Picasso là một nhà danh hoạ đại tài nhưng hơn thế nữa, cái nhìn của ông về nghệ thuật có thể sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng ta – những nhiếp ảnh gia, có thể tìm được những nguồn ý tưởng mới cũng như phát triển bản thân nhiều hơn qua những khung hình.
Một trong những cách để cải thiện chất lượng hình ảnh với các nhiếp ảnh gia đó là tìm những nguồn cảm hứng mới. Nhưng tôi không muốn gò bó bản thân, tìm cảm hứng từ những nhiếp ảnh gia khác, tôi muốn học hỏi từ những nghệ sĩ ở những bộ môn khác để có mắt nhìn mới lạ, độc đáo hơn.
Thời gian gần đây tôi dành nhiều thời gian ở Tây Ban Nha, quê hương của đại danh họa Pablo Picasso. Sau khi tham dự một vài triển lãm tranh của ông, tôi cảm thấy rất hào hứng và tìm đọc những cuốn sách để tìm hiểu về cuộc đời của ông. Và trong những cuốn sách này, có đầy những ý tưởng tuyệt vời mà tôi có thể áp dụng cho nghề nhiếp ảnh. Hôm nay, tôi muốn chia sẻ những ý tưởng đó, mong rằng chúng cũng sẽ truyền cảm hứng cho bạn.
1. “Nghệ sĩ là một bình chứa đựng những cảm xúc lấy từ khắp nơi: từ bầu trời, Trái đất, một mảnh giấy, một hình dáng lướt qua hay một màng nhện nhỏ nhoi” – Pablo Picasso
Dù bạn là ai, đang ở đâu thì bạn cũng đang tiếp thu những năng lượng và cảm xúc từ môi trường xung quanh bạn. Nếu như bạn sẵn sàng tinh thần, luôn cởi mở thì những nguồn năng lượng, cảm xúc này sẽ biến thành nguồn cảm hứng sáng tạo. Đôi khi hãy để bản thân trở nên im lặng, và kiếm tìm vẻ đẹp của những thứ xung quanh. Không nên cố gắng tìm kiếm một cách tập trung, mà hãy thả hồn ‘đi lạc’ – chắc chắn sự sáng tạo sẽ tự tìm đến bạn.
Mới đây tôi có đọc một bài viết tại trang web mang tên SIYLI về dạng nhận thức mở và thiền. “Nhận thức mở” được định nghĩa là khả năng duy trì sự hiện diện của bạn, đồng thời nhận thức được những thứ xung quanh đang kích thích bạn. Đây là một kĩ năng rất hữu dụng, cho phép bạn mở ra những cách cửa mới đi đến sự sáng tạo. Nó có thể giúp ta bỏ qua những suy nghĩ về cuộc sống và kết nối ta với Thế giới xung quanh.
Tôi cũng rất thích câu nói này từ Picasso: “Mỗi ngày một hạt bụi từ Vũ trụ rơi xuống đầu bạn…với mỗi hơi thở, bạn đang hít vào những câu chuyện của Vũ trụ, của quá khứ và tương lai Trái Đất, mùi vị và câu chuyện xung quanh chúng ta, và cả những nguồn sống nữa”.
Vậy thì hãy ra đường và đi tìm những câu chuyện đó!
2. “Nếu chúng ta có thể ‘tháo’ não ra và chỉ nhìn cuộc đời bằng những con mắt trần trụi thì tốt biết mấy” – Pablo Picasso
Trí não là một nơi chật hẹp, đầy ắp những ý nghĩ, và con người đôi lúc suy nghĩ quá nhiều. Một bộ óc suy nghĩ quá nhiều là bộ óc không sáng tạo, nhất là trong nhiếp ảnh. Học cách nhìn và chụp ảnh chính là học cách từ bỏ những suy tư, những thứ không liên quan tới bức ảnh, là cách ‘sống’ ở hiện tại.
Hãy sử dụng bản năng và trái tim để dẫn đường, bạn chắc chắn sẽ tìm được những ý tưởng sáng tạo mà không hề hay biết. Một câu nói cũng tương tư của Picasso đó là “Bàn tay nói cho tôi biết tôi phải nghĩ gì”. Con mắt nhìn, bản năng sẽ dẫn bạn tới những bức ảnh đẹp, còn trí óc chỉ tạo ra những bức ảnh tầm thường mà thôi.
3. “Nếu tôi vẽ một con ngựa hoang, bạn có thể không nhìn thấy con ngựa, nhưng có thể thấy được sự hoang dã trong bức tranh!” – Pablo Picasso
Chúng ta thường nghĩ, nhiếp ảnh là bộ môn ghi lại những gì chúng ta nhìn thấy phía trước ống kính. Tất nhiên, chúng ta phải có kĩ năng ‘nhìn’, nắm bắt được môi trường xung quanh để tạo ra được những bức ảnh đẹp.
