Không gian trong nghệ thuật thường có ý nghĩa chỉ khoảng cách hoặc khu vực nằm giữa, nằm xung quanh, nằm trên, nằm dưới hoặc nằm bên trong các hình và khối trong một bố cục. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiễu kỹ hơn về một số cách khác nhau để áp dụng không gian trong nghệ thuật.
Positive và Negative space
Không gian trong nghệ thuật được chia làm 2 loại: positive space (không gian dương) và negative space (không gian âm). Cả hai loại không gian này cần được cân nhắc kỹ lưỡng để có được một bố cục tốt. Chúng xuất hiện ở cả nghệ thuật 2D và 3D, và có tính hỗ trợ cho nhau. Chúng có thể ảnh hưởng lên nhau và thay đổi cả nội dung của nhau.
Positive space là những mảng không gian trong bố cục có chứa đối tượng được hình thành bởi các đường nét, màu sắc và hình dáng. Vùng không gian này chứa chủ thể của bố cục: có thể là các con vật, cây cối, tòa nhà, dãy núi, lọ hoa, con người,…., nói chung là những vật tạo tâm điểm cho bố cục. Không gian dương thống trị góc nhìn của người xem và là điểm trọng tâm của toàn bố cục.
Trong hình minh họa phía trên, không gian dương (những yếu tố được tô màu đen) được tượng trưng bởi những hình dáng hình thành nên các yếu tố đó, trong tình huống này là lọ hoa và những chữ cái trong từ “Positive Space”. Không gian dương đối nghịch với không gian âm.
Negative space là khoảng không gian trống xung quanh các đối tượng chính. Khoảng không gian này thường có đặc tính bị động hơn, và được giới hạn bởi những đường viền xung quanh không gian dương. Không gian âm là khu vực sẽ đặt bối cảnh cho toàn bố cục của tác phẩm.
Trong hình minh họa phía trên, khoảng không gian trống (được tô màu đen) nằm giữa các vật, hình và khối trong bố cục, nó chính là khu vực trong background mà có thể ban đầu người xem sẽ không chú ý đến. Negative space mở rộng theo mọi hướng và có thể kéo dài bất tận, nó như một làn nước chảy uyển chuyển vào bên trong, xung quanh và giữa các đối tượng.
Nhìn vào không gian âm, bạn có thấy được hình dáng của riêng nó không? Những hình dáng này có chất và khối lượng, chứ không đơn thuần chỉ là sự trống vắng đối tượng. Đây là một điều quan trọng cần nhớ: ngay cả negative space cũng có khối lượng và thể tích, và nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các đối tượng chính trong khung hình.
Không gian âm thường được thể hiện rõ nhất khi nó tạo ra một hình dáng thú vị hoặc có ý nghĩa bằng cách bao quanh chủ thể chính. Với những trường hợp như vậy, negative space cũng đóng vai trò thiết yếu trong bố cục nghệ thuật không khác gì với positive space. Như ở ví dụ lọ hoa trắng đen phía trên, không gian âm tạo hình hai khuôn mặt người đối mặt nhau.
Trong bố cục, không gian âm là một yếu tố quan trọng không thể thiếu bởi vì nó cân bằng với không gian dương và tạo điểm nghỉ cho mắt người xem. Đây là một yếu tố căn bản rất quan trọng trong thiết kế , nhưng lại thường bị nhiều người bỏ qua.
hình dáng uyển chuyển của negative space tạo hiệu ứng thú vị, cuốn hút người xem
Không gian 2 chiều và 3 chiều
Không gian 2 chiều tồn tại trên những mặt phẳng như giấy vẽ của họa sĩ. Không gian phẳng này không có chiều sâu, mà chỉ có chiều dài và rộng. Trong ví dụ bên dưới, bức ảnh có cảm giác phẳng là do mọi đối tượng trong khung hình đều nằm trên một mặt phẳng, hoàn toàn không có cảm giác chiều sâu. Tuy nhiên, không gian phẳng này có thể được cấu tạo sao cho tạo được cảm giác 3D. Khác với không gian 2D, không gian 3D có cảm nhận về chiều dài, chiều cao và chiều sâu.
Khi chúng ta quan sát một mặt phẳng nhưng lại có cảm quan về chiều sâu trong không gian và đối tượng, tức là chúng ta đang tiếp nhận và xử lý một nhóm các tín hiệu thị giác kết hợp lại để tạo ra hiệu ứng 3D cho tác phẩm.
