Nhờ sự phổ biến của Instagram, chúng ta có cơ hội tiếp cận và chụp ảnh vuông. Dù giờ đây, Instagram đã không còn bắt người dùng phải sử dụng khổ ảnh vuông, nhưng vẫn có đến 80% số ảnh tải lên Instagram hàng ngày là ảnh vuông. Trong bài viết dưới đây, Chimkudo sẽ viết về ảnh vuông, sự giống và khác nhau giữa ảnh vuông và 1 bức ảnh khổ 4:3 , 3:2 thông thường, đặc biệt là về bố cục – điểm khác biệt lớn nhất.
Điểm qua vài dòng lịch sử, ảnh vuông được ra mắt lần đầu vào năm 1929 khi Rollei giới thiệu chiếc máy ảnh Rolleiflex Original ống kính Carl Zeiss Tessar 75/3.8. Tuy nhiên phải đến tháng 10 năm 2010, ảnh vuông mới thực sự trở nên phổ biến – với sự xuất hiện của Instagram, vốn được lấy cảm hứng từ chiếc máy ảnh Polaroid với định dạng ảnh 1:1 thay vì 4:3 như các camera của smartphone thời đó.
Có vài điểm khiến kiểu ảnh này trở nên độc đáo và được ưa chuộng cho tới tận bây giờ:
1. Hướng di chuyển của mắt
Theo nghiên cứu, với ảnh 3:2 hoặc 4:3 thông thường, mắt chúng ta sẽ di chuyển theo hướng từ phải qua trái, từ trên xuống dưới. Tuy nhiên, với ảnh vuông mắt người sẽ đi chuyển theo một vòng tròn tập trung quanh điểm chính giữa của khung hình. Từ đó, người xem sẽ tập trung và dễ nhận ra được chủ thể chính trong bức ảnh.
- Chất lượng ánh sáng đều hơn
Mọi ống kính đều cho ra vùng ảnh có hình chữ nhật. Vì vậy chúng ta có thể sẽ gặp phải hiện tượng ảnh không sáng đều ở 4 góc(hiện tượng vignette) khi chụp với định dạng 3:2 hoặc 4:3. Ảnh vuông sẽ đảm bảo ánh sáng đều về mọi phía do được tối ưu diện tích vùng ảnh chỉ nằm ở giữa của cảm biến.
- BỐ CỤC
Theo tôi, đây là điểm cốt lõi làm nên khác biệt và sự độc đáo khi đặt một bức ảnh vuông cạnh một bức ảnh khổ 3:2 hay 4:3. Chụp ảnh vuông nếu không quen sẽ cảm thấy vướng víu khi bạn phải thay đổi các thói quen về bố cục, tuy nhiên khi thành thạo sẽ mang lại khá nhiều lợi ích, thậm chí giúp chúng ta “lười” hơn mà vẫn có ảnh đẹp.
- Đặt chủ thể vào chính giữa khung hình:
Đây là bố cục đơn giản và an toàn nhất với ảnh vuông. Nếu như ảnh chữ nhật truyền thống có tới hàng chục bố cục trong giáo trình, nào là 1/3, nào là tỉ lệ vàng… thì khi chụp ảnh vuông bạn cứ đặt chủ thể vào chính giữa khung hình, để đảm bảo sự thoải mái về thị giác.
Nghe có vẻ “sai sai” nhỉ, hầu hết các bài hướng dẫn về bố cục trong nhiếp ảnh sẽ khuyên bạn không nên đặt chủ thể ở chính giữa ảnh vì gây ra sự nhàm chán. Tuy nhiên việc đặt chủ thể vào chính giữa ảnh vuông sẽ khiến chủ thể thu hút sự chú ý của người xem ngay khi nhìn vào bức ảnh, từ đó tạo ra ấn tượng trực tiếp.
- Bố cục đối xứng:
Có lẽ chẳng cần nói nhiều, mọi thứ đều hướng đến sự hòa hợp và cân bằng. Bản thân tôi rất thích sử dụng bố cục này, đặc biệt là trong ảnh vuông bởi sự đơn giản và tạo được sự tập trung vào chủ thể trong khung hình.
Chỉ có 1 lưu ý: Sự đơn giản đôi lúc rất gần với nhàm chán. Nếu có thể hãy thêm vào một số chi tiết nhỏ, đủ để không gây nhàn chán, nhưng cũng không làm chủ thể kém nổi bật.
- Sử dụng Khoảng trống (Negative Space)
Steve Jobs từng nói “Đơn giản là đỉnh cao của sự phức tạp”. Một tấm ảnh không thể đẹp khi có quá nhiều chi tiết, điều này càng đúng khi bạn chụp ảnh vuông – vốn có ít không gian hơn những khổ ảnh khác.
Ý nghĩa của việc tạo ra khoảng trống rất rộng. Nó có thể khiến chủ thể thực sự tách biệt so với phần còn lại, trong một số trường hợp khác lại khiến người xem cảm thấy sự cô đơn, trống vắng. Quan trọng là cách bạn dùng thế nào và bạn muốn truyền tải những gì qua bức ảnh.
Dù kiểu định dạng ảnh này có nhiều điểm thú vị nhưng không thể phủ nhận việc khó đưa vào khung hình nhiều chi tiết như tiền cảnh, hậu cảnh… đã khiến cho ảnh vuông trở nên kém phổ biến hơn ảnh chữ nhật quen thuộc. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khổ ảnh vuông sẽ giúp chúng ta có được sự đơn giản mà vẫn độc đáo, gây được ấn tượng trực tiếp cho người xem.
Còn bạn, bạn đã có những trải nghiệm gì với thể loại ảnh này ?
——
Bản quyền bài viết thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo
Mọi trích dẫn đều phải kèm link gốc tới bài viết. Hãy tôn trọng công sức lao động của mọi người.