Trong thời đại ngày nay, nhiếp ảnh đã trở thành một bộ môn nghệ thuật và được đông đảo mọi người đón nhận. Ai cũng có quyền sử dụng máy ảnh và chính vì thế, các nhiếp ảnh gia nghiệp dư xuất hiện ngày càng nhiều. Câu hỏi đặt ra là, những người muốn vượt qua ranh giới nghiệp dư có thể tự học chụp ảnh không? Hay nhất thiết phải đến các trường/trung tâm đào tạo nhiếp ảnh?
Muốn có một người thầy giảng dạy khi bắt đầu bước chân vào một loại hình nghệ thuật là điều dễ hiểu, đặc biệt là đối với những người có khả năng chi trả cho các khoá học. Tuy nhiên, ngay cả những nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm cũng không dễ gì kiếm được khách hàng. Vậy bạn có đảm bảo việc đi học tại các trung tâm sẽ giúp bạn cạnh tranh với các đối thủ khác trên Instagram hay Flickr không? Đầu tiên, phải xem tại sao bạn lại muốn học thêm về nhiếp ảnh đã.
Bạn chụp ảnh với mục đích gì?
Không phải ai cũng có thể biến sở thích trở thành nghề nghiệp của họ, và không phải ai cũng muốn. Khi cân nhắc đến tầm quan trọng của việc bỏ tiền ra học, bạn phải suy nghĩ xem liệu đó có phải là một khoản đầu tư tốt hay không. Nó chỉ đơn giản là thoả mãn nhu cầu tinh thần hay sẽ giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn? Những người có bằng cấp sẽ nói cho bạn biết rằng việc học không hề rẻ. Tại Việt Nam, bạn có thể phải bỏ ra vài triệu, vài chục triệu, hoặc thậm chí đến trăm triệu. Sẽ tốn rất nhiều tiền để thực sự theo đuổi một sở thích.
Nếu muốn chụp ảnh đẹp mà không phải chi số tiền quá lớn, có rất nhiều cách để bạn tự học, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong một vài phút tới. Nhưng hãy cùng cân nhắc thiệt hơn của việc đi học tại các trường/trung tâm đào tạo nhiếp ảnh.
Ưu điểm và nhược điểm khi học tại các đơn vị đào tạo
Ưu điểm
- Hiểu rõ về nghệ thuật, lịch sử hình thành và phát triển của chúng.
- Hoàn thiện các kỹ năng vốn có, được học hỏi từ những người thành công.
- Nắm chắc các kỹ thuật về ánh sáng và bố cục.
- Kết nối với nhiều người trong ngành hơn, và có thể họ sẽ hỗ trợ, hợp tác với bạn trong công việc sau này.
Nhược điểm
- Học phí có nhiều mức nhưng thường không rẻ, có thể bạn sẽ phải làm một thời gian để kiếm lại số tiền đó.
- Thiết bị khá đắt, khó có thể cân bằng giữa chi phí bỏ ra cho máy ảnh, lens và khoá học.
- Khó có thể đảm bảo về việc làm, đặc biệt là khi trình độ chụp ảnh và cảm quan thẩm mỹ còn hạn chế.
- Khả năng phải đăng ký học thêm nếu chưa phát triển được sự nghiệp.
Đam mê, kiên nhẫn và chủ động
Nếu kiên trì theo đuổi đam mê, bạn có thể thành công mà không cần học tại các trung tâm không? Với một số người thì có. Ví dụ như Chris Ozer, năm 2010, anh ấy đã từ bỏ công việc làm giờ hành chính để tự học và theo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh. Đến nay, nhiếp ảnh gia này đã có gần 600.000 followers trên Instagram, từng hợp tác với một số clients nổi tiếng như Apple, Target, The New York Times. Trong cuộc phỏng vấn với icanbesociety, Chris nói: “Tôi muốn cải thiện kỹ năng của mình, vì thế đã lao đầu vào tự học và thực hành chụp ảnh”.
Bất kể bạn đặt mục tiêu thế nào, thì dưới đây là một số cách hữu ích để bạn có thể tự cải thiện kỹ năng chụp ảnh, mà không cần đến các trường hay trung tâm đào tạo.
