Với nhiều người làm công việc chụp ảnh, thứ khiến họ trở nên nổi bật hơn chính là chất riêng khi chụp ảnh. Thậm chí ngay cả những người mới học chụp ảnh cũng luôn hướng tới việc tìm ra phong cách riêng của mình. Cũng như vây, trong chụp ảnh food, tìm ra phong cách chụp food của riêng mình cũng là một nhu cầu phổ biến, ngay kể cả với các nhiếp ảnh gia đã làm nghề được một thời gian.
Nói một cách ngắn gọn, cách chúng ta chụp ảnh đồ ăn bị ảnh hưởng rất nhiều từ những gì chúng ta nhìn thấy trong cuộc sống thường ngày. Có những người từ khi mới bắt đầu đã rất rõ ràng về phong cách ảnh của bản thân hay mảng ảnh mà họ muốn thay đổi. Ngược lại cũng có một số người thì mông lung dù dã trải qua một thời gian làm nghề tương đối dài.
Hãy nhớ rằng ít ai trong chúng ta có thể ngay lập tức xác định được bản thân mình thật sự muốn gì, vì chúng ta cần trải qua một quá trình nhất định để đạt được điều đó. Với kinh nghiệm của bản thân, dưới đây, mình tổng hợp 05 bước bạn có thể áp dụng để tìm ra chất ảnh riêng mà mình muốn theo đuổi.

Lúc mới bắt đầu, tôi khá loay hoay với việc xác định phong cách của mình, chưa kể tới việc ảnh còn sai màu sản phẩm, ám màu(color cast), không có khối rõ ràng, ánh sáng còn loạn hướng….Và khi chụp được bức ảnh này, tôi đã rất tự hào(mặc dù bây giờ nhìn nó rất phèn), đó là bản thân tôi ở những năm 2013.

Định hình phong cách chụp ảnh
Khi quyết định làm một photo, kể cả theo hướng làm nghề chuyên nghiệp hay chỉ đơn giản là thú vui sở thích, bạn sẽ muốn thay đổi và sẽ hướng đến việc tạo ra những tác phẩm sáng tạo, kể những câu chuyện bằng hình ảnh.
Khi nào bạn thấy mình khựng lại trong nghề, bạn nên biết rằng mình vẫn làm và học chưa đủ sâu, chưa đi tới tận cùng của nó.
Dù vậy, ban đầu những bức ảnh khi mới bắt đầu chụp ảnh trông khá kì lạ và luôn khiến chúng ta cảm thấy có cái gì đó “sai sai”. Việc tìm ra phong cách chụp ảnh của riêng mình cũng giống như xây dựng một mối quan hệ có giá trị bền vững lâu dài. Tất cả đều cần thời gian.
Chính bản thân tôi cũng đã mất đến vài năm để tìm ra phong cách của bản thân là gì. Khi mà việc chụp ảnh đồ ăn chưa quá phổ biến trên mạng xã hội thì tôi gần như bắt đầu mọi thứ từ con số 0.
Sau 09 năm cầm máy ảnh, cá tính riêng trong ảnh của tôi trở nên rõ ràng hơn và có nhiều sự thay đổi. Nhưng nó sẽ không bao giờ được hoàn chỉnh vì đơn giản là nó luôn phát triển. Trong lĩnh vực nghệ thuật, chúng ta sẽ luôn tìm thấy niềm vui trong việc khi tìm tòi và khám phá những thứ mới. Khi nào bạn thấy mình khựng lại trong nghề, bạn nên biết rằng mình vẫn làm và học chưa đủ sâu, chưa đi tới tận cùng của nó.
Bước 1: Bắt đầu từ những gì cơ bản nhất
Những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp luôn có cái tôi khá cao, điều đó là chuyện rất bình thường. Là một người làm sáng tạo, nếu không có cá tính thì bạn sẽ không bao giờ có được cái riêng của bản thân, thậm chí quyết liệt tới cực đoan để bảo vệ nó khi bị xâm phạm.
Nhưng chụp đồ ăn đâu chỉ có đưa máy lên và bấm. Hành trình của một bộ ảnh bắt đầu ngay từ khi nhận được đề bài từ khách hàng. Với một brief đủ tốt, đọc tới đâu, hình ảnh sẽ nảy ra tanh tách trong đầu bạn. Nó là việc lên key idea, moodboard, color pallet, chuẩn bị props, sắp đặt bày biện món ăn (styling) – nói chung, bạn sẽ đóng vai trò là creative, photo, stylist và thậm chí là một đầu bếp khi bạn mới bắt đầu vào nghề.
Nhưng trước hết, để chụp được ảnh đẹp thì bạn cần biết chụp ảnh.
Đó đơn giản là quen với việc chụp ảnh ở chế độ “Chỉnh tay” (Manual mode), nắm được các thông số như ISO, khẩu độ, tốc độ và vận dụng chúng thuần thục. Tiếp đến bạn nên tìm hiểu thêm về những loại bố cục khác nhau hay các phong cách styling đồ ăn cơ bản.


