Trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có lẽ là điều nhiều người mong ước, song không phải ai cũng làm được, thậm chí là thất bại. Sau khi trò chuyện với nhiều nhiếp ảnh gia thành công trong sự nghiệp, tôi nhận thấy họ chia sẻ nhiều điểm tương đồng.
Vậy cần làm gì để trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp? Câu trả lời là không có câu trả lời nhất định nào cả. Nghe kì lạ phải không? Tôi cho rằng chẳng thể đoán trước được niềm vui và nỗi đau trong sự nghiệp của một nghệ sĩ. Hơn nữa, còn gì là thú vị khi chỉ đi “sao chép” một ai đó?
Richard Avedon là một nhiếp ảnh gia tuyệt vời. Chẳng ai cấm bạn sao chép các tác phẩm của anh ấy, nhưng thế giới không cần một Avedon thứ hai, phải không nào? Chúng ta không thể bắt chước sự nghiệp của ai đó, nhưng chúng ta có thể học hỏi từ cách họ tiếp cận sự sáng tạo, cách họ kinh doanh, và cách để hoà hợp chúng với nhau.
Trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp dĩ nhiên không dành cho tất cả mọi người. Đó là một công việc rất thú vị, thậm chí một số người còn coi đó là kiếm tiền từ sở thích của mình. Thế nhưng đừng nghĩ rằng công việc này luôn thuận buồm xuôi gió.
Trước khi đi vào sâu hơn, hãy nhớ rằng bài viết này không được viết ra để làm nản lòng bạn. Tôi tin rằng ai cũng có lối đi riêng của mình, nhưng công việc nhiếp ảnh gia đòi hỏi một vài kỹ năng nhất định. Phần lớn thông tin trong bài viết này dựa trên các cuộc phỏng vấn giữa tôi với các nhiếp ảnh gia như Platon, Albert Watson, Rankin, và Andrea Belluso. Và sau đây là 6 điều sẽ ngăn bạn trở thành một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.
1. Đổ lỗi cho người khác về thất bại của chính mình
Chẳng phải có hàng triệu lời biện hộ cho việc không sáng tạo hoặc không tiến bộ hay sao? Một trong những điều tôi thấy nhiều nhiếp ảnh gia gặp phải, là họ hay than vãn về việc thiếu thứ gì đó, có thể là lens, ánh sáng hoặc kỹ năng kinh doanh. “Có mối quan hệ thì đã không thế này” và “Giá mà nhà mình giàu” đều là những lý do phổ biến mà các nhiếp ảnh gia biện minh cho việc chụp những job nhỏ hoặc sự nghiệp không mấy tiến triển.
Tôi nhận thấy rằng, thay vì đổ lỗi cho người khác về thất bại của chính mình, các nhiếp ảnh gia nên cố gắng cải thiện bản thân hơn. Hãy bắt đầu bằng cách đổi từ “Tôi không thể” thành “Làm sao để mình có thể…?”. Làm gì có nhiếp ảnh gia nào khi sinh ra đã có một danh sách dài các mối quan hệ. Không ai lúc bắt đầu đã trở thành một nhiếp ảnh gia thành công.
Các photographer thành công cũng từng tìm ra điều gì ngăn cách giữa họ với các foto khác “giỏi hơn”, và quan trọng là họ bắt tay vào hành động. Đừng đổ lỗi cho người khác về thất bại của mình. Hãy tìm xem bạn cần khắc phục điều gì, chứ đừng than vãn và khóc lóc.
2. Không có khả năng thay đổi và thích nghi
Bằng cách nào đó, từ những gì tôi quan sát được, thì điều này lại thường đúng với nam giới. Ngành công nghiệp nhiếp ảnh luôn luôn thay đổi. Hãy lấy ví dụ về phương tiện truyền thông (media). Hồi những năm 80, các nhiếp ảnh gia đã kiếm được nhiều tiền từ tạp chí in. Nhưng thời thế đã thay đổi, magazines không còn là cách tuyệt vời để kiếm tiền nữa. Thời đại ấy đã qua rồi.
Mọi nhiếp ảnh gia thành công đều phải thích nghi với kỹ thuật số, họ không ngại sự thay đổi. Chắc chắn máy film vẫn được nhiều người ưa thích, nhưng tốt hơn là chúng song hành cùng digital. Nhiếp ảnh gia Rankin khuyên rằng các photographer nên biết tất cả các phương tiện truyền thông. Đó là lý do tại sao các nhiếp ảnh gia nên tìm hiểu video ngay lúc này. Instagram đã trở thành một video platform, hãy thay đổi và học cách quay video.
Có vô số ví dụ về các công ty lớn đã “xuống dốc” vì không chịu thay đổi, như Kodak. Đừng giống như Kodak!
3. Quá kiêu ngạo
Một lần nữa, điều này lại chủ yếu đúng với nam giới. Rất nhiều nhiếp ảnh gia thích khoe khoang cái danh nhiếp ảnh gia của mình, cho dù bằng cách sử dụng một số lighting setup có phần “điên rồ”, hay chỉ bằng cách mua những chiếc máy ảnh và ống kính đắt nhất. Bằng cách này hay cách khác, thì showing off là một phần trong cuộc sống của một số nhiếp ảnh gia.
Mặc dù không có gì sai khi tự hào về công việc của mình, nhưng có một ranh giới rất mỏng giữa khoe khoang và tự hào. Theo nhiếp ảnh gia Platon, làm nghề này, càng khiêm tốn càng tốt. Sáng tạo là một mindset, bao gồm sự khiêm tốn, lạc quan và tò mò!
4. Thờ ơ
Tò mò, hiếu kỳ là điều mà mọi nhiếp ảnh gia thành công đều có. Tò mò về thế giới xung quanh sẽ giúp bạn nhìn thấy cảm hứng ở khắp mọi thương. Đó là lý do tại sao nhiếp ảnh gia Platon là Albert Watson hiếm khi tham khảo từ các bức ảnh của người khác. Watson còn thừa nhận rằng anh ấy tiến xa hơn khi không trò chuyện quá nhiều với các nhiếp ảnh gia khác.
Đây là một quan điểm thú vị, bởi nhiều nhiếp ảnh gia có xu hướng ít quan tâm đến những lĩnh vực khác ngoài chuyên môn của mình, điều này sẽ khiến công việc của họ trở nên nhàm chán. Nếu bạn đủ hiếu kỳ để “nhìn xa hơn”, chẳng hạn như visual art hoặc điêu khắc, bạn sẽ tìm thấy điều gì đó mới mẻ. Và một khi áp dụng vào công việc của bạn, các tác phẩm cũng sẽ trở nên mới mẻ hơn.
5. Không làm đủ các công việc liên quan
Không ai nói rằng nhiếp ảnh là một nghề nhàn hạ. Bạn cần phải tích cực tìm kiếm công việc, marketing, tạo ra nhiều tác phẩm mới và hơn thế nữa. Ở đây tôi nhấn mạnh đến công việc có liên quan, bởi một số người chỉ đến văn phòng và làm những công việc mà không giúp họ phát triển sự nghiệp. Hiểu được lý do đằng sau các hành động và quyết định kinh doanh của bản thân là rất quan trọng nếu bạn muốn sự nghiệp thăng tiến.
Sau đây là một ví dụ. Tôi thích mua hàng theo cảm xúc và định mua một chiếc máy ảnh Phase One, nhưng sở hữu một chiếc sẽ không giúp tôi kiếm được nhiều tiền hơn, nên tôi không mua nữa.
6. Không học về ánh sáng
Một điều tôi luôn nói với các nhiếp ảnh gia là phải học cách dùng ánh sáng. Nhiếp ảnh gia Albert Watson, nhiếp ảnh gia từng chụp ảnh cho nhiều người nổi tiếng như Kate Moss, Steve Jobs, gợi ý rằng nên mua một chiếc đèn flash đã qua sử dụng, và dành 12 tiếng mỗi ngày để luyện chụp chỉ với một nguồn sáng.
Mặc dù điều này không phải là cấp thiết, nhưng nó sẽ là một công việc khó nhằn. Tôi sẽ không say mê những bức ảnh, những ý tưởng lãng mạn của một nghệ sĩ nếu nó chỉ đơn giản là tạo ra tác phẩm và chẳng có gì khác ngoài những thứ vốn tồn tại trong thế giới thực. Luyện tập hàng ngày là điều cần thiết trước khi bạn có thể bước sang giai đoạn “sở thích được trả tiền”.
Đọc thêm: Dự đoán xu hướng nhiếp ảnh sản phẩm trong năm 2022
Tạm kết
Kết thúc bài viết này, tôi muốn nói rằng sự nghiệp nhiếp ảnh của bạn là do chính bạn tạo dựng nên. Bất cứ ai cũng có thể trở thành một nhiếp ảnh gia, vì định nghĩa nhiếp ảnh gia cũng mơ hồ như chính từ “nghệ thuật” vậy. Điều này nói lên rằng, bạn nên tìm kiếm, nên hiếu kỳ, khiêm tốn, dũng cảm và nhiều hơn thế nữa, từ chính trong con người bạn.
Credit
—
Translated from website: petapixel.com
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.