- Làm quen với máy ảnh của bạn
Rất nhiều người mua máy về và bỏ qua quyển sách hướng dẫn sử dụng. Nhưng đây thực sự là một công cụ tuyệt vời để bạn có thể làm chủ chiếc máy ảnh của mình. Điều này không có nghĩa bạn phải đọc hết hơn 300 trang sách. Bạn có thể đọc lướt qua các phần tiểu tiết hoặc đã biết, dành nhiều thời gian hơn cho các phần quan trọng. Hãy nghiên cứu quyển hướng dẫn sử dụng này vì 2 lý do sau:
- Bạn cần biết mọi thông tin của chiếc máy ảnh.
- Không ai hiểu rõ về chiếc máy ảnh hơn những người đã tạo ra nó.
- Xem tutorials trên Internet
Nếu cảm thấy việc đọc sách hướng dẫn quá khô khan, bạn có thể tìm các video và blog chia sẻ về chiếc máy ảnh của mình. Điều này khá tốt vì bạn có thể tham khảo đánh giá từ những người thực sự sử dụng chiếc máy ảnh đó. Trên Youtube có rất nhiều video review, chia sẻ tips dành cho photographers. Hãy xem video của những người nổi tiếng như Mango Street, Peter McKinnon,… Tất nhiên, xem xong thì hãy nhớ thực hành.
Nếu bạn muốn xem các video tiếng Việt, bạn cũng có thể truy cập vào kênh YouTube của Học viện nhiếp ảnh Quảng Cáo Chimkudo bằng cách click vào ảnh bên dưới.
- Đọc sách và xem portfolio của người khác
Đắm mình trong một cuốn sách hoặc xem portfolio của các nhiếp ảnh gia giúp bạn học hỏi, tiếp thu sự sáng tạo của họ. Họ sẽ truyền cảm hứng và giúp bạn tìm ra thể loại nhiếp ảnh mà bạn hứng thú nhất.
Ngoài ra, xem portfolio của người khác cũng là cách để bạn đánh giá khả năng của họ, từ đó rút kinh nghiệm cho bản thân. Dưới đây là 3 cuốn sách tuyệt vời nếu bạn muốn bắt đầu:
- ZZYZX của Gregory Halpern: Đây là thành quả Halpern thu được khi dành sáu 6 năm để đi khắp California, những điểm đến được anh ấy lựa chọn ngẫu nhiên trên Google Maps.
- The House of Seven Women của Tito Mouraz: Dựa trên một câu chuyện kinh dị, Mouraz khám phá truyền thuyết về 7 người phụ nữ bí ẩn dưới trí tưởng tượng của một người trưởng thành. Đây là một cuốn sách tuyệt vời cho những ai quan tâm đến chụp ảnh đen trắng.
- Border Cantos của Richard Misrach: Từ 2004, Misrach đã ghi lại những hình ảnh biên giới Mexico và Mỹ. Bên cạnh những tấm hình về phong cảnh và các toà nhà, anh ấy còn thu thập được bằng chứng của sự di cư, như chai nước, quần áo, vỏ súng ngắn,…
Và tiếp theo là 3 portfolio bạn không nên bỏ qua:
- North Landscapes của Jan Erik Waider: Đây là bộ sưu tập phong cảnh thô sơ của Bắc Âu. Anh ấy thường chụp những ngọn núi mù sương, tuyết phủ trắng hay những thác nước hùng vĩ, anh từng hợp tác với những tập đoàn có tiếng như The British Museum, Apple, HTC…
- Nicholas Evariste: Nếu bạn hứng thú với ảnh đen trắng và thẩm mỹ tối giản, hãy xem portfolio của Nicholas Evariste.
- Cassandra Klos: Một minh chứng cho quan điểm “film is not dead”. Klos sử dụng film 4×5 để ghi lại những khung cảnh giống như được chụp trên sao Hoả, nhưng thực chất chúng được chụp ở những nơi như Hawaii hay Utah.