Bạn phải đi từng chút một để có thể phát triển và giỏi hơn khi làm một điều gì đó.
Bước 2: Điều gì truyền cảm hứng cho bức ảnh của bạn?
Cảm hứng có thể ở bất cứ nơi đâu, xuất hiện trong đầu bạn bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, cũng cần có có mắt thẩm mỹ để thật sự tìm ra nguồn cảm hứng cho bản thân khi chụp ảnh.
Với tôi, những chuyến du ngoạn quanh các làng nghề truyền thống miền Bắc luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho những chất liệu của dự án. Được đi, được nghe, được hít thở cái bầu không khí vùng ngoại ô, được ngồi trên triền đê nhìn ngắm cảnh vật thiên nhiên, con người….là những khoảnh khắc yên ả và hạnh phúc nhất.


Những điều mà đa phần những người mới chụp ảnh không hiểu là toàn bộ một bức ảnh khó có thể là nguồn cảm hứng, bạn nên chọn lọc những yếu tố bên trong bức ảnh đó là tư liệu sáng tạo cho bản thân mình.
Sẽ là sai khi bạn yêu thích một bức ảnh và bạn sao chép hoàn toàn những gì có trong bức ảnh đó và coi đó là của mình. Điều đáng buồn là hầu hết các bộ ảnh ngày nay đều có thể dễ dàng tìm thấy những bộ tương tự, thậm chí giống hoàn toàn các sắp đặt trên Pinterest. Thử thách của chúng ta thay vào đó là đào sâu nghiên cứu bức ảnh đó và tìm ra điểm đã thu hút mình.
Bạn có thể bắt đầu với việc tạo cho mình moodboard riêng. Pinterest, Behance hay Instagram là những lựa chọn phổ biến.

Và hãy chăm ngắm ảnh… mỗi ngày. Hãy để cái đẹp và nguồn cảm hứng luôn ở trong cuộc sống của bạn, tạo cho mình thói quen đó sẽ giúp não của bạn tiếp nhận những cái mới tốt hơn (và luyện cách để tiếp nhận chúng một cách có chọn lọc). Khi bạn xem đủ nhiều, cái đẹp sẽ ngấm vào bạn và hòa trộn với những gì bạn cho là đẹp, những trải nghiệm của chính bạn để tạo ra cái riêng trong ảnh của bạn một cách vô thức.
Bước 3: Phân tích bức ảnh
Giờ bạn đã có cho mình một số bức ảnh trong moodboard để truyền cảm hứng cho bạn, giờ chúng ta sẽ xem bức ảnh đó gợi ra điều gì khiến bạn cảm thấy hứng thú. Sẽ có những yếu tố trong ảnh bạn vận dụng nhiều trong quá trình tìm ra phong cách chụp ảnh của bản thân, và dần bạn sẽ thông thạo những kỹ thuật đó.


Phân tích bức ảnh là cách bạn xem người chụp bức ảnh đó đã được chụp và sắp xếp như thế nào.
- Ảnh được chụp ở góc nào?
- Độ sâu trường ảnh ra sao?
- Ánh sáng đến từ đâu? (đèn ven, đèn back, key-light, fill light)
- Ảnh có shadow không, ánh sáng gắt hay ánh sáng mềm, độ sáng và chuyển của shadow…
- Ảnh set theo tone sáng hay tối?
- Props nào đã được sử dụng, no thể hiện style gì không?
- Ảnh theo trường phái vintage, rustic, retro hay minimal….
- Chi tiết nào thú vị ở món ăn đó?
- Texture của các props và background là gì, chúng có gây rối mắt hay góp thêm ý nghĩa gì cho ảnh không ?
- …….
Bước 4: Phát triển tốt từ cái đã có và biến nó thành style của riêng bạn
Khi bạn đã xem nhiều những bức ảnh khiến bạn cảm thấy hứng thú, hãy chọn ra một vài yếu tố bạn có thể sử dụng – và phát triển nó trở nên tốt hơn. Không cần phải trở thành một ý tưởng chưa ai nghĩ tới, nhưng bạn cần biến những cái đó trở thành của riêng bản thân bạn. Dùng những gì đã có để khiến bạn tốt hơn.
Là người Việt Nam, tôi yêu tất thảy những nét đặc trưng và cái hơi ấm Á Đông, từ đó chuyển thể nó vào trong các hình ảnh của mình.
Bạn không cần lấy toàn bộ những thứ trong bức ảnh, vì đến một lúc nhất định bạn sẽ bắt đầu biết cách áp dụng những yếu tố này vào bức ảnh của riêng mình. Để phát triển phong cách của riêng mình bạn cần đặt niềm tin rằng thời gian và sự luyện tập sẽ giúp bạn tìm ra chất riêng của mình. Bạn không thể chỉ chụp 5-6 bộ ảnh rồi băn khoăn “phong cách của mình là gì nhỉ”, bạn sẽ tự có câu trả lời đó khi bạn chụp 50-60 bộ.


