Bài viết này sẽ đặt ra những tiêu chí để hướng dẫn người đọc học cách cảm thụ các tác phẩm nghệ thuật trực quan, bao gồm tranh vẽ, những tác phẩm đa chất liệu, thiết kế đồ họa, điêu khắc, in ấn, kiến trúc, nhiếp ảnh, chất liệu, thời trang và vân vân. Những tiêu chí này sẽ nhắc đến những thuật ngữ trong nghệ thuật, giúp cho bạn có thể hình thành khả năng sử dụng ngôn ngữ chuyên sâu đúng ngành. Bài viết được dựa trên những lời khuyên từ các sách nghệ thuật cũng như từ những giáo viên dạy ngành nghệ thuật có kinh nghiệm giảng dạy về lĩnh vực này.
TẠI SAO PHẢI HỌC VỀ NGHỆ THUẬT?
Hầu hết mọi học sinh ngành nghệ thuật đều phải làm các bài tập cảm thụ các tác phẩm nghệ thuật, bên cạnh việc tự tạo ra các tác phẩm của riêng mình. Việc đánh giá và phân tích các tác phẩm khác giúp cho học sinh có thể hiểu rõ về những yếu tố bố cục, để sau đó áp dụng kiến thức này khi xây dựng các tác phẩm của bản thân. Việc cảm thụ nghệ thuật là một trong những cách tốt nhất để phát triển hơn.
“Những giảng viên yêu cầu phân tích nghệ thuật sẽ muốn bạn phải quan sát rất kỹ càng. Hãy coi tác phẩm trước mắt như một chuỗi các quyết định được đưa ra bởi người nghệ sĩ. Việc bạn cần làm là tìm ra và mô tả những quyết định của tác giả, cũng như là giải thích và nêu ra cách hiểu của bạn về những quyết định đó.”
– The Writing Center, Đại học North Carolina tại Chapel Hill
LỜI KHUYÊN KHI CẢM THỤ NGHỆ THUẬT
- Chỉ nói là “Tôi thích tác phẩm này” hoặc “không thích tác phẩm này” mà không đưa ra lý do cụ thể thì không được coi là cảm thụ nghệ thuật. Những quan điểm cá nhân của bạn cần được chứng minh bằng lý lẽ và bằng chứng.
- “Cảm thụ tác phẩm nghệ thuật” không giống với mô tả tác phẩm đó. Để bài phân tích được đánh giá cao, bạn cần đi xa hơn việc chỉ nêu ra những thứ hiển nhiên và thêm thắt vào cả những kiến thức và quan điểm của bản thân. Bạn nên thể hiện khả năng tư duy cao hơn, trong đó bao gồm khả năng phân tích, đánh giá, trình bày thông tin và ý tưởng. Ví dụ như nếu trong bức tranh có một mảng màu tương phản mạnh, bạn có thể phát hiện ra điều này và đưa ra một giả thuyết về mục đích của cách chọn màu này – có lẽ là để tạo điểm nhấn cho bức tranh, hoặc truyền tải một thông điệp nào đó.
“Một bài đánh giá cần phải có phần mô tả, tuy nhiên chỉ mô tả thôi thì sẽ không đủ. Bạn còn cần phải giới thiệu và đặt những yếu tố miêu tả vào một ngữ cảnh cụ thể để người đọc có thể hiểu tác dụng của chúng lên người xem.”
– Sylvan Barnet, A Short Guide to Writing About Art
- Nói đến nhiều phương diện trực quan và các nguyên tắc thiết kế khác nhau trong tác phẩm. Nhiều học sinh rất giỏi trong việc phân tích một hoặc hai yếu tố trong tác phẩm, mà quên không động đến những yếu tố khác – ví dụ như có rất nhiều người chỉ thích phân tích cách sử dụng màu sắc trong mọi bài phân tích của mình. Bạn cần đảm bảo rằng bài cảm thụ của bạn bao gồm nhiều phương diện nghệ thuật và các nguyên tắc thiết kế khác nhau, đồng thời đưa ra ngữ cảnh và giải thích nếu cần thiết. Những câu hỏi bên dưới sẽ giúp bạn trong việc này.
- Đừng quên đính kèm tác phẩm đang phân tích trong bài đánh giá. Đối với hầu hết mọi trường hợp, các bài cảm thụ bằng chữ sẽ được đính kèm với tác phẩm đang phân tích. Điều này sẽ giúp cho người đọc hiểu rõ chủ đề bài viết và đánh giá nội dung bài viết tốt hơn.
