Chưa bao giờ trong lịch sử nhu cầu chụp ảnh lại cao đến thế nhưng giá trị lại thấp như vậy. Đó là quy luật cung cầu khi có một số lượng photographer ngày càng đông, thì giá cả sẽ hạ xuống. Tuy nhiên, điểm mấu chốt phần lớn là hiện nay, trên thị trường có quá nhiều nhiếp ảnh gia tính phí quá thấp.
Trước khi đi sâu vào chủ đề này, mình muốn nói rằng chưa bao giờ có nhiều cơ hội đến vậy cho các nhiếp ảnh gia. Một mặt, đây hiển nhiên là một điều tốt, tuy nhiên, mặt khác thì nó luôn đi kèm với cả những thách thức không nhỏ. Đó là tính hai mặt của một vấn đề, cũng như công nghệ, nó thực sự là con dao hai lưỡi.
Ngày xưa làm phim, các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp phải rất giỏi và họ có thể kiếm được rất nhiều tiền. Trên thực tế, các nhiếp ảnh gia không thể làm gì khác ngoài chụp ảnh cho các agency bán ảnh stock và kiếm được hàng triệu đô la theo đúng nghĩa đen. So sánh điều đó với những lẻ mà các nhiếp ảnh gia hiện đang cố gắng để bán hình ảnh của họ trên các trang web microstock sẽ cho bạn một dấu hiệu cho thấy chúng ta đã sa sút đến mức nào. Mặc dù đúng là ở một khía cạnh nào đó, kỹ thuật số cùng các phần mềm xử lý hình ảnh, công nghệ AI…. đã làm cho quá trình sản xuất hình ảnh dễ dàng hơn nhiều, nhưng nhiếp ảnh vẫn có một lộ trình học tập đầy khó khăn. Bạn vẫn cần thành thạo chế độ thủ công(M) trên máy ảnh, thêm vào đó, bạn phải học Photoshop và các chương trình phần mềm xử lý hình ảnh khác. Nếu bạn là một nhiếp ảnh gia thương mại, bạn cần học về ánh sáng studio và hiểu thấu đáo hầu hết cách thức mà ánh sáng tương tác với các loại sản phẩm, vật liệu khác nhau.
Trên hết, thiết bị chụp ảnh vẫn còn đắt tiền. Bạn có thể không cần xử lý phim nữa, nhưng bạn vẫn cần rất nhiều thiết bị và chúng không hề rẻ và không phải khoản đầu tư một lần và mãi mãi. Cộng thêm các chi phí marketing, vận hành, studio….. bạn sẽ tốn một khoản ngân sách không hề nhỏ như lúc bạn ước lượng(thường là chỉ tính tiền mua máy, đèn và it dụng cụ studio).
Hiện nay, rất nhiều công ty sẵn sàng thuê những nhiếp ảnh gia ít kinh nghiệm hơn để tiết kiệm tiền. Họ biết mình có thể gặp rủi ro, nhưng hy vọng sẽ có thể có được một bức ảnh “đủ đẹp” là được. Nếu may mắn, họ thậm chí có thể có được một tấm ảnh tuyệt vời. Họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro này, mà trong rất nhiều trường hợp, ảnh đẹp nhưng giá vẫn rất rẻ.
Mặt khác, các nhiếp ảnh gia mới nổi đang tính phí thấp hoặc cung cấp các dịch vụ với mức giá không hề phù hợp với khối lượng công việc được yêu cầu. Do chi phí thấp, bạn sẽ phải cật lực làm rất lâu, rất nhiều mới có đủ chi phí bù lại. Dần dà trong chỉ khoảng 1-2 năm, công việc nhiếp ảnh sẽ trở thành gánh nặng, bạn sẽ chán ghét nó và từ bỏ.
Trong chụp ảnh, cần phải làm rất nhiều việc để có được bức ảnh đẹp đẽ cuối cùng. Tùy thuộc vào nội dung bạn đang chụp hay quay, bạn có thể mất cả ngày để chụp được một, hai hoặc ba bức ảnh. Tuy nhiên, việc khách hàng thường xuyên tới, hỏi chụp 30-40, thậm chí 60 bức ảnh giá bao nhiêu, mà không hề có mường tượng về phong cách, yêu cầu sáng tạo, chi tiết, hay thậm chí không biết món ăn sẽ đến từ đâu hoặc ai sẽ chuẩn bị nó. Trừ khi khách hàng thực sự có kinh nghiệm như ác agency lâu năm, họ thường không có ý niệm gì về các vấn đề này.
