Cùng với sự bùng nổ của các mạng xã hội thì hình ảnh cũng xuất hiện với vô vàn các kích thước khác nhau. Như vậy, có sự tương quan nào giữa tỉ lệ ảnh và bố cục khung hình hay không ? Chúng ta sẽ cùng làm rõ trong bài viết này.
1. Tỉ lệ ảnh là gì
Trong nhiếp ảnh, loại tỉ lệ này được quy định bởi kích thước của cảm biến máy ảnh. Nó là tỉ lệ giữa chiều dài và chiều rộng của cảm biến. Với các máy ảnh DSLR, tỉ lệ chuẩn thường là 3×2, với các máy medium format, tỉ lệ thường là 4:3.
Với các máy ảnh film ngày xưa, tỉ lệ này được quyết định bởi tỉ lệ dài rộng của khổ film(phổ biến là 3×2, nhiều film có tỉ lệ 1:1 hay các tỉ lệ khác như máy ảnh polaroid…)
Mặc dù sau khi chụp xong, chúng ta có thể cắt crop hình ảnh theo bất kì tỉ lệ nào nhưng bố cục sẽ bị thay đổi. Trên hầu hết các camera, đặc biệt là điện thoại ngày nay thì khi chụp đều sẽ có hiển thị các lưới để giúp chúng ta căn tỉ lệ và bố cục được chính xác nhất.
2. Các tỉ lệ ảnh phổ biến
Tỉ lệ 3:2
Như đã nói ở trên, trong thế giới photography, tỉ lệ dài:rộng 3:2 chiếm đại đa số, từ các máy ảnh DSLR có cảm biến crop(DX) tới các dòng máy chuyên nghiệp Full frame(FX) đều có cảm biến theo tỉ lệ 3:2. Ở các máy DX, cảm biến có dài:rộng là 22.20mm x 14.80mm(Canon), 23.7mm x 15.60mm(Nikon) thì trên FX, cả Canon và Nikon đều có tỉ lệ dài: rộng là 36mmx24mm – đều là 3:2.
Tỉ lệ 4:3
Tỉ lệ 4:3 thường được coi là chỉ dành cho các máy ảnh chuyên nghiệp Medium format cao cấp, tuy nhiên các dòng máy Four-third từ các hãng Fuji, Kodak, Leica, Olympus, Panasonic, Sanyo, Sigma đều có sensor tỉ lệ 4:3 mặc dù kích thước cảm biến còn nhỏ hơn cả full frame.
Tỉ lệ 1:1
Tỉ lệ này được phổ biến trong thời đại film khi các khổ film vuông được sử dụng. Sau này, cùng với sự bùng nổ của Instagram, tỉ lệ vuông đã dần chiếm thế thượng phong trên các nền tảng xã hội.
Tỉ lệ 16:9
Còn được gọi là khổ ảnh panoramic, khổ ảnh này thường được dùng trong các máy quay phim và chiếu rạp, màn ảnh rộng. Thời kì trước, tỉ lệ film khổ 4:3 là tiêu chuẩn, tuy nhiên khi khổ 16:9 ra đời, nó cho ra một góc nhìn toàn cảnh và điện ảnh hơn. Do đó, nó dần trở nên phổ biến và trở thành định dạng mặc định cho ngành truyền hình và film ảnh ngày nay.
3. Tại sao tỉ lệ hình ảnh lại quan trọng, tác động tới bố cục
Hiển nhiên tỉ lệ thay đổi sẽ thay đổi cách thức chúng ta bài trí, sắp đặt các đối tượng trên khung hình. Với khổ ảnh vuông, do khá hạn chế về không gian, bố cục chính tâm(đặt chủ thể vào tâm bức ảnh) thường là lựa chọn phổ biến và dễ thu hút người xem.
Với các khổ ảnh 3:2 hoặc 4:3, lúc này, chúng ta có một cạnh dài hơn hẳn, lúc này, ngoài bố cục chính tâm an toàn, chúng ta có thể tận dụng tối đa bố cục 1.3(đặt đối tượng vào giao điểm 1/3 theo cả dọc và ngang của ảnh).
4. Làm sao để thay đổi tỉ lệ sau khi chụp ?
Cách đơn giản nhất là crop ảnh lúc hậu kì. Một số máy ảnh có thể cho chúng ta xem trước Live View hình ảnh được crop theo các tùy chỉnh khác nhau(thường là 3:2, 1:1, 3:4 hay 16:9).
Như vậy, tỉ lệ hình của khung hình sẽ liên quan chặt chẽ tới bố cục, cách thức chúng ta sắp đặt các đồ vật trong một bức ảnh để đạt được hiệu quả thị giác cao nhất. Chúng ta có thể crop ảnh lúc hậu kì, tuy nhiên, lúc chụp, chúng ta nên ưu tiên một tỉ lệ chính nào đó để việc sắp xếp các đối tượng được đẹp nhất với tỉ lệ đó. Các tỉ lệ khác(tất nhiên sẽ kém đẹp hơn một chút) sẽ được thực hiện sau bằng Crop tool trong các công cụ chỉnh ảnh.
—
Bản quyền bài viết thuộc về Học viện nhiếp ảnh quảng cáo Chimkudo
Không trích dẫn hoặc sao chép khi chưa có sự đồng ý,