- Sử dụng các hình ảnh trực quan để minh họa cho bài đánh giá. Bạn nên đưa vào bài cảm thụ những yếu tố trực quan như các hình vẽ, các tác phẩm khác và các biểu đồ để giúp bạn hiểu và phân tích tác phẩm rõ hơn. Các yếu tố này có thể là những bản phác thảo bố cục, biểu đồ cấu trúc của tác phẩm, hình phóng to những chi tiết nhỏ trong tác phẩm, những tác phẩm có sử dụng kỹ thuật tương tự, hoặc những hình vẽ minh họa, vân vân,…
Việc phác lại hoặc vẽ lại các tác phẩm nghệ thuật đã là cách mà nghệ sĩ học hỏi từ nhau suốt nhiều thế kỷ. Bằng cách này, bạn sẽ như được tham gia vào quá trình tạo ra một tác phẩm và đặt bản thân vào cách tiếp cận của tác giả ngay cả khi trước đó bạn không biết gì về tác phẩm này. Bạn nên cố gắng thường xuyên làm bài tập này, không phải từ một tấm bưu thiếp, trên mạng hay tranh ảnh trong sách, mà là từ chính tác phẩm. Phương pháp này buộc bạn phải quan sát kỹ lưỡng tác phẩm và cân nhắc đến những yếu tố mà có thể bạn đã bỏ qua trước đây.
– Susie Hodge, How to Look at Art?
Và cuối cùng, khi viết về nghệ thuật, bạn nên trình bày một cách rõ ràng, nêu ra các kiến thức cá nhân có liên quan đến chủ đề, sử dụng thuật ngữ chính xác, nêu ra quan điểm cá nhân, và tham khảo các ý kiến bên ngoài.
BÀI CẢM THỤ NGHỆ THUẬT NÊN CÓ NỘI DUNG NHƯ THẾ NÀO?
Từng yếu tố trong bố cục nghệ thuật sẽ được phân tích riêng biệt ở bên dưới. Tuy nhiên khi viết bài cảm thụ bạn nên cố gắng tìm ra mối liên kết giữa từng yếu tố trực quan trong tác phẩm (đường nét, hình dáng, hình khối, tone, màu sắc, chất liệu, không gian), và phân tích cách chúng kết hợp với nhau dựa trên các nguyên tắc về thiết kế (như sự thống nhất, đa dạng, nhấn mạnh, chủ đạo, cân bằng, đối xứng, hài hòa, chuyển động, tương phản, nhịp điệu, tái lặp, kích cỡ, tỷ lệ) để truyền tải ý nghĩa.
“Một tác phẩm nghệ thuật có thể có nhiều yếu tố phức tạp, nhưng thực sự thì người đánh giá chỉ có thể dựa trên 3 yếu tố chung nhất. Đầu tiên là đánh giá về hình khối, tiếp theo là nội dung và cuối cùng là ngữ cảnh (kèm theo là giải thích các mối liên hệ giữa những yếu tố trên).”
– Tiến sĩ Robert J. Belton, Art History: A Preliminary Handbook, Đại học British Columbia
“…một bài đánh giá chi tiết -thành quả của việc quan sát kỹ lưỡng, là một bài phân tích về những hình khối mà người tác giả đã tạo ra. Nó là một bài phân tích về tác phẩm nghệ thuật được hình thành bởi các đường nét, các hình khối, màu sắc, chất liệu, kích thước, bố cục sắp xếp. Đây là những yếu tố tạo hình cho tấm đá khắc hay trang giấy vẽ, giúp cho những vật này có biểu cảm, có nội dung và có ý nghĩa.”
– Sylvan Barnet, A Short Guide to Writing About Art
Video bên dưới bởi tiến sĩ Beth Harris, Steven Zucker và Naraelle Hohensee là một ví dụ tuyệt vời để giúp bạn hiểu hơn về cách thức phân tích một tác phẩm nghệ thuật. (lưu ý rằng video này chỉ là một bài đánh giá hình ảnh, các tác giả chưa đưa ra phân tích ngữ cảnh của tác phẩm.)
CÁC TIÊU CHÍ CẦN ĐẶT RA KHI CẢM THỤ NGHỆ THUẬT TRỰC QUAN
Những tiêu chí bên dưới được thiết kế để giúp khai mở mối liên hệ với một tác phẩm nghệ thuật và khuyến khích một cách nhìn nhận rộng và sâu về tác phẩm đó. Chúng có mục đích giúp bạn bắt đầu hình thành các suy nghĩ cao hơn và giúp bạn xây dựng một bài đánh giá nghệ thuật mạch lạc.
Bạn không nhất thiết phải đảm bảo mọi tiêu chí bên dưới khi cảm thụ nghệ thuật (việc đó sẽ khiến các bài phân tích của bạn dài một cách thừa thãi và mang tính chất máy móc); thay vào đó bạn nên chỉ tập trung vào những phương diện hợp lý và quan trọng nhất đối với tác phẩm mà bạn đang muốn phân tích (bởi vì một số tiêu chí sẽ phù hợp khi phân tích tác phẩm điêu khắc hơn là tranh vẽ). Những từ ngữ được sử dụng ở bên dưới cũng là những ví dụ để giúp bạn làm quen với các thuật ngữ chuyên ngành hơn. Các khái niệm phức tạp hơn cũng sẽ được giải thích rõ ràng.
Bạn không nên copy lại danh sách tiêu chí và chỉ trả lời chúng; mà bạn nên coi đây là một điểm bắt đầu để giúp bạn viết dàn bài cho bài cảm thụ của riêng mình.
NỘI DUNG, NGỮ CẢNH VÀ Ý NGHĨA
Chủ thể / chủ đề / vấn đề / câu chuyện / ý tưởng
Đôi khi một tác phẩm nghệ thuật có thể có những cách hiểu khác nhau, đối nghịch và thậm chí là mâu thuẫn với nhau.
