Tôi thích ngắm nhìn thật kỹ tác phẩm của nhiếp ảnh gia khác. Để đắm mình trong sự sáng tạo của người khác — để xem ý tưởng của họ khơi dậy điều gì bên trong bạn, điều gì khiến bản thân phấn khích, điều gì khiến bản thân ngồi dậy và nghĩ rằng “Chà, tuyệt quá!” – đó là tất cả những động lực tuyệt vời cho việc sáng tạo nhiếp ảnh của riêng bạn. Trong bài viết lần này, tôi sẽ cùng bạn học hỏi vài điều từ nhiếp ảnh gia Henri Cartier-Bresson.
“Để chụp ảnh, phải căn chỉnh đầu óc, đôi mắt và trái tim. Đó là một cách sống.”- Henri Cartier-Bresson.
Người tôi muốn nói tới đó là Nhiếp ảnh gia Henri Cartier-Bresson sinh năm 1908, ông bắt đầu với niềm đam mê hội họa trước khi khám phá ra nhiếp ảnh (và Leica) ở tuổi 24. Sau một sự nghiệp ngoạn mục, ông gác lại nhiếp ảnh ở tuổi 60 và dành phần còn lại của cuộc đời tập trung hơn vào hội hoạ.
Mặc dù tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ từ bỏ nhiếp ảnh, nhưng tôi thực sự ngưỡng mộ điều đó khi mọi người có những bước tiến lớn trong sáng tạo như vậy. Ý tôi là, ông ấy là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng thế giới, ông ấy đáng lẽ ra có thể tiếp tục theo đuổi nhiếp ảnh trong ba mươi năm tới, nhưng thay vào đó ông lại quay trở về với mối tình đầu của mình (hội họa). Tôi cũng muốn trở thành một người dũng cảm với những quyết định của mình giống như ông, chỉ đi theo những gì khiến tôi có cảm hứng, chứ không phải những gì quá thực dụng.
Điều tôi thích ở nhiếp ảnh của Cartier-Bresson là sự ổn định và cách tiếp cận một cách khoa học của ông ấy về bố cục. Ông ấy có khả năng cảm thụ tuyệt vời về hình khối và có thể kết hợp chúng tạo thành những bố cục hấp dẫn.
Ông rất nổi tiếng với nhiếp ảnh đường phố, một thể loại mà thôi thấy hơi “lạnh lẽo”, khô khan. Nhưng tôi nghĩ những bức ảnh đường phố của Cartier-Bresson thực sự mang một nét ấm áp, kết hợp cùng với sự quan tâm đối với nhân thế.
Vì vậy, dưới đây là một số điều Henri Cartier-Bresson có thể dạy bạn về nhiếp ảnh.
- Kiên nhẫn
Bạn biết tất cả những nhiếp ảnh gia giỏi đều có điểm chung gì không? Kiên nhẫn. Hãy chấp nhận rằng nếu muốn trở thành một nhiếp ảnh gia tuyệt vời (hoặc thậm chí gần như tuyệt vời… hoặc bất cứ mức nào trên mức trung bình), bạn không được vội vàng. Bạn cần phải thực sự bước vào khoảnh khắc mà bạn vốn đang ở trong đó, hoàn toàn hiện diện và để nó trôi qua với tốc độ của riêng nó, để quan sát thế giới xung quanh bạn mà không có sự mường tượng nào.
“Một phút kiên nhẫn, mười năm bình yên.” – Tục ngữ Hy Lạp
Nếu có một điều giúp bạn chụp ảnh tốt hơn, thì đó là hãy dành thời gian nhìn vào đối tượng gấp đôi thời gian bạn thường nhìn. Hãy chống lại sự hối thúc vội vã của tâm trí và cơ thể bạn
Khi nhìn thấy một khung cảnh mà bạn quan tâm, hãy cứ giữ nguyên, khám phá nó, thăm dò nó, chờ đợi những điều xảy ra. Nói chung là: đi chậm hơn và ở ngoài chụp ảnh lâu hơn. Như Joyce Meyer nói:
“Kiên nhẫn không chỉ là chờ đợi một điều gì đó… mà còn là cách bạn chờ đợi hoặc thái độ của bạn trong khi chờ đợi.”
Nói cách khác là: Hãy kiên nhẫn trong sự kiên nhẫn.
- Tìm cách diễn đạt hoàn hảo về chủ thể
Cartier-Bresson nổi tiếng là người đưa ra thuật ngữ “khoảnh khắc then chốt”. Thuật ngữ này thực ra xuất phát từ tên tiếng Anh cuốn sách của ông, mở đầu bằng câu trích dẫn của Đức Hồng y de Retz:
“Không có gì trên thế giới này không có khoảnh khắc then chốt, và kiệt tác của nhà cầm quyền giỏi là biết nắm bắt thời điểm này.” – Hồng y de Retz, Thế kỷ 17
Có nhiều cách hiểu về thuật ngữ này, và tôi thích cách hiểu trong bài báo “Decisive Moment and the Brain”:
“Khoảnh khắc then chốt ám chỉ việc ghi lại một sự việc mang tính nhất thời và đột nhiên, hình ảnh lúc ấy sẽ đại diện cho bản chất của chính sự việc đó”.
Khi bạn nghe đến thuật ngữ này, có thể bạn nghĩ rằng mình cần chờ đợi khoảnh khắc “hoàn hảo” đó và chụp lại, rồi tiếp tục bước tiếp. Nhưng thực chất thì Cartier-Bresson sẽ chụp rất nhiều ảnh. Và từ đó, anh ấy chọn một bức ảnh ghi lại chính xác nhất bản chất của tình huống — khoảnh khắc mang lại cho người xem nhiều thông tin và cảm nhận nhất về đối tượng.
