Cuối năm rồi, dần dà cứ định viết 1 bài gì đó nội dung cô đọng chút, mày mò mãi cuối cùng cũng chốt được nội dung. Quanh đi quẩn lại, việc một người học nhiếp ảnh nói riêng hay học 1 thứ gì đó nói chung muốn giỏi cần phải tự học là chính và trong đó, chia sẻ là một điều không thể thiếu. Tuy nhiên chia sẻ tới đâu và học thế nào thì mỗi người mỗi khác. Trong entry này, Chim bàn về vấn đề tự học trong nhiếp ảnh và việc chia sẻ kiến thức. Hy vọng qua năm mới, những bạn trẻ yêu nhiếp ảnh sẽ có được con đường và sự lựa chọn riêng của mình để bước đi trên con đường nghe thì đẹp đẽ nhưng ko dễ nhai tí nào mang tên – Nhiếp Ảnh.
Cũng như bao môn học khác, những sách vở, tuttorial nhan nhản trên youtube, facebook, blogs….tất cả chỉ đều là bước khởi đầu, thầy cô cũng chỉ có thể cho chúng ta những viên gạch đầu tiên, việc xây dựng lâu đài hay bức tường là của bạn. Với một người thầy, việc truyền đạt được 60-70% kiến thức cho sinh viên hiểu được những gì mình nói đã là những người giáo viên mẫu mực, có trình độ sư phạm cao. Vì thế cũng không lạ khi người ta nói:”Cứ dạy hết đi, sv nó không hiểu được đâu“. Đặt địa vị là một người đi trước, kinh nghiệm chúng ta có được cũng phải trải qua một quá trình dài học hỏi, học rồi đọc, đọc rồi học, đọc rồi làm, làm sai rồi làm lại….cứ thế, cứ thế. Sẽ có những thời điểm, kiến thức sẽ tự được vỡ ra, được ngấm vào…tất cả chỉ có thể có được qua trải nghiệm và thực hành. Lúc học thì có thể gật gù đấy, rồi sẽ quên và trôi đi nếu không có thực hành và nghiền ngẫm.
Tất cả các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp – như thường lệ, không bao giờ chia sẻ hết những kinh nghiệm của họ vì dù sao nó cũng là miếng cơm manh áo. Và dù họ có chia sẻ hết, khi trình độ và kiến thức của học viên chưa đủ thì cũng không thể tiếp nhận được. Vì thế, mỗi nhiếp ảnh gia sẽ chỉ chia sẻ một số các kinh nghiệm của họ mà thôi. Thật may là thời buổi này Internet, đặc biệt là Youtube đã giúp chúng ta tập hợp lại được kha khá các kinh nghiệm này. Tổng hợp lại, chúng ta sẽ có một kho tương đối các tuttorial, thậm chí tới mức chuyên nghiệp để có thể bắt đầu ở bất cứ lĩnh vực nào trong nhiếp ảnh, vấn đề là sau đó chúng ta sẽ đi tiếp như thế nào.
Lúc mới bắt đầu học bất cứ thứ gì, chúng ta đều sẽ phải bắt chước và làm theo một vài hình mẫu nào đó. Vấn đề là ở chỗ khi chúng ta đã có đủ kiến thức, chúng ta phải tự tạo ra cái riêng của mình, nếu không sẽ chỉ là sao chép, mà đã là sao chép thì mãi sẽ chỉ là đi sau, là hạng hai…. hãy là thứ gì đó hiếm, ít gặp, khó tìm hơn là thành 1 bản sao của ai đó, của cái gì đó. Hãy tự tìm cho mình 1 lối đi, tìm ra Đại dương xanh của mình và gây dựng nó…sẽ mất thời gian nhưng chúng ta sẽ có được ưu thế của kẻ dẫn đầu.
Mình vẫn thích cách ví von 1 người tự học như con robot dọn nhà. Kì cục cả buổi, va đập hết góc này tới góc nọ, cuối cùng nó cũng lau sạch được căn phòng nhưng sẽ tốn thời gian gấp nhiều lần 1 con người làm việc đó nhưng bù lại, nó biết được vô số những ngóc ngách của căn phòng. Cũng như hỏi đường, đi từ Hồ Gươm sang Hồ Tây có cả trăm cách đi, đi kiểu “tự học” sẽ là cứ đi, ko phải thì quay lại….(chắc mất 1 năm mới tới được =))) so với việc lên taxi đi thẳng tới. Cách đầu tiên sẽ mất thời gian nhưng sẽ biết được đường đi ngóc ngách của mấy quận so với cách thứ 2 chỉ biết được 1 đường. Tự học là như vậy, nó có cái giá của nó và phần thưởng cũng xứng đáng.
