừng lại và ngẫm xem điều gì khiến bức ảnh có vẻ là bị lỗi. Phải chăng máy ảnh chụp được điều gì đó mà ta không để ý đến? Cố tình tạo ra những sai sót trong ảnh cũng là cách để ta thay đổi cái nhìn đối với sự không hoàn hảo.
Một số nhiếp ảnh gia wabi-sabi truyền cảm hứng
Vada Bailey
Người khám phá nỗi buồn của những bông hoa, những nơi xập xệ và giăng đầy mạng nhện. Những bức ảnh của Bailey chịu ảnh hưởng nhiều từ khả năng vẽ tranh của cô. Bailey thường áp dụng multiple exposures và cố tình xê dịch camera để tạo ra hiệu ứng mong muốn. Cô muốn gợi lên cảm xúc trong những bức ảnh thay vì đơn thuần chỉ chụp đối tượng.
Chris Friel
Nhiếp ảnh gia người Anh nổi tiếng với ảnh phong cảnh trừu tượng. Friel là một hoạ sĩ lâu năm trước khi chuyển hướng sang nhiếp ảnh. Anh cũng thường ứng dụng long-exposure và di chuyển máy ảnh 1 chút trong khi chụp để bức ảnh sáng tạo hơn.
Lee Chang Ming
Anh nắm bắt vẻ đẹp thường ngày trong những bức hình của mình: sự đơn giản, trần tục và bình thường. Mỗi bức ảnh dù mang lý tưởng wabi-sabi nhưng vẫn rất cân đối. Hãy khám phá project The Universal Mundane của anh ấy.
Rinko Kawauchi
Cô là một nhiếp ảnh gia người Nhật tạo ra các tác phẩm giúp người xem thấy được những chi tiết nhỏ nhưng vô cùng hùng vĩ trong cuộc sống. Đặc trưng ảnh của cô là tập trung vào các chi tiết nhỏ nhưng thú vị trong những điều tưởng như rất bình thường.
Sonia Melnikova-Raich
Cô theo đuổi sự uyển chuyển, thần bí và chất thơ trong những điều đơn thuần nhất của cuộc sống. Trong series Wabi-sabi của Sonia, cô nói rằng mình tập trung vào “sự nhạy cảm đối với vẻ đẹp u uất của những điều nhất thời”.
Như vậy chúng ta đã đi qua những khía cạnh của wabi-sabi ứng dụng trong nhiếp ảnh. Khi thực sự hiểu được nó, những sự vật, hiện tượng giản dị nhất cũng có thể trở nên đẹp đẽ. Đặc biệt, tinh thần Wabi-sabi còn giúp chúng ta tinh giản được cuộc sống, từ đó dần dần đạt được sự thỏa mãn mà không cần phải chạy theo những nhu cầu vật chất thay đổi liên tục.
Cuối cùng, với những ai muốn học chụp ảnh sản phẩm thì Wabi-sabi sẽ cung cấp cho chúng ta những chủ đề và đối tượng vô cùng phong phú ngay trong tự nhiên, bên góc bếp, dưới mái hiên….đâu đâu cũng có thể trở thành chủ đề để chụp.
Đọc thêm 52 nhiếp ảnh gia nổi tiếng truyền cảm hứng
Credit
—
Bản quyền bài viết thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.