Dù trong bất kỳ ngành nghề nào, thì freelancing (hay còn gọi là công việc tự do) đều gặp phải một vài thách thức. Nếu như coi công việc tự do là “working for yourself – làm việc vì bản thân”, thì làm freelance có lẽ sẽ chiếm hết cả ngày của bạn, không còn thời gian cho những điều khác.
Khi vùi đầu vào làm việc, kiếm tiền, trả chi phí và các khoản nợ, có thể bạn sẽ vô tình bỏ quên gia đình của mình, quên dắt chú chó cưng đi dạo. Thậm chí đôi lúc sẽ dùng “sữa tắm khô” để tiết kiệm thời gian rồi cứ thế lên giường đi ngủ.
Có thể làm freelance giúp bạn có thu nhập tốt, nhưng nó cũng là cái hố nhu cầu không đáy. Cụ thể là, sự thành công hay thất bại đều phụ thuộc vào những gì bạn làm, nên bạn nghĩ rằng “chỉ cần chăm chỉ hơn, thức khuya hơn chút nữa, mình sẽ đạt được điều mình muốn”. Nếu không có hướng khắc phục, bạn sẽ dễ làm chính mình kiệt sức, tệ hơn là mất đi các mối quan hệ xung quanh. Dưới đây là một số kinh nghiệm của tôi để tránh freelancing ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống cá nhân.
Hãy biết tiết kiệm
Tiền bạc là thứ không thể thiếu, vì vậy hãy giải quyết vấn đề tài chính trước. Dịch vụ mà bạn đang cung cấp có cần đa dạng hơn không? Có cần tiến hành một chương trình giảm giá không? Tôi nhận thấy phần lớn những freelancer hoặc chủ doanh nghiệp đều là người duy tâm. Bản thân là một người duy tâm, tôi biết rằng phải làm điều mình không đam mê nản đến mức nào, nhưng bạn vẫn làm vì bạn cần tiền. Nếu tưởng rằng nghỉ công việc văn phòng ổn định, chuyển sang làm freelance sẽ giúp bạn tự do và thoải mái hơn, thì bạn cần suy nghĩ lại. Không có tiền, thì không có gì là tự do và thoải mái cả.
Vì thế, dành ra một khoản tiết kiệm là cách giúp bạn giảm bớt áp lực tài chính. Hãy bắt đầu tiết kiệm với số tiền nhỏ, chẳng hạn như 500.000 mỗi tháng, sau đó tăng lên 1.000.000 (hoặc nhiều hơn). Khi số tiền tiết kiệm tương đương với 3 tháng lương, hãy mở một tài khoản tiết kiệm hưu trí và cố gắng tích luỹ mỗi năm càng nhiều càng tốt. Hãy tìm hiểu và có kế hoạch dài hạn để không bị stress vì tài chính.
Tiếp theo, hãy để ý hơn đến sức khoẻ tinh thần của mình. Nếu bạn đón nhận và kiểm soát được việc làm freelance, thì bạn sẽ vui vẻ chấp nhận những thứ khác trong cuộc sống. Freelance phải phục vụ cho cuộc sống của bạn, giúp bạn sống tốt hơn. Ngược lại, nếu bạn đang bị chi phối bởi nó, thì bạn cần phải xem xét lại, hoặc từ bỏ việc làm freelance. Tôi rất thích làm freelance, nhưng đã có nhiều lúc tôi gần như từ bỏ nó. Có thể một ngày nào đó tôi sẽ không làm freelance nữa, nhưng ít nhất đến lúc ấy, đó là lựa chọn của tôi, chứ không phải tôi gặp khó khăn trong tài chính hay bị suy sụp tinh thần.
Kiếm tiền ngắn hạn rồi bỏ nghề hay đi lên bền vững
Có một điều tôi thấm thía đó là nếu chúng ta theo đuổi nhiếp ảnh ngắn hạn, chúng ta có thể kiếm được nhiều tiền bằng cách làm việc 07 ngày/tuần. Nếu đi theo cách này, chúng ta sẽ không có những khoảng thời gian nghỉ để khôi phục lại năng lượng, đồng thời sức ép từ khách hàng và từ dự án sẽ làm cho bạn mau chóng bị kiệt kiệt quệ về sức khỏe tinh thần cũng như là thể chất. Do đó, chỉ sau khoảng từ một cho đến hai năm thì chắc chắn là bạn sẽ bỏ nghề vì thấy việc đi làm không còn mang lại cảm xúc mà chỉ toàn áp lực và mệt nhọc.
