Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về độ nhạy sáng của máy ảnh là gì (ISO) và làm sao để có thể tránh được những tác dụng không mong muốn từ noise gây ra bởi ISO cao.
1. Độ nhạy sáng của máy ảnh (ISO) là gì?
- ISO là viết tắt của ”International Organisation for Standardisation” (Tổ Chức Chuẩn Hóa Quốc Tế – một tổ chức quyết định các tiêu chuẩn quốc tế).
- Trong nhiếp ảnh số, độ nhạy sáng ISO được dùng để cho biết độ nhạy của cảm biến đối với ánh sáng.
- Giá trị ISO càng lớn thì ảnh càng sáng nghĩa là cảm biến càng nhạy với ánh sáng hơn, trong một khoảng thời gian chụp như nhau thì ISO cao hơn thu được nhiều ánh sáng hơn làm ảnh sáng hơn.
2. Độ nhạy sáng của máy ảnh và hiện tượng nhiễu hạt (NOISE)
Noise là thuật ngữ trong nhiếp ảnh số, tương đương với grain trong ảnh phim, là hiện tượng xảy ra khi chụp ảnh trong môi trường thiếu sáng với ISO cao, làm ảnh xuất hiện các hạt lấm chấm, theo 3 kênh màu: đỏ (red), xanh lá cây (green), xanh dương (blue).
Những hạt lấm chấm này được phân bố trên các bề mặt mịn, đặc biệt là ở các vùng tối và sẫm màu. Một tấm ảnh xuất hiện càng nhiều noise thì chất lượng ảnh càng thấp, vùng cạnh biên của các đối tượng càng bị mờ, ảnh có cảm giác vỡ hạt.
Độ nhạy sáng của máy ảnh sẽ ảnh hưởng đến độ nét và độ chi tiết của bức ảnh. Các chi tiết ở vùng tối bị bết vào khối. Các đường phân cách giữa các chi tiết sẽ không còn được rõ ràng. Các nhiếp ảnh gia thường tìm mọi cách giảm thiểu noise nhằm bảo tồn chất lượng ảnh tốt nhất.
Các máy ảnh kích thước cảm biến sensor càng lớn, ảnh chụp ra càng ít gặp noise hơn. Chẳng hạn như ta sử dụng máy ảnh full-frame như 5D mark III , chắc chắn sẽ chụp được bức ảnh ở ISO cao, có ít noise hơn so với các dòng máy crop như 50D, 60D…
3. Giảm thiểu Noise gây ra di độ nhạy sáng của máy ảnh.
Tổng quan, để giảm thiểu noise từ đó gia tăng chất lượng của bức ảnh chúng ta có các cách sau:
- Dùng máy ảnh có kích thước cảm biến lớn hơn (ví dụ full frame thì tốt hơn crop ở cùng khoảng công nghệ)
- Lắp thêm đèn, mở cửa sổ, dùng flash… để tăng thêm ánh sáng, hoặc chụp trong môi trường có nhiều ánh sáng hơn.
- Cố gắng chụp với ISO thấp nhất có thể.
- Sử dụng các plugin trong quá trình hậu kỳ để giảm noise (như Noise Ninja, Topaz Denoise…)
4. Tùy chỉnh độ nhạy sáng của máy ảnh (ISO) trước khi chụp
ISO là một yếu tố ít khi thay đổi trong suốt quá trình chúng ta chụp ảnh. Vì vậy, sau đây chúng ta có một vài thông số ISO cho các trường hợp đặc biệt. Việc tùy chỉnh ISO đúng sẽ giúp chúng ta dễ dàng căn chỉnh 2 yếu tố còn lại là tốc độ và khẩu độ.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng độ nhạy sáng của máy ảnh (ISO) là một trong 03 yếu tố căn bản của nhiếp ảnh mà bất cứ ai cũng cần phải nắm rõ. ISO càng thấp thì chất lượng ảnh càng đẹp, tuy nhiên lại yêu cầu nhiều ánh sáng hơn để có được một bức ảnh đủ sáng, khi ISO lên quá cao thì bắt đầu xuất hiện các nhiễu hạt (noise), việc khắc phục các noise này có thể làm trong quá trình hậu kỳ, tuy nhiên cũng không thể đẹp như ảnh được chụp ở ISO thấp được.
—
Bản quyền bài viết thuộc về Học viện Nhiếp ảnh Thương Mại ChimkudoPro – Lighten your values
Mọi trích dẫn đều phải kèm link gốc tới bài viết