- Sử dụng trực giác
“Đôi mắt bạn phải nắm bắt được một bố cục hoặc một sự biểu lộ mà chính cuộc sống mang đến cho bạn, và trực giác bạn phải biết khi nào nên bấm máy.” – Henri Cartier-Bresson
Điều này có nghĩa là bạn hãy dừng hết tâm trí trò chuyện, công việc, to-do list, và cố gắng tham gia đắm chìm trong khoảnh khắc chụp ảnh. Có nhiều khi chúng ta đang dùng trực giác mà không hề hay biết, chúng ta bận tâm đến mức lắng nghe những suy nghĩ miên man của mình.
Tôi cảm thấy như cần phải thoát ra khỏi những dòng suy tư, hoà vào với cơ thể của mình — để xem trực giác đang chú ý đến điều gì trong khi phớt lờ tâm trí bận rộn. Đó chính xác là những gì tôi cảm thấy khi ở trong dòng chảy sáng tạo. Tôi mất cảm nhận về không gian và thời gian, chỉ hoàn toàn đắm chìm vào đối tượng của mình. Không phải lúc nào nó cũng xảy ra, nhưng tôi biết rằng khi nó xảy ra, tôi sẽ nhận được một điều gì đó rất đặc biệt.
- Vẻ đẹp của shape và form
Cartier-Bresson rất quan tâm đến các đường nét và hình dạng, sự sắp xếp và cân bằng hình học của thế giới.
“Để bức ảnh mang lại một ý nghĩa, người chụp phải cảm nhận được mối liên hệ giữa bản thân tới bối cảnh đó thông qua ống ngắm. Thái độ này đòi hỏi sự tập trung, kỷ luật, sự nhạy cảm và cảm giác về các hình khối, đường nét – tưởng tượng các hình khối đơn giản và biểu đạt vào hình ảnh. Người ta phải luôn luôn chụp ảnh với sự tôn trọng lớn nhất đối với đối tượng, và đối với chính mình.” – Henri Cartier-Bresson
- Dành thời gian cho người mẫu của bạn
“Tôi cảm thấy khó nhất là chụp chân dung, bởi đó không chỉ là chụp con người mà còn cả phục trang của họ nữa ”. – Henri Cartier-Bresson
Với tôi, chụp chân dung là việc đối tượng ấy tiết lộ điều gì đó về họ hoặc trải nghiệm của họ, và chắc chắn đây không phải điều dễ dàng. Nó có thể là thông qua chuyển động của họ, biểu hiện trong đôi mắt hoặc khuôn mặt – miễn là nó cho bạn biết điều gì đó về con người hoặc tình huống, nội tâm bên trong họ.
Hầu hết mọi người (ngoại trừ trẻ nhỏ) đều có một sắc thái “cứng nhắc” khi đứng trước máy ảnh. Mọi người được lập trình để trưng ra một dáng vẻ nhất định – và phần lớn chúng đều nhàm chán trước ống kính máy ảnh.
Vì vậy, hãy dành thời gian cho người mẫu của bạn, để họ thư giãn và dần tiết lộ về bản thân họ. Hãy khiến họ chuyển từ cảm giác bị nhìn một cách có ý thức sang được nhìn một cách vô thức. Và để khiến người mẫu thoải mái hơn, bắt đầu tiết lộ điều gì đó thú vị về bản thân họ, bạn cần phải vượt qua bầu không khí ngượng ngùng trong lúc chờ đợi. Hãy trò chuyện với họ, quan sát họ trong khi chụp, chờ đợi những thay đổi trên khuôn mặt, đôi mắt của họ.
- Đừng hoài niệm về những bức ảnh của bạn
“Các nhiếp ảnh gia chớp lấy những thứ liên tục biến mất, và khi chúng biến mất, thì không còn cái gì có thể đem chúng quay trở lại.” – Henri Cartier-Bresson
Tôi nghĩ rằng rất nhiều nhiếp ảnh gia trong chúng ta lo lắng rằng, sẽ không bao giờ chụp được một bức ảnh nguyên bản thực sự. Khi tôi đến thăm các thành phố mới, tôi cũng có cảm giác ấy. Ý tôi là khắp mọi nơi, chỗ nào cũng có các nhiếp ảnh gia!
Tôi nghĩ rằng có một chút hoài cổ trong việc muốn chụp ảnh. Cuộc sống là một dòng chảy không ngừng, nên để chụp ảnh và ngăn chặn quá trình luôn thay đổi đó, ta phải dành ra một khoảng lặng để dừng lại, để suy ngẫm.
Nhiếp ảnh là một sự ngăn cách kỳ lạ giữa hiện tại và kết nối với quá khứ, những khoảnh khắc bạn đã chụp lại trong quá khứ. Nhưng Cartier-Bresson thì không như vậy, ông không ngừng đi về phía trước và rất ít bận tâm đến những bức ảnh trước đó từng chụp.
“Sau cùng, sáng tạo chỉ là một khoảnh khắc chớp nhoáng ngắn ngủi, chỉ đủ lâu để bạn cầm chắc máy ảnh và bẫy con mồi thoáng qua trong chiếc hộp nhỏ của bạn.” – Henri Cartier Bresson
Credit
—
Translated from website: petapixel.com
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.</b
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.