Tân cổ điển là một phản ứng chống phong trào Rococo và Baroque vào thế kỷ 18. Họa sĩ Tân cổ điển muốn phục hồi phong cách trang nghiêm của nghệ thuật cổ Hy Lạp và La Mã, với những chủ đề luân lý, đạo đức, như Danh dự, Công lý, Ái quốc… Một số danh họa thành công đạt mục đích khá cao, nhưng phần đông lại rơi vào khuôn sáo tẻ nhạt.
Khuynh hướng Lãng mạn khởi lên đồng thời, nhưng hướng tới tư tưởng tân thời chứ không muốn nhìn lại quá khứ cổ kính như kiểu Tân cổ điển. Phái Lãng mạn không đề ra qui luật nhất định nào, miễn là họa sĩ tìm được phương thức biểu hiện chân thành và can đảm. Họ cũng không gò bó vào đề tài nào nhất định. Như vậy, Lãng mạn là một tư trào nghệ thuật và đồng thời là phong cách sống khai phóng, tự do. Nó mở màn cho đà phát triển nghệ thuật từ tiền bán thế kỷ 19 cho đến đầu thế kỷ 20.
TRƯỜNG PHÁI ANH HOA
Tội họa Anh thế kỷ 18 có sự pha trộn giữa Lãng mạn và Tân cổ điển. Phong cách của Gainsborough chỉ có thể gọi là trữ tình chứ chưa đến độ “trào sóng” sôi nổi như tranh Lãng mạn. Nhân vật trong tranh ông có vẻ nghiêm trang, trong khi hậu cảnh lại rất thơ mộng, trữ tình. Ngược lại Reynold chuyên về giới quí tộc thanh nhã, tuy khá mỹ lệ nhưng vẫn có vẻ trang trọng, gần phong cách cổ điển hơn Gainsborough. Gamsborough được mệnh danh là “thiên nga minh mẩn nhất” trong giới danh họa đương thời. Công bình mà nói thì ông là người mở đầu khai triển phong cảnh họa, từ ngôi vị thứ yếu trở thành chính yếu.
Ở họa phẩm chân dung “Ông bà Andrew”, Gainsborough đã dành cho phong cảnh khoảng không gian dài rộng gấp ba diện tích dành cho nhân vật chính. Những bó lúa bên góc phải đã tràn lấn sang tiền cảnh, đẩy nhân vật chính bên trái lui một bước vào trung cảnh bức họa. Nhờ đó, phong cảnh họa dần dần tiến tới, nối kết với tư tưởng Lãng mạn thế kỷ 19.
GIA ĐÌNH ANDREW, MỘT DẠNG CHÂN DUNG HỌA MỚI LẠ
Tranh chân dung của Gainsborough mới lạ ở chỗ vận dụng phong cảnh đồng áng để ca tụng vẻ đẹp của cảnh thiên nhiên, đồng thời làm tăng vẻ đẹp của nhân vật trong tranh. Đặc biệt là lối bố cục lệch, đặt đối tượng chân dung ở một phía chứ không đưa vào giữa trung tâm, như ta đã thấy ở chân dung Ông bà Andrew.
Trong khi gương mặt vợ chồng Andrew trông như hình búp bê, nửa thực nửa hư, thì phong cảnh lại rất hiện thực, tự nhiên và trữ tình. Gainsborough dùng phong cảnh để hàm ẩn tình cảm nội tâm không hiển lộ ở gương mặt nhân vật.
Gương mặt và cử chỉ của hai bé gái, con họa sĩ, trong bức “Hai chị em gái bắt bướm” cho thấy hiển hiện tính ngây thơ vô tội, hồn nhiên của trẻ thơ khác hẳn những chân dung người lớn. Ở bức này, ông không dùng phong cảnh làm nền, nhưng thay bằng con bướm. Tình cảm của họa sĩ được diễn tả bằng ẩn dụ “con bướm” không biết có ai động lòng cảm thương thân phận mong manh của nó, nếu nó bị bắt?
