Trong bài viết ngày hôm nay, tôi sẽ chia sẻ cho bạn đọc 3 lời khuyên để chụp được những bức ảnh sản phẩm tốt hơn. Bản thân tôi ngoài việc làm nhiếp ảnh gia còn đã từng làm nhiều ngành nghề khác, một trong số những nghề đó là làm content quảng bá branding. Hai điều mà bất kỳ ai trong ngành này cũng cần nắm rõ là:
- Hiểu rõ lợi thế độc nhất (USP) của thương hiệu.
- Truyền tải được USP của thương hiệu.
Những thương hiệu thể hiện được sự khác biệt của họ, hoặc nói cách khác là có điểm độc nhất về những quyền lợi mà họ có thể đem lại cho khách hàng, sẽ thành công hơn trong công cuộc truyền thông quảng cáo.
Tuy nhiên, chỉ có lợi thế kinh doanh độc nhất thôi cũng chưa đủ. Việc thể hiện tính độc nhất này cũng rất quan trọng, và chúng thường được biểu hiện thông qua những hình ảnh trực quan. Đây chính là công việc yêu cầu đến kỹ năng của nhiếp ảnh gia và nhà làm phim.
Khi chụp ảnh sản phẩm cho thương hiệu, nhiệm vụ của nhiếp ảnh gia là thông hiểu thông điệp của công ty và truyền tải nó theo cách hiệu quả nhất để đảm bảo được thành công cho thương hiệu đó. Chúng ta phải có khả năng đưa được những yếu tố độc nhất của thương hiệu vào trong những tấm hình mình chụp.
Mạng xã hội cho phép các thương hiệu kết nối với quần chúng dễ dàng hơn. Khách hàng ngày nay có thể tiếp cận với rất nhiều phương tiện khác nhau tùy theo sở thích của mỗi người, và họ cũng thường có quá nhiều lựa chọn trong tay.
Để chiếm được thị phần và là kẻ chiến thắng trên thương trường, các thương hiệu ngày nay còn khao khát tầm ảnh hưởng rộng hơn thị trường mục tiêu với mong muốn thay đổi thế giới mỹ quan của con người sao cho giống với của thương hiệu.
Khách hàng có thể sẽ không biết họ muốn thứ gì, và đôi lúc họ cũng chẳng muốn những thứ được bày ra trước mắt. Ví dụ như Henry Ford: ông không phải là người đầu tiên phát minh ra xe hơi cá nhân, nhưng ông lại là người đầu tiên có thể sản xuất hàng loạt mặt hàng này. Ford đã thành công đem dòng Model T của mình đến với công chúng.
Trước Ford, không nhiều người có khả năng tiếp cận với xe hơi tư. Họ phần lớn dựa vào những phương tiện chạy bằng hơi nước hoặc những phương tiện thô sơ để di chuyển. Mọi người cũng hài lòng với những lựa chọn đó cho đến khi thị trường xuất hiện một sản phẩm tốt hơn, một sản phẩm mà bản thân họ cũng chưa bao giờ nghĩ đến, đó là một chiếc xe ô tô chạy bằng xăng dầu. Sản phẩm không chỉ dễ tiếp cận, mà quan trọng hơn là nó đã tồn tại.
Các phương tiện truyền thông được sử dụng rộng rãi để quảng bá thương hiệu là website, mạng xã hội (như Facebook, Instagram, Youtube, Twitter, Pinterest, LinkedIn, Reddit,…), quảng cáo in (tạp chí, billboard, tờ rơi, poster), TV và radio. Việc lựa chọn loại hình truyền thông tùy thuộc vào những đặc điểm của phương tiện truyền thông đã chọn.
Ở phần sau, chúng ta sẽ tập trung vào những cách để chụp những bức ảnh sản phẩm có hiệu quả trong việc gắn kết với khách hàng. Nếu như bạn đã hiểu rõ về USP của thương hiệu và có một vài ý tưởng để đưa USP đến người xem, sau đây là 3 lời khuyên khi nhiếp ảnh sản phẩm cho thương hiệu.
1. HIỂU VỀ THỊ HIẾU CỦA KHÁCH HÀNG
Mặc dù việc làm branding là quan trọng nhất, nó không còn là vấn đề đáng quan tâm duy nhất, và cũng không phải là công việc chiếm vị trí độc nhất. Chúng ta cần phải nghĩ rộng hơn vượt quá phạm vi của thương hiệu để hiểu được khách hàng của mình.
Mới gần đây, tôi đã nhận được một lời mời tham gia ban cố vấn cho một công ty lớn. Công ty này đã vô cùng miệt mài thực hiện tốt mảng branding của họ, đến mức mà họ có thể thể hiện một cách chính xác và rõ ràng thương hiệu của họ. Ban cố vấn từ đó được thành lập từ nhiều nhánh ngành khác nhau và được yêu cầu đưa ra ý kiến và lời khuyên để giúp công ty truyền đạt to và rõ về thương hiệu của họ ra thế giới.
Cuộc họp đã chuyển sang một hướng thú vị hơn khi chúng tôi càng ngày càng nhận ra rằng mặc dù nhận diện thương hiệu của công ty rất tốt, họ cần phải nhìn rộng hơn khỏi bản thân mình và tìm hiểu thêm về thị trường, người tiêu dùng và các đối tác, vì đây chính là những người tiếp nhận thông điệp của họ.
Thương hiệu không còn là điều quan trọng nhất, người xem đóng vai trò cũng không hề thua kém trong công cuộc truyền thông.
Vậy khán giả thực sự muốn điều gì? Những loại hình ảnh như thế nào sẽ thu hút được họ nhất? Họ muốn được tiếp cận với thương hiệu ở đâu và như thế nào? Những phương pháp truyền thống sẽ không còn có tác dụng nữa. Chúng ta bắt buộc phải suy nghĩ thoáng hơn và tìm những cách mới để đưa ra thông điệp của mình.
Liệu việc chỉ chụp một bức ảnh sản phẩm trên nền trắng có là đủ? Chúng ta có cần phải đặt sản phẩm trong một bối cảnh phù hợp hay không? Chúng ta tiếp xúc dồn dập với rất nhiều thể loại film ngắn và truyện ngắn mỗi ngày, liệu những bức ảnh tĩnh vật nền trắng có còn khả năng gợi cảm xúc cho người xem?
Những câu truyện, những bối cảnh, trải nghiệm cá nhân và những lời khẳng định có bằng chứng đều là những điều bắt buộc trong thời đại ngày nay. Đừng quên rằng một bức ảnh cũng có thể kể một câu chuyện hiệu quả ngang những bộ phim, nhưng người nhiếp ảnh gia phải nâng cao khả năng của họ.
2. CHỤP ẢNH VỚI Ý ĐỒ ĐÁP ỨNG NGUYỆN VỌNG CỦA NGƯỜI XEM
Tôi là một người tiêu dùng phổ thông cũng như bao người khác. Trước khi mua bất kỳ thứ gì mà tôi chưa được tận tay sờ vào mà chỉ thấy ảnh trên mạng, tôi sẽ muốn nghiên cứu thêm về sản phẩm đó. Tôi muốn được nhìn ảnh cận cảnh, đọc mô tả chi tiết cho sản phẩm và tự hình dung ra những ứng dụng của nó trong điều kiện của mình. Một loạt những thông tin về bối cảnh cũng như hình ảnh sản phẩm là những yếu tố cần thiết để tôi hoàn thiện quy trình nghiên cứu sản phẩm trước khi mua.
Tôi sẽ muốn những yếu tố này được thể hiện trong ảnh như thế nào? Cá nhân tôi thích những bức ảnh được đặt trong ngữ cảnh cụ thể, sau đó là những bức ảnh cận cảnh, và sau đó mới đến những bức ảnh sản phẩm nền trắng.
Một bức ảnh có bối cảnh sẽ kết nối và khơi dậy cảm xúc của tôi tốt hơn. Những bức ảnh cận cảnh thì lại nên khớp với quan điểm mỹ học của tôi và thuyết phục tôi rằng sản phẩm này đủ đẹp để được mua.
Cuối cùng, một bức ảnh sản phẩm nền trắng nói chuyện với lí trí của tôi. Nó sẽ trả lời những câu hỏi lô gic và thực tế mà tôi có.
Khi xem một website hay một chiến dịch quảng cáo, tôi sẽ muốn một sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cả ba yếu tố trên.
3. BỨC ẢNH PHẢI KÍCH THÍCH NGƯỜI XEM
Khi chụp ảnh sản phẩm để làm branding, tùy vào kênh truyền thông hoặc phương tiện mà bạn chọn, bạn cần phải tìm ra những đặc điểm khiến cho bức ảnh của bạn có tính tương tác cao nhất.
Ví dụ như trên TV, những quảng cáo hài hước hoặc cảm động sẽ nằm mãi trong lòng khán giả và có hiệu quả nhất. Chi phí để sản xuất ra chúng thì cũng sẽ vô cùng đắt đỏ. Ở Anh Quốc, những nhãn hiệu lớn thường chạy những quảng cáo dài vào thời điểm Giáng Sinh khi mới bắt đầu chiến dịch. Những quảng cáo này sau đó sẽ bị cắt ngắn đi ở những lần chiếu sau để giảm chi phí.
