Câu hỏi này có vẻ sẽ là hơi ngô nghê với những người đã có kinh nghiệm trong chụp ảnh nhưng đây cũng là câu hỏi phổ biến cho những ai đến với lĩnh vực chụp ảnh sản phẩm nói riêng. Có nhiều câu trả lời nhưng nói chung thì có 2 câu trả lời phổ biến, 2 câu này trái ngược nhau nhưng việc đúng hay sai thì tùy vào góc nhìn và tính chất của người chụp hơn là có một câu trả lời chung cho tất cả.
– Máy ảnh không quan trọng, một bức ảnh đẹp là nhờ vào người chụp là chính: Ok, cái này cũng đúng, cho một người không biết gì cầm máy ảnh thì máy ảnh tốt tới đâu cũng không có ý nghĩa lắm. Với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, ngay cả khi trong tay họ chỉ có một chiếc máy ảnh điện thoại 1M thì họ cũng có thể cho ra những bức ảnh nhìn được.
– Máy càng xịn, chụp càng đẹp: Không phủ nhận việc sở hữu các máy ảnh kĩ thuật số tiên tiến cho phép chúng ta tùy biến nhiều hơn một cách tiện dụng và dễ dàng hơn. Tuy nhiên hiểu và sử dụng các tùy biến này để đạt được hiệu quả mong muốn thì không phải ai cũng làm được.
Vì thế, đại khái chúng ta có thể tóm tắt như sau:
– Máy bình thường + người dùng có kinh nghiệm: Ảnh đẹp trở lên
– Máy bình thường + người dùng bình thường: Ảnh đạt mức cơ bản trở lên
– Máy xịn + người dùng có kinh nghiệm: Ảnh chất lượng rất cao
– Máy xin + người dùng bình thường: Ảnh đạt mức cơ bản trở lên.
Sự khác nhau giữa người chụp ảnh chuyên nghiệp và nghiệp dư, ham vui là ở chỗ chất lượng ảnh của người chuyên nghiệp thường khá đều và đẹp trong khi số còn lại cũng sẽ có các bức ảnh đẹp nhưng một cách ngẫu nhiên. Người chuyên nghiệp sẽ biết và hiểu cách làm sao để tạo ra hay chờ đợi bối cảnh mà họ mong muốn hơn là chụp một cách “ăn may”. Hơn nữa, trước khi chụp, các nhiếp ảnh gia đều có ý tưởng, hàm ý, mục đích mà họ muốn truyền tải trong bức ảnh. Đó là cũng Liên Kết Ảnh khi họ chọn lọc để tạo thành 1 bộ sưu tập hay album. Đó là lý do tại sao khi xem một bộ ảnh của các nhiếp ảnh gia, chúng ta đều cảm nhận thấy một nội dung chung và thống nhất.
Quay trở lại với nhiếp ảnh sản phẩm, cái gì là nhân tố quan trọng để chọn một chiếc máy ảnh, tốt cho thể loại này ? Mình liệt kê theo các tiêu chí mà mình thấy cần thiết cho một chiếc máy ảnh chụp sản phẩm. Mình cũng loại trừ các máy ảnh dòng Medium Format vì chắc ít người quan tâm và không phổ biến (mặc dù giá cao nhưng nó cho chất lượng ảnh xuất sắc)
– Độ phân giải: Cái này cũng tùy vào nhu cầu nhưng nói chung càng cao thì càng tốt, bây giờ hầu hết các máy ảnh đều đủ cho nhu cầu, nên thì lớn hơn 10M.
– Manual, A(Av), S(Tv) mode: Hầu hết ảnh sản phẩm chụp ở M mode vì ánh sáng và điều kiện đã ổn định.
– Điểm lấy nét: Càng nhiều thì càng tốt, sẽ rất hữu dụng trong chụp focus stacking
– ISO: Cái này phụ thuộc vào chất lượng và kích cỡ của sensor. Sensor càng nhỏ thì noise càng nhiều, các máy full frame sẽ cho chất lượng ảnh và noise tốt hơn là các máy crop.
Còn về ống kính, với các loại sản phẩm và mục đích khác nhau thì sẽ chọn các ống kính khác nhau. Hữu dụng nhất trong chụp ảnh sản phẩm thì là các lens macro tiêu cự quanh 100mm, tuy nhiên nên có thêm các lens rộng hơn như 50 cho các không gian chụp hạn chế. Nếu không có ống kính macro thì có thể dùng các tube để tăng khả năng phóng đại của ống kính. Khả năng AF có hay không cũng không ảnh hưởng nhiều lắm vì môi trường chụp studio thường ít thay đổi.
Kết luận: Tại thời điểm này, các máy ảnh dslr hầu hết đều có khả năng trên, nếu tiết kiệm chi phí và chụp theo sở thích thì các máy Nikon d3x00, d5x00, Canon 40D, 550D….cũng đã đủ. Cao cấp hơn thì có thể Nikon D90, D7x00 D300s, D600, D800… hay các máy tương đương của Canon. Tương tự với máy của các hãng khác, miễn là đáp ứng được các nhu cầu đề cập ở trên là được. Với các máy ảnh PnS, chúng ta vẫn có thể dùng được để chụp ảnh sản phẩm nhưng tính năng sẽ hạn chế hơn, đặc biệt khi chụp các đồ vật nhỏ vì ống kính đi kèm các máy PnS không thể thay đổi được và có độ phóng đại không lớn. Chúng ta có thể crop sau khi chụp nhưng sẽ làm giảm độ nét, độ chi tiết của sản phẩm. Lens chính hãng thì nói chung là giá khá cao, nếu không có tiền đầu tư thì Tokina, Sigma, Tamron cũng là các lựa chọn rất tốt. Đặc trưng của chụp ảnh sản phẩm phụ thuộc nhiều hơn vào các công cụ để thay đổi, điều chỉnh và tao ra các ánh sáng mà chúng ta mong muốn hơn là máy ảnh.
(hết phần 2)
Nhiếp ảnh sản phẩm – Bắt đầu từ đâu ? (Phần 3) – Lighting equipment, thế nào là đủ ?
—
Bản quyền thuộc về Học viện nhiếp ảnh Quảng cáo Chimkudo Academy
Không trích dẫn khi chưa được sự đồng ý từ Chimkudo Academy
2 Comments
Pingback: Chụp Ảnh Sản Phẩm – Studio đề xuất theo túi tiền | Chimkudo.com - Chụp Ảnh Sản Phẩm
Pingback: Chụp ảnh sản phẩm - Bắt đầu từ đâu ? (Phần 1) - Sách | Học chụp ảnh - Chụp ảnh sản phẩm - Chụp ảnh doanh nghiệp - ChimkudoPro