Chào các bạn,
Gần đây Chimkudo Studio đã nhận được rất nhiều câu hỏi từ khách ghé thăm, trong đó có một câu hỏi rất thực tế như sau:
Chào Chimkudo Studio,
Mình là Nam. Mình mới bắt đầu chơi ảnh, và đang dùng Canon 50D. Mình hay phải chụp ảnh trong nhà, không gian khá tối nên mình hay đẩy ISO lên 6400 cho sáng, vì mình nghe mọi người nói ISO càng cao thì ảnh càng sáng, đỡ bị rung mờ nữa. Tuy nhiên, ảnh của mình khi zoom lên thì xuất hiện khá nhiều hạt lấm chấm li ti, nhiều màu sắc, nhìn rất xấu. Thằng bạn mình cũng chụp giống mình, nhưng nó dùng máy flim thì ảnh của nó cũng có hạt lấm chấm, tuy nhiên nhìn dễ chịu hơn của mình. Vậy điều này có phải do mình chưa biết chụp, hay do máy ảnh mình không đủ tốt ?
Đọc câu hỏi trên, chắc hẳn sẽ có bạn ồ lên tán đồng, đại loại như: Chuyện bình thường, ngày xưa mình cũng thế, hoặc tôi cũng đang bị thế mà không biết làm sao đây này :)) . Đây là vấn đề mà những người mới chơi nhiếp ảnh thường hay vướng. Khi chụp ảnh ở những môi trường ánh sáng yếu, thường là trong nhà, chụp ngoài trời vào ban đêm… thường sẽ gặp hiện tượng này – xuất hiện những nhiễu hạt xuất hiện ở những vùng tối. Tuy nhiên, mặc dù đều là hiện tượng “nhiễu hạt”, nhưng hiện tượng giữa 2 máy ảnh trên là khác nhau. Hiện tượng “nhiễu hạt” trên máy Canon 50D, hay các máy ảnh số (DSLR), được gọi là Noise. Còn hiện tượng “nhiễu hạt” trên máy ảnh film ở trên được gọi là Grain.
Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu cơ bản về Noise và Grain, cùng hiểu về ưu và nhược điểm của chúng, và cách khắc phục – giảm noise, giảm grain khi chụp ảnh.
Noise là gì?
Noise là thuật ngữ trong nhiếp ảnh số, tương đương với grain trong ảnh phim, là hiện tượng chụp ảnh trong môi trường thiếu sáng với ISO cao, làm ảnh xuất hiện các hạt lấm chấm, theo 3 kênh màu: đỏ (red), xanh lá cây (green), xanh dương (blue). Những hạt lấm chấm này được phân bố trên các bề mặt mịn, đặc biệt là ở các vùng tối và sẫm màu. Một tấm ảnh xuất hiện càng nhiều noise thì chất lượng ảnh càng thấp.
Ở các dòng máy có kích thước cảm biến sensor càng lớn, ảnh chụp ra càng ít gặp noise hơn. Chẳng hạn như ta sử dụng máy ảnh full-frame như 5D mark III , chắc chắn sẽ chụp được bức ảnh ở ISO cao, có ít noise hơn so với các dòng máy crop như 50D, 60D…
Grain là gì?
Grain thì lại là thuật ngữ trong nhiếp ảnh phim, là cái hồn cho ảnh film – đây là một trong những yếu tố chính tạo ra sự khác biệt giữa ảnh film và ảnh số. Grain là những hạt li ti trên ảnh film, xuất hiện ở bất kỳ vùng tối hay vùng sáng, và tùy theo loại film mà hạt xuất hiện mịn hoặc to nhỏ khác nhau.
Grain là các hạt cấu trúc tinh thể (có thể nhìn thấy được) của phim, nhìn giống những hạt chấm li ti có độ sáng (brightness) khác nhau, nhưng lại không làm xuất hiện các kênh màu xanh đỏ như noise. Grain xuất hiện ở bất kỳ vùng tối hay vùng sáng, và tùy theo loại film mà hạt xuất hiện mịn hoặc to nhỏ khác nhau. Độ nhạy sáng (ISO / ASA) của phim càng cao, các hạt grain xuất hiện trên ảnh càng rõ rệt, nên độ phân giải ảnh càng thấp. Nhất là khi chụp trong môi trường thiếu sáng, grain sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Tìm hiểu về ưu và nhược điểm của noise và grain
NOISE | GRAIN | |
Ưu điểm | Không có ưu điểm. Noise thường bị nhiếp ảnh gia né tránh, và cố gắng giảm thiểu tối đa. | Tạo lên cái style riêng biệt – cái hồn của ảnh phim. Được nhiều nhiếp ảnh gia ưa thích, thậm chí họ còn cố gắng tạo ra hiệu ứng grain trên máy ảnh số, tạo ra một trào lưu trong nhiếp ảnh. Có những ảnh grain nhìn đẹp giống như tranh vẽ bút chì vậy. |
Nhược điểm | Ảnh hưởng đến độ nét, và độ chi tiết của bức ảnh. Các chi tiết ở vùng tối bị bết vào khối. Các đường phân cách giữa các chi tiết trong vùng tối không được rõ ràng, khi có sự xuất hiện của grain, hay của noise. | |
Riêng noise thì dễ gây sai màu khi zoom lên. Bởi các hạt noise là các hạt màu xanh đỏ. |
Như vậy, làm sao để loại bỏ noise hoặc grain khi chụp ảnh?
– Noise: Có 3 cách phổ biến thường dùng để giảm Noise
+ Dùng máy ảnh có kích thước cảm biến lớn hơn.
+ Lắp thêm đèn, mở cửa sổ, dùng flash… để tăng thêm ánh sáng, hoặc chụp trong môi trường có nhiều ánh sáng hơn.
+ Cố gắng chụp với ISO thấp nhất có thể.
– Grain:
+ Sử dụng loại phim có độ nhạy sáng (ISO) thấp. ví dụ như Fujifilm Fujicolor Superia 200, Kodak professional ektar 100 Film…
+ Lắp thêm đèn để tăng ánh sáng môi trường, hoặc chụp trong môi trường nhiều ánh sáng hơn.
Với Noise và Grain đều có thể giảm thiểu qua công tác hậu kì nhưng sẽ làm ảnh bị mất chi tiết vì PS không thể phân biệt được đâu là noise và đâu là chi tiết nhỏ. Các phần mềm khử noise tốt có thể kể tới là: NeatImage, NoiseNinja, TopazDenoise.…..
Kết luận
Noise và Grain là các hạt lấm chấm khi chụp ở môi trường thiếu sáng, và có ISO cao. Grain được ưa chuộng, còn noise thì không. Có thể làm giảm noise hoặc grain bằng cách tạo ra thêm ánh sáng cho đối tượng, chọn ISO thấp hơn. Với máy ảnh số, thì nên chọn máy ảnh có cảm biến lớn hơn và công nghệ chế tạo cảm biến mới hơn.
Credit
———————————————–
Cover image by Todd Klassy.
– Bản quyền bài viết © by ChimkudoPro – Expose yourself through the lens
Mọi trích dẫn phải đính kèm link gốc tới bài viết