Đã bao giờ bạn cảm thấy khó khăn trong việc giao tiếp với khách hàng khi cùng bàn bạc về một buổi chụp? Việc hiểu nhầm rất dễ xảy ra khi bạn đang xây dựng hình ảnh trực quan cho người khác. Chính vì vậy, mood board có thể là một công cụ hỗ trợ hoàn hảo khi làm việc với khách hàng hoặc một nhóm sáng tạo khác. Bạn có thể tận dụng mood board để đảm bảo rằng cả hai bên đều hiểu rõ tầm nhìn cho sản phẩm cuối cùng.
Dưới đây sẽ là cách để dựng mood board cho khách hàng, cũng như là cách để tận dụng triệt để công năng của nó.
MOOD BOARD LÀ GÌ?
Việc hợp tác với nhiều người là điều không thể tránh khỏi trong ngành nhiếp ảnh. Bạn sẽ thường xuyên phải làm việc với người khác để hoàn thiện một dự án. Một cách hiệu quả để giúp mọi người hiểu tầm nhìn mỹ quan của bạn là dựng mood board.
Một mood board là một tập hợp những bức ảnh được gộp lại thành một nhóm. Dân sáng tạo rất hay dùng công cụ này trong thiết kế và nhiếp ảnh để định hướng cho một dự án tốt hơn.
Đôi khi bạn cũng có thể dựng mood board vật lý bằng cách cắt dán những cuốn tạp chí hoặc các phương tiện in ấn khác. Nhưng đa phần mood board ngày nay đều dưới dạng điện tử để dễ dàng gửi cho những người liên quan hơn.
Mood board rất cần thiết khi làm việc với khách hàng, nhưng chúng cũng rất hữu ích cả với những dự án cá nhân. Cách sử dụng mood board để nâng cao cảm hứng sáng tạo hoàn toàn nằm trong tay bạn.
NHỮNG LỢI ÍCH CỦA VIỆC SỬ DỤNG MOOD BOARD
“Trăm nghe không bằng một thấy”. Khi làm việc với khách hàng, bạn sẽ cần đưa cho họ những hình ảnh cụ thể để làm việc hiệu quả hơn.
Ngôn ngữ đôi khi không đủ để miêu tả những gì đang hiện ra trước mắt. Những từ như “vui tươi”, “nổi bật”, “sạch sẽ” đều có hàm ý trừu tượng và có thể có ý nghĩa khác nhau với mỗi người.
Một lưu ý quan trọng khác là mỗi người đều nhìn màu một cách khác nhau. Cảm nhận “dark và moody” trong nhiếp ảnh đồ ăn của bạn chưa chắc sẽ giống với cảm nhận của người khác.
Ngay cả khi từ ngữ có từ ngữ để miêu tả màu sắc đúng, chưa chắc khách hàng của bạn đã biết đến những từ đó. Ví dụ như những màu mauve và màu lavender đều rất khác biệt với màu tím thông thường. Với những trường hợp như vậy, việc dựng mood board sẽ đảm bảo được hai bên giao tiếp về mặt ý tưởng hiệu quả nhất.
CÁCH DỰNG MOOD BOARD CHO MỘT JOB CHỤP
Khi bạn làm việc với agency, có thể họ sẽ gửi cho bạn mood board ngay từ đầu.
Khi bạn làm việc trực tiếp với khách hàng, bạn có thể hỏi xem ảnh mẫu của họ. Hoặc bạn có thể chủ động tạo mood board rồi bàn bạc thêm với khách.
Mood board không phải là để bắt chước lại y hệt, mà đúng hơn là tiếp thu cảm hứng từ đó. Trong mood board sẽ có nhiều yếu tố không xuất hiện trong sản phẩm cuối cùng. Những bức ảnh trong mood board đơn thuần chỉ tượng trưng cho những đặc điểm chung và gu thẩm mỹ của thương hiệu.
Hãy bắt đầu với việc thu thập thật nhiều các bức ảnh chứa các đặc điểm mà bạn mong muốn. Những đặc điểm này có thể là màu sắc, ánh sáng, phong cách, không gian hoặc texture.
Khi agency gửi mood board cho nhiếp ảnh gia, họ sẽ thường gửi 5-15 bức ảnh khác nhau. Bạn cũng nên có số lượng ảnh tương tự khi dựng mood board của riêng mình.
Khi dựng mood board, sự tối giản sẽ đem lại nhiều giá trị hơn. Chọn quá nhiều ảnh sẽ làm loãng bản chất cảm xúc và không gian mà bạn đang hướng tới. Tuy nhiên, bạn cũng có thể dựng nhiều phiên bản mood board khác nhau để cho khách hàng tự chọn.
Mỗi mood board nên phản ánh một concept khác nhau cho thương hiệu. Nhưng nó vẫn phải đồng nhất với những gì bạn hình dung trong đầu về bức ảnh cuối cùng, dựa trên những thông tin được khách hàng cung cấp.
KẾT LUẬN
Khi làm việc với khách hàng, việc dựng mood board có thể là một công đoạn qua lại nhiều lần trước khi cả hai bên có thể nhất chí với một quyết định.
Nhưng chính sự thảo luận đôi bên này mới là điều bạn cần. Nó sẽ giúp bạn yên tâm rằng mình sẽ có thể cung cấp cho khách hàng chính xác những thứ mà họ cần trước khi bắt đầu quá trình chụp.
Credits:
Bài viết gốc bởi Darina Kopcok tại expertphotography.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.
2 Comments
Pingback: 10 lưu ý khi styling chụp ảnh sản phẩm - Thư viện Chimkudo Academy
Pingback: 10 lưu ý khi styling chụp ảnh sản phẩm - LIGHT WORLD