Việc ra giá cho các dịch vụ nhiếp ảnh là một vấn đề nhức nhối trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Rất nhiều nhiếp ảnh gia nghiệp dư mới bắt đầu không biết phải lên mức giá như thế nào, và họ thường cố gắng tìm kiếm những chiến thuật và công thức để làm điều này.
Mức giá cho dịch vụ nhiếp ảnh cũng có một số tiêu chuẩn nhất định, ngoài ra những yếu tố như nơi ở của bạn cũng có thể ảnh hưởng đến số tiền mà bạn có thể thu. Nhưng yếu tố quan trọng nhất mà bạn cần phải biết trước khi đề ra chiến thuật định giá nhiếp ảnh là Cost of Doing Business (Chi phí vận hành), hay còn gọi tắt là CODB.
Cân nhắc chi phí khi ra giá với khách hàng
Công nghệ ngày càng hiện đại đã khiến cho việc bước chân vào ngành nhiếp ảnh cũng ngày càng dễ dàng hơn. Thị trường nhiếp ảnh từng chỉ là sân chơi của những nhiếp ảnh gia dày dặn kinh nghiệm, nhưng ngày nay có nhiều nhiếp ảnh gia nghiệp dư và tự học cũng có thể bắt đầu thu phí chụp ảnh.
Rất nhiều người mới bắt đầu không thể tính toán được là họ nên lấy bao nhiêu tiền cho dịch vụ của họ, và thường thì họ sẽ đưa ra mức giá quá thấp. Điều này đã phần nào làm mất đi giá trị của ngành nhiếp ảnh nói chung, bất chấp việc nhu cầu nhiếp ảnh cao hơn bao giờ hết. Chưa hết, sự xuất hiện của những máy ảnh kỹ thuật số tân tiến cùng với smartphone lại làm cho câu chuyện này càng phức tạp hơn.
Nhiều người tiêu dùng có quan điểm rằng những nhiếp ảnh gia chỉ là những người bấm nút, và ai cũng có thể chụp ảnh đẹp.
Đúng là công nghệ hiện đại đã giúp cho việc học nhiếp ảnh trở nên dễ dàng hơn. Nhưng nó lại không thay đổi nhiều chi phí để có thể vận hành một dịch vụ nhiếp ảnh. Chúng ta không cần phải mua film để chụp ảnh nữa, nhưng chúng ta lại phải trả tiền cho phần mềm, ánh sáng, công cụ, bảo hiểm,… Những thứ này đều cần thiết để một công ty nhiếp ảnh vận hành trơn tru, và vì thế chi phí vận hành cho ngành nhiếp ảnh vẫn rất đắt đỏ.
Đa số mọi người đều không nhận thức được điều này, thậm chí nhiều nhiếp ảnh gia mới vào nghề còn không nghĩ về nó. Nhưng sự thật là để vận hành một dịch vụ nhiếp ảnh cần rất nhiều tiền. Và bạn càng vươn lên vị trí cao hơn thì chi phí này lại càng tăng hơn nữa.
Cost of Doing Business là gì?
Chi phí vận hành (CODB) là tổng số tiền mà bạn phải chi trả để vận hành công ty của bạn. Nó được tính bằng cách chia trung bình chi phí hàng tháng và hàng năm của công ty.
Chi phí vận hành sẽ ăn vào lợi nhuận của bạn, lượng tiền bạn kiếm nhiều hơn chi phí đó chính là lợi nhuận mà bạn đạt được.
Khi bạn mới bắt đầu chụp ảnh một cách chuyên nghiệp ở bất kỳ mức độ nào, bạn cần phải tính toán chính xác xem chi phí vận hành của bạn là bao nhiêu. Nếu không thì bạn sẽ không thể đưa ra mức giá phù hợp.
Quá nhiều nhiếp ảnh gia tập trung vào những mức giá mà các đối thủ cạnh tranh đang đưa ra và dựa vào đó để tìm ra mức giá thị trường. Sau đó họ quên mất không tính xem là họ cần bao nhiêu tiền để vận hành việc làm ăn.
Làm nhiếp ảnh không giống với các ngành nghề tự do khác. Ở một số ngành, bạn chỉ cần một chiếc laptop kết nối với Internet là đủ để làm việc. Nhưng với nhiếp ảnh, bạn cần phải chi trả cho nhiều thứ khác ngay cả khi cố gắng tiết kiệm nhất có thể.
Vậy nên bạn cần phải dành thời gian viết ra danh sách những thứ cần phải tiêu để làm nhiếp ảnh, ví dụ như:
- Bảo hiểm Y tế, xã hội
- Trả công trợ lý, stylist, AD, CD….
- Host website
- Ổ cứng dự phòng
- Trang thiết bị studio
- Mặt bằng studio + điện nước
- Máy ảnh + ống kính
- Phần mềm Adobe
- Phần mềm vận hành doanh nghiệp(CRM, Marketing….)
- Thuế các loại(môn bài, doanh nghiệp…)
- In portfolio
- Chi phí đi lại vận chuyển
Trên thực tế, khi bạn làm càng lâu, nhu cầu thiết bị của bạn sẽ càng tăng cao. Rất nhiều người thích cho rằng máy móc không quan trọng, mà quan trọng phải là người đằng sau máy ảnh. Điều này cũng đúng một phần, nhưng việc không có đầy đủ thiết bị sẽ ngăn cản bạn khỏi việc thăng tiến xa hơn.
Câu hỏi quan trọng bây giờ là tất cả những thứ trên sẽ tiêu tốn của bạn bao nhiêu tiền, và bạn sẽ cần phải kiếm bao nhiêu tiền để hoàn vốn và sinh lời.
Bài tập tính toán này sẽ giúp bạn giải quyết được câu hỏi ban đầu. Đó là liệu bạn có thể duy trì vận hành với những chi phí như trên mà chỉ thu vài trăm đô cho một buổi chụp hay không? Chắc là không đâu. Và bạn sẽ phải làm việc cực kỳ hăng say chỉ để kiếm đủ sống.
Một ví dụ thích hợp minh họa cho chi phí vận hành là ngành nhà hàng. Khi bạn đến một quán pub và trả 16$ cho một chiếc burger, nhà hàng không lãi 12$ từ một chiếc bánh có giá trị 4$. Thực chất, mức giá 16$ đã bao gồm toàn bộ chi phí vận hành, từ việc thuê nhà đến bảo hiểm nhân viên và người kế toán đều phải được trả tiền đầy đủ thì chủ nhà hàng mới bắt đầu có lãi. Chính mức độ lãi thấp như vậy khiến cho nhiều nhà hàng phá sản thường xuyên.
Nhưng cũng đừng quên rằng chi phí vận hành cho dịch vụ nhiếp ảnh của bạn có thể hoàn toàn khác với những người khác. Một nhiếp ảnh gia chụp chân dung với ánh sáng tự nhiên sẽ không phải chi trả những thứ mà một nhiếp ảnh gia chụp ảnh quảng cáo trong studio sẽ phải trả.
Định giá để đạt được chỉ tiêu doanh thu
Khi bạn đang đặt ra một chỉ tiêu doanh thu và lên chiến thuật ra giá, bạn sẽ cần phải cân nhắc thêm cả chi phí sinh hoạt của bản thân bên cạnh chi phí vận hành. Ngoài ra, bạn cũng nên có một khoản tiết kiệm để dự trù cho những lúc thiếu job thường xảy ra trong ngành này. Trong những năm đầu khởi nghiệp bạn có thể sẽ rơi vào nhiều giai đoạn như vậy.
Khi mới bắt đầu, bạn sẽ không thể ra giá quá cao. Nhưng bạn vẫn cần phải đưa ra những con số phản ánh giá trị của bạn mà không “phá giá” của những người khác.
Thêm nữa, những khách hàng quen định kỳ sẽ là một nguồn thu dồi dào cho bạn. Việc tăng giá trong tương lai với những khách hàng này sẽ rất khó, và bạn chắc chắn không muốn những khách hàng thường xuyên cảm thấy bị cho ra rìa.
Một số mô hình định giá hoạt động theo nguyên lý là bạn sẽ muốn kiếm được bao nhiêu tiền trong một năm, bạn muốn làm việc bao nhiêu tuần trong năm đó, và mỗi tháng bạn sẽ phải chụp bao nhiêu job để từ đó đưa ra mức giá tương ứng theo chỉ tiêu doanh thu của bạn. Phương pháp này có thể giúp bạn hình dung được mức ra nên đưa ra tốt hơn, nhưng sự thật là bạn sẽ không thể quyết định được số lượng khách hàng bạn sẽ nhận được.
Bạn chỉ có thể phỏng đoán được là một tháng sẽ chụp được bao nhiêu job. Nhưng trên thực tế là sẽ cần nhiều thời gian trước khi bạn có thể bắt đầu nhận khách mỗi tuần.
Một số ngành nghề nhiếp ảnh như chụp ảnh food yêu cầu rất nhiều ở công đoạn chuẩn bị và hậu kỳ. Với những ngành này, bạn cũng khó có thể làm việc nhiều hơn một job trong một tuần. Ngoài ra, còn có những công việc khác để vận hành công ty mà bạn cần phải dành thời gian ra để làm.
Chốt lại, bạn cần phải đưa ra với khách một mức giá đủ để trả các chi phí vận hành và chi phí sinh sống, sinh lời và thêm một khoản tiết kiệm cho những lúc khó khăn hoặc nâng cấp thiết bị.
Trước khi ra giá, bạn cần phải biết chi phí vận hành cho dịch vụ nhiếp ảnh của bạn. Nếu không có được điều này, mọi tính toán khác sẽ chẳng còn nghĩa lý gì nữa.
Credits:
Bài viết gốc bởi Darina Kopcok tại: expertphotography.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.