Một tác phẩm nghệ thuật không nhất thiết chỉ là những chủ ý của người tác giả tạo ra nó.
– Terry Barrett, Criticizing Art: Understanding the Contemporary
Sự quan tâm của chúng ta với một bức tranh chỉ thực sự đâm chồi khi chúng ta bỏ qua tên của tác phẩm mà bắt đầu tập trung vào những thứ mà nó không trực tiếp nhắc đến…
– Francoise Barbe-Gall, How to Look at a Painting
- Tác phẩm có thuộc một thể loại đã được định trước (ví dụ như thể loại lịch sử, tôn giáo, chân dung, phong cảnh, tĩnh vật, hư cấu, kiến trúc)?
- Trong tranh có các đồ vật, nơi chốn hay khung cảnh nào quen thuộc? Chúng được minh họa trong tranh như thế nào? (lý tưởng hóa, tả thực, bình thường, giấu kín, bóp méo, phóng đại, cách điệu, phản chiếu, tối giản hóa, thô sơ, trừu tượng, che lấp, hàm xúc, mờ nhạt hay sắc nét)
- Trong tranh có hình ảnh con người hay không? Con người đó được miêu tả như thế nào (danh tính, tuổi tác, trang phục, nghề nghiệp, văn hóa, sức khỏe, mối quan hệ trong gia đình, tài sản, cảm xúc/biểu cảm)? Dáng điệu của những nhân vật này có hàm ý gì (chính diện, nghiêng, ngôn ngữ cơ thể)? Họ đang nhìn về phía nào (nhìn trực tiếp người xem, nhìn bên dưới, nhìn về một vật nào khác trong bức tranh)? Mối quan hệ giữa những nhân vật trong tranh có được thể hiện thông qua dáng điệu của họ hay không?
Những lớp trang phuc, nội thất, trang sức (ngựa, kiếm, thú nuôi, đồng hồ, giấy tờ,…), hậu cảnh, góc nghiêng của đầu và dáng điệu của cơ thể, hướng nhìn, biểu cảm trên khuôn mặt đều đóng góp xây dựng hình ảnh của một cá nhân (có thể là người quý tộc, giáo sĩ) và tính cách cho nhân vật đó (căng thẳng, điềm đạm, quyến rũ).
– Sylvan Barnet, A Short Guide to Writing About Art
- Có những đồ vật hay chi tiết quan trọng nào được đưa vào (khăn chùm, trang phục, trang sức, yếu tố kiến trúc, huy hiệu, logo, motif)? Khung cảnh hỗ trợ cho chủ thể như thế nào? Việc đưa những yếu tố này vào tạo ra hiệu ứng gì trong bố cục (hợp nhất, liên kết, chỉ hướng, bất ngờ, đa dạng, tạo điểm nhấn, ngăn cách, biến đổi, đối chiếu)?
Motif là một yếu tố trong bố cục hoặc thiết kế được sử dụng nhiều lần với mục đích trang trí, tạo kết cấu hoặc tượng trưng. Một motif có thể mang tính đại diện hoặc trừu tượng, nó cũng có thể mang những ý nghĩa biểu tượng. Motif có thể được lặp đi lặp lại trong nhiều tác phẩm khác nhau và thường xuất hiện nhiều lần trên các tác phẩm trải dài cuộc đời của một nghệ sĩ.
– John A. Parks, Universal Principles of Art
- Tác phẩm có truyền tải một câu chuyện hay một hành động nào không ( ví dụ như các sự kiện lịch sử hoặc một phân cảnh trong một câu chuyện)? Sự sắp xếp này được cách điệu hóa, được xây dựng hay được lên kế hoạch trước?
- Tác phẩm có tạo cảm giác chuyển động không? Bạn có cảm thấy rằng một phần nào đó của bức tranh có thể sẽ thay đổi, vấp hoặc rơi? Tác phẩm có nắm bắt sự vật giữa dòng chuyển động (nhiều hình ảnh liên tiếp, các nét mờ, nghệ thuật biểu diễn, video, nghệ thuật động học)?
- Những yếu tố trừu tượng nào được thể hiện (các đường nét và hình dáng trừu tượng)? Những yếu tố này có được xây dựng từ những hình dáng có thật? Chúng là kết quả của sự sáng tạo ngẫu hứng hay có chủ ý sẵn?
- Tác phẩm có sử dụng yếu tố từ những tác phẩm khác hay không? Điều này tạo ra hiệu ứng gì?
Parody: bắt chước lại vẻ bề ngoài hoặc phong thái của một vật hoặc người nhưng có phần châm biếm để tạo hiệu ứng hài hước hoặc phê phán…
– Dr. Robert J. Belton, Art History: A Preliminary Handbook, The University of British Columbia
- Chủ thể trong tác phẩm có đem lại những phản ứng bản năng, ví dụ như cung cấp thông tin, gây shock hay có tính đe dọa đến sự an toàn của con người ( ví dụ như những nơi nguy hiểm, các đồ vật khác thường, các khuôn mặt, hướng nhìn, chuyển động, các dòng chữ)?