Sự tồn tại của các không gian 3 chiều trong tự nhiên phổ biến đến mức chúng ta dường như quên mất sự hiện hữu của chúng. Tuy nhiên, dưới bàn tay của người nghệ sĩ, những đặc điểm 3D có thể được tận dụng để tạo hiệu ứng chiều sâu trên những mặt phẳng 2 chiều. Điều này xảy ra khi có các đặc điểm nhận biết chiều cao, chiều rộng và chiều sâu được đưa vào bức tranh như ở ví dụ phía trên.
Một số cách để tạo hiệu ứng chiều sâu cho khung hình có thể là:
- Đặc các vật nằm đè lên, chắn lấy tầm nhìn của nhau
- Thay đổi về kích cỡ và vị trí các đối tượng
- Góc nhìn điểm tụ
- Các giá trị về màu sắc và độ sáng
- Góc nhìn không gian (atmospheric perspective)
Các đối tượng chắn lấy nhau bên trong bố cục là cách đơn giản nhất để tạo không gian 3 chiều cho tác phẩm của bạn. Hiệu ứng này được tạo ra khi đường viền ngoài của một khối bị chen ngang bởi đường viền của một khối khác, để tạo cảm giác đối tượng này đang đứng phía trước đối tượng kia.
Một cách đơn giản nữa để tạo chiều sâu là thay đổi kích cỡ và vị trí các đối tượng liên quan. Khi hai hình có cùng kích cỡ được đặt trên cùng một mặt phẳng, hình ảnh đó sẽ có cảm giác bị phẳng và không có chiều sâu. Tuy nhiên chỉ cần thay đổi vị trí trước sau và kích cỡ của các đối tượng, cảm giác chiều sâu đã ngay lập tức rõ ràng hơn rất nhiều.
Quy tắc thông thường là các vật càng lớn thường sẽ tiến gần người xem hơn, còn các vật nhỏ sẽ có xu hướng lùi về phía sau. Thêm nữa, các vật đặt ở vị trí thấp cũng có cảm giác tiến lại gần hơn các vật có vị trí cao.
Góc nhìn điểm tụ là một hệ thống đồ họa thường được dùng để tạo hiệu ứng chiều sâu và kích cỡ trên mặt phẳng. Khi các vật càng lùi ra xa, kích cỡ của chúng sẽ nhỏ dần và thu về một điểm tụ ở đường chân trời. Sử dụng góc nhìn điểm tụ một cách hiệu quả tạo ra hiệu ứng xa dần bằng cách coi các cạnh của đối tượng như những đường thẳng song song đang hướng về một điểm. Điểm tụ này có thể nằm ở bất kỳ hướng nào mà người xem đang nhìn vào, và cũng có thể vô hình trên mặt phẳng vẽ hoặc được họa sĩ tưởng tượng ra.
Thay đổi về màu sắc và độ sáng cũng là một kỹ thuật nữa để tạo không gian 3D trên mặt phẳng 2D, giúp người xem cảm nhận rõ hơn về khoảng cách của các đối tượng trong hình. Nhìn chung, các màu ấm thường kéo gần người xem hơn, còn những màu lạnh thường lùi về phía sau. Thêm nữa, các vật đứng gần thường có màu sắc sáng, đậm đà, tương phản mạnh hơn với các vùng sáng tối rõ rệt. Còn những vật đứng xa thường sẽ có độ sáng tương tự hoặc trung tính, màu sắc cũng nghiêng về phía xám nhiều hơn. Những màu sắc có độ sáng và đặc tính giống nhau được nhìn như cùng một mặt phẳng, còn những màu sắc tương phản mạnh về giá trị được nhìn như ở các mặt phẳng khác nhau.
Góc nhìn không gian kết hợp một vài kỹ thuật đã nói ở phía trên với nhau. Những vật đứng xa hơn sẽ có độ chi tiết thấp hơn, tương phản nhẹ hơn và ít lên chất liệu hơn. Khi đồ vật càng lùi về phía sau trong khung hình, màu sắc của chúng cũng sẽ phai dần về một màu lam xám và chi tiết sẽ bị mờ, giống như cách mắt người quan sát các vật ở xa. Khi dùng kỹ thuật này, bạn chỉ cần nhớ là màu sắc có xu hướng phai nhạt khi ở khoảng cách càng lớn, còn chi tiết thì ngày càng trở nên mờ nhạt.
Không gian sâu
Khi hiệu ứng 3 chiều được tạo ra thành công trên mặt phẳng, bạn sẽ tạo được không gian sâu (deep space) trong tác phẩm của mình. Trong không gian sâu lại chia thành 3 khoảng không gian chính:
- Tiền cảnh: là khu vực có vị trị gần người xem nhất. Thường được đặt ở bên dưới của khung hình.