Là người Việt Nam, tôi yêu tất thảy những nét đặc trưng và cái hơi ấm Á Đông, từ đó chuyển thể nó vào trong các hình ảnh của mình. Nếu nhìn vào các dự án hoặc Instagram của tôi, bạn rất dễ rút ra một điểm chung đó là tính Á Đông truyền thống, sự ấm áp, màu sắc, những mảng sáng tối lung linh của nắng. Tôi cũng đặc biệt yêu thích việc nâng tầm cho các hình ảnh, đồ vật vốn rất dung dị và quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày.
Bước 5: Niềm vui trong việc được thử nghiệm và luyện tập
Có thể việc tìm ra chất riêng trong việc sáng tạo của bản thân khá tốn thời gian nhưng điều đó không nên là thứ ngăn cản bạn tận hưởng con đường này. Chụp ảnh là một hành trình và bạn cần dành rất nhiều thời gian với chiếc máy ảnh, và cũng ngần ấy thời gian cho việc chỉnh sửa nó.
Luyện tập chụp ảnh nên là việc khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ chứ đừng trở thành áp lực. Cách tốt nhất là hãy tự tạo ra những dự án cá nhân, chụp những thứ bạn muốn, theo cách của bạn cho là đẹp. Ngoài kia có nhiều foto chụp rất đẹp, tất nhiên, nhưng nếu cứ chạy theo họ thì bạn cũng chả bao giờ bắt kịp được. Hãy đi một con đường riêng, con đường mà bạn thích, bạn hứng thú, chụp theo cái mà bạn thấy là hay. Cái hay đó chính là gout của bạn, là cá tính và thế giới quan của bạn về đồ ăn. Mỗi foto sẽ đều có khách hàng của mình, đừng lo lắng. Còn nếu bạn nay bắt chước ông A chụp Á Đông, mai bắt chước ông B chụp Âu Châu, ngày kia bắt chước chị C sang châu Mỹ…thì xin chúc mừng, bạn đang đẽo cày giữa đường thực sự.
Từ lúc làm nghề tới nay, chưa bao giờ tôi từ bỏ các dự án cá nhân. Trong những khoảng thời gian bế tắc hoặc trầm cảm nhất trong nghề nghiệp, các dự án cá nhân là cái phao để tôi bám vào, vì ở đó, tôi được làm những gì tôi yêu thích, theo cách của tôi, mặc cho những ý kiến trái chiều, tranh luận….chả sao.
Tôi vẫn còn nhớ những cảm xúc thực sự phê khi tôi và Hiền làm dự án Vàng Mã. Đâu đó có thể có những ý kiến như: “Nhìn thấy ghê, sao lại chụp mấy đồ thờ cúng, sao lại dùng nó để mua vui, này nọ….a…b….c”. Chúng tôi tin rằng chỉ những người sống không thực sự tốt mới cần phải lo sợ. Bạn sống thiện tâm, không thần thánh nào trù dập bạn được cả. Tất cả chỉ là những chất liệu để chúng tôi sử dụng, thể hiện thế giới quan, góc nhìn của chúng tôi về những gì xung quanh. Đó là những thứ gắn liên với đời sống của Việt Nam được chúng tôi lồng ghép vào trong những quan niệm về phong thủy, ngũ hành âm dương dưới góc nhìn của nhiếp ảnh.

Và nhớ rằng dù bạn đang ở trong những xúc cảm hay giai đoạn nào của con đường nhiếp ảnh thì các dự án cá nhân bao giờ cũng là chất xúc tác để giúp chúng ta lấy lại cảm xúc, tìm thấy bản thân và thỏa mãn trong nghành sáng tạo. Tự đốc thúc bản thân luyện tập mỗi ngày là điều cân thiết, nhưng đừng quá vội vàng !
Những tâm sự cuối năm – khoảng thời gian nhiều bâng khuâng và lửng lơ !
Từ Chimkudo