- Những loại chữ cái nào đã được sử dụng (kích cỡ chữ, nét chữ, font chữ, chữ in, chữ vẽ tay, chữ máy tính)? Tại sao lại có cách sử dụng chữ cái như vậy?
- Những đối tượng quan trọng có giá trị biểu tượng hay ý nghĩa gì không? Tác phẩm đã truyền tải những nội dung sâu sắc, mang tính trừu tượng hơn như thế nào (hàm ý, các yếu tố biểu tượng, các dấu hiệu, sự mỉa mai, tính ẩn dụ)?
Hàm ý là cách các ý tưởng trừu tượng có thể được truyền tải thông qua các hình ảnh trong thế giới vật chất. Các yếu tố, dù là con người hay đồ vật, trong một bức tranh hay bức điêu khắc đều mang ý nghĩa biểu tượng của riêng chúng. Các mối quan hệ và sự tương tác đều kết hợp với nhau để tạo nên những tầng lớp ý nghĩa phức tạp hơn.
– John A. Parks, Universal Principles of Art
Biểu tượng (iconography) là một hệ thống các hình ảnh được sử dụng bởi nghệ sĩ để truyền tải một thông điệp cụ thể. Ví dụ như trong các bức tranh Kinh thánh thường có một loạt các biểu tượng như là con cừu tượng trưng cho Chúa, hay con chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Linh.
– Tate.org,uk
- Tác phẩm có giọng điệu như thế nào (chủ ý, chân thật, tự truyện, hiển nhiên, trực tiếp, cương quyết, đối diện, nhẹ nhàng, mờ ảo, do dự, châm biếm, truyền đạo)?
- Cảm xúc của bạn phản ứng với tác phẩm ra sao? Tâm trạng mà tác phẩm đem lại là gì? (tích cực, năng động, hưng phấn, nghiêm túc, nhẹ nhàng, bình yên, gợn buồn, căng thẳng, không thoải mái, vui vẻ, điềm báo, hỗn loạn)? Những đối tượng nào trong tác phẩm đã góp phần tạo nên trạng thái này (thời tiết, màu sắc, khung cảnh)?
- Tên của tác phẩm có thay đổi cách nhìn nhận của bạn về nó không?
- Nội dung và chủ đề của tác phẩm có được giới hạn bởi yếu tố nào hay không?
- Có sự liên kết nào của tác phẩm với những tác phẩm của chính bạn? Bạn đã học được gì từ cách tiếp cận của tác giả?
Ngữ cảnh rộng hơn
Mọi loại hình nghệ thuật đều có phần phản ánh thế giới xung quanh nó.
– Terry Barrett, Criticizing Art: Understanding the Contemporary
- Bạn có thể nghiên cứu xem tác phẩm được ra đời lúc nào, ở đâu và ví lý do gì cũng như mục đích ban đầu của nó (thương mại, được đặt hàng, có tính lưu niệm, giáo dục, quảng bá, minh họa, trang trí, lên án, thực tiễn, trưng bày). Những yếu tố này đã ảnh hưởng lên sản phẩm cuối cùng ra sao (công cụ, thời gian, kỳ vọng của người mua)?
- Nơi chốn ra đời tác phẩm có tạo ra ảnh hưởng gì (phản ánh văn hóa địa phương, kỹ thuật thủ công, phong tục, phù hợp cho khí hậu vùng miền, tạo ra trên các di tích lịch sử)?
- Những sự kiện hay yếu tố môi trường nào đã ảnh hưởng lên tác phẩm (những hiện tượng tự nhiên, những phong trào xã hội, những sự kiện chính trị, kinh tế, lịch sử, tôn giáo, văn hóa) và ảnh hưởng như thế nào?
- Tác phẩm có mang các nét đặc trưng của một phong trào nghệ thuật? Nó có bị ảnh hưởng bởi xu thế hay các hệ tư tưởng nào không?
- Bạn có thể so sánh tác phẩm với tác phẩm nào khác hay không? Những nghệ sĩ khác liệu có khám phá đối tượng này theo cách tương tự? Điều này xảy ra trước hay sau khi sự ra đời của tác phẩm?
- Bạn có liên hệ tác phẩm với các ngành nào khác hay không (địa lý, toán học, văn học, điện ảnh, âm nhạc, lịch sử, khoa học)?
- Những chi tiết về cuộc sống của tác giả (câu chuyện lớn lên, các vấn đề cá nhân, gia đình và mối quan hệ, tình trạng tâm lý, sức khỏe, giai cấp địa vị, nghề nghiệp, dân tộc, văn hóa, giới tính, sở thích, thái độ, giá trị cá nhân, niềm tin) có ảnh hưởng như thế nào hay không?
- Tác phẩm có là một phần của một công trình lớn hơn? Tác phẩm có thể được coi là đặc trưng cho phong cách của tác giả hay không?
- Các điều kiện và niềm tin của chính bạn có ảnh hưởng như thế nào đến cách bạn đón nhận tác phẩm? Phản ứng của bạn có khác so với phản ứng chung của người xem và của giới phân tích?
