Đôi dòng về tác giả Skip Cohen: Skip Cohen là Chủ tịch của Đại học Skip Cohen – Trường đại học ảo đầu tiên chuyên dạy về Photography. Ông là tác giả của 6 quyển sách về nhiếp ảnh bán chạy trên Amazon, từng là chủ tịch của nhà xuất bản RangeFinder và là nhà sáng lập Marketing Essentials International.
——————————————————————————————————————————–
“Nếu bạn kết thúc cuộc đời mình trong trạng thái chán nản, một cuộc sống buồn tẻ bởi vì bạn nghe theo bố, mẹ, những người thầy, cô, bạn bè hay một ai đó trên một chương trình ti vi nói với bạn rằng bạn nên đi theo hướng này, bạn phải làm như thế mới phải, những thứ mà bạn bây giờ cảm thấy bạn đã sai lầm thì bạn xứng đáng nhận lấy nó”
– Frank Zappa –
Tôi thường không thích trích dẫn từ Frank lắm nhưng mà câu này là ngoại lệ, nó đánh đúng điều mà tôi đã ấp ủ bấy lâu nay mà không diễn đạt được đủ ngắn gọn về tính cách của con người, những người mà luôn luôn tìm những lời động viên, lời khuyên từ cả tỉ người xung quanh cho mỗi quyết định của họ vì họ không chắc quyết định đó có đúng hay không. Những lời khuyên, góp ý luôn luôn là cần thiết và tích cực nhưng trong hầu hết các hoàn cảnh, tôi cá là bản thân bạn tự biết được cái gì là đúng, cái gì là sai, cái gì là nên hay không nên. Chúng ta đều như nhau, chỉ là người ít người nhiều và chính điều đó góp phần không nhỏ trong việc hình thành sự tự tin của mỗi cá nhân.
Tôi nói như vậy không có nghĩa là bỏ ngoài tai những lời khuyên, góp ý của những người mà bạn hỏi ý kiến nhưng đừng đặt tất cả mọi quyết định của bạn vào lời khuyên của họ. BẠN ĐANG SỐNG CUỘC SỐNG CỦA BẠN, KHÔNG PHẢI SỐNG CUỘC SỐNG CỦA HỌ. Cân nhắc những lời góp ý, nhận xét và quyết định bằng con tim của bạn, nếu bạn thấy đúng thì nó là đúng. Đấy mới là bạn.
Dám lựa chọn, quyết định theo trái tim thì bạn cũng phải sẵn sàng với việc chịu trách nhiệm về những gì bạn đã chọn, đừng kêu ca, đừng đổ lỗi cho bất cứ ai, bạn tin tưởng người khác, làm theo lời họ khuyên, nếu sai thì đó là do bạn, ai bảo bạn nghe theo. Tuy nhiên đây là một điều không dễ để có thể nhận ra và tôi là một ví dụ điển hình. Tôi đã từng làm việc cho các công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nhiếp ảnh như Polaroid, Hasselblad, PhotoAlley và Rangefinder trước khi tôi quyết định sẽ tự quyết định hướng đi của cuộc đời mình.
Tôi bắt đầu sự nghiệp của riêng mình với 2 lý do. Đầu tiên, tôi biết được rằng dù người khác có nói rằng tôi là một thằng ngốc, tôi không nên làm như thế vì tôi đang có sự nghiệp tốt đẹp, tương lai hứa hẹn nhưng tôi biết qua thời gian, tôi sẽ đúng. Thứ hai là tôi có những người bạn luôn luôn ủng hộ tôi kiên định và tập trung vào con đường mà tôi đã chọn, nhắc nhở tôi khi thấy tôi lạc lối và giúp đỡ tôi khi tôi gặp khó khăn. Tôi thường tham khảo ý kiến người bạn đời của mình – Sheila. Cô ấy mà mẹ, là vợ, là bạn, là nguồn động viên tinh thần và cũng là nơi tôi có thể tìm về khi thất bại mà không một lời trách cứ.
Trong nghệ thuật, không có cái gì là đúng 100% hoặc sai 100%. Cũng như vậy, không có bức ảnh nào được thích bởi tất cả mọi người hoặc ko có bức ảnh nào bị tất cả mọi người ghét. Mỗi thứ sẽ có độc giả riêng của nó, miễn rằng sản phẩm đó là thứ bạn thích, vậy nó là đẹp, nó là hình ảnh cá tính của bạn.
Với tôi, đó là tất cả những gì có thể giúp bạn thêm tự tin trong con đường và những quyết định của mình nhưng cảm được nó không phải chỉ trong một vài ngày. Tôi có một số gợi ý sau để giúp bạn thêm tự tin:
– Tìm một vài người thân quen bạn bè mà bạn nghĩ họ hiểu bạn nhất nhưng quan trọng là họ phải hiểu và ủng hộ những ước mơ của bạn.
– Tham dự các hội nghị, các buổi giao lưu offline – nơi bạn có cơ hội quan sát những tấm gương thành công, những diễn giả tài hoa, họ chính là nguồn động lực cho bạn.
– Đọc blog, magazines của những nhiếp ảnh gia, cộng đồng nhiếp ảnh mà bạn ngưỡng mộ.
– Thể hiện lòng biết ơn và trân trọng với những gì bạn học được hay được người khác truyền đạt lại. Bạn muốn được tôn trọng, hãy tôn trọng người khác trước.
– Tham dự các nhóm ảnh, các hoạt động về ảnh mang tính chuyên nghiệp, tham dự các triển lãm, tới các phòng tranh, bạn sẽ gặp được mình ở những nơi như vậy
– Tham dự các cuộc thi ảnh, lắng nghe ý kiến góp ý một cách tích cực, không bảo thủ
– Trong các cuộc hội thảo, hội nghị, dành thời gian cố gắng tiếp xúc với các diễn giả. Họ dễ nói chuyện và tiếp xúc hơn bạn nghĩ rất nhiều. Họ chính là cái mà bạn đang muốn. Bạn tin tôi đi, họ trước đây cũng như bạn mà thôi.
– Bản quyền bài dịch © thuộc về Học viện Nhiếp ảnh Thương Mại ChimkudoPro
Mọi trích dẫn phải đính kèm link gốc tới bài viết