Nhà văn, nhà thơ và nhà soạn kịch nổi tiếng người Tây Ban Nha Pedro Calderón từng có câu: “Màu xanh lá là màu sắc chính của thiên nhiên, cũng từ đó mà con người ta đem lòng mến yêu màu sắc này.”
Trên phổ màu của loài người, màu xanh lục chiếm vị trí giữa màu xanh dương và màu vàng. Theo lý thuyết màu cơ bản, nó là một màu thứ cấp được tạo ra bằng cách trộn hai màu trên với nhau. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhìn lại sự tiến hóa của màu lục qua năm tháng và những ảnh hưởng của nó lên nghệ thuật từ thời kỳ sơ khai cho đến ngày nay.
SỨC MẠNH TÂM LÝ CỦA MÀU XANH LÁ
Màu lục thường được gắn kết mạnh mẽ nhất với thế giới thiên nhiên. Bản thân từ “green” bắt nguồn từ “grene” trong tiếng Anh cổ và trung đại, tình cờ thay từ này lại có cùng gốc với những từ mang nghĩa “cỏ cây” và “sinh sôi”. Con người có mối quan hệ chặt chẽ với thiên nhiên, cũng từ đó mà chúng ta có liên tưởng mạnh mẽ với màu xanh lá về sự tĩnh tại và đổi mới. Một nghiên cứu khoa học gần đây tại Đan Mạch chỉ ra rằng những đứa trẻ được lớn lên trong một môi trường tràn ngập màu xanh lá sẽ hình thành tâm lý khỏe mạnh hơn khi trưởng thành. Một nghiên cứu khác lại kết luận rằng một môi trường sống có nhiều sự hiện diện của thiên nhiên sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của những cư dân sống trong đó.
Mối liên hệ chặt chẽ giữa màu lục với tự nhiên khiến màu sắc này trở thành biểu tượng chính cho những hoạt động liên quan đến môi trường. Cây cối tốt tươi và sự sinh sôi này nở của thiên nhiên vào mùa xuân đã trau dồi cho màu xanh những ý niệm về sự tái sinh và sự kiên cường của sự sống. Trái ngược lại, sắc xanh trên những màn hình của những hệ thống máy tính ban đầu khiến cho màu xanh gắn với sự hiện đại và thế giới số hóa. Bộ phim nổi tiếng “The Matrix” lại càng hằn sâu ý nghĩa này hơn trong tâm trí con người.
Khi Mỹ bắt đầu in tiền giấy kể từ năm 1861, những tờ tiền này được in bằng mực màu lục-đen. Màu xanh vì thế mà có mối liên hệ với tiền tài. Do có tính phản quang tốt, màu xanh neon hay được sử dụng trong những thiết bị an toàn, quần áo và biển báo. Mặt khác, nhờ có màu sắc sặc sỡ nên màu xanh lá cũng hay được dùng trong các loại hình nghệ thuật psychedelic .
Người Hi Lạp cổ tin rằng việc cơ thể tiết ra quá nhiều dịch mật (một loại chất lỏng có màu lục đậm hoặc vàng nâu) là triệu chứng của việc ghen tuông quá mức, vì thế mà con người lại gắn màu xanh lục với lòng đố kỵ và bệnh tật. Được William Drennan thi vị hóa là “Hòn Ngọc Lục Bảo” (Emerald Isle), Ireland thường được tượng trưng bởi màu xanh lá nhờ khung cảnh xanh tươi của đất nước này. Ở Trung Hoa, màu lục thường được gắn với phía Đông, mùa xuân và năng lực sinh sôi. Dân tộc Mỹ bản địa lại coi màu xanh lá là màu của sự bền bỉ dai dẳng. Trong khi người theo đạo Hồi tôn thờ màu xanh lục là màu của Muhammad, người Nam Mỹ lại coi nó là màu của cái chết.
QUÁ TRÌNH TIẾN HÓA CỦA MÀU XANH LÁ
Đá khổng tước (malachite), đất xanh (green earth) và đồng lên ten xanh (verdigris)
Mặc dù nghệ thuật tiền sử chủ yếu dùng màu đỏ, vàng, đen, nâu và trắng, màu xanh lục và xanh dương lại không được tìm thấy ở nghệ thuật thời kỳ này. Những món đồ gốm sứ trang trí của người Lưỡng Hà cổ là những ví dụ đầu tiên có sử dụng màu xanh lá trong nghệ thuật trực quan. Tuy nhiên, phương pháp để tạo ra màu xanh này cho đến ngày nay vẫn là một ẩn số.
Người Ai Cập cổ đại khai thác đá khổng tước ở phía Tây Sinai và vùng sa mạc phía Đông để dùng trong trang trí mồ mả và giấy papyrus. Họ gọi cõi âm bằng cái tên “Vườn Khổng Tước” (Field of Malachite) và đeo loại khoáng thạch này khi nghiền ra lên mắt để xua đuổi cái ác. Đá khổng tước được dùng trong nghệ thuật cho đến tận thế kỷ 19 nhờ có khả năng giữ màu tương đối, màu sắc linh hoạt nhưng lại rất nhạy cảm với các chất axit. Người Ai Cập còn dùng cả đất xanh hoặc trộn màu vàng thổ hoàng với đá azurit để tạo ra màu xanh lục.
Bằng nguyên liệu khai thác từ Verona ở Ý và trên hòn đảo địa trung hải Cyprus, người La Mã sử dụng rất nhiều sắc xanh lá trong trang trí. Theo blog của Eclectic Light Company, những loại thuốc màu lục cũng được tìm thấy trên những bức tranh ở Bắc Mỹ và những tiểu lục địa Ấn Độ. Mặc dù có màu không quá đậm, đất xanh vẫn được dùng cho đến tận ngày nay. Nhiều người có thể biết đến chất liệu này vì nó được sử dụng làm màu nên tô da ở thời trung cổ.
Người La Mã còn dùng thêm cả đồng lên ten xanh để làm thuốc màu lục. Loại đồng này xuất hiện trong tự nhiên khi đồng, thau hoặc đồng thanh tiếp xúc trực tiếp với không khí hoặc nước biển. Con người chế tạo chất liệu này bằng cách nhúng những thanh đồng vào rượu đang lên men để tạo ra loại màu xanh có màu tươi nhất cho đến tận thế kỷ 19.
Xanh Scheele
Được phát minh vào năm 1775 bởi nhà hóa học Carl Wilhelm Scheele, màu xanh Scheele là loại màu đầu tiên có thành phần asen. Mặc dù rất dễ bị phai màu, xanh Scheele được coi là vượt trội hơn so với những loại sơn trước đây nhờ có màu sắc tươi tắn hơn. Chất liệu này được ứng dụng rộng rãi từ làm phẩm màu cho đồ ăn đến trong tranh vẽ. Nhưng vấn đề lớn nhất của xanh Scheele là nó có hàm lượng độc tố và gây ung thư cao. Cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng đều đổ bệnh hoặc thậm chí là tử vòng sau khi tiếp xúc với loại thuốc màu chết người này.
Lục coban
Vào năm 1780, nhà hóa học người Thụy Điển Sven Rinman đã thành công chế tạo ra một hợp chất màu lục coban từ coban và kẽm. Arthur Herbert Church, một nhà hóa học người Anh, miêu tả lại quá trình của Rinmann trong cuốn sách “Chemistry of Paints and Paintings” như sau: “tạo ra kết tủa trong một dung dịch cacbonat kiềm với một hỗn hợp nitrat coban và kẽm, sau đó rửa sạch và đun nóng chất kết tủa này.”
Church còn thêm rằng:”Nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng, lục coban là một loại thuốc màu mạnh và đẹp.” Tiếc thay, cho dù có thay đổi tỉ lệ oxit kẽm và coban đến bao nhiêu thì kết quả thu được cũng không là một màu xanh lá thuần mà luôn có một chút ánh xanh dương. Thêm nữa, chi phí sản xuất cao và khả năng đổ màu yếu của lục coban khiến cho nó không được đón tiếp rộng rãi trong giới nghệ sĩ.
Xanh Paris
Xanh Paris còn được gọi là xanh khổng tước. Được thương mại hóa từ năm 1814, xanh Paris không chỉ còn được dùng làm thuốc màu mà còn làm bả chuột và thuốc giệt côn trùng. Nhờ giữ được màu lâu hơn và có màu sắc rực rỡ hơn xanh Scheele, xanh Paris được nhiều nghệ sĩ như Monet và Van Gogh sử dụng. Có màu trải từ dương-lục nhạt đến lục đậm, xanh Paris có chi phí sản xuất khá thấp. Nó còn được sử dụng trong sơn nhà và giấy dán tường. Nhưng vì có hàm lượng độc tố cao, xanh Paris ngừng sản xuất ở nửa sau của thế kỷ 20.
Xanh crôm (Viridian)
Xanh crôm được tạo ra lần đầu tiên bởi hai nhà hóa học Pannetier và Binet ở Paris vào năm 1838, nhưng họ đã quyết định giữ bí mật phương pháp của họ. Phải tận 20 năm sau, nhà hóa học Guignet mới đăng ký bằng sáng chế cho chất liệu Viridian, đưa màu sắc này đến với thị trường nghệ sĩ.
Từ “viridian” có nguồn gốc từ tiếng La-tinh: “viridis” có nghĩa là xanh lá. Là một màu xanh bạc hà tối, xanh crôm nằm giữa màu xanh lá và màu xanh mòng két trên phổ màu. Với sắc màu rực rỡ, khả năng giữ màu tốt và không có độc, Viridian nhanh chóng thay thế mọi loại thuốc màu lục khác. Edvard Munch, Monet và Van Gogh đều đã sử dụng xanh crôm, và cho đến tận ngày nay ánh xanh dương-xanh lục của nó vẫn được ưa chuộng bởi nhiều người.
MÀU XANH LÁ TRONG NGHỆ THUẬT TRỰC QUAN
Sự xuất hiện dai dẳng của màu lục trong nghệ thuật là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ giữa màu sắc này và thiên nhiên cuộc sống. Nhận thấy sự sinh sôi từ những con lũ trên sông Nile, người Ai Cập cổ coi màu xanh của cây cối tốt tươi là biểu tượng của sự tái sinh. Osiris, vị thần cai quản âm phủ và tượng trưng cho sự hồi sinh trong văn hóa Ai Cập cổ, được miêu tả là có một nước da màu lục. Chữ tượng hình dùng để chỉ màu xanh lá trong tiếng Ai Cập cổ là hình ảnh phần thân của một cây chỉ thảo.
Dưới thời trung cổ và thời kỳ Phục Hưng, màu sắc quần áo có thể phân biệt được địa vị và nghề nghiệp của từng người. Màu xanh lá thường được mặc bởi những thương nhân, chủ ngân và tầng lớp tiểu quý tộc. Cả bức Mona Lisa và cô dâu trong bức chân dung Arnolfini bởi Jan van Eyck đều mặc đồ màu lục, một biểu hiện cho vị trí của họ trong xã hội.
Nhờ có những cải thiện dần dần với màu xanh lá từ thời Phục Hưng, những nghệ sĩ Baroque đã truyền tải được cảm xúc căng thẳng và chuyển động thông qua những sắc xanh tươi đậm. Những khung cảnh tươi xanh mờ ảo xuất hiện ở phong trào Rococo, còn vào thể loại tả thực vào thế kỷ 19 màu lục lại được dùng để phản chiếu hiện thực cuộc sống ảm đạm của tầng lớp trung lưu và hạ lưu. Trái lại, nghệ thuật tiền rephaelite lại dùng màu xanh lá trên trang phục quần áo và cây cối.
Nắm bắt được sự tương tác hài hòa giữa ánh sáng và chuyển động, những nghệ sĩ thuộc trường phái Ấn tượng lại đem đến một sức sống mới cho màu lục. Trong sự khuếch trương và méo mó của họ, những nghệ sĩ trường phái biểu hiện lại đề cao cảm xúc con người hơn hiện thực, họ sử dụng màu xanh lá để truyền tải những ý nghĩa và thông điệp mới. Trường phái lập thể lại dùng màu lục làm công cụ giúp bố cục bớt nặng nề và sau này, những nghệ sĩ trừu tượng như Mark Rothko và Helen Frankenthaler cũng biểu đạt thành công thiên nhiên trong màu xanh thông qua những mảng màu xanh tươi và sống động.
XANH LÁ TRONG NGHỆ THUẬT ĐƯƠNG ĐẠI
Màu xanh lá trong nghệ thuật đương đại cũng hết sức đa dạng và độc đáo. Vào năm 1970, Bruce Nauman đã lập nên hai bức tường đặt cách nhau 30cm và đặt ở giữa chúng một chiếc đèn màu xanh lá cây. Những người đi đường được khuyến khích bước qua không gian chật hẹp này để được tắm dưới làn ánh sáng xanh huyền ảo của ánh đèn.
Vào năm 1998, Olafur Eliasson dùng một hợp chất fluorescein dạng muối natri là uranine để đổ một màu xanh sặc sỡ lên dòng nước ở Đức, Na Uy, Iceland, Thụy Điển, Nhật Bản và Mỹ. Dự án này được ông đặt tên là Green River Project.
Năm 2016, nghệ sĩ Na Uy Per Kristian Nygard đã biến triển lãm Oslo trở thành một tác phẩm nghệ thuật sống. Dự án mang tên Not Red But Green được hình thành từ việc đổ đất và gieo mầm cỏ lên một khung gỗ bọc nhựa, làm ra với mục đích thể hiện sự tương tác giữa kiến trúc và thiên nhiên.
MÀU XANH LÁ TRONG NHIẾP ẢNH
Những đặc tính của màu xanh lá tiếp tục được sử dụng rộng rãi trong cả ảnh film lẫn ảnh kỹ thuật số. Cặp đôi người Úc Prue Stent và Honey Long kết hợp giữa nhiếp ảnh và nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật sắp đặt và điêu khắc để tìm hiểu về mối quan hệ giữa cơ thể con người và thiên nhiên. Series Bush Babies của họ hòa quyện không gian tự nhiên với sự trần trụi của con người.
(Nastrium II – Bush Babies – Honey and Prue)
Chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm của Narelle Autio là sự tương tác giữa con người và những không gian màu xanh. Bộ ảnh chân dung chụp người da đen và da nâu của Namia Green giữa những khung cảnh cây cỏ tươi tốt phản ánh thực trang thiếu hụt hình ảnh người da màu trong nghệ thuật. Đôi mắt màu lục sâu thẳm của cô bé trong bức ảnh nổi tiếng Afghan Girl (Sharbat Gula) của Steve McCurry vừa gây ám ảnh nhưng cũng chứa đựng những nối ám ảnh đâm xuyên qua người xem. Ren Hang, một nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhờ những hình ảnh gợi dục, thường xuyên dùng màu xanh lá để tạo tương phản, nội dung và sự sống cho những bức ảnh của mình.
(Snorkellers – Narelle Autio)
Nhiếp ảnh gia phong cảnh và kiến trúc Andreas Gursky thường dùng màu lục làm điểm nghỉ trong những bức ảnh của ông. Ở lĩnh vực nhiếp ảnh thời trang, Miles Aldridge lại dùng màu sắc này để tao ra một không gian siêu thực. Để đánh giấu khoảnh khắc, không gian và không khí, những nhiếp ảnh gia macro như Tomas Shahan lại bắt buộc phải đưa vào màu xanh làm khung nền cho những đối tượng của mình. Màu xanh lá còn là một phần không thể thiếu trong series ảnh In The Round, Trees của Pep Ventosa.
(John D Morgan Park – In The Round, Trees – Pep Ventosa)
Màu lục còn có nhiều áp dụng trên máy ảnh nữa. Trong nhiếp ảnh trắng đen, filter xanh lá được sử dụng khi chụp cây cối để tách biệt mảng cây xanh với những bông hoa tràn ngập màu sắc. Trong nhiếp ảnh phong cảnh, chúng lại được dùng để làm sáng vùng xanh sinh động, giúp cho bức ảnh được tự nhiên hơn.
KẾT LUẬN
Dù xuất hiện trong nghệ thuật tương đối muộn hơn so với những màu sắc khác, tính linh hoạt của màu xanh vẫn được thể hiện trong rất nhiều những ứng dụng khác nhau của nó. Không chỉ có ý nghĩa liên tưởng đến sự tái tạo và hồi sinh, màu xanh lá còn được gắn với thế giới số hóa, tiền bạc, sự ghen tuông và bệnh tật. Xuyên suốt nghệ thuật tiền sử cho đến nghệ thuật đương đại, màu lục đã góp phần hình thành quan niệm về môi trường xung quanh của con người. Với khả năng bộc lộ chiều sâu và sự dồi dào, màu xanh cứ như vậy đã trở thành màu của tự nhiên và cuộc sống.
Credits
Bài viết gốc tại digital-photography-school.com bởi Megan Kennedy
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng Cáo Chimkudo Academy. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.
1 Comment
Pingback: Maciek Miloch và vũ trụ xanh lá cây trong dự án "Eat your greens"