Nhưng nhiếp ảnh còn hơn thế nữa, ta còn phải tạo được những bức ảnh có ý nghĩa, tạo ra cảm xúc cho người xem, nên việc chụp lại những gì ta có thể nhìn bằng mắt thường là chưa đủ. Chúng ta phải nhìn, nhưng cũng phải cảm nhận và sáng tác. Bức ảnh cuối cùng phải có được ẩn ý, có dấu ấn riêng của người chụp, thì lúc đó bức ảnh mới trở thành tác phẩm nghệ thuật của nhà nhiếp ảnh.
4. “Để biết bức họa của mình sẽ đi về đâu, bạn phải bắt đầu đặt bút vẽ” – Pablo Picasso
Điều này đúng với tất cả các bộ môn nghệ thuật. Đôi khi bạn cảm thấy bế tắc và không biết bắt đầu từ đâu, hãy cứ bắt đầu và các ý tưởng sẽ đến với bạn. Trong những thời gian bận rộn với việc gia đình và công việc, tôi thường phải có một thời gian để ‘nhập tâm’, để trở lại với nhiếp ảnh.
Nhưng thay vì chờ đợi những ý tưởng trở lại với mình, tôi cầm máy ra đường và đi tìm những ý tưởng sáng tạo đó. Tôi kiếm tìm những địa điểm hoàn hảo để chụp ra những bức ảnh đẹp, và nguồn cảm hứng sẽ tự trở lại với tôi.
5. “Bạn càng có nhiều kĩ năng thì sẽ càng không lo lắng về kĩ năng. Càng nhiều kĩ năng đồng nghĩa với việc bạn sẽ tập trung vào nghệ thuật” – Pablo Picasso
Các nhiếp ảnh gia nên học cách sử dụng máy ảnh, cũng như các bước để tạo ra một bức ảnh đúng kĩ thuật. Điều cuối cùng mà tôi muốn gặp phải khi đang sáng tác đó là ‘vật lộn’ với các thông số của máy ảnh. Việc biết được máy ảnh, biết được kiến thức về ảnh sẽ giúp nhiếp ảnh gia tập trung vào cảnh đẹp, sự vật thú vị hay ánh sáng đẹp đẽ trước mắt.
Hãy tham gia các hội nhóm nhiếp ảnh, học các khoá chụp ảnh, đi chụp ảnh cũng những người có kĩ thuật thâm sâu hơn bạn, chắc chắn bạn sẽ học được những điều thú vị từ họ.
#6. “Tôi luôn muốn làm những điều tôi không biết, để học được cách làm chúng như thế nào” – Pablo Picasso
Tôi cho rằng, việc không biết một kĩ năng nào đó không phải là một khiếm khuyết, mà là cơ hội để chúng ta có thể học hỏi và liên tục cải thiện bản thân. Bằng cách học hỏi, tôi luôn luyện tập cho trí não của mình, giúp nó luôn sáng suốt và không bị lão hóa. Hãy luôn để trí não của bạn trong tình trạng được học hỏi.
Hơn nữa, theo Picasso thì “Con người nghĩ rằng ta có thể, và không thể nghĩ rằng ta không thể. Đây là một định luật bất biến, không thể chối cãi”. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ trở thành nhiếp ảnh gia, đi khắp nơi trên Thế giới, dạy nhiếp ảnh trên mạng và bán ảnh toàn cầu, điều đó thật viển vông 10 năm trước. Nhưng giờ tôi đã làm được!
Nếu tôi có thể làm được điều bất khả thi, thì tại sao bạn không làm được chứ?
7. “Trong nghệ thuật, chủ đích thôi là chưa đủ. Hay như ngạn ngữ của Tây Ban Nha, thì Tình yêu không thể hiện bởi ý nghĩ, mà là hành động. Hành động phải được thực hiện mới quan trọng, chứ không phải là nằm trong ý niệm.” – Pablo Picasso
Có lẽ câu nói này không cần phải giải thích nhiều. Nếu như những bức ảnh được xuất hiện trong đầu của bạn, thì nó mãi chỉ là ý nghĩ, nhưng nếu bạn đi chụp thì mới trở thành một tác phẩm.
Mong rằng những câu nói trên đã truyền cảm hứng cho bạn trong công việc sáng tạo nói chung và nhiếp ảnh nói riêng!
Về tác giả: Anthony Epes là một nhiếp ảnh gia nổi tiếng, đã có những tác phẩm được sử dụng bởi đài BBC, CNN và các tạp chí như French Photo Magazine, Atlas Obscura. Bài viết và những hình ảnh trên là những tâm sự cá nhân của ông được đăng tải tại Petapixel.
Bài dịch bới tác giả M.Đức từ GenK Việt Nam
Cover image by @speedmuseum.org