- Những ngữ cảnh rộng hơn của tác phẩm này có so sánh được với ngữ cảnh trong các tác phẩm của bạn hay không?
BỐ CỤC VÀ HÌNH DÁNG
Định dạng
- Tác phẩm mà bạn muốn phân tích có kích cỡ, hình dáng và chiều hướng (dọc, ngang, chân dung, phong cảnh, vuông) như thế nào? Lựa chọn định dạng này có được quyết định bởi những điều kiện mang tính thực dụng như số lượng vật liệu, giới hạn về không gian trưng bày, hạn chế về thiết kế, kích cỡ màn hình, hay khổ giấy có sẵn?
- Tác phẩm được đặt trong khung như thế nào (bị cắt hay tràn kín)? Tại sao định dạng này lại phù hợp với tác phẩm đó?
- Trong tác phẩm có những chi tiết được tách rời khỏi nhau không?
- Giới hạn về không gian của tác phẩm là gì? (đầy đủ, nhỏ gọn, kéo dài hay hút sâu)
- Tác phẩm chỉ có thể được trưng bày ở một địa điểm hay có thể di chuyển?
- Định dạng của tác phẩm cố định hay có thể được chỉnh sửa và thay đổi theo thời gian? Điều gì có thể gây ra những thay đổi tiềm tàng đó (ví dụ như thời tiết, tiếp xúc với các hiện tượng tự nhiên như nhiệt độ, chất hóa học, phai màu, mục rữa, gió thổi, ma sát, hoặc những sự suy sụp về cấu trúc như vỡ, nứt, va đập, hỏa hoạn, phá hoại; cũng có thể là những thay đổi có chủ ý như khả năng xoay gập, tính vô thường có chủ ý, tương tác với người xem, những biến đổi cách tân)? Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến tác phẩm như thế nào?
- Kích cỡ và định dạng của tác phẩm có liên hệ gì với môi trường xung quanh nó (hài hòa với phong cảnh, nhạy cảm với các vật bao quanh, bị đè nén trong không gian, có kích cỡ ngang người)? Tác phẩm có được thiết kế ra để được quan sát chỉ từ một góc hay nhiều góc khác nhau? Những góc này đã được coi là tốt nhất chưa?
- Một định dạng tương tự có thể phù hợp với các dự án của riêng bạn hay không? Nêu lý do.
Kết cấu / cách sắp xếp
- Tác phẩm được sắp xếp theo các khuôn hình tiêu chuẩn hoặc các quy tắc toán học (quy tắc 1/3, tỷ lệ vàng, dạng lưới, tam giác áp đảo, bố cục hình tròn) hay có cấu trúc ngẫu nhiên hơn (hỗn loạn, ngẫu nhiên, phân mảnh, ngẫu hứng, rải rác, uốn khúc, bất thường)? Ý nghĩa của cấu trúc như vậy là gì? Bạn cũng có thể vẽ một biểu đồ để minh họa cho câu trúc của tác phẩm.
- Bạn có thấy được ý đồ của tác giả trong việc sắp xếp và căn ke từng yếu tố trong tác phẩm (các cạnh ăn khớp, những đồ vật được xếp cách đều nhau, sự giao thoa giữa những mảng phức tạp và đơn giản, hình dáng lặp lại, những đồ vật vượt khỏi khung hình, những khung hình đan xen nhau, khung hình bị phá vỡ)? Chúng đem lại hiệu ứng gì (ám hiệu tầm quan trọng, giúp người xem hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa các đối tượng, tạo ra nhịp điệu)?
- Tác phẩm có các trục đối xứng hay không? Bạn có tìm được điểm trọng tâm cân bằng? Tác phẩm có kết cấu đối xứng, bất xứng, hình tròn hay cố tình bất cân đối (để tạo cảm giác căng thẳng)?
- Đối tượng nào chiếm vị trí áp đảo trong tác phẩm? Vị trí của chúng ra sao?
- Hướng nhìn của người xem tác phẩm như thế nào?
- Tác phẩm của bạn có áp dụng được các kết cấu bố cục tương tự hay không?
Đường nét
- Các đường nét trong tác phẩm có tính chất (đậm, thanh, ngắn, dài, mềm mại, cứng cáp, nhẹ nhàng, nổi bật, mờ, đồng đều, thay đổi liên tục, vẽ tay, vẽ bằng thước, đầy biểu cảm, giao nhau, uốn khúc, dạng chất lỏng, uyển chuyển, gai góc, sắc nét) như thế nào? Chúng tạo ra không gian, cảm xúc, trạng thái hoặc ý tưởng như thế nào?
- Chúng là những đường nét rõ ràng hay ẩn khuất (những đường nét không thể nhìn thấy, nhưng có thể cảm nhận được khi kết nối các điểm giữa các đối tượng khác)?
- Đường nét nào chiếm vị trí áp đảo trong bố cục? Hiệu ứng của chúng đem lại là gì? Bạn có thể vẽ minh họa những đường nét này được không?
- Các đường lặp lại: có thể tạo cảm giác chất liệu, bề mặt, hoa văn hoặc nhịp điệu
- Các đường phân cách: chia rẽ, tách biệt các vùng khác nhau
- Các đường dẫn: Chi phối hướng nhìn của người xem, chỉ dẫn tầm nhìn hoặc hút mắt người xem về một tâm điểm (các nghiên cứu về hành vi nhìn của con người chỉ ra rằng mắt chúng ta sẽ thay đổi hướng nhìn giữa các điểm trọng tâm trong một khung hình, chứ không trôi theo các đường dẫn. Tuy nhiên, các đường dẫn này vẫn có chức năng chỉ mắt đến những đối tượng cụ thể).
- Các đường song song: có thể tạo ra cảm giác về chiều sâu trong khung cảnh
- Các đường dọc: tạo cảm giác chiều cao, chuyển động lên hoặc xuống
- Các đường vuông góc giao nhau: tạo cảm giác chắc chắn, khỏe khoắn
- Các đường thẳng trừu tượng: tạo sự cân bằng trong bố cục, tạo tính tương phản hoặc nhấn mạnh
- Các đường chéo: tạo cảm giác căng thẳng
- Các đường hỗn loạn: tạo cảm giác hoảng loạn hoặc kích động
- Các đường viền: tạo hình dáng cho đối tượng
- Các đường cong, các đường tự nhiên: có thể chỉ sự tự nhiên, yên bình, chuyển động hoặc năng lượng
- Mối quan hệ giữa đường thẳng và hình khối 3D được thể hiện như thế nào? Các đường viền có được sử dụng để tạo hình và phân cách hay không?
- Tác phẩm của bạn có thể sử dụng những phương pháp tương tự hay không?
Những tác phẩm trên bởi James Gurney (tác giả của cuốn Imaginative Realism) minh họa khái niệm được ông gọi là “spokewheeling” – các đường dẫn đều giao nhau tại một điểm nhằm giúp dẫn dắt sự chú ý của người xem.
Hình và khối
- Bạn có tìm được ngôn ngữ hình ảnh từ các hình khối trong tác phẩm (tính hình học, góc cạnh, hình chữ nhật, các hình cong, hình tự nhiên, hình phân mảnh, hình bị bóp méo, hình tự do, đa dạng, bất biến, phức tạp, tối giản)? Tại sao ngôn ngữ hình ảnh này lại phù hợp với tác phẩm?
- Các đường cạnh của hình khối được trình bày như thế nào (chúng bị làm mờ đi vào trang giấy, bị xé rách, có viền rõ ràng)?
- Trong tác phẩm có những khối ba chiều hay khối nổi nào không? Những yếu tố này khi được người xem từ nhiều góc khác nhau có hiệu ứng khác nhau không?
- Các hình/khối có được tái lặp hay không? Hiệu ứng mà điều này đem lại là gì (củng cố một ý tưởng, cân bằng bố cục, tạo nhịp điệu và sự đồng nhất, tạo điểm nhấn hoặc áp đảo tâm trí)?
- Các hình khối được sắp xếp tổ chức như thế nào (nhóm lại, đè lên nhau, lặp lại, ghép vào với nhau, tiếp tuyến, tương phản về kích cỡ, đánh lạc hướng)?
- Hình khối trong tác phẩm có hình bóng không?
Mọi hình dáng đều có hình bóng của riêng nó, và nghiên cứu thị giác đã chỉ ra rằng một trong những bước đầu tiên khi quan sát một khung cảnh là xác định hình bóng bao quanh từng vật trong khung cảnh.
– James Gurney, Imaginative Realism
- Các hình khối có được thiết kế dựa trên tính thực dụng và con người?
Ergonomics (công thái học): một lĩnh vực khoa học nghiên cứu về cách thiết kế và sắp xếp các đồ vật sao cho con người có thể tương tác và sử dụng một cách hiệu quả và an toàn nhất.
– merriam-webster.com
- Những hình khối nào có tính thực dụng và tạo kết cấu, và những hình khối nào mang tính trang trí?
- Trong tác phẩm có những hình khối tháo rời hay không? Mục đích của việc này là gì (giải thích kết cấu của hình khối, truyền tải thông điệp, tạo hiệu ứng kịch tính)?
- Bạn có nên sử dụng những phương pháp tương tự trong các tác phẩm cá nhân hay không?
Tính chất / tone / ánh sáng
- Trong tác phẩm có sử dụng nhiều vùng tone sáng khác nhau hay không (các vùng tối, sáng và midtone) hay vùng tone giới hạn hơn (mờ nhạt, u tối, vùng sáng và tối mạnh)? Hiệu ứng điều này đem lại là gì?
- Nguồn sáng trong khung cảnh đặt ở đâu? Khung cảnh có một nguồn sáng hay nhiều nguồn sáng khác nhau (mặt trời, bóng đèn, đuốc, đèn bàn, mặt phẳng phát sáng)? Lựa chọn ánh sáng như vậy có ý nghĩa gì (mô phỏng ánh sáng tự nhiên, làm nổi khối đối tượng, đặt trọng tâm vào một vật, ánh sáng mềm để giảm tương phản, ánh sáng lấm tấm do bị che khuất, ánh sáng chiaroscuro để đẩy mạnh hiệu ứng kịch tính, các mảng thiếu sáng để tạo sự tối giản, nâng cao khả năng thông hiểu của người xem)?
Một trong những cách quan trọng nhất mà nghệ sĩ có thể sử dụng ánh sáng để đạt được hiệu ứng mong muốn là tạo ra sự tương phản mạnh mẽ giữa vùng sáng và vùng tối, hay còn gọi là chiaroscuro.
-Matthew Treherne, Analysing Paintings, Đại học Leeds
- Cách vẽ các hình khối ba chiều trong tác phẩm phẳng hay có khối? Sự chuyển vùng sáng tối trên đối tượng có tính chất như thế nào (nhẹ nhàng, mềm mại hay gắt)?
- Có mặt phẳng, chất liệu hay bề mặt nào có tính phản chiếu hoặc trong suốt, hoặc có đặc tính phản chiếu ánh sáng đặc biệt không?
- Tone sáng có được sử dụng để tạo cảm giác về không gian (các vật xa hơn ngày càng nhạt và ám xanh)?
- Nguồn sáng ở nơi tác phẩm được trưng bày cố định hay thay đổi? Tác phẩm có thay đổi gì giữa các khoảng thời gian trong ngày không? Điều này có ảnh hưởng gì đến nội dung của tác phẩm hay không?
- Trong tác phẩm có hình vẽ bóng không? Chúng có hiệu ứng như thế nào (cố định vị trí đối tượng, tạo cảm giác về chiều sâu, tạo tương phản)?
- Các mảng khối hoặc mảng nổi trong tác phẩm có tạo bóng đổ lên các vùng khác không? Điều này ảnh hưởng như thế nào đến trải nghiệm của người xem?
- Tone sáng đã dẫn mắt người xem đến vùng trọng tâm của tác phẩm như thế nào?
- Bạn có thể áp dụng những phương pháp tương tự lên các tác phẩm của mình được không?
Màu sắc
- Bạn có điều kiện quan sát màu sắc thật sự của tác phẩm hay không, hay chỉ đang nhìn lại một bản kỹ thuật số hoặc quan sát dưới điều kiện ánh sáng kém?
- Trong tác phẩm phối màu sắc như thế nào (dung hòa, đối xứng, màu chủ đạo, monochrome, màu ấm, màu đất, màu lạnh)? Tác giả đã sử dụng một bảng màu rộng hay giới hạn? Màu sắc nào chiếm vị trí chủ đạo?
- Cường độ màu sắc như thế nào (tươi, sáng, thuần túy, bão hòa, mạnh, mờ, màu pha, màu tẩy)?
- Màu sắc có tính trong suốt hay phủ kín?
- Tác phẩm có áp dụng tương phản màu sắc hay không (tương phản mạnh, đối chiếu các màu tương hỗ, đối nghịch)? Có sự thay đổi bất thường nào về màu sắc trong hình ảnh hay không?
- Lựa chọn màu của tác giả có ý nghĩa (truyền tải một thông điệp, mô tả giống ngoài đời, nhấn mạnh, tạo cảm giác về góc nhìn trên cao, tạo sự cân đối, tạo nhịp điệu, tạo sự đồng nhất và sự đa dạng, thiếu màu sắc để nhấn mạnh hình khối, chi tiết) gì? Những màu sắc này tạo không gian như thế nào?
Thường thì các màu ấm (cam, đỏ, vàng) sẽ nổi bật hơn và tạo cảm giác phấn khích (màu vàng được coi là màu sắc ấm áp và hạnh phúc nhất), còn những màu lạnh (lam, lục) thường sẽ thu về phía sau và có hiệu ứng làm dịu. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng phản ứng với màu sắc của mỗi người lại khác nhau do các đặc điểm cá nhân, văn hóa đa dạng.
– Sylvan Barnet, A Short Guide to Writing About Art
- Bạn có thể áp dụng những phương pháp trên trong các tác phẩm của mình không?
Chất liệu / bề mặt / pattern
- Tác phẩm có sử dụng những chất liệu hay bề mặt nào đáng chú ý không (gồ ghề, mướt phẳng, dập chìm, xước, vo nhàu, bóng bẩy, đánh dầu, kính trong, đánh bóng, matte, sạn, giả da, gai góc, mềm mại)? Những chất liệu này đã được tạo ra như thế nào (do chất liệu làm nên tác phẩm, do phương tiện truyền tải, vật liệu điêu khắc, ảo ảnh hoặc chất liệu được ám chỉ qua phương pháp vẽ, chi tiết trong nét vẽ, những pattern lặp lại như lá cây hoặc sỏi nhỏ, cách trang trí)?
- Những yếu tố làm nên chất liệu hoặc pattern có vị trí ra sao và đem lại hiệu ứng gì (sử dụng xuyên suốt để tạo sự đa dạng, lặp pattern để tạo tính nhịp điệu, phá vỡ pattern để tạo điểm nhấn, những mảng chất liệu tạo sự liên kết và hợp nhất giữa những vùng khác nhau, cân bằng giữa những mảng có chi tiết / chất liệu với những vùng đơn giản hơn, mặt bóng để tạo cảm giác quý phái, cho phép người xem hiểu rõ hơn về đối tượng ví dụ như một mái tóc hoặc một bộ lông mềm mượt)?
- Việc áp dụng kỹ thuật tương tự có phù hợp với những tác phẩm của cá nhân bạn hay không?
Không gian
- Không gian hình ảnh (pictorial space) của tác phẩm có chiều sâu hay phẳng? Tác giả có tạo chiều sâu cho khung hình hay không (có thể là bằng cách đưa vào các yếu tố tiền cảnh, trung cảnh, hậu cảnh, các đối tượng nằm đè lên nhau, đổ bóng để cố định vị trí cho đối tượng, đặt điểm hút mắt, đặt góc nhìn, tạo khối, tạo mối liên hệ giữa các đối tượng kề nhau và tương quan với hình dáng con người để tạo cảm quan về kích cỡ, bóp méo không gian hoặc các ảo ảnh thị giác, biến đổi kích cỡ các đối tượng để tạo không gian siêu thực)?
- Góc nhìn của người xem có gì khác thường hay không (góc nhìn ống, góc nhìn từ trên cao, nhìn ra ngoài cửa sổ hoặc khung cửa, cảnh phản chiếu qua mặt gương, nhìn qua tán lá, kết hợp nhiều góc nhìn khác nhau)? Hiệu ứng mà góc nhìn này đem lại là gì (đặt trọng tâm vào các mảng khác nhau, rút ngắn và cô đọng nội dung, hoặc thêu dệt một câu chuyện giữa hai không gian tách biệt, đem đến cho người xem một góc nhìn khác)?
- Tác giả đã chú trọng vào vật thể hay khoảng trống? Những yếu tố trong khung hình được sắp xếp dày đặc hay thưa thớt? Mối liên hệ giữa các đối tượng và không gian xung quanh được thể hiện như thế nào (tối ưu hóa không gian, chật chội, chật kín chi tiết với ít không gian trống, rộng rãi, kết hợp nhịp nhàng giữa không gian negative space và positive space, các nhóm đối tượng được gộp lại để tạo điểm nhấn)? Hiệu ứng mà điều này đem lại là gì (tạo cảm giác trống rỗng hoặc cô độc, sắp xếp lộn xộn để tạo cảm giác hỗn loạn và chật chội)?
- Tác phẩm có mối liên hệ gì với không gian thật bên ngoài? Tác giả có mong muốn người xem đưa mắt qua nhiều vùng của tác phẩm hay không? Mối liên hệ giữa không gian bên ngoài và bên trong như thế nào? Tác phẩm là một chuỗi các không gian tách rời hay nối liền với nhau?
- Bạn có thể áp dụng các phương pháp tương tự vào các tác phẩm của mình không?
Cách sử dụng chất liệu / phương tiện
- Tác phẩm được tạo ra từ những chất liệu và phương tiện gì? Các chất liệu này có cảm giác bị che lấp hay được phô bày một cách có chủ ý (các chất liệu có được sử dụng dưới dạng nguyên bản của nó, có được tác giả cố tình tung hô, cấu trúc của chất liệu có được người xem dễ dàng nhìn thấy)? Giải thích lý do lựa chọn chất liệu này (màu sắc, khối lượng, kích cỡ, độ bền, độ dẻo dai, sử dụng dễ dàng, tính mong manh, giá cả, các yếu tốt văn hóa, độ chắc chắn, phạm vi phân bố, tính tiếp cận)? Có thể sử dụng chất liệu nào khác thay thế hay không?
- Những kỹ năng, kỹ thuật, phương pháp và công đoạn nào đã được sử dụng (truyền thống, hiện đại, công nghiệp, cách tân)? Bạn cũng nên lưu ý rằng người đọc sẽ không muốn đọc bài phân tích quá dài về các công đoạn kỹ thuật, mà họ sẽ chú trọng hơn về những quan sát của người viết và hiệu ứng lên nội dung tác phẩm. Bạn cũng có thể thử tái tạo lại một góc của tác phẩm để hiểu rõ các công đoạn trên hơn.
- Tác phẩm được tạo ra theo từng lớp hay từng giai đoạn? Ví dụ như:
- Vẽ tranh: đổ nền > tạo texture > vẽ viền > đổ màu > vẽ khối > hoàn thiện
- Kiến trúc: sơ lược > lên concept > phát triển ý tưởng > vẽ phác thảo > dựng gốc > dựng khung > ốp gạch > hoàn thiện
- Thiết kế đồ họa: sơ lược > lên concept > phát triển ý tưởng > Photoshop > kiểm tra lại > in
- Phương tiện được sử dụng giúp tác giả truyền tải thông điệp như thế nào?
- Những phương pháp này có áp dụng được với các tác phẩm của bạn không?
Để tóm lại, bạn nên nhớ rằng những câu hỏi phía trên chỉ là những lời chỉ dẫn để giúp bạn bắt đầu suy nghĩ về các tác phẩm nghệ thuật một cách sâu sắc hơn.
Credits:
Trích nguồn bài viết gốc tại : studentartguide.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.