PHU NHÂN SHERIDAN, VỞ KỊCH TÁC GIA TRỨ DANH ANH QUỐC
Bà Sheridan có vẻ đẹp quí phái, lại có vẽ buồn man mác, liêu trai mà nhiều phụ nữ không thể so sánh. Trong họa phẩm chân dung này, họa sĩ còn tạo bầu khí cô liêu tăng thêm vẻ đẹp huyền ảo, mơ mộng của một mệnh phụ phu nhân. Lối vẽ chân dung trên nền phong cảnh thiên nhiên trở thành một dòng hội họa độc đáo của thế kỷ 18, một thế kỷ lãng mạn pha chút cổ điển trang nhã. Nó đã tiên báo khuynh hướng tư tưởng Lãng mạn cho thế hệ kế tiếp. Họa sĩ chịu ảnh hưởng vô cùng sâu đậm của Gainsborough là Constable, như ông từng nói: “Tôi tưởng nghĩ rằng tôi thấy Gainsborough khắp nơi, từ một hốc cây cho đến mọi hàng cây, hàng rào tự nhiên”.
RAMSAY – LỰC XÚC TÁC NGHỆ THUẬT THẾ KỶ 18
Trong giới văn nghệ Anh, nhà văn Horace Walpole từng nhận xét: “Reynolds ít khi thành công trong chân dung phụ nữ, trong khi ngược lại, Ramsay sinh ra để vẽ phái nữ”. Trong bức chân dung vợ ông, Margaret Lindsay, Ramsay vẽ một người thật là thông minh, dịu dàng bên cạnh mấy cánh hoa mong manh, ẩn dụ một “đời hoa” cũng khá phù du. Có lẽ ông bị ám ảnh về người vợ cả, Anne Bayne, đã chết yểu khi sinh con năm xưa.
RAEBURN, DANH HỌA CHÂN DUNG
Raeburn rõ ràng là chịu ảnh hưởng lối vẽ chân dung của Ramsay, nhưng sau ông đã tiến lên ngang hàng danh họa bậc nhất Anh quốc. Hậu cảnh sương mù mong manh trong bức “Người trượt tuyết” cũng là phong cách chung của trào lưu hội họa trữ tình. Nó tương phản với bút pháp về người rõ nét, và tỉ mỉ từng chi tiết ở gương mặt người mẫu.
PHONG CÁCH TRANG NGHIÊM CỦA REYNOLDS
Joshua Reynolds (1723-1792) so với Gainsborough thì kém phần nhạy cảm và trữ tình, nhưng lại tương đối quân bình hơn. Reynolds thiên về lý trí, với lối suy tư và phương pháp làm việc của nhà tri thức trong khi Gainsborough thiên về cảm tính và trong đời thích làm thân với giới kịch nghệ, âm nhạc hơn là đám học giả.
Reynolds sinh ra để phục vụ cho giới quí tộc là những nhà trí thức hữu hạng. Ông từng làm chủ tịch Hàn Lâm viện Hoàng gia, dạy nghệ thuật và viết sách. Reynolds được đào tạo từ nền tảng hàn lâm, theo phong cách Phục hưng Ý và Tân cổ điển của Pháp. Chính tay ông đã góp công phục hồi tinh thần anh hùng ca trong loại tranh lịch sử và chân dung quí tộc trang nghiêm, oai vệ. Phong cách cổ điển đó hiển hiện ngay cả khi vẽ chân dung một thiếu nhi, như “Tiểu thư Caroline Hozoard”. Cô bé tuy hôn nhiên, nhưng toàn cảnh vẫn toát ra bầu khí trang trọng, quí phái.
MỸ VÀ ANH: CHUNG MỘT NGÔN NGỮ
Mỹ tuy dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính, nhưng ai cũng biết tiếng Anh Mỹ (American English) tại Mỹ có những biến dị đặc thù. Có một thời, họa sĩ Anh chịu ảnh hưởng của Mỹ và ngược lại. Trường hợp điển hình là cặp họa sĩ Gilbert Stuart và Benjamin West. Gilbert Stuart (1755-1828) gốc người Scotland (Scottish). Ông sang Luân Đôn, thụ huấn một họa sĩ Mỹ – B. West, khá nổi danh về thể loại Lịch sử và khá thành công ở Luân Đôn. “Đôi khi có người lầm nhận tranh ông với tranh Gainsborough”. Đó là lời khen có ẩn ý.
Thực sự, tranh ông có phong cách độc đáo, biểu lộ một đặc trưng của văn hóa Mỹ, mặc dù vào thời đó, người ta chưa thể nói xác quyết đặc trưng độc đáo của Mỹ là như thế nào. Riêng ở họa phẩm “Bà Richard Yates”, ông tỏ rõ một cặp mắt quan sát sắc bén với bút pháp phóng khoáng tự do, tiên báo khuynh hướng Ấn tượng sẽ xuất hiện một thế kỷ sau. Vết tích ria mép đã cạo ở mặt bà Yates là một biểu thị mắt quan sát tinh tế và tính can đảm trung thực của họa sĩ. Ngoài Stuart, xưa nay ít ai dám “cả gan” ghi nhận một chi tiết dễ làm mích lòng thân chủ như vậy.
Vì một thất bại tài chính nặng nề ở Anh, Stuart quay về Mỹ định cư vĩnh viễn từ năm 1793. Ông gây được chút tiếng tăm, có lẽ là nhờ họa phẩm chân dung George Washington. Ông ưa thích đề tài bình dị như “Bà Yates” hơn là vẽ những danh nhân quí phái.
TRANH LỊCH SỬ: MỘT THỂ LOẠI THỜI THƯỢNG
Benjamin West (1738-1820) tuy là gốc Mỹ, nhưng thành công rực rỡ ở Anh hơn là ở quê nhà. Ông chịu ảnh hưởng mạnh của phong cách Tân cổ điển, điển hình là Anton Mengs, khi ông qua La Mã (Rome) năm 1760. Tranh lịch sử của ông có vẻ khô khan, thiếu nhiệt tình rung cảm của con tim. Tuy nhiên, ở “Chân dung tự họa”, thì West lại thể hiện cá tính nhạy cảm và trầm tư sâu sắc của một người quí phái thành thị.
COPLEY: MỘT TÀI NĂNG CHỮA MÀN KHAI
Trong khi Anh quốc cho West cơ hội phát huy tài năng, thì mặt khác nó lại nửa hậu đãi, nửa làm hại sự nghiệp của John Singleton Copley (1738-1815). Giai đoạn ở Mỹ, Copley tạo được nhiều kiệt tác đầy tính hiện thực sống động. Khi qua Anh, ông bị quyến rũ vào phong cách quí phái của Tân cổ điển và ảnh hưởng của Reynold. Kiểu cách lý tưởng hóa cổ điển hầu như phản lại cá tính tiềm ẩn của một họa sĩ hiện thực như ông.
Họa phẩm “Gia đình Copley” cho thấy dạng thức lý tưởng hóa của Tân cổ điển những gương mặt khô khan của người lớn và cả ở y phục quá nghiêm chỉnh, trang trọng cô bé đứng giữa tiền cảnh. Tuy nhiên, bức họa này ám ảnh, quyến rũ người xem ở chỗ nó khiến người ta thắc mắc, không biết hoạt cảnh này thuộc về nội thấy hay ngoại cảnh.
ĐỀ TÀI KỴ MÃ ĐỘC ĐÁO CỦA STUBBS
George Stubbs (1724-1806) có thể ví như một Gainsborough ở chủ đề chân dung ngoài trời, nhưng Stubbs chỉ vẽ “chân dung” ngựa, chứ không vẽ người. Ông say mê ngựa đến độ có thể gọi là ám ảnh cực độ, tìm hiểu nó về mọi mặt, từ tâm tính đến thân thể, thậm chí còn giải phẫu xác ngựa. Ông xem ngựa như một linh vật quí phái, cao thượng, trung thành, can đảm, có lẽ hơn cả đại đa số loài người trần tục.
Ở họa phẩm “Những con ngựa cái và ngựa con”, ta thấy rõ cảm tình ưu ái của Stubbs dành cho loài ngựa như thế nào. Gương mặt, ánh mắt của mỗi con ngựa đều toát ra một tình cảm, một cá tính riêng, y như người. Ông còn tỏ ra lo lắng cho số phận, đời sống bất ổn của những con ngựa hoang trong chốn sơn lâm hoang dã, như ta thấy ở họa phẩm “Ngựa gặp Sư tử”. Ông biểu hiện tâm trạng khủng hoảng như thấy con ngựa trong cơn ác mộng kinh hoàng.
GOYA
Họa sĩ Tây Ban Nha vĩ đại nhất trong thế kỷ 18 là Francisco Goga. Sau khi Anton Mengs, người Đức, mở ra ảnh hưởng đáng kể về trường phái Tân cổ điển, Goya đã nỗ lực phát huy một phong cách Tây Ban Nha đặc thù cho xứ sở.
Anton Raphael Mengs (1728-1779) là người sáng lập trường phái Tân cổ điển, liên kết với Winckelman và còn là người rất có ý nghĩa đến ngày nay, đặc biệt có ảnh hưởng lớn về chân dung họa. Dưới triều vua Charles III ở Tây Ban Nha, ông giữ vị trí rất quan trọng. Nhà vua là người gắn bó với ngành khảo cổ học và là nhà cải cách xã hội, lại ưa thích giá trị con người nghiêm cẩn, rất phục bức “Chân dung tự họa của Mengs”. Sau này, Mengs mời Goya đến Madrid (năm 1771) để làm việc.
NHÂN TÀI CỦA TÂY BAN NHA
Ảnh hưởng của Mengs lộ rõ trong các họa phẩm đầu tiên của Francisco Goya (1746-1828), đặc biệt trong các bức chân dung. Hơn nữa, Goya là một họa sĩ ngoại lệ và ông hoạt động suốt 60 năm, trải qua nhiều giai đoạn biến đổi, hoàn thiện phong cách mới cho đến giữa thập niên 1820. Tác phẩm nào của ông cũng lộ ra tài năng xuất chúng. Theo dòng lịch sử, con người ông có tầm nhìn sâu rộng, nay được xếp vào hàng tiên phong của trường phái Lãng mạn (Romantic). Nghệ thuật của ông hòa điệu với xu thế Baroque, hòa quyện giữa hình thức cổ điển và cách diễn đạt cảm xúc cá nhân. Ông tuyên dương, noi gương các tiền bối như Velázquez, Rembrandt, theo trường phái Tự nhiên hơn là Tân cổ điển.
Goya thủ đắc hai năng khiếu xuất chúng. Ông như có thần nhãn, soi thấu nội tâm người mẫu và đem nét đặc thù từ đó, diễn ra qua tài ba của mình, năng khiếu này nằm trong một từ: “Thận trọng”. Đã vậy, ông còn kết hợp ý thức trang trí tuyệt hảo, khi ông lột tả bức chân dung của “Nữ hầu tước Pontejos”. Họa phẩm này của ông đạt đến cái đẹp tuyệt đỉnh. Ông Có tài điều khiển các nhân vật xuất hiện trong tranh..
BỨC CHÂN DUNG THAM VỌNG
Bức chân dung “Gia đình vua Charles VI”, là một bức vẽ cả gia đình vương gia Bourbon, trông họ quá cao sang, quá xa cách đám thường dân, lại lột tả tính tình, cảm xúc, thái độ của họ phù phiếm, khoa trương. Dù vậy, sau đó ông vua này vẫn bảo trợ họa sĩ Goya suốt đời. Bức họa này, khiến người xem muốn nín thở, trố mắt ra mà xem cảnh tượng “độc ác”, kèm theo nét tuyệt đỉnh được bàn tay họa sĩ thể hiện. Ông vẽ cả nhà dàn hàng, đứng đuôn như gỗ, vẻ mặt ai nấy nặng nề, đời dẫn và tự mãn. Tất cả đứng dồn vào nhau, chẳng thanh lịch tí nào. Chúng ta ngắm nghía họ, nghĩ mà thương cho dân nghèo, chán cho ông vua ngốc nghếch, còn bà hoàng thì độc ác ra mặt, lại không tránh khỏi tiếng thở dài vì vẻ dốt nát của đám con cái kế thừa vương nghiệp sau này. Nhìn kỹ, trang phục lụa là, nữ trang lấp lánh, đã được ông tả thật điêu luyện, tinh tế và hấp dẫn đến cùng.
Trong mỗi bức chân dung, Goya đều “bắt đúng mạch cho người mẫu, rồi dùng thủ pháp, chất lượng trang trí để lột tả, gây ấn tượng mạnh nhất. Khi ta ngắm bức “Thérèse Louise de Sureda”, thì mắt ta bị cái ghế sang trọng thu hút, liên tục phản ảnh bóng sắc bộ áo và lưng ghế, một là sắc áo xanh đen bóng, chiếu ra tia xanh lá cây.
Dù bị sức quyến rũ chúng ta vẫn nhìn nhận điều đó ở người làm mẫu. Dona Teresa là vợ bạn Goya (cũng là họa sĩ) và là bạn rượu với nhau. Nàng còn là “bạn” đúng nghĩa của chàng. Nàng có thân hình tròn trịa, chắc nịch và đầy nữ tính, nhưng tính hay nóng giận. Nàng không thuộc loại phụ nữ dễ phục tùng, khi làm mẫu nàng chiếu ra ánh mắt ngay thẳng nhìn họa sĩ. Đầu tóc nàng thật chải chuốt, nhưng không chờ vòng tay ôm ấp của người tình. Đây thật là một mẫu người vừa hấp dẫn, lại vừa khó thân mật.