- Thực hành, thực hành nhiều hơn nữa
Không gì quý giá hơn là những trải nghiệm và kinh nghiệm nhận được. Vì vậy hãy mang theo máy ảnh mọi lúc và chụp bất cứ điều gì bạn thấy thú vị. Bạn có thể học 50 khóa nhiếp ảnh, đọc mọi cuốn sách về ánh sáng, bố cục…, nhưng cầm máy lên chụp mới là chìa khóa để bạn phát hiện bản năng và phong cách cá nhân. Càng chụp nhiều, bạn sẽ càng nhận ra điểm mình cần cải thiện. Bạn nên lưu lại một số tấm hình những lần đầu chụp ảnh để khi nhìn lại, bạn sẽ thấy mình đã trải qua những gì.
- Mở rộng mối quan hệ
Nghiên cứu, tìm hiểu các bức ảnh của nhiếp ảnh gia khác là tốt, nhưng bạn cũng cần ra ngoài kết nối với mọi người xung quanh. Networking là câu chuyện về việc bạn tìm kiếm và xây dựng các mối quan hệ lâu dài như thế nào.
Chụp ảnh là một công việc thiên về cá nhân, vì vậy networking sẽ giúp bạn làm quen, kết bạn với mọi người. Hãy khiến mọi người biết đến bạn và thương hiệu cá nhân của bạn, chứ không chỉ với tư cách là một nhiếp ảnh gia. Điều đó sẽ giúp bạn có được các khách hàng “ruột”, trung thành.
Networking rẻ hơn nhiều so với các chiến lược marketing khác. Nếu không có các mối quan hệ tốt, thì không thể kinh doanh thành công được.
- Hãy xin học việc hoặc tìm một mentor
Tìm mentor hoặc đi học việc thường là 2 phương án bị bỏ qua khi một người mới bước chân vào nhiếp ảnh. Hãy hỏi những người tự học thành công xem họ đã học từ cơ bản như thế nào. Nhiều người trong số đó sẽ trả lời rằng họ sẽ xin vào một vị trí học việc hoặc thực tập.
Tuy nhiên, hãy cân nhắc xem bạn nên làm việc cho ai. Bạn cần tìm một người có tâm, sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của họ. Nếu chọn sai, có thể bạn sẽ phải ngồi bàn làm việc cả ngày, kê khai giấy tờ hay trả lời điện thoại.
Stefen Chow là một nhiếp ảnh gia sống tại Bắc Kinh. Năm 2008, anh ấy nói rằng bản thân thấy được tầm quan trọng của một mentor: “Tôi đã đến workshop Eddie Adams, những người hướng dẫn đều đến các tạp chí lớn như National Geographic, Time… Họ ở đó với mục đích duy nhất là truyền đạt kiến thức và trải nghiệm của họ cho những nhiếp ảnh gia nghiệp dư như tôi. Tôi cảm thấy không có món quà nào tuyệt hơn như thế”.
- Tham dự các workshop
Workshop rất tốt cho những người muốn tự học chụp ảnh mà không cần bỏ ra số tiền quá lớn. Điều đó không có nghĩa là chi phí tham gia workshop rẻ. Một số workshop hấp dẫn có mức giá cao hơn, nhưng để so sánh với chi phí đi học tại trường đào tạo, thì đây workshop vẫn là một món hời. Các workshop cũng rất hữu ích để xây dựng các mối quan hệ, tìm kiếm công việc thực tập hoặc khám phá phong cách, lĩnh vực mà bạn yêu thích.
- Tham gia các cộng đồng, diễn đàn nhiếp ảnh
Các cộng đồng yêu nhiếp ảnh là nơi bạn có thể học hỏi, chia sẻ tác phẩm của mình và xin ý kiến đóng góp từ các nhiếp ảnh gia khác. Tuy nhiên, phải nói trước là không phải tất cả ý kiến đều có ích. Hãy tiếp thu những ý kiến giúp bạn cải thiện được kỹ năng và chuyên môn.
Bạn có thể tham gia cộng đồng Food Photography VN và Product Photography trên Facebook, hoặc một vài forum dưới đây:
- Tự đặt ra bucket list cho bản thân
Bucket list là một danh sách những mục tiêu mà bạn muốn đạt được. Hãy viết ra những ước mơ mà bạn mong muốn thực hiện, những địa điểm bạn muốn đến để có thêm động lực đi đây đi đó khám phá và chụp ảnh.
- Tham gia các cuộc thi nhiếp ảnh
Tham gia các cuộc thi nhiếp ảnh chính là cách để nhận được những lời đánh giá về tác phẩm của bạn. Một số cuộc thi cũng có giải thưởng khá lớn. Vì vậy nếu bạn muốn kiếm tiền từ những bức ảnh đây có thể là cơ hội dành cho bạn. Tuy nhiên, một vài cuộc thi chỉ là kế hoạch để người tổ chức làm giàu cho bản thân, thay vì hướng đến mục đích thật sự là tôn vinh tài năng và nghệ thuật. Hãy suy nghĩ kỹ lưỡng và không vung quá nhiều tiền để tham dự cuộc thi.
- Tạo portfolio trực tuyến
Dưới đây là 3 lý do bạn nên xây dựng portfolio trực tuyến khi đã có các tác phẩm nhất định:
- Sử dụng khi muốn xin việc: portfolio giúp thể hiện chuyên môn của bạn và những dự án bạn từng làm.
- Như một công cụ marketing: tăng mức độ nhận diện thương hiệu cá nhân, bằng cách đính kèm link portfolio và CTA.
- Nhìn lại những gì bạn đã trải qua: một cách tuyệt vời để xem bản thân đã đi được bao xa và phát triển như thế nào sau mỗi dự án.
Tiếp theo, hãy xem xét một số vấn đề sau khi bắt đầu làm portfolio:
- Sắp xếp tác phẩm thành các chủ đề: Điều này cho phép khách hàng tiềm năng có cái nhìn tổng quan về trang web của bạn. Họ sẽ dễ dàng biết được liệu bạn có phải nhiếp ảnh gia phù hợp để làm việc cùng với họ hay không.
- Show ra những dự án đẹp nhất: Đừng bắt mọi người phải xem hàng trăm bức ảnh của bạn, hãy làm nổi bật những dự án tốt nhất.
- Tập trung vào SEO (tối ưu hoá công cụ tìm kiếm): Đây là một yếu tố rất quan trọng quyết định đến hiệu quả hiển thị cho website của bạn.
- Sử dụng những trình tạo website thay vì tự tạo: Các website builder như WordPress hay Squarespace giúp bạn dàn xếp bố cục, thiết kế dễ dàng hơn nhưng vẫn rất đẹp.
- Cho bạn bè xem ảnh của bạn
Feedback là một điều rất quan trọng khi bạn đang muốn tự học một kỹ năng mới, ở đây là học chụp ảnh. Vì vậy hãy xin những lời đánh giá chân thành từ những người bạn. Hãy nhớ rằng họ có thể không có nhiều chuyên môn về nhiếp ảnh, nhưng hãy bày tỏ với họ rằng bạn muốn biết tại sao họ lại thích hoặc không thích bức ảnh đó. Đây là cơ hội tốt để bạn tưởng tượng xem, trong tương lai, bạn sẽ làm việc với khách hàng như thế nào, vì có một số khách hàng cũng không biết nhiều về nhiếp ảnh.
- Tìm ra phong cách cá nhân
Một điều quan trọng khi học chụp ảnh là: hãy tìm cảm hứng chứ đừng sao chép. Có thể khi nhìn vào tác phẩm của người khác, bạn nghĩ rằng đây chính xác là thể loại bạn muốn chụp. Nhưng không có hai bức ảnh nào hoàn toàn giống nhau – vì vậy đừng “ép” bản thân phải chụp giống và đẹp như người khác. C
ách tốt nhất là tiếp tục chụp thật nhiều, bất cứ khi nào có thể, cho đến khi bạn tìm ra phong cách của mình. Đó có thể là một kiểu dùng ánh sáng mà bạn tâm đắc, kĩ thuật dùng màu hay hậu kỳ mà bạn thấy thỏa mãn. Nếu bạn không trải nghiệm tất cả, làm sao bạn biết được thế giới nhiếp ảnh rộng lớn tới đâu và đâu sẽ là cái hợp với bạn nhé.
- Chủ động và hối hả
Nhiếp ảnh gia Eric Kim cho biết quan điểm của anh ấy là “Sự chủ động cộng thêm may mắn sẽ tạo nên thành công”. Chủ động ở đây là bạn chăm chỉ như thế nào, dành bao nhiêu thời gian cho việc tự học chụp ảnh, chấp nhận rủi ro và vượt ra khỏi vòng an toàn của mình; học cách tự marketing bản thân, xây dựng thương hiệu cá nhân. May mắn là chuyện bạn ở đúng nơi đúng lúc, sinh ra đúng thời, gặp đúng người và có những mối quan hệ chất lượng. Chúng ta không thể kiểm soát sự may mắn, nhưng có thể chủ động trong việc học hỏi, tự học.
- Follow nhiều nhiếp ảnh gia trên mạng xã hội
Mạng xã hội là một công cụ tuyệt vời dành cho các nhiếp ảnh gia, đặc biệt là Instagram vì nền tảng này giúp ích rất nhiều trong việc show ra những bức hình đẹp. Thay vì dành hàng giờ lướt feed trong vô thức, hãy tìm cảm hứng cho bản thân. Dưới đây là 5 nhiếp ảnh gia sẽ truyền cảm hứng sáng tạo cho bạn:
- Adam Senatori – một người có những bức ảnh chụp từ trên không vô cùng ảo diệu.
- Theron Humphrey – chỉ với “model” là một chú chó nhưng anh ấy có ý tưởng rất đa dạng và phong phú.
- Simone Bramante – nhiếp ảnh gia bắt được rất nhiều khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống.
- Jussi Ulkuniemi – đặc trưng của anh ấy là những bức ảnh rất “tĩnh”.
- Scott Schuman – nhiếp ảnh gia chụp ảnh thời trang đường phố.
- Đi du lịch nhiều hơn
Nếu có khả năng, thì du lịch là cơ hội rất tốt để bạn tự học chụp ảnh, vì khi đó bạn buộc phải bước ra khỏi vòng an toàn của mình. Trong chuyến đi tiếp theo, hãy mang theo máy ảnh, chụp lại mọi thứ mà bạn hứng thú, lấp đầy chiếc thẻ nhớ với những kỷ niệm và bài học của bạn. Với những người mới bắt đầu chụp ảnh, chụp người hoặc những vật chuyển động có thể hơi khó khăn, vì vậy bạn có thể tìm những địa điểm đẹp để luyện tập chụp phong cảnh.
- Học cách hậu kỳ ảnh
Chụp ảnh là một chuyện, chỉnh sửa làm sao để bức ảnh hoàn thiện hơn lại là chuyện khác. Lightroom hoặc Photoshop có lẽ là hai phần mềm phổ biến và được nhiều người biết đến nhất. Nếu muốn nâng cao trình độ của mình, hãy xem thêm các tutorial và video hướng dẫn chỉnh sửa hình ảnh. Hậu kỳ chắc chắn là công đoạn không thể thiếu đối với bất cứ ai muốn trở thành nhiếp ảnh gia.
- Hãy trải nghiệm và dám mắc sai lầm
Với những người sử dụng máy ảnh film, thì lời khuyên này có vẻ hơi tốn kém. Nhưng với máy ảnh kỹ thuật số ngày nay, thẻ nhớ có thể lưu trữ được hàng trăm bức ảnh. Hãy chụp ảnh từ mọi góc máy, thử các lighting khác nhau… Có thể chỉ có một tấm đẹp trong số hàng chục tấm ảnh, nhưng điều quan trọng là bạn biết được cái gì phù hợp cũng như không phù hợp với bạn.
- Chụp những gì mà bạn hứng thú
Không gì tuyệt hơn là được chụp những gì mình thích thú. Nếu yêu động vật, hãy chụp động vật. Nếu yêu hoa, hãy chụp những đoá hoa… Chụp những gì mình yêu thích là động lực để bạn kiên trì học hỏi mỗi ngày.
- Hãy toàn tâm toàn ý nếu muốn tự học chụp ảnh
Hãy dành trọn sự đam mê của mình cho mỗi bức ảnh bạn chụp, mỗi cuốn sách bạn đọc, mỗi video bạn xem và mỗi điều bạn muốn học. Nhiếp ảnh là nghệ thuật, và nghệ thuật phải đến từ niềm đam mê.
Tạm kết
Tự học chụp ảnh là điều hoàn toàn khả thi. Hãy đặt ra mục tiêu cụ thể, luôn giữ tư duy cầu tiến, ham học hỏi và thường xuyên luyện tập để nâng cao tay nghề của mình.
Credit
—
Translated from website: canva.com
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.