Hội họa chỉ có lịch sử kể từ danh họa Giotto ở Ý. Do đó, trước thời Giotto được gọi là “tiền sử” bao gồm khoảng 30.000 năm, từ thời Cổ Thạch Kỳ (Đồ đá cũ) với những bức thạch họa vẽ trong vách hang động mới được giới khảo cổ học phát hiện vào cuối thế kỷ XIX. Những di vật hội họa của những người vẽ vô danh đó được coi là những họa phẩm tối cổ của nhân loại.Nghệ thuật thời tiền sử theo một số khảo cứu có lịch sử trải dài trên 500.000 năm. Tuy nhiên, phần lớn các di chỉ còn lại đều có độ tuổi khoảng 3.000 – 50.000 năm trước công nguyên và được tìm thấy trên nhiều diện tích, lãnh thổ và dân tộc trên khắp trái đất.
Mặc dù có các cách thể hiện khác nhau giữa những nền văn hóa nhưng nói chung, nghệ thuật sơ khai thời kỳ này thường được thể hiện bởi các tranh vẽ trên các hang động cổ xưa ở Pháp(Lascaux, Chauvet) hay Altamira ở Tây Ban Nha. Đối tượng của các tranh vẽ thời kỳ này thường mô tả các hoạt động săn bắn hái lượm trong cuộc sống hàng ngày hay đơn giản hơn là các con vật như hươu, bò, ma mút, lợn rừng…
Nổi tiếng nhất trong các tác phẩm thời kỳ này còn tồn tại tới ngày nay đó là những hình vẽ trên hạng động Lascaux ở Pháp
Tranh vẽ được trải dài ở cả hai bên của hang bao gồm 130 loại động vật và gia súc cùng các hình vẽ trừu tượng, một số trong số chúng được vẽ bởi nhiều lớp, có hình khối, lông vũ tương đối rõ ràng sử dụng các loại đất sét màu hoặc đá khoáng. To nhất trong số các con vật này là hình vẽ của 04 con bò, trong đó con lớn nhất có chiều dài 520cm.
Bức bích họa “Bò Mộng” được khảo cổ học khám phá năm 1879. Có dư luận nghi rằng bức họa này do đời sau giả tạo để gán cho những người thời Đồ đá. Họ không tin những “dã nhân” đó có khả năng tạo nên được những kiệt tác như thế. Thực hư thế nào, đến nay, vẫn chưa minh định được.
Các hình vẽ này có tone màu chủ yếu là nâu, đỏ, đen và trắng nhưng có sự kết hợp của đậm nhạt nên đã giúp tạo ra những texture điển hình như lông thú trên một số hình vẽ.
Ngoài ra, các hình vẽ này còn được giả lập các hiệu ứng di chuyển của các con bò chứng tỏ trình độ và tư duy thẩm mỹ thời bấy giờ đã đạt được một mức nhất định.
KỸ THUẬT VẼ TRONG THẠCH ĐỘNG
Những bức họa thời tiền sử thường nằm trong hang đá ẩn sâu dưới lòng đất suốt ngày tối tăm. Vậy thì họa sĩ lấy gì soi sáng để tô vẽ hay ngắm hình màu? Một số nhà khảo cổ phỏng đoán rằng cổ nhân đã biết dùng khí đá, hoặc thắp đèn bằng mỡ hay tủy của động vật nào đó.
Hình họa được khắc nét vào vách đá rồi họ dùng ống sậy thổi màu vào từng mảng đã được định hình. Chất màu như đỏ, nâu, vàng thì làm bằng bột đất đá. Còn màu đen là than nghiền thành bột rồi pha với chất keo dính làm bằng nhựa thực vật, hay mỡ động vật. Cũng có thể họ đã dùng cọng sậy, lông thú (lợn rừng, thỏ, ngựa…) làm bút vẽ những nét nhỏ. Đáng ngạc nhiên nhất là, qua bao thế kỷ, hình và màu vẫn giữ nguyên vẻ sống động, không phai mờ.
Ý NGHĨA CÁC HÌNH TƯỢNG
Nghi vấn chưa ai giải đáp thỏa đáng là những hình vẽ trong hang động tiền sử có mục đích gì và ý nghĩa ra sao? Hình bò mộng phải chăng là tượng trưng con vật tế thần hay chính nó là vị thần thời cổ? Trông dáng hình to lớn gấp mười hình người, ngực mông vạm vỡ, sừng nhọn, toàn thân toát ra một sức mạnh vô địch, phải chăng là biểu hiện quyền lực của một vị “Thần bò mộng”? Nó có thể toàn quyền sinh sát, hoặc truyền sinh lực thần kỳ, phù hộ cho con người thêm can đảm, may mắn trong cuộc sống vật lộn với muông thú giữa rừng thiêng nước độc hay chăng?
So với thể dạng bò mộng, hình người trong tranh trông nhỏ bé, gầy gò, vẽ bằng những nét mỏng manh, đơn sơ như nét phác họa giản lược. Ngược lại, những hình thú vật, chim muông trông to lớn và đầy sinh lực, kỹ thuật vẽ cẩn thận, tỉ mỉ.Tất cả cho ta một cảm tưởng huyền bí, có vẻ khó hiểu trong nội dung, ngôn ngữ tạo hình của người cổ.
Có nhiều tranh cãi xung quanh ý nghĩa của những bức tranh này, phần lớn đều cho rằng nó phục vụ cho 1 mục đích hay nghi lễ tôn giáo mừng những cuộc đi săn thành công. Tuy nhiên dù có mang ý nghĩa gì, thì những dấu tích còn lại ở Lascaux cũng đã là minh chứng cho một sự phát triển sơ khai của nghệ thuật thời tiền sử đã đạt được một số thành tựu nhất định về thẩm mỹ và tư duy.
—
Tổng hợp và biên tập bởi ChimkudoPro
Mọi chia sẻ và trích dẫn đều phải đính kèm link tới bài viết gốc