Goya kiếm sống nhờ làm việc với triều đình nên chính kiến không rõ ràng trong khi bản chất ông là người chán ghét chính quyền độc tài. Nghệ thuật của ông luôn tỏ ra sự độc lập tiềm tàng, điều này thể hiện thật rõ nét trong các bức vẽ những người yêu nước, bị quân đội xâm lược, xử bắn hàng loạt sau cuộc tổng khởi nghĩa chống Pháp năm 1808. Bức “Ngày 3-5-1808”, được vẽ sau 6 năm, sau biến cố kể trên. Đây chỉ là một phần trong số đề tài yêu nước.
Ông còn lên án sự đối xử độc ác công khai của chế độ độc tài Tây Ban Nha, thể hiện khi họ hay dùng súng đạn, thay vì lòng nhân từ giữa người với người. Nạn nhân, bao giờ cũng là lớp dân nghèo, không được che chở. Trong tranh, ông khéo bày tỏ cảm xúc: “mọi người, vừa là kẻ hành hình, vừa là kẻ “bị” hành hình”. Tác phẩm của ông nói lên cái Thiện và cái Ác lẫn lộn, mà ai trong chúng ta cũng đều có lúc lộ ra bằng cách này hay cách khác. Ông cực tả cái “sợ”, nỗi đau đớn và mất mát ở một mặt, và mặt khác, ông đặt câu hỏi: đâu là số phận đáng thương hơn? Ai là người đã thực sự bị hủy hoại hồn xác? Quân xâm lược Pháp, hay từng cá thể người Tây Ban Nha? Đằng sau ngọn đồi chết chóc được chiếu sáng, trong khi tiểu đội hành quyết đứng nhắm bắn trong bóng tối kinh hoàng. Xa xa, là thành phố đứng im trong cơn khủng bố.
Bức họa này thật u ám. Còn những bức vẽ cuối đời, khi ông cùng sống với bệnh tật, già lão, lại chịu thêm bệnh điếc đặc, cô đơn, và lo sợ thì tranh ông càng não nề, nổibật khía cạnh chua chát. Ông khéo vận dụng bao nỗi lo sợ, tạo ra hình ảnh tưởng tượng đen tối nhất của thân phận con người. Các tác phẩm cuối đời Goya, có một “ma lực lành mạnh ẩn trong sự điên rồ, tựa như mọi ý tranh chấp nhau đã lắng xuống khiến người xem tranh hụt hẫng, rớt xuống vực thắm khôn cùng
Bức “Ông khổng lồ” còn có tên nữa là “Panic”. Goya về loài người dồn nhau chạy như một bầy kiến tán loạn tương tự như đám người sợ cuộc chiến hủy diệt đẫm máu nhất trong lịch sử Tây Ban Nha. Goya mường tượng vẽ ra cảnh sợ hãi tột cùng này, có một đoàn người rất đông, sát khí bốc lên ngút trời. Một ông khổng lồ, diệu võ dương loại, không hề đoái hoài tới lũ người chạy hoảng loạn dưới kia. Nhân sinh tồn tại, là điều chúng ta ít nghĩ tới mà đây là cảnh ta không thể tưởng tượng nổi, cứ cho rằng chỉ trong cơn mộng mới có.
Vẽ ra bức họa, cảnh tượng sợ hãi như đụng ngay vào cảm xúc thật của ta, như thể ông đã là người sống thật trong cảnh này. Tài năng của ông, đã khiến ta tưởng rằng, đó là nơi có chúng ta, và còn gây ấn tượng mạnh hơn điều ta có thể nhận thức như thế. Ông khổng lồ đang nhìn ra xa, không hề chú ý tới đám người hoảng loạn, nhỏ nhất bên dưới. Liệu ông có che chở cho dân chúng (Tây Ban Nha) chống lại đạo quân hùng hổ, đang tàn phá đất nước họ không?
Trong tâm tưởng của Goya, có điều gì như giận dữ, như hoang dại mà nó cũng có trong lòng, cũng ấm ức trong ta. Nó chẳng khác nào sự căm ghét vô lý, hiển hiện trong phong trào thi ca Lãng mạn (Romantics) tiêu biểu như thi hào Shelley, Byron hay các bậc thầy soạn nhạc như Schumann, lúc đó đang nổi lên danh họa phái Tân cổ điển ở Pháp Jaques-Louis David.