Khi mà quy trình để tạo ra một bức ảnh vừa mắt không còn khó khăn như trước, không còn cần phải dùng đến những phòng tối với những thiết bị và hóa chất phức tạp thì cũng ngày càng có nhiều người tham gia vào lĩnh vực nhiếp ảnh bằng cách mở các studio chụp ảnh tại nhà hoặc thuê địa điểm riêng. Do tính cạnh tranh của thị trường ngày càng cao, nó yêu cầu mỗi nhiếp ảnh gia phải nỗ lực hơn để thu hút sự chú ý từ khách hàng, và từ đó người ta đặt ra câu hỏi là làm thế nào để thúc đẩy sự nghiệp chụp ảnh trên một thị trường đang dần bão hòa. Một mặt, tôi thấy có rất nhiều nhiếp ảnh gia khăng khăng rằng phải khẳng định bản thân, đánh bóng tên tuổi thì mới có thể mở rộng được mạng lưới khách hàng. Mặt khác, tôi cũng nhận được rất nhiều lời mời đến những sự kiện giao lưu của giới nhiếp ảnh để mọi người cùng làm quen và mở rộng quan hệ với mục đích phát triển công ty của họ.
Hai việc trên thực ra có cùng là một? Có nhiều người cũng không xác định được việc gì đạt được cả hai tiêu chí trên, và chính bản thân tôi nhiều khi cũng không nắm bắt được hết những thông tin đến tai. Tôi cũng không tự nhận là chuyên gia tư vấn phát triển sự nghiệp cho nhiếp ảnh gia, nhưng lại rất hay được hỏi rằng tôi đã làm thế nào để đưa đam mê chụp ảnh thành một chiếc “cần câu cơm”. Chắc họ hỏi vì tôi đã trong nghề 20 năm, nhưng điều đó cũng chỉ giúp tôi có một cái nhìn ở góc độ cá nhân, và hôm nay tôi sẽ đem đến cho người đọc góc nhìn cá nhân từ kinh nghiệm của tôi trong việc mở studio chụp ảnh đầu tiên của mình.
Tôi thấy việc đánh bóng bản thân với networking cũng giống như việc quảng cáo với marketing. Cũng như quảng cáo, self-promo là trèo lên một đỉnh núi thật cao và gào lên với thế giới là tôi giỏi như thế nào. Sự tài giỏi đó sẽ thường được khẳng định bằng một bằng chứng thật đắt giá để thiên hạ thực sự trầm trồ và tin vào khả năng của bạn. Nhưng ở ngọn núi cao nào cũng vậy, tiếng hét của bạn có thể sẽ không đến tai những người cần nghe. Giống như trong advertising, bạn trưng bày sản phẩm của tôi lên với hi vọng rằng ai đó sẽ quan tâm đến nó, và có khả năng cao là nhiêu người cũng đang làm điều tương tự.
Mở rộng quan hệ, tương tự như marketing, đòi hỏi phải có sự lắng nghe người khác nhiều hơn là hét vào tai họ. Tôi thường bắt đầu networking bằng cách xác định những nhà xuất bản, những công ty hay những cá nhân mà sẽ có khả năng cần đến dịch vụ nhiếp ảnh chuyên nghiệp trước. Sau đó tôi sẽ dò hỏi về những nhu cầu trước đây của họ để từ đó dẫn dắt câu chuyện đến những nhu cầu hiện tại của họ. Nếu nói chuyện hợp gu, tôi sẽ lấy cơ hội đó để chứng minh cho những khách hàng tiềm năng này thấy tôi có thể giúp họ như thế nào.
MỞ STUDIO CHỤP ẢNH: CHỌN NETWORKING HAY TỰ ĐÁNH BÓNG BẢN THÂN ?
Từ trải nghiệm cá nhân thì tôi thấy việc có quan hệ tốt đem lại hiệu quả cao hơn việc phô trương khả năng của bản thân. Hầu hết những job tôi có được là nhờ giữ liên lạc với những khách hàng trước, hỏi thăm những người tôi từng làm việc cùng mỗi khi họ có job mới và lắng nghe những câu chuyện nghề nghiệp của những stylist, thợ trang điểm hay cả những người mẫu. Bằng cách xây dựng được một mạng lưới rộng, tôi đã nhận được phần lớn những dự án đã tham gia trong 20 năm qua.
Mạng lưới của tôi có hai nhánh khác nhau, gần như là một sơ đồ miêu tả lại toàn bộ quá trình sự nghiệp nhiếp ảnh của tôi. Một nhánh bắt đầu chỉ với số điện thoại của tôi ghi trên một cuốn danh bạ lật để bàn kiểu cũ (Rolodex) ở một công ty xuất bản nơi mà các art director sẽ đến để tìm nhiếp ảnh gia cho sự kiện của họ. Làm việc ăn ý với một art director và họ tiếp tục thuê tôi cho những lần chụp sau cũng như giới thiệu tôi cho những người bạn của họ. Khi art director đó xin nghỉ phép để sinh con, tôi lại được gặp một director mới và tham gia cùng cô ấy làm việc cho một tạp chí khác và từ đó lại gặp thêm những cơ hội mới. Mạng lưới cứ như vậy mở rộng hơn.
Nhánh còn lại trên mạng lưới của tôi phức tạp hơn một chút, nhưng tôi vẫn kết nối được mọi diễn biến, từ những ngày tháng vẻ vang làm thực tập hè ở National Geographic Society, Washington D.C, cho đến tận bây giờ. Sau quá trình thực tập, tôi không chỉ thu thập được nhiều thông tin hết sức đáng giá mà còn được một nhiếp ảnh gia studio kỳ cựu gửi đến làm việc cho một người ở New York. Tôi làm công việc hỗ trợ ở studio của người đó một năm, một stylist ở studio lại giới thiệu tôi làm cho một nhiếp ảnh gia khác đang làm việc cho một tạp chí. Ở tòa soạn đó, tôi không chỉ học hỏi được rất nhiều về quy trình biên tập và được giao assignment đầu tiên, tôi lại còn làm quen với một trợ lý biên tập. Người này sau đó lại làm biên tập viên chính cho một tòa soạn khác và câu chuyện cứ thế mà tiếp diễn.
Tôi cũng không ngờ rằng con đường của tôi từ lúc mở studio chụ ảnh của riêng mình lại đi theo những hướng đa dạng dựa trên những mối quan hệ khác nhau đến như vậy. Cách mở rộng quan hệ như vậy không chỉ đưa tôi đến với những khách hàng mới và những dự án mới, nó còn giúp cho tôi hiểu rõ những thế mạnh của bản thân hơn. Không phải điểm chốt nào trong “mạng lưới” của tôi cũng dẫn đến job, nhưng chúng đều là những chi tiết quan trọng trong bức tranh toàn cảnh về sự nghiệp nhiếp ảnh của tôi. Tôi cũng đã đôi lần thành công trong việc thể hiện khả năng của bản thân cho những khách hàng tiềm năng, nhưng nếu để xét lại thì tôi vẫn thấy networking có hiệu quả hơn self-promo.
Tôi mong rằng câu chuyện của tôi đã giúp bạn đọc rút ra được một điều gì đó. Nếu bạn cũng muốn bắt đầu mở một studio chụp ảnh, điều hành một công ty về nhiếp ảnh, mở rộng quan hệ nghề nghiệp và xây dựng mạng lưới của riêng bạn, thì tôi có vài lời khuyên như sau:
- Phải biết ngắm cả cao lẫn thấp. Nhiều nhiếp ảnh gia thường hay ngắm vào những công việc top đầu để lấy cảm hứng. Cũng đúng thôi, chúng ta đều nên hướng đến vị trí dẫn đầu. Khách hàng càng chuyên nghiệp và tài năng thì càng dễ làm việc hơn vì họ am hiểu về giá trị của một tấm ảnh đẹp. Một art director giỏi có thể tạo được cảm hứng cho nhiếp ảnh gia chụp tốt hơn và cũng có thể trả lương cao hơn nữa. Tuy nhiên, phân khúc càng cao thì khách hàng càng khó tính và tìm việc lại càng khó hơn, nhất là khi những khách hàng này vốn đã rất giỏi trong việc tìm thuê những người có thể chụp được những bức ảnh xuất sắc. Ngắm thấp hơn có nghĩa là tìm hiểu về những công ty hay tòa soạn chưa phát huy hết năng lực của họ và bắt tay vào giúp họ phát triển. Bạn có thể cảm thấy bản thân không kiếm được nhiều tiền cho lắm ở những giai đoạn đầu, nhưng thu hút sự chú ý của những đối tượng thấp hơn luôn dễ dàng hơn.
- Còn những người thân quen với bạn thì sao? Họ có biết người mẫu, thợ trang điểm, stylist hay bất kỳ ai mà có thể quen những người có nhu cầu tìm thợ chụp ảnh chuyên nghiệp hay không? Xin việc qua người quen bao giờ cũng dễ hơn mạnh bạo bước vào với một tập portfolio mà không báo trước. Ngay cả những khách hàng mà bạn đang phục vụ cũng có thể đưa bạn đến những công việc song song hoặc thậm chí là mới hoàn toàn. Và cũng đừng bỏ qua những người trợ lý hay học việc vì biết đâu trong tương lai họ sẽ trở thành những người đạo diễn có thể làm việc cùng bạn trong những dự án lớn.
- Một job hoặc một khách hàng sẽ không quyết định toàn bộ sự nghiệp của bạn. Công việc hiện tại của bạn không nhất thiết xác định hướng đi cho con đường sự nghiệp của bạn. Có thể đây là điểm mạnh của tôi, hoặc có thể hoàn toàn là sự may mắn, nhưng mỗi job tôi nhận( dù có lệch với mục tiêu tôi đặt ra) vẫn luôn giúp tôi từng bước đẩy sự nghiệp lên cao hơn. Nhất là khi mới bắt đầu, có việc đã là tốt rồi. Giải quyết những vấn đề nan giải và đưa ra những bức ảnh đẹp cho khách không chỉ đem lại nguồn thu nhập mà còn giúp bạn tích lũy thêm kinh nghiệm. Có nhiều lần tôi đã chụp những bộ ảnh khác xa với những bộ trong portfolio, nhưng việc hài lòng những khách hàng đó vẫn giúp cho tôi có tiếng vang để nhận được những công việc thực sự mong muốn sau này.
Không nói đến những nhiếp ảnh gia quan hệ rất rộng (như Brooklyn Beckham) hoặc là những người vô cùng may mắn, thì việc tự đánh bóng tên tuổi sẽ là một sự thật hiển nhiên với hầu hết mọi thợ chụp ảnh. Việc trưng bày bản thân có thể tán rộng nhưng không đem lại hiệu quả cao, hơn nữa số lượng khách hàng có nhu cầu chụp thường xuyên chiếm tỷ lệ rất thấp. Tất nhiên bạn luôn có thể quảng cáo tập trung hơn. Nhiều nhiếp ảnh gia thương mại hay đặt tên vào những cuốn danh bạ chuyên ngành như The Workbook, LeBook, Production Paradise để kết nối với khách hàng tiềm năng. Tương tự, nhiếp ảnh gia đám cưới có thể tự quảng bá trên The Knot, điểm đến tìm thợ ảnh của những cặp đôi sắp cưới. Nhưng bạn cũng không thể bắt người ta liên hệ với bạn được nếu họ không thích phong cách của bạn hoặc đã thuê người khác.
Một cách khác để đưa portfolio của bạn đến với những người quan trọng là làm nghiên cứu. Tích trữ một kho dữ liệu về những khách hàng tiềm năng và trực tiếp liên lạc với từng người có thể sẽ hiệu quả hơn là tập trung quảng cáo cho một đối tượng. Bikinilists và Agency Access là hai công ty chuyên cung cấp thông tin về những agency, nhà xuất bản và doanh nghiệp; nhưng dịch vụ của họ có tính phí. Tôi dùng Agency Access để tra cứu về những đối tượng quảng cáo tiềm năng rồi sau đó lập một danh sách mail dựa trên những gì tôi tìm được. Ngoài ra Agency Access cũng có tính năng lập mailing list theo nguồn dữ liệu của họ vô cùng tiện lợi. Constant Contact thì có dịch vụ quảng cáo đến những đối tượng rộng hơn. Ngoài ra cũng có rất nhiều trang blog hay như No Plastic Sleeves cho một góc nhìn thú vị của một designer tài năng, hay A Photo Editor nơi một biên tập viên ảnh tạp chí hay chia sẻ những portfolio thú vị mà họ nhận được.
Không có công thức rõ ràng để có được một chỗ đứng vững chãi trong ngành nhiếp ảnh. Nhưng tôi mong rằng những lời khuyên và gợi ý của tôi phần nào giúp đỡ bạn đọc trong quá trình xây dựng sự nghiệp.
Credit
—
Bài viết gốc của Dan Howell trên fstoppers.com
Dịch và chú giải bởi Chimkudo Academy. Không trích dẫn khi chưa được phép.
1 Comment
Pingback: Nguồn sáng trực tiếp hay gián tiếp ? - Q&A Hỏi Đáp | Thư viện nhiếp ảnh sản phẩm, quảng cáo Chimkudo