Thứ hai là bàn về việc chia sẻ, như đã nói ở trên, chẳng có ai sẽ chia sẻ 100% các thứ mình biết cả, nhưng vấn đề là chúng ta biết cách gom lại thì cũng phải được tới 80% rồi. Nói về việc chia sẻ thì bản thân Chim nghĩ rằng chia sẻ hay dạy người khác chính là cách học nhanh nhất. Sẽ không có cách nào nhanh hơn khi học 1 thứ gì đó thật cặn kẽ bằng việc học xong và dạy lại cho người khác. Trong quá trình truyền đạt, chúng ta tự sẽ vỡ ra các kiến thức, và thông qua phản hồi, câu hỏi từ sinh viên, chúng ta tự trau dồi lại được những cái còn chưa rõ trong logic khi học. Kết quả là chúng ta nắm được rõ ngọn ngành những gì chúng ta đã học. Tương tự như vậy với viết blog, viết blog rèn cho ta tính kiên trì, tỉ mỉ, cách diễn đạt và phương pháp truyền thụ.
Mình nhớ là trong VNPhoto rất hay có các câu hỏi kiểu:”Làm sao để em blend màu ra được như Pro-K, như abc xyz….”. Sau đấy là hàng loạt comment, cách thức nhưng tóm lại chả cái nào ra giống như của bản gốc. Để có được 1 style ảnh cụ thể, ko phải người ta cứ ngồi bấm bừa là ra, không bao giờ có. Để ra được 1 style màu cụ thể, đó là công sức nghiên cứu về lý thuyết màu sắc, tương tác giữa các màu, các hệ màu, không gian màu, là tư duy thẩm mỹ phối hợp màu sắc và 1 chút nhạy cảm của người làm ra nó. Đừng nghĩ rằng rẹt 1 cái là làm ra được như thế, ko có đâu :)), tất cả đều là thành quả lao động nhiều giờ, nhiều ngày mà ra. Vậy liệu họ có chia sẻ cho chúng ta hay không ?
Có hoặc không ? Tất cả đều có thể. Mà dù có chỉ tận tay từng bước trên PS đi nữa thì chúng ta cũng chỉ làm ra được kiểu như thế với tấm ảnh đó mà thôi. Sang bức ảnh khác, khi màu sắc ko giống như bức ảnh trước thì mọi hướng dẫn đều trở nên sai bét. Cái người ta ko chỉ chính là phân tích màu sắc của tấm ảnh và tư duy tương tác màu sắc để ra được tone màu như ý. Mà cái này nói 1-2 lần ko ngấm được, phải học, đọc và thực hành nhiều.
Về bản thân mình, trong hơn 2 năm viết blog, toàn bộ các kiến thức về Nhiếp ảnh thương mại đã được trình bày ra hết trong các entry, vấn đề là chắt lọc nó ra sao để biến nó thành của mình thì đấy lại tùy thuộc vào khả năng và sự cần cù học hỏi của mỗi người vì Chim nghĩ rằng những kiến thức mình học được cũng là của người khác. Vì thế cho đi cũng là nhận lại, các bạn nhận được của người khác thì cũng nên cho đi cho những người mới bắt đầu, như thế chúng ta cũng sẽ tự động được học hỏi và trau dồi thêm. Trong nhiếp ảnh, không khó để chúng ta có thể chụp được 1 bức ảnh đẹp, còn những bức ảnh độc đáo, để đời thì phải có thêm 1 chút năng khiếu và 1 phần may mắn.
Vậy là đủ cho một cái kết của một năm nhiều thay đổi. Chúc mọi người sang năm mới nhiều sức khỏe, dồi dào hoài bão và quan trọng hơn, chúng ta biết trân trọng những nhiếp ảnh gia hơn vì họ cũng đã và đang lao động miệt mài như biết bao nghề khác !
Thân ái !
—
Chimkudo
– Bản quyền bài viết © by ChimkudoPro – Expose yourself through the lens
Mọi trích dẫn phải đính kèm link gốc tới bài viết