- Trung cảnh: là khoảng không gian nằm giữa tiền cảnh và hậu cảnh của bức tranh. Không có quy luật cố định khoảng cách chính xác này, nhưng thường nó sẽ được đặt ở giữa khung hình.
- Hậu cảnh: là khu vực trong bức tranh có vị trí cách xa hoặc gần phía chân trời. Thường được đặt ở phía trên khung hình.
Tóm tắt
Do bản chất mặt phẳng vẽ chỉ là một không gian 2 chiều, người nghệ sĩ có thể sẽ muốn tạo ra hiệu ứng 3 chiều cho bố cục. Khi không gian bên trong mặt phẳng 2 chiều được phân chia, sắp xếp, hiệu ứng chiều sâu có thể sẽ xuất hiện. Ngay cả những biến đổi nhỏ nhất về đường nét, giá trị hoặc màu sắc cũng có thể góp phần tạo ra cảm giác về chiều sâu này.
Có một số cách khác nhau để tạo chiều sâu cho khung hình:
- Các đối tượng đứng càng xa sẽ càng nhỏ hơn. Chúng cũng sẽ càng ít nổi bật hơn, màu sắc phai nhòa và hòa vào với background.
- Các đối tượng được đặt ở trên cao tạo cảm giác chiều sâu và khoảng cách. Người xem sẽ cảm nhận rằng họ đang đứng cách xa các đối tượng, và ở phía tiền cảnh có khoảng không gian rộng.
- Các vật nằm đè, che lấp nhau cũng tạo cảm giác chiều sâu.
- Sắp xếp ánh sáng, khi có sự tương phản giữa sáng và tối, cảm quan về chiều sâu cũng được bộc lộ.
- Sử dụng phối cảnh điểm tụ, những đường song song thu về một điểm khi càng đi xa hơn, điểm tụ này có thể nhìn thấy hoặc vô hình trong bố cục. Một ví dụ điển hình là một đoạn đường dài về phía chân trời.
- Các màu sắc ấm áp tiến lại gần hơn, các màu lạnh và nhạt thu về phía xa.
MỘT SỐ VÍ DỤ SỬ DỤNG KHÔNG GIAN TRONG HỘI HỌA
Bức tranh bên phải là một ví dụ tốt về sử dụng ánh sáng và bóng tối, không gian âm và dương trong một bức tranh phẳng 2 chiều.
Bức tranh bên trái minh họa negative và positive space trong một bức tranh có chiều sâu. Con cá chiếm không gian dương, còn khung quanh xung quanh con cá tượng trưng cho vùng không gian âm.
Các vật đè lên nhau
Tượng Nữ thần Tự Do ở bức tranh bên phải đang chắn ngang dòng sông và đường chân trời phía sau, tạo cảm giác chiều sâu lớn hơn ở bức tranh bên trái. Cảm quan chiều sâu ở bức bên trái khá nông, còn ở bức bên phải tạo cảm giác không gian sâu.
Vị trí và kích cỡ
Thay đổi kích cỡ những người đàn ông Ấn Độ ở bức tranh bên phải khiến họ có cảm giác đang ở xa hơn. Còn ở bức bên trái, các vũ công được đặt ở vị trí cao hơn những người phía trước để có cảm giác đứng xa hơn.
Hai bức ảnh hai bên đều được phối cảnh theo một điểm tụ, tạo cảm giác 3 chiều rất mạnh. Góc nhìn ở bức tranh bên phải tạo cảm giác đoàn tàu đang di chuyển khỏi người xem, còn ở bức bên trái lại hút sâu người xem vào hành lang.
Ở bức tranh giữa, tác giả sử dụng phối cảnh hai điểm tụ để tạo cảm giác 3D và phóng đại kích cỡ của tòa nhà. Nếu không sử dụng kỹ thuật này, bức tranh sẽ trông rất phẳng và thiếu chiều sâu.
Màu sắc và ánh sáng
Màu ấm kéo lại gần, màu lạnh thì lui về phía sau, như được minh họa rất rõ ở bức tranh bên phải.
Ở bức còn lại, ánh sáng sẽ tiền gần về phía người xem còn bóng tối thì lui về background.
Góc nhìn không gian
Các đối tượng đứng càng xa càng trở nên thiếu chi tiết và xám, như ở đường chân trời và các dãy núi ở hai bức tranh trên.
Không gian sâu
Khi kết hợp nhuần nhuyễn tất cả các kỹ thuật trên, bạn sẽ tạo được không gian sâu như ở hai bức tranh trên.
Credits:
Trích nguồn bài viết gốc tại: teresabernardart.com
Dịch bởi Học viện Nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo. Yêu cầu không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý.