Tôi đã từng tổ chức và tham gia vào rất nhiều các buổi workshop hay những khóa học ngắn hạn về nhiếp ảnh trên toàn thế giới, có một điều tôi thường chỉ ra trong những khóa học workshop của tôi rằng các photographers không nên lấy cảm hứng nhiếp ảnh từ lẫn nhau.
Chúng ta nên tìm kiếm nguồn cảm hứng ấy từ nghệ thuật. Tôi tin rằng bạn sẽ nhận được từ việc nghiên cứu những bức tranh, phác họa và các lĩnh vực nghệ thuật khác như thiết kế, kiến trúc, trang trí, tạo hình….nhiều hơn những gì bạn học được từ việc nhìn lại tác phẩm của những người khác.
Nếu bạn phân tích một thể loại ảnh nào đó đến tận gốc rễ của chúng, bạn sẽ tìm được những sự sắp xếp cụ thể thật hài hòa đến kinh ngạc. Đó chính là bố cục. Nếu bạn học được kĩ thuật về bố cục và áp dụng được chúng vào những bức hình của mình, bạn sẽ tiến xa hơn rất nhiều. Trong nhiếp ảnh, vì chúng ta không kiểm soát hoàn toàn những gì chúng ta sẽ chụp, vậy nên, những quy luật về bố cục đã được đơn giản hóa thành tỉ lệ vàng, hoặc tỉ lệ ⅓ điển hình, dù không được khuyên dùng lắm. Tôi đã thấy hàng tá những bức hình có đường chân trời ở phần rìa dưới bức ảnh cùng ngọn hải đăng ở phía phần ba bên phải. Nếu chỉ nhìn vào nhiếp ảnh thôi, thì vấn đề nằm ở chỗ: bạn sẽ chỉ thấy những quy luật, kĩ thuật đơn giản trừ khi bạn học theo một số nhiếp ảnh gia khác với tay nghề và trình độ cao hơn.
Trong nghệ thuật, người họa sĩ cầm cọ là người đã học về nghệ thuật, học theo những họa sĩ thời xưa, và sử dụng hết những kĩ thuật cụ thể để tạo nên một bức vẽ tuyệt vời. Đó là lí do tại sao mà đa số những lần bạn so sánh một bức tranh với một bức ảnh chụp, bức ảnh lúc nào cũng trông “phẳng” hơn về mặt bố cục khi so sánh. Những kĩ thuật về bố cục này không chỉ dành riêng cho giới hội họa, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng chúng cho những bức ảnh của chúng ta, nhưng nhiều người còn chẳng biết đến sự tồn tại của những kĩ thuật này. Thay vì quy luật 1/3 , hãy học về những đường kẻ cơ bản, đường dẫn, những hình tam giác, elipse, hay rất nhiều những kĩ thuật bố cục khác được dùng bởi các họa sĩ. Ai cũng có thể chụp được một cô gái xinh xắn dạo phố với khẩu độ thấp nhất có thể, xóa phông mịt mù. Nhưng không phải ai cũng có thể dùng những bố cục hài hòa nhất để áp dụng vào khung hình của mình.
Chiều sâu là một lí do khác cho việc bạn nên tham khảo những tác phẩm nghệ thuật chứ không phải những bức hình của người khác, nhưng nói vậy, chiều sâu ở đây không có nghĩa là độ sâu trường ảnh (D.O.F). Tôi đang nói về những chủ đề ẩn dụ, những ý nghĩa sâu xa hơn. Điểm đặc biệt của nghệ thuật là chúng có rất nhiều tầng lớp. Đúng vậy, bức tranh trông đẹp và hoàn hảo, nhưng giữa những đường kẻ và nét vẽ là những câu chuyện và cảm xúc khiên người ta phải nán lại mà nhìn ngắm thêm nữa. Nghệ thuật khiến đôi mắt của bạn mở mang hơn, tìm tòi những điểm hay, dành nhiều thời gian hơn để nhìn vào tác phẩm và gắn kết thông tin lại, tạo nên một trải nghiệm tuyệt vời. Tôi không nói rằng điều này không có trong nhiếp ảnh, nhưng thật sự rất hiếm người làm được điều đó.
Khi lướt Facebook hay Instagram, tôi chỉ thấy những bức ảnh na ná nhau. Trong thời đại truyền thông mạng xã hội đang phát triển cực kì mạnh mẽ và việc đăng tải những bức ảnh lên mạng không còn là điều gì xa lạ, nhưng điều ấy có một điểm trừ là, ai cũng có thể nhìn thấy tác phẩm của bạn. Ai cũng có thể tìm kiếm cảm hứng từ ảnh của bạn và sau đó làm lại một bức ảnh tương tự. Tìm được cảm hứng nhiếp ảnh là điều tuyệt vời, thế nhưng hãy lấy những ý tưởng, biến đổi chúng và biến chúng thành của bạn. Nếu bạn làm lại một bức hình giống y hệt về ý tưởng lẫn concept, bạn sẽ chẳng nhận lại được gì cả. Thật khó để làm ra những nội dung mới mẻ thời nay, nhưng hãy làm những tác phẩm mới mang giọng nói và phong cách của bạn. Đối với nghệ thuật thì cũng tương tự, hãy nhìn những gì mà họa sĩ đã làm, dù có là những chủ đề quá quen thuộc, nhưng rồi họ sẽ khiến chúng mang giọng nói của họ bằng những phong cách hoàn toàn khác biệt. Là một người sáng tạo, bạn muốn phá vỡ những rào cản, hãy nhìn tổng thể những tác phẩm một nhà thiết kế đồ họa đã làm, hay cách một người thợ điêu khắc tạo điểm nhấn trên những phiến đá.
Có cả một kho tàng những tác phẩm nghệ thuật để có thể học tập, và bạn cần mở rộng tầm nhìn nếu muốn trở thành một nhiếp ảnh gia. Rất nhiều lần, tôi thấy một hình ảnh, và khi đọc bình luận chỉ thấy người ta hỏi về máy ảnh hay ống kính được dùng. Đúng, hãy học cách sử dụng máy ảnh nữa, nhưng đừng quá quan trọng những thông số. Ai mà quan tâm khẩu độ đặt thế nào? Sau 1-2 tuần học chụp, bạn sẽ biết cách dùng mà thôi. Thay vào đó, hãy tập trung khai thác vào khía cạnh nghệ thuật, thông điệp của hình ảnh. Bạn có thể học điều này bằng cách tham khảo các tác phẩm nghệ thuật. Chẳng ai màng đến chiếc ống kính tele 5000 đô của bạn đâu, cái họ quan tâm là cách bạn đem nghệ thuật vào khung hình của bạn cơ. Đừng chỉ chụp ảnh, hãy tạo ra cái đẹp và tìm cảm hứng nhiếp ảnh từ những điều tuyệt vời khác thay vì nhìn vào ảnh của các nhiếp ảnh gia khác.
Credit
—
Bài viết gốc từ Fstoppers
Dịch và chú giải bởi Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo
Không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý
1 Comment
Pingback: Xây dựng câu chuyện và chụp ảnh project cá nhân | Thư viện nhiếp ảnh sản phẩm, quảng cáo Chimkudo