Điểu gì đọng lại sau khi một người xem xong một bức ảnh ? Đó có thể là những câu hỏi đặt ra về đối tượng chính là gì ? Bức ảnh muốn diễn tả gì, ấn tượng nó gây ra mạnh như thế nào, ánh sáng ảo diệu ra sao hay bố cục nó thú vị nhường nào, …. Tuy nhiên đối với mình, nhiếp ảnh sẽ không mang mấy giá trị nếu nó không tạo ra được cảm xúc đọng lại cho người xem, đặc biệt là trong ảnh life-style.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, khi con người ngày càng kết nối mạnh và liên tục hơn, có vẻ như mọi cảm xúc hay thông tin truyền tải đều nhanh và nhiều hơn. Nghịch lý là lượng thông tin càng nhiều thì nó trượt đi cũng càng nhanh. Một xã hội hiện đại nhưng con người ngày càng mất đi các mối liên kết của mình. Trên hết, con người ngày càng trở nên hời hợt hơn trong chính cảm xúc của mình, nhiều khi trở thành vô cảm.
Với các thể loại nhiếp ảnh khác như báo chí, đường phố, phong cảnh….. việc bắt các khoảnh khắc thường mang lại cảm xúc rất thật cho người xem. Vậy trong ảnh sản phẩm, ảnh quảng cáo, điều gì sẽ giúp mang lại cảm xúc cho người xem ? Điều gì thực sự làm người xem thực sự thư thái, an yên và xúc động khi xem một bức ảnh quảng cáo ?
Đó chính là cảm xúc.
Vậy cảm xúc trong ảnh life-style được tạo ra như thế nào ? Đối với mình, cảm xúc đó tới từ
1. Tone mood màu sắc của bức ảnh
Trong tất cả các yếu tố của một bức ảnh, điều đầu tiên mà người xem cảm nhận được đó chính là màu sắc. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngay kể cả khi chúng ta chưa nhận biết được đối tượng chụp là gì thì màu sắc đã tác động ngay tới thị giác của chúng ta.
Một bức ảnh có tone màu nền nã, hài hòa sẽ ngay lập tức tạo ra hiệu ứng thị giác mạnh, giúp kéo người xem ở lại với bức ảnh. Những bức ảnh có sự hỗn loạn về màu sắc sẽ làm người xem bối rối, thậm chí gây căng thẳng vì não bộ của người xem không thể bắt được đối tượng chính cũng như cảm xúc muốn tạo ra là gì.
Như vậy, trong nhiếp ảnh quảng cáo, Phối màu bao giờ cũng là bước đầu tiên trong bất kì dự án nào. Nó đi trước hết thảy props, layout, bố cục, ánh sáng……. Điều đầu tiên trước khi vào chụp bạn cần hỏi: Cảm xúc bạn muốn tạo ra tương ứng với tone mood màu sắc nào ?
2. Câu chuyện mà người xem thấy mình ở trong đó
Marketing đã chứng minh rằng chúng ta thích một thứ gì đó là bản thân chúng ta tìm thấy mình trong đó. Vì vậy việc nghiên cứu về khách hàng đã trở thành một ngành kinh doanh nền tảng cho bất kì ai muốn kinh doanh, buôn bán, marketing hoặc đơn giản chỉ là muốn nâng cao kĩ năng giao tiếp trong xã hội.
Đặt trường hợp, bạn lớn lên từ những căn bếp ở các vùng nông thôn, tuổi thơ của bạn gắn với lũ trẻ ngoài đồng, câu cá, câu tôm, trèo cây hái quả…để rồi mỗi buổi cơm chiều về nhà là ào vào bếp “ăn vụng” vài thứ quà bánh của bà, của mẹ. Sau này lên thành phố, bất chợt bạn gặp một hình ảnh món ăn được tái hiện lại trong bối cảnh căn bếp thân quen đó, mó sẽ đánh động rất mạnh vào cảm xúc của bạn.
Với một đứa trẻ lớn lên từ nhỏ trong thành phố, căn bếp ở quê đó sẽ trở nên hoàn toàn xa lạ, và tất nhiên nó chẳng gợi ra chút cảm xúc nào. Vì vậy, bối cảnh chụp sẽ liên quan trực tiếp tới khách hàng, người xem của bạn là ai. Trong customer insight, đó được gọi là vẽ ra được Chân dung khách hàng.
3. Thời tiết
Nghe có vẻ hơi kì quặc nhưng con người được tác động rất lớn bởi thời tiết. Vào một ngày mưa, nếu bạn chụp ảnh rồi đăng lên những tấm ảnh moody thì lượng tương tác sẽ tăng rất mạnh.
Cũng như vậy, vào những ngày nắng nóng, những khung cảnh sảng khoái, mát mẻ bao giờ cũng sẽ hút like hơn các tấm ảnh ấm áp. Thể loại ảnh này còn được đặt hẳn một cái tên “Weatherlike Photography”, nó nhấn mạnh tới yếu tố thời tiết ảnh hưởng tới tâm trạng và cảm xúc của người xem.
4. Chuyển động
Mặc định, trong ảnh quảng cáo, sản phẩm hay đồ ăn nói riêng và nhiếp ảnh nói chung thì sự nhòe mờ của chuyển động được coi là ảnh lỗi, là cầm máy không chắc nên bị rung tay, ảnh không rõ ràng.
Tuy nhiên, nếu biết tận dụng nó một cách khéo léo, chuyển động có thể mang tới nhiều cảm xúc hơn các bức ảnh mà chuyển động được bắt cứng một cách hơi khô khan. Trong cái sự mờ nhòe đó, nhiều tưởng tượng được gợi lên, làm bức ảnh trở nên thu hút hơn. Ý mình ở đây là mờ nhòe có chủ đích chứ ko phải ngẫu nhiên ro rung tay, rung máy.
Như vậy trong ảnh life-style, yếu tố được đặt lên hàng đầu theo mình nên là cảm xúc. Ảnh life-style là ảnh thể hiện lối sống, lối sống gắn liền với con người và cũng chỉ có con người mới cảm nhận được những gì mà họ tìm thấy bản thân mình trong đó.
—
Bản quyền bài viết thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng Cáo Chimkudo
Mọi trích dẫn cần kèm link tới bài viết gốc này