Thay vì đó, các bạn hãy bố trí thời gian làm việc một cách phù hợp. Ví dụ chúng ta có thể làm việc bốn đến năm ngày trong một tuần, và dành khoảng thời gian từ một cho đến hai ngày để làm các dự án cá nhân mà chúng ta yêu thích. Chúng ta cũng có thể dành thời gian này cho gia đình và tận hưởng cuộc sống bằng cách đi đến những nhiều nơi trên thế giới khám phá những nền văn hóa những ờ những nét đặc sắc mới mẻ ờ từ khắp nơi. Từ đó chúng ta có thể bổ sung được cho mình những vốn liếng về văn hóa xã hội làm giàu thêm cuộc sống tinh thần của chúng ta. Có như vậy, khi quay lại với công việc, chúng ta mới duy trì được nguồn năng lượng và thái độ làm việc tích cực. Con đường phát triển bản thân sẽ ngày càng tốt hơn.
Hãy sống cho hiện tại
Present over perfect là một cuốn sách của Shauna Niequist. Cuốn sách đã giúp tôi nhìn nhận làm freelance dưới một góc độ tích cực hơn. Ví dụ, tôi đã có vợ và 2 con nhỏ, phòng khách nhà tôi cũng là nơi tôi ngồi làm việc. Tôi thường cảm thấy thất vọng với công việc của mình, vì chúng không giúp tôi trở thành một người chồng, người cha như tôi mong đợi. Đôi khi, tôi cũng hơi chán nản vì cảm thấy gia đình khiến tôi không thể hoàn thành công việc. “Present over perfect” (tạm dịch: những điều đang diễn ra ở hiện tại vẫn tốt hơn là sự hoàn hảo) bác bỏ suy nghĩ rằng: Tôi phải là bậc cha mẹ tốt nhất, người vợ/chồng tuyệt nhất, người chủ doanh nghiệp giỏi nhất. Thay vào đó, tôi lựa chọn sẽ tập trung hoàn toàn trong khi làm việc, và sau đó dành thời gian cho vợ con, gia đình.
Thực tế, điều này có nghĩa là bạn nên tạo ra những thói quen cho bản thân, vạch ra ranh giới giữa thời gian làm việc và thời gian cho cá nhân, gia đình. Giả sử, khi thức dậy vào buổi sáng, tôi mặc quần áo lịch sự cho dù không có cuộc họp nào, chải tóc gọn gàng, rót một cốc cà phê và bắt đầu làm việc. Khi hết thời gian làm việc, tôi thay quần áo, tắt máy tính để không bị cám dỗ “Mình chỉ viết nốt một email nhanh nữa thôi” trong khi các con tôi đang chơi bên cạnh. Tôi không ám ảnh việc kiểm tra email công việc nữa, không kiểm tra tài khoản mạng xã hội của doanh nghiệp nữa. Khi đã ở nhà, tôi sẽ dành thời gian cho ngôi nhà của mình. Điều này phải luyện tập rất nhiều, nhưng sau cùng nó giúp freelancing trở thành một sự thử thách mang tính tích cực, thay vì là một gánh nặng cho bản thân.
Vì vậy, ngay cả khi làm một công việc văn phòng 8 tiếng/ngày, bạn nên sắp xếp thời gian để làm việc tập trung, năng suất, nhưng sau đó vẫn có thời gian cho bản thân và các mối quan hệ.
Day jobs không tệ đến thế
Day jobs được hiểu là công việc chính, nguồn thu nhập chính của một người. Những người làm freelance (không chỉ trong lĩnh vực nhiếp ảnh) thường nói rằng day jobs khiến bạn không thực sự trở thành một freelancer. Điều này không đúng lắm. Nếu một công việc part-time cho phép bạn có thời gian dành cho gia đình cũng như kiếm thêm từ nhiếp ảnh, chẳng phải đó là điều tuyệt vời sao? Day jobs còn có thể giúp bạn có thêm nhiều mối quan hệ, thậm chí giúp bạn tìm kiếm, kết nối với khách hàng cho làm freelance. Day jobs còn giúp bạn hưởng quyền lợi bảo hiểm, nghỉ ốm hoặc thậm chí là các dịp nghỉ lễ. Dù là công việc gì thì cũng hãy kiên trì với nó, bạn làm việc vì bản thân và gia đình của mình.
Tạm kết
Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn lạc quan hơn, có thể thay đổi một vài điều cho bản thân nếu cần thiết. Hãy nhớ rằng, chúng ta trở thành freelancer vì chúng ta đều muốn một cuộc sống tốt hơn. Nếu freelancing không giúp bạn điều đó, bạn có quyền thay đổi hướng đi của mình.
Credit
—
Translated from website: adorama.com
Bản quyền bài dịch thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo.
Không được trích dẫn toàn bộ hay một phần khi chưa có sự đồng ý.