Đối với quảng cáo trên mạng xã hội, video có tính hiệu quả rất cao nhưng độ hiệu quả này lại tỉ lệ nghịch với chiều dài của video. Những video ngắn gọn sẽ giữ được sự tập trung ngắn hạn của khách hàng tốt hơn trong thời đại công nghệ số. Những video dài hơn 1 phút cũng có thể có hiệu quả tốt, nhưng bạn có thể sẽ cần phải có sẵn một lượng khách hàng trung thành sẵn sàng dành nhiều phút để xem quảng cáo của bạn trước đã.
Tất nhiên, những thế hệ trẻ hơn (trẻ em, người vị thành niên, đặc biệt là Gen Z) có xu hướng thích xem những video dài hơn, đây cũng là một điều đáng cân nhắc khi xây dựng content cho sản phẩm của bạn.
Tôi cũng nhận được rất nhiều lời mời làm việc từ các thương hiệu trên Instagram. Họ đôi lúc cũng không hẳn là hợp với phong cách chụp của tôi, nhưng thường thì sẽ hợp. Cũng có thể là những thương hiệu này muốn tiếp cận với những đối tượng người xem của tôi để mở rộng phạm vi của họ hay là muốn kết nối với những đối tượng khách hàng mới mà trước đây có thể không biết đến thương hiệu của họ.
Hãy nhớ lại đến ví dụ Henry Ford.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn luôn muốn thực hiện bức ảnh dựa trên tính thu hút khách hàng, chứ không hẳn là dựa vào quan điểm mỹ học của công ty. Điều này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nhãn hiệu hơn, vì khách hàng sẽ quan tâm hơn và công ty sẽ tiếp cận được với nhiều người hơn.
Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc bỏ qua những ưu điểm độc nhất của thương hiệu. Thực chất, tôi luôn truyền tải USP của thương hiệu trong caption ảnh để đảm bảo thông điệp được cô đọng. Nhưng suy nghĩ luôn tồn tại trong đầu tôi là làm sao để đưa ra những hình ảnh trực quan mà người xem sẽ thích và tương tác cùng.
GÓC CHỤP TOÀN CẢNH, TRUNG CẢNH, CẬN CẢNH VÀ FLATLAY
Những bức ảnh đầu tiên của tôi luôn là những bức ảnh góc rộng đặt sản phẩm vào một bối cảnh cụ thể. Sau đó, tôi sẽ thu hẹp hơn vào trung cảnh, rồi mới đến cận cảnh. Thứ tự sắp xếp này khớp với phong cách phổ biến nhất để tăng tính tương tác của ảnh theo kinh nghiệm của tôi.
Những trang khác có thể chứa những shot chụp cận cảnh vì đây thường là những bức ảnh thành công nhất, hoặc ảnh flatlay, hoặc toàn bộ sản phẩm chụp với nền trắng. Để giao tiếp được với người xem một cách hiệu quả, những bức ảnh của bạn cần phải kích thích được cảm quan mỹ học của người xem, không chỉ là nhu cầu và mong muốn của họ vì nhiều khi họ cũng chưa nhận thức được những điều đó.
Thương hiệu phải gắn với những USP và thông điệp chính muốn truyền tải, nhưng cách truyền đạt cũng cần phải linh hoạt và ứng biến theo người xem.
Khi làm nhiếp ảnh gia, bạn nên ghi nhớ những điều trên và cố gắng giải quyết mọi vấn đề này trong quá trình chụp. Hãy đem một lens 24-25mm để chụp toàn cảnh, 50-85mm để chụp trung cảnh và một lens 105mm trở lên cho những bức ảnh cận cảnh.
Trong quá trình bài trí sắp xếp, hãy chọn phong cách ảnh có thể đảm bảo được tính tương tác cao nhất với khán giả. Bạn có thể đề xuất chụp những bức ảnh “trang nhất” để khách hàng đăng lên Instagram, sau đó cung cấp thêm những bức ảnh còn lại để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của khách hàng.
KẾT LUẬN
Để tóm gọn lại, khi chụp ảnh sản phẩm cho thương hiệu, việc làm quảng cáo thành công cần phải dựa vào “gout” ảnh của đối tượng người xem. Cho dù đối tượng mà bạn hướng đến đã là khách hàng trung thành hay người mới thì hình ảnh của bạn cũng đều nên khơi dậy cảm xúc của người xem. Đây là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để gắn kết với khán giả và đảm bảo tính lan truyền của thương hiệu.
Credits:
Trích nguồn bài viết gốc bởi Lily Sawyer tại: digital-photography-school.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.