Đây là cuộc đấu tranh lớn nhất của mỗi photographer và tôi nghĩ rằng, đó cũng là của bạn: khiến khách hàng hiểu rằng một bức ảnh đẹp cần có thời gian và có giá trị. Những bức ảnh bạn chụp sẽ kiếm được tiền, rất nhiều tiền cho khách hàng. Hãy tưởng tượng thế giới quảng cáo không có hình ảnh. Ai sẽ mua bất cứ thứ gì nếu họ không biết nó trông như thế nào?
Vậy bạn có thể làm gì với tất cả những điều này?
Rốt cuộc, mỗi người chúng ta cần phải bắt đầu từ đâu đó. Nếu bạn là người mới bắt đầu, bạn không thể đưa ra giá như các bên khác, vốn đã dày dạn kinh nghiệm qua nhiều năm. Tuy nhiên, bạn có thể học cách tính phí phù hợp với trình độ kỹ năng của mình. Bạn càng có nhiều bộ ảnh chuyên nghiệp, thì bạn càng có thể thu hút được khách hàng tốt hơn và bạn có thể yêu cầu mức giá cao hơn. Việc này cần thời gian, ít nhất là một vài năm khi mới bước vào nghề.
Để biết nên charge bao nhiêu, bạn có thể tham vấn mentor của bạn hoặc tham khảo quanh trên thị trường từ các bên làm chuyên nghiệp(tồn tại ít nhất 3-4 năm trở lên). Bạn cũng phải tính toán COB (chi phí kinh doanh) của mình. Ban đầu, được trả vài triệu cho một buổi chụp ảnh có vẻ là một số tiền lớn, nhưng nếu bạn bẻ nhỏ chi phí ra các đầu hạng mục thì bạn sẽ thấy nó còn chẳng đủ để bạn có thể duy trì một team hay có chi phí tái đầu tư, rủi ro…..
Ngoài ra, khi thương hiệu của bạn đủ lớn, hãy cân nhắc charge phí “Bản quyền hình ảnh theo khoảng thời gian”. Điều này có nghĩa rằng bạn quy định khách hàng chỉ được sử dụng hình ảnh của bạn trong một khoảng thời gian, có thể từ 1-2 năm. Sau đó, nếu khách hàng tiếp tục muốn sử dụng hình ảnh, họ phải trả một khoản phí. Điều này với các agency là hết sức bình thường, đặc biệt với các hợp đồng có sự tham gia của KOL, thường thời gian sử dụng ảnh chỉ được tính bằng tháng hoặc một vài năm.
Hiện tại, ở Việt Nam, với các bạn mới tiếp xúc với nhiếp ảnh thương mại, việc quản lý các chi phí này dường như khá khó khăn và thường chúng ta sẽ hy sinh 1-2 năm đầu, chụp với các giá thành rất rẻ với mục tiêu là lấp đầy các portfolio của mình. Cùng với sự cạnh tranh gay gắt từ các bạn sinh viên, sự phát triển tràn lan của các đơn vị đào tạo mà rất nhiều trong đó chưa có đủ đội ngũ và nền tảng bài bản, tiêu chuẩn đã dẫn tới một thị trường nhiếp ảnh hỗn loạn như hiện nay.
Vì vậy, nếu muốn bước chân vào thị trường này, hãy cân nhắc thật kĩ và dành ra ít nhất 01-02 năm tài chính để đảm bảo bạn không bị streess khi dòng tiền trong những ngày đầu thường khá ít ỏi, hòa vốn đã là quá giỏi chứ đừng nói tới việc có lãi. Dành 01-02 năm này để tăng cường kĩ thuật tới mức thực sự tốt để có được tư duy nhiếp ảnh, tư duy kinh doanh chứ không đơn thuần là kĩ thuật – thứ vốn bạn phải tốt đầu tiên.
Credit
—